Tuesday, September 21, 2010

KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM QUA 65 NĂM (1945-2010)

Khái lược về lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm (1945 – 2010)

Phạm Thành

Đăng bởi bvnpost on 21/09/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/09/21/khi-l%c6%b0%e1%bb%a3c-v%e1%bb%81-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-dn-t%e1%bb%99c-vi%e1%bb%87t-nam-qua-65-nam-1945-2010/

.

Tính từ năm 1945 đến nay, ĐCS Việt Nam đã giữ trọn quyền lãnh đạo nhân dân Việt Nam suốt 65 năm và cũng trải qua 10 lần đại hội để kiểm điểm và hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, từ Dân chủ cộng hòa đến Xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, để khẳng định công, tội (thành tích và khuyết điểm) như thế nào, sẽ có những sử gia ghi chép và công bố, như ta đã thấy. Riêng tôi, một công dân, năm nay cũng đã gần 60 tuổi, chưa từng rời Việt Nam một giờ, chưa từng xa Việt Nam nửa bước, cũng có một cách ghi chép sử dân tộc của riêng mình. Nhân Đảng CS Việt Nam kêu gọi người dân đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ XI, tôi xin có một tổng kết dâng lên Đảng CS Việt Nam về lịch sử “tiến lên” của dân tộc Việt Nam qua 65 năm dưới sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của Đảng CS Việt Nam. Rất mong được những người chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng CS Việt Nam lần thứ XI xem xét, tiếp nhận, nhằm bổ khuyết vào đường lối cách mạng không ngừng của Đảng CSVN.

*

*

Sở dĩ dân ta theo Đảng CS Việt Nam trong 65 năm qua, tựu trung lại, là vì dân ta tin:

- Đảng CS Việt Nam sẽ đem về độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam. Nghĩa là, nước Việt Nam phải là của người Việt Nam, người Việt Nam tự quyết định cho người Việt Nam làm gì, làm như thế nào, không phụ thuộc vào ngoại bang, hay một thế lực nào đó.

- Đảng CS Việt Nam sẽ đem lại cho nhân dân Việt Nam một cuộc sống về cơm ăn, áo mặc, về học hành, về tự do, về dân chủ “triệu lần hơn” chế độ tư bản.

Những nội dung này đã được Đảng CS Việt Nam tuyên truyền qua sách báo, qua hệ thống giáo dục đào tạo, qua hệ thông thông tin đại chúng, qua các văn bản nghị quyết, qua các diễn văn mừng các ngày kỷ niệm, qua các báo cáo chính trị công khai và đã ngấm sâu vào tim óc của hầu hết nhân dân Việt Nam. Chính từ đó mà nhân dân Việt Nam sống và làm việc ở bất kỳ đâu cũng “nghe theo Đảng, Bác; làm theo Đảng, Bác” để mong sớm có ngày được hưởng những thành quả trên. Có thể nói, đó là những ước mơ chính đáng, mang tính thời đại của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và được Đảng CS Việt Nam ‘Việt Nam hoá’ bằng cái tên: Thời đại Hồ Chí Minh. Có thể khái quát nội dung chính của những giấc mơ Việt Nam mang tên Thời đại Hồ Chí Minh như sau:

1. Mơ về một ngày độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

2. Mơ về một ngày người cày có ruộng.

3. Mơ về một ngày xã hội không còn người bóc lột người; ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành.

4. Mơ về một ngày dân giàu, nước mạnh, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.

5. Mơ về một ngày tự do, dân chủ, chính quyền của dân, do dân, vì dân, không bịt mồm dân.

Trong những giấc mơ mang tên Việt Nam này, có gì đạt được và chưa đạt được?

- Con đường xã hội Xã hội chủ nghĩa Đảng CSVN đã chọn cho dân tộc Việt Nam tiến lên, liệu nó đã bén rễ, xanh cây hay đang bật gốc, trốc rễ?

- Con đường “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng CS Việt Nam đã chọn cho dân tộc Việt Nam tiến lên hôm nay, có là con đường đúng đắn hay là nguyên nhân của sáu mầm mống tiêu cực, tham nhũng và rối loạn xã hội?

.

Có thể chi tiết từng “mục” trên bằng cách chép sử khái lược như sau:

.

1. MƠ VỀ MỘT NGÀY ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, những người CS Việt Nam đưa ra đường lối: Đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Đó là đường lối đã đánh trúng con tim mang truyền thống nồng nàn yêu nước, mong muốn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của cả 20 triệu người Việt Nam, bất chấp họ ở tôn giáo, đảng phái nào, và vì vậy, chỉ chờ cơ hội là người Việt Nam vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến.

Năm 1945, khi Phát xít Đức-Ý-Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân cơ hội này, các lực lượng yêu nước đã tập hợp nhân dân vùng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, và hình thành một nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á với một chính quyền có nhiều đảng phái tham gia.

Lãnh tụ của ĐCS Việt Nam, Hồ Chí Minh, thay mặt quốc dân đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới. Trong tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch khẳng định: Nước Việt Nam đã là một nước độc lập. Nhưng, chỉ ít tháng sau, người Pháp lại gây hấn và rắp tâm một lần nữa đặt ách đô hộ thực dân lên 20 triệu người Việt Nam. Người CS Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã quyết lấy chủ nghĩa Mác-Lenin làm kim chỉ nam cho việc kháng chiến, kiến quốc, nên các lực lượng không cộng sản, hoặc là bỏ chạy, hoặc là bị thủ tiêu, Quốc hội đa nguyên tan rã, chỉ còn lại những người Cộng sản và thân Cộng sản nắm giữ chính quyền.

Kể từ đó, nước ta đã là một nước độc lập và là một thành viên trong hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa. Do điều kiện lịch sử, chúng ta đã tự nguyện trở thành người lính xung kích trên tuyến đầu chống Pháp xâm lược trở lại (mất 9 năm) và chống lại cả một hệ thống các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ (mất 20 năm). Sau đánh Mỹ, chúng ta lại chống Tàu xâm lược và tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer đỏ ở nước Campuchia.

Bao nhiêu của cải và xương máu của mấy triệu người Việt Nam chúng ta đã đổ xuống, những tưởng giành được độc lập hoàn toàn. Nhưng đến nay, liệu dân tộc Việt Nam đã có độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ? Theo tôi là chưa. Vì biển Đông của Việt Nam còn bị Tàu xâm chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Dân ta đi đánh cá mưu sinh trên biển của ta mà vẫn bị người nước ngoài bắt giữ. Đảng ta họp hành, bàn bạc nhân sự lãnh đạo, y như rằng, anh bạn 16 chữ vàng lại mò sang chỉ đạo, cứ như Việt Nam là một tỉnh, một huyện của Tàu vậy. Hơn nữa, trước đây, khi ta còn đang đánh Pháp, đánh Mỹ muôn vàn khó khăn mà ta vẫn mạnh mẽ vạch trần mưu mô xâm lấn lãnh thổ, mưu mô tội ác của bất kỳ thế lực nào, nay dân ta bị bắt, bị giết mà ta chỉ “khẽ khàng” tuyên bố vài câu cho có lệ, không nêu được hồn cốt của việc dân mình bị giết, lãnh thổ bị xâm chiếm để tỏ rõ chí khí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Hồ Chí Minh) của dân tộc ta. Một chính quyền đại diện cho dân, đối với việc trọng của đất nước mà chỉ có “vài lời” về chủ quyền qua những tuyên bố “nhẹ như lông hồng” như vậy, lấy đâu ra độc lập? Hơn nữa, “kẻ thù truyền kiếp” ngày ngày vu cáo và sỉ nhục dân tộc ta những câu: “Việt Nam là một quốc gia lòng lang dạ sói”, là “đất nước tiểu nhân, bỉ ổi, không biết xấu hổ”, “phải giết bọn xâm lược Việt Nam để làm vật tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa (sát Việt khẩu vị Nam Sa chi chiến tế kỳ). Thế mà, tất cả người Việt từ trên xuống dưới, từ trên 60 cơ quan truyền thông phát thanh – truyền hình, hơn 700 tờ báo đều cứ như bồ thóc. Cứ như láng giềng có quyền được lăng nhục dân tộc mình, còn mình chỉ được quyển chịu lăng nhục, chỉ được “quyền” ca ngợi “anh em tốt, láng giềng hữu nghị, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai”. Không những thế, có đồng chí lãnh đạo nước ta – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng – còn sang tận nước có chính quyền bắt, giết dân ta để họp báo (ngày 10.4.2007 tại Bắc Kinh) và tuyên bố: “Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này”. Và còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, hễ cứ đợi khi dân ta bị Tàu đánh, cướp tài sản, giam giữ thì lại lên gân khẳng định “quan hệ Trung-Việt là quan hệ láng giềng hữu nghị; là anh em tốt đồng chí tốt”. Khen và nịnh kẻ giết đồng bào mình là kẻ tốt nhất, độc lập dân tộc nên hiểu thế nào đây, nếu không nói là chưa có?

.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Qua 65 năm Đảng CS Việt Nam lãnh đạo toàn diện và triệt để dân tộc Việt Nam, từ năm 1945 đến năm 2010, nước Việt Nam vẫn chưa thực sự có độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc trong chuyến chu du biên giới phía Bắc đã chụp tấm ảnh này từ 1981. Hiện nay những cột mốc này đã được thay thế, cột mốc cũ không còn nữa, cột mốc mới đã lùi về phía ta khoảng 300 mét. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

http://boxitvn.files.wordpress.com/2010/09/clip_image00243.jpg?w=308&h=209

.

2. MƠ VỀ MỘT NGÀY NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng CS Việt Nam cũng đưa ra đường lối: “Người cày có ruộng, cơm áo về cho nông dân”, bên cạnh đường lối Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc.

Đường lối này cũng đã đánh trúng niềm mơ ước ngàn đời của hầu hết người Việt Nam, và họ đã vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác.

Nhân dân Việt Nam mà hầu hết là nông dân hiểu rằng, đường lối “người cày có ruộng” mà Đảng CS Việt Nam đưa ra, bản chất là người cày được cày trên đất đai thuộc sở hữu của mình, chứ không phải cày thuê, cuốc mướn cho người khác, như cày thuê cho địa chủ, tư sản thời thực dân, phong kiến.

Đảng CS Việt Nam đã thực hiện được điều này. Ngay khi còn đánh Pháp và tiếp sau đánh Pháp, ĐCS Việt Nam đã thực hiện Cải cách ruộng đất, lấy đất của địa chủ, phong kiến, đế quốc chia cho dân cày. Người nông dân từ chỗ đi cày thuê cuốc mướn đã thực sự trở thành những chủ nhân của đất đai, ruộng vườn. Việc tước đoạt tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng này, ĐCS Việt Nam đã làm rất kiên quyết, dù máu có đổ, dù có oan sai, nhưng nó nhất định là việc phải làm, đã đem lại niềm tin cho hầu hết nhân dân, đặc biệt là những người lao động cần lao.

Nay, sau 65 năm Đảng CS Việt Nam lãnh đạo toàn diện và triệt để dân tộc và đất nước Việt Nam, đường lối “người cày có ruộng” có trở thành hiện thực? Tất nhiên là nó đã trở thành hiện thực, nhưng chỉ hiện thực từ năm 1953 cho đến hết năm 1960, khi miền Bắc hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Kể từ đó, đất đai – niềm mơ ước muôn đời của nông dân – trở thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Thực chất là nằm gọn trong tay ông Nhà nước. Trong đó, quyền của nông dân chỉ được đi cày trên đất đó như một người làm thuê, cuốc mướn, gần giống như đi cày thuê cuốc mướn cho địa chủ, tư sản thời thực dân, phong kiến trước đây. Người sở hữu đích thực thuộc về ông Nhà nước. Chỉ có ông Nhà nước mới là ông chủ đích thực, có toàn quyền định đoạt, dùng làm gì, bao nhiêu, giá cả thế nào… Nó là quyền độc tôn của “ông Nhà nước”, không phụ thuộc vào quyền của người cày. Người CS Việt Nam, dù đã có bao nhiêu văn bản, chỉ thị hoặc là có Luật Đất đai, qua bao lần sửa đổi, bổ sung, cái bản chất này cho đến đại hội lần thứ X Đảng CS Việt Nam vẫn không thay đổi. Có thể lấy hàng trăm, hàng ngàn ví dụ về sự thật này trên báo chí “lề phải” đã xuất bản của Đảng CS Việt Nam.

.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Đường lối “Người cày có ruộng”, tức quyền sở hữu ruộng đất của người cày mà người CS Việt Nam đưa ra và trở thành động lực làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, đã không còn. Quyền đó đã bị những người Cộng sản Việt Nam tước đoạt trở lại từ năm 1960 dưới cái vỏ bọc là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

.

3. MƠ VỀ MỘT NGÀY XÃ HỘI KHÔNG CÒN NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI; AI CŨNG CÓ CƠM ĂN, ÁO MẶC; AI CŨNG ĐƯỢC HỌC HÀNH.

Cùng với giấc mơ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng CS Việt Nam cũng đưa ra đường lối xây dựng một xã hội công bằng, không còn người bóc lột người; ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành.

Dưới chế độ Pháp – Nguyễn, ai là người bóc lột? Đương nhiên, đó là tư sản, địa chủ, quan lại. Vậy thì, để có một xã hội không còn người bóc lột người, trước hết, những kẻ bóc lột phải bị cải tạo hoặc là bị tiêu diệt. Công việc này được bắt đầu từ năm 1953 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam. Với lợi thế về lực lượng, những người CS Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức thực hiện việc “xoá sổ” lực lượng bóc lột này. Ở Nông thôn, ruộng đất bị tịch thu để phân chia lại. Ở thành thị, nhà máy, công xưởng, tài sản bị trưng thu, tịch thu, để quốc hữu hóa. Trong cuộc cách mạng vĩ đại này, có máu chảy, có oan sai, nhưng đấy là việc phải làm, nó đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, rằng kẻ bóc lột phải bị tước đoạt lại, bị trừng trị, tiêu diệt, quyền làm ăn sinh sống, sung sướng là quyền bình đẳng của mỗi con người trong chế độ mới mang tên Thời đại Hồ Chí Minh.

Kể từ Đảng CS Việt Nam thực hiện Cải cách ruộng đất ở nông thôn và Cải tạo tư sản ở thành thị thuộc miền Bắc (1953 – 1960) và thực hiện ở miền Nam từ năm 1975 đến nay, ít nhất cũng đã qua 35 năm, liệu trong xã hội ta còn có người bóc lột người? Thưa rằng, nhiều vô thiên lủng. Lớp cường hào, tư sản mới (tư bản đỏ) xuất hiện trở lại ở nước ta từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngày càng nhiều, ngày càng vơ vét khốc liệt và tàn bạo. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rộng ra. Xã hội bây giờ nhan nhản “người ăn không hết, người lần không ra”.

Những người giàu là ai, những người nghèo khó là ai? Nhắm mắt lại cũng nhận ra, người nghèo khó là nhân dân lao động. Người giàu có là những người có chức có quyền, và “đau lòng” nhất, trong số người giàu này, phần nhiều là những người CS thuộc loại 5C: con cháu các cụ cả. Đó là những người mà cha anh họ đã luôn hô hào, vạch ra đường lối tiêu diệt tư sản, địa chủ để xây dựng một xã hội không còn người bóc lột người. Thực tế họ đã phạm sai lầm quá tả khi thực hiện chủ trương này và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải bổ cứu bằng chính sách sửa sai. Thế mà hiện nay, mỗi năm nước ta lại xuất hiện thêm hàng chục, hàng trăm tỷ phú nhà giàu, cũng tỷ lệ thuận với việc tăng thêm hàng ngàn, hàng vạn người nghèo. Trên báo chí “lề phải” năm nào cũng thống kê “đội ngũ” này và bên cạnh sự giàu lên đó, cũng xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn cuộc đình công đòi tăng lương, đòi thu nhập, đòi quyền sống của hàng ngàn, hàng vạn người lao động.

Họ làm gì mà giàu lớn và nhanh thế, nếu không phải là từ cướp đoạt tài nguyên của đất nước, cướp đoạt ruộng đất của nông dân (cưỡng chế với giá rẻ mạt rồi xây dựng công trình, nhà nghỉ, sân golf… hoặc phân lô bán lại với giá cắt cổ; đây là một cách đầu cơ trắng trợn nhất và gây đổ vỡ lớn nhất trong tâm lý xã hội, trong khối đoàn kết dân tộc) và bóc lột không thương tiếc sức của người lao động?

.

Như vậy, lịch sử đân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Nhân dân Việt Nam mơ về một xã hội không còn người bóc lột người, ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành. Giấc mơ đó của những năm làm cách mạng trước đây, nay đang ngày một xa vời, và chắc chắc rằng đã trật gốc.

.

4. MƠ VỀ MỘT NGÀY DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, LÀM THEO NĂNG LỰC, HƯỞNG THEO NHU CẦU.

Nó không chỉ là giấc mơ của những người cần lao mà là giấc mơ vĩ đại không tiền khoáng hậu của những lý thuyết gia Cộng sản. Ở nước ta, lý thuyết này không những được phổ cập trong các trường học, từ tiểu học cho đến đại học mà các phương tiện truyền thông đại chúng của những người Cộng sản Việt Nam còn suốt ngày tuyên truyền rôm rả. Nói không ngoa, phàm là người dân, biết chữ hay không biết chữ, già hay trẻ, gái hay trai, miền núi hay miền biển đều biết đến đường lối xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa này. Và, để thực hiện nó, ở nông thôn, ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác tập trung vào hợp tác xã nông nghiệp để làm chung, hưởng chung. Hợp tác xã nông nghiệp trở thành “ngôi nhà chung”, nông dân biến thành xã viên và là “ông chủ” của cái “nhà” đó. Ở thành thị, nhà máy, công xưởng bị quốc hữu hóa. Nhà máy, xí nghiệp, công xưởng cũng trở thành “nhà” của công nhân và ông chủ của nó cũng là những công nhân.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của những “ông chủ mới” này được phân công là làm, còn làm như thế nào, làm ra cái gì, phân chia sản phẩm ra sao thuộc quyền của bộ tham mưu lãnh đạo là những người Cộng sản.

Để cho tinh thần làm chủ phát huy hết năng lực, ông Lê Duẩn, một lãnh tụ của Cộng sản Việt Nam (sau ông Hồ Chí Minh), đã đưa ra học thuyết “Làm chủ tập thể”. Học thuyết này, như là một khẳng định khoa học của việc nghiên cứu và tổng kết về con người, còn có tham vọng bổ sung vào học thuyết Mác- Lênin về thiên đường của Chủ nghĩa Cộng sản.

Những nhà lãnh đạo và tham mưu Cộng sản thiết kế mô hình này, tin rằng đất đai có nhiều “ông chủ” và với tinh thần làm chủ tập thể cao nhất, để “nhà nhà thi đua; người người thi đua/ Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (Hồ Chí Minh) sẽ làm ra được nhiều lúa, ngô, khoai sắn… trên đồng ruộng và sản phẩm hàng hóa công nghiệp nơi nhà máy, xí nghiệp. Từ tinh thần làm chủ ấy mà của cải làm ra như nước, không những đáp ứng nhu cầu ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, mà còn hứa hẹn: ai có năng lực đến đâu thì làm đến đó, còn hưởng thụ thì, người bụng to, người bụng nhỏ thỏa sức mà dùng – hưởng theo nhu cầu.

Nhưng, thực tế lại không như đường lối và biện pháp đề ra của những người CS Việt Nam. Nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp, công nhân trong nhà máy, xí nghiệp đã trở thành những chủ nhân ông mà tinh thần và ý thức trách nhiệm với công việc của họ như là nhà có “cha chung không ai khóc”. Do vậy, ở nông thôn, đất đai bị nghèo kiệt dần, bị bỏ hoang hóa dần, năng suất lao động giảm dần, của cải làm ra ít dần; ở nhà máy, xí nghiệp lấy lãn công làm trọng, sản phẩm làm ra, được chăng hay chớ, số lượng giảm mà chất lượng thì còn kém hơn cả hàng giả. Từ đó mà đời sống nông dân, công nhân ngày càng khó khăn, eo hẹp. Đến cuối những năm 80, nếu ĐCS Việt Nam không có nghị quyết về khoán quản sản phẩm cho nhà máy, xí nghiệp và “khoán 10” cho nông thôn thì hàng triệu nông dân, hàng nghìn công nhân đã đi theo Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng rồi. Rõ ràng, kể từ khi khoán ruộng đất cho nông dân, khoán sản phẩm cho công nhân, tức là theo cách “làm đấu, ăn khoán, phát canh thu tô” của bọn tư sản và địa chủ trước đây, đời sống nông dân, công nhân mới vượt qua được cửa ải mà ở đó thần chết luôn lè cái lưỡi xanh ra rình rập.

Vậy, hôm nay thì sao? Đướng lối phát triển kinh tế – xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó được xem là bước đổi mới quan trọng của Đảng CS Việt Nam. Sau hơn 20 năm đi theo con đường này, quả tình, có một bộ phận người, phần nhiều là có chức có quyền và là cộng sản đích thực, không những đã có “cơm ăn, áo mặc, được học hành ” mà một bộ phận không nhỏ đã thực hiện được mục tiêu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Lực lượng này, không những có lắm nhà lầu, xe hơi, tiền nhiều như quân Nguyên mà còn thể hiện một bản lĩnh ăn chơi trác táng không hổ với cái mục tiêu “hưởng theo nhu cầu” mà các lý thuyết gia Cộng sản hằng mơ ước. Tuy nhiên, so với trên 80 triệu dân Việt Nam, số này là số ít, nhưng thu nhập lại nhiều; phần còn lại là công nhân, nông dân, người thì đông nhưng thu nhập lại ít, chỉ “tay làm, hàm nhai” may mắn mới đủ ăn, và một bộ phận nông dân và công nhân khác luôn ở cảnh: có làm nhưng đói nghèo vẫn thường trực, quanh năm lần hồi rau cháo qua ngày.

Cái quy luật “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” cũng đã bị quên lãng, nó không còn trong đường lối và tuyên truyền ngày ngày của những người CS nữa. Nó đã trở thành kỷ niệm về một thời. Nhớ đến nó là nhớ đến một cái bánh chưa có thực mà người CS giàu tưởng tượng đã phác ra hình ảnh và đưa lên để làm mục tiêu cho mình và thu hút quần chúng, đặc biệt là những người cần lao. Nó vĩnh viễn không bao giờ là hiện thực cho số đông. Dân Việt Nam, dù muốn hay không, cũng đã gặm cay đắng và cũng đã quên cái giấc mơ này từ nhiều năm nay rồi.

.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Ước mơ về một ngày “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là ước mơ đẹp của những người cộng sản và của nhân dân Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ tâm huyết gây dựng, nó trở thành hiện thực cho một nhóm nhỏ người, không bao giờ là hiện thực cho số đông. Số đông dân Việt Nam hiện đang đánh vật với mơ ước: “ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành”, y chang niềm mơ ước của lãnh tụ Hồ Chi Minh nói trong những năm nước ta vừa thoát ách nô lệ của Pháp, Nhật và triều Nguyễn.

.

5. MƠ VỀ MỘT NGÀY TỰ DO, DÂN CHỦ, CHÍNH QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN, KHÔNG BỊT MỒM DÂN.

Một chính quyền cúa dân, do dân, vì dân là một nét mới, khác hoàn toàn về chất so với phần còn lại của các chính quyền đã và đang tồn tại của thế giới, cả xưa và nay. Cái chính quyền này, có, không phải để áp bức dân, hành dân, bịt mồm dân mà là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân, thay dân lo mọi việc cho dân; vì vậy, cán bộ chỉ là người đầy tớ trung thành của dân, công bộc của dân. Một lý thuyết chính quyền hay mọi nhẽ và cũng thuộc loại vô tiền khoáng hậu, chẳng ai có thể bác bỏ được tính ưu việt của nó. Cũng từ những lý thuyết hay mọi nhẽ này được bộ máy tuyên truyền của Đảng CS Việt Nam tuyên truyền ngày đêm dưới mọi hình thức mà dân Việt Nam ta đã tin theo và một lòng bảo vệ nó. Dân hoan hô và tin rằng, những người Cộng sản Việt Nam, đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và dân tộc, sẽ thực hiện đúng những gì mình nói.

Vì lòng tin đó mà dân tộc ta đã không tiếc máu xương và của cải đi theo Đảng CS Việt Nam để đánh Pháp, đuổi Nhật, rồi đánh Mỹ trong suốt 30 năm trường kỳ và đã làm nên chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân năm 1975.

Sau chiến thắng năm 1975, một chính quyền của dân, do dân, vì dân, không hành dân, không bịt mồm dân đã thực sự hiện hữu?

Không thể nói là nó đã và đang hiện hữu.

Một chính quyền của dân, do dân, vì dân trước hết và tối thiểu phải do người dân trực tiếp bầu lên. Ở nước ta, 65 năm qua, chưa từng xảy ra điều này. Chỉ mới “đặt vấn đề” ở điểm khởi đầu này thôi, bất kỳ ai cũng nhận ra rằng nói hiện nay, chính quyền của ta đã là chính quyền của dân, do dân và vì dân, chỉ là cách nói nặng tính chất diễn dịch mà không phải quy nạp.

Bên cạnh đó, người dân hiện vẫn chưa được hưởng các quyền tự do về biểu tình, về trình bày tư tưởng, về tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí, tự do tôn giáo, tin ngưỡng… Cả nước ta hiện không có một tờ báo tư nhân nào. Việc lập hội còn phải xin phép. Nay có internet, những công dân nào viết không đúng ý Đảng, sẽ từ bị gây khó dễ đến vào trại cải tạo, nó là chuyện cũng đã xưa như: “Đỏ như màu máu của mình em ơi”. Tôn giáo, tín ngưỡng nhất nhất phải trở thành một bộ phận thuộc sự quản lý của Đảng CS…

Năm 1946, chúng ta còn có Quốc hội đa nguyên, tức gồm nhiều đảng phái tham gia ở cơ quan quyền lực cao nhất này, nhân dân ta còn được tự do lựa chọn, ông này ở đảng này, ông kia ở đảng kia để bầu, nay Quốc hội chỉ có một đảng duy nhất, nhân dân dù có 100% cử tri đi bầu, cứ nhắm mắt lại, lấy “râu ông nọ cắm vào cằm bà kia”, cũng không làm thay đổi cái bản chất của tổng số lượng đại biểu trúng cử.

Hơn nữa, thời Pháp – Nguyễn, tuy là chế độ thực dân, phong kiến, nhưng dân ta còn được biểu tình, được tự do ra báo chí, tự do lập hội phường, tự do tôn giáo, tín ngưỡng….

Nhận thức chung về chính trị của thời đại ngày nay đã chỉ rõ, đa nguyên là cơ sở của một xã hội dân chủ. Mà chỉ có dân chủ người dân mới được hưởng các quyền cơ bản của con người. Một xã hội độc trị, xã hội đó không thể có dân chủ. Điều đó cũng giống như về kinh tế, không có cạnh tranh thì cũng không có phát triển. Một xã hội không có dân chủ là một xã hội quân chủ. Chính quyền đó, dù có ban hành hàng trăm, hàng ngàn văn bản, chỉ thị, nghị quyết và luật pháp thì trước tiên nó cũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của hệ thống cán bộ, công nhân viên đang làm việc cho guồng máy đó, từ to xuống nhỏ, mà thôi. Quyền của người dân cơ bản là quyền được bị hành. Chỉ lược trên các báo chí “lề phải” hôm nay cũng thống kê được hàng trăm, hàng nghìn các thủ tục mà chính quyền đẻ ra để hành dân là chính. Việc hành dân diễn ra hằng ngày và ngày một tràn lan. Càng chống càng phức tạp, càng lún sâu, năm sau mức độ hành lại cao hơn năm trước. Đến một cái giấy khai sinh, khai tử người dân cũng phải chạy tiền lo lót mới xong. Có thể nói, dân cần cái gì ở chính quyền, không lo lót là không xong, không chịu bị hành là không được việc.

.

Như vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Một chính quyền của dân, do dân, vì dân, không hành dân, không bịt mồm dân, chỉ có trên lý thuyết, không có trên thực tế. Không những thế, nền dân chủ trong chế độ ta lại đang tụt hậu dần, tụt quá thời điểm Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dân ta hiện không có những quyền làm người tối thiểu mà nói dân ta đã có tự do, dân chủ là nói lấy được.

.

6. MẦM HỌA CỦA TIÊU CỰC, THAM NHŨNG VÀ RỐI LOẠN XÃ HỘI!

Đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Đảng CS Việt Nam hiện nay là: “cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một khái niệm mới do những người Cộng sản Việt Nam tạo ra. Vậy, nội dung của nó là gì? Đến nay, kể cả trong nước và nước ngoài, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu để lý giải một cách khoa học về cái xã hội “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” này.

Một mô hình kinh tế-xã hội không có lý luận khoa học làm cơ sở, mô hình đó không có cơ sở tồn tại, và đương nhiên là mảnh đất tươi tốt cho tiêu cực, tham nhũng phát triển; và cũng là nền tảng dẫn đến rối loạn xã hội; và con đường tất yếu của nó e sẽ là đổ bể. Bởi vì, ai cũng biết cái xã hội kết hợp hai phạm trù trái ngược đó là không thể có, và vì nó không thể có, nên chẳng ai có thể tin; vì chẳng ai có thể tin, nên chẳng ai lại hoài công xây dựng và vun đắp cho nó. Việc bộ tham mưu của đất nước cứ bắt mọi người dân Việt Nam phải tin và làm theo, đã là một nghịch lý, và đương nhiên kết quả của nó, giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa” là điều không thể tránh khỏi. Đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là hai con đường hoạch định xây dựng khác nhau. Lý thuyết kinh điển về xây dựng xã hôi xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội tư bản, nó như nước và lửa, nó là chuyện “đấu tranh giữa hai con đường”; là “đấu tranh này trận cuối cùng” đã được Mác-Lênin khẳng định và là khẩu hiệu treo nhan nhản trên mọi nẻo đường của đất Việt một thời.

Cơ sở của nó là, kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế kế hoạch, kinh tế tập trung, tư liệu sản xuất là của chung, sản phẩm làm ra được tập trung lại và Nhà nước đứng ra phân phối. Cái mô hình này đã thất bại thảm hại trên quy mô toàn thế giới, nay chẳng còn dân tộc nào làm theo. Còn kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do, vận hành theo nguyên tắc lợi nhuận.

Ở các nước tư bản, để có công bằng xã hội, về thế chế thì cần phải tam quyền phân lập nhằm chống lại bất kỳ một cá nhân hay một thế lực nào muốn độc quyền cai trị và độc quyền hưởng lợi.

Giá như đường lối xây dựng kinh tế-xã hội của nước chỉ theo cơ chế kinh tế thị trường không thôi, thì việc thiết chế bộ máy, xây dựng luật pháp buộc phải xây dựng theo cơ chế kinh tế thị trường để bảo đảm tính công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân; về thể chế cũng phải tam quyền phân lập, nhằm chống độc quyền cai trị và độc quyền hưởng lợi của một cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó. Đó là quy luật phát triển xã hội từ thấp đến cao mà bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu máu xương của nhân dân yêu chuộng công bằng đã đổ xuống mới có được. Nhưng, Đảng CS Việt Nam hiện nay lại không hiểu như vậy hoặc cố tình bỏ qua sự thật này, khăng khăng giữ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” với rất nhiều những giấc mơ đẹp mà thực tế thì giấc mơ đã bị “lay tỉnh” để thấy một sự phũ phàng là sự cáo chung của nhiều quốc gia cộng sản từ 20 năm trước.

Trong cái đường lối này, ai cũng biết rằng kinh tế thị trường là nền tảng hạ tầng; xã hội chủ nghĩa đứng ở phía sau là cái ngọn, cái kiến trúc thượng tầng. Luận thuyết của Mác-Ănghen đã chỉ ra rằng, chỉ có “hạ tầng cơ sở” mới “đẻ” ra “thượng tầng kiến trúc”, chứ không có chiều ngược. Vì vậy, hy vọng về cái “đuôi” “xã hội chủ nghĩa” sẽ là cái bánh lái để dẫn cơ chế thị trường đi theo xã hội chủ nghĩa là một lô gích ngược, nó giống như bắt người ta phải đi bằng đầu vậy. Có lẽ, những người Cộng sản Việt Nam, người nào cũng thuộc “bài học đầu tiên” này khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin. Cho nên, cán bộ, ai ai cũng chỉ hành xử theo cái “nền tảng kinh tế thị trường”, nghĩa là nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc lợi nhuận, hành động theo trật tự “cá lớn nuốt cá bé”, nghề nghiệp là cướp đoạt tài nguyên và bóc lột sức lao động mà lại không bị cái tam quyền phân lập khống chế, và phần “định hướng xã hội chủ nghĩa” đương nhiên trở thành lá chắn che chở cho sự cướp đoạt với những lời hoa mỹ “vì dân, vì nước” ở trên môi.

Tại sao Đảng CS Việt Nam không muốn mạch lạc, tư bản ra tư bản, chủ nghĩa xã hội ra chủ nghĩa xã hội? Và tại sao họ cứ cổ vũ cho cái không thể tồn tại? Tôi xin được nói thẳng, đó là vì quyền và lợi của riêng của các nhóm lợi ích, sân sau của những người đương chức đương quyền. Người đương chức đương quyền bây giờ là chủ nhân ông của mấy chục triệu sức lao động Việt Nam, chủ nhân ông của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và là người “đại diện” ký kết làm ăn, ký kết nhận tiền của nước ngoài rồi phân phát lại ở trong nước. Bản chất là không muốn chia quyền và lợi cho bất kỳ thành phần nào và họ quyết tâm duy trì một xã hội chẳng ra ngô ra khoai như vậy càng làm lợi cho nhiều “nhóm lợi ích” có cơ “đục nước béo cò”. Thực tế, từ khi Đảng CS Việt Nam áp dụng đường lối “thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” đến nay, một thiểu số những người cộng sản và lực lượng 5C – con cháu các cụ cả – đã giàu lên một cách nhanh chóng và trở thành một phong trào ngày một lan rộng, ngày một quyết liệt và nó đang đẩy công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam, cũng do chính những người CS đề ra, đi vào ngõ cụt với sự thật: càng chống lại càng lún sâu hơn. Nguyên nhân vì sao, ai cũng biết, ai cũng hiểu và người hiểu sâu sắc và đầy đủ nhất, không phải ai khác, chính là người cộng sản, người vừa nhận vai trò là người đá bóng đồng thời cũng là người thổi còi trong trận chiến ú tim này. Anh vừa đá bóng, lại vừa thổi còi, làm sao anh có thể phạt, bắt giam và tiêu diệt được đá láo, vì cầu thủ là anh mà trọng tài cũng là anh.

Cho nên, nói rằng tiêu cực tham nhũng đang đe dọa sự sống còn của chế độ, là nói đến lực lượng này. Lực lượng này sẽ tự diễn biến và tạo áp lực mạnh mẽ và quyết định làm tiêu vong cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, và băm nát những giường mối tốt đẹp và tiến bộ của “cơ chế kinh tế thị trường”, chứ nhất định không phải là các lực lượng thù địch đang “đêm ngày thực hiện âm mưu diễn biến” như các phương tiện truyền thống đại chúng của Đảng CS Việt Nam hiện đang ngày đêm rao giảng.

Do đó, “cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” đã và đang là biện pháp tổng hợp nhằm lần cuối cùng “nốc ao” những giấc mơ Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tên Thời đại Hồ Chí Minh và đưa dân tộc ta trở về điểm xuất phát. Chưa thể nói trước điểm xuất phát ấy nằm ở đâu nhưng nếu nó nằm ở “Giao Chỉ quận” thì thực là đáng sợ mà bản lĩnh kiên cường của dân tộc này dứt khoát không bao giờ chấp nhận.

.

Vì vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam qua 65 năm chép:

Đường lối “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” suy xét một cách khoa học là một đường lối không có cơ sở để trở thành hiện thực; vì vậy nó đã và đang trở thành nền tảng, trở thành mảnh đất tươi tốt bậc nhất phát sinh tiêu cực, tham nhũng và rối rắm xã hội, để cho “cò” ngày một béo tốt. ĐCS Việt Nam càng hô hào chống nó, nó lại càng phát triển với tính chất ngày một trắng trợn, tàn bạo hơn, quy mô ngày một lớn hơn. Nó đích thị là con bệnh đang đau bụng, và để chữa đau bụng, các thầy lang đã kê đơn “thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” những mong cứu gỡ cho nó bằng thuốc cực bổ, song như một nghịch lý, sợ rằng khát vọng lấy bổ trị độc không được thực tế chấp nhận sẽ lại cũng chỉ giống như các vị lang băm Việt Nam thời xưa kê đơn “đau bụng uống nhân sâm… tắc tử”.

.

Tháng 4.2010

P.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HD-HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

.

.

.

No comments:

Post a Comment