Đào Trung Đạo
PSN - 25.9.2010
(Theo VOA, 8 tháng 9 2010)
Qua lời tự sự của một người nữ gốc Việt di dân sang sống những năm tuổi thơ ở miền Nam nước Mỹ và trưởng thành ở New York City, Monique Trương khai triển những chủ đề lớn của kẻ vô xứ như: bản ngã, gia đình, tình bạn, tình yêu… và đưa ra một gợi ý rằng cuộc tìm kiếm bản ngã tuy là một sự cần thiết nhưng không có kết thúc, không có một câu trả lời thỏa mãn.
Cho đến nay trong những nhà văn gốc Việt sống ở hải ngoại viết tiểu thuyết bằng ngoại ngữ, có thể có giá nhất là ba nhà văn: ở Pháp là Linda Lê viết bằng Pháp văn, ở Mỹ có Monique Trương và Nam Lê. Linda Lê thành danh từ những năm 90s với hàng chục đầu sách, Monique Trương tạo được tên tuổi bằng tiểu thuyết Book of Salt/Sách Muối xuất bản năm 2003, và Nam Lê nổi bật với tập truyện ngắn The Boat/Con Thuyền vào năm 2009. Những người theo dõi sự góp mặt của những nhà văn gốc Việt vào sự phát triển của mảng văn chương vô xứ trong thập niên đầu thế kỷ 21 một mặt chờ đợi sự xuất hiện thêm của những nhà văn gốc Việt khác, mặt khác hy vọng những nhà văn thành công với cuốn sách đầu sẽ cho ra mắt tác phẩm kế tiếp.
Mùa hè năm nay, Monique Trương, sau hơn 7 năm từ khi quyển Sách Muối ra mắt đã không làm chúng ta thất vọng: quyển tiểu thuyết thứ nhì Bitter in the Mouth/Đắng Ngắt Trong Miệng của cô vừa ra mắt ở Mỹ đã được các nhà điểm sách Mỹ và người đọc xứ này đón nhận nồng nhiệt. Tạp chí Booklist đưa ra nhận xét về Bitter in the Mouth: “Hấp dẫn…Trương là một người kể chuyện tài tình, và trong quyển tiểu thuyết yên vắng nhưng đầy sức mạnh này cô đã sáng tạo một nhân vật đáng chú ý và độc đáo.” Nhà văn nữ Jayne Anne Phillip thì cho rằng “Quyển Bitter in the Mouth, mỗi chữ đều mặn mà, là một tỏ bầy của sự thông minh dí dỏm, của trái tim, và của tài năng tuyệt vời.” Nhà văn nữ gốc Trung quốc Yiyun Li, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Ngàn Năm Khẩn Nguyện thì khuyên người đọc hãy “chuẩn bị hưởng một hàng đầy ắp những mùi vị của cuộc sống trong Bitter in the Mouth: đó là những mùi vị của tình bạn, lòng chung thủy, tình yêu, gia đình, và trên hết thảy là của những bí mật nằm ở mỗi góc của lịch sử một con người, những bí mật đã làm thành con người chúng ta. Monique Trương là một người quan sát giỏi và một nhà văn tuyệt mỹ.”
Monique Trương sinh năm 1968 ở Saigon, cùng với gia đình di tản sang Mỹ sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, học tiểu học ở North Carolina, trung học ở Houston, Texas, tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh Mỹ ở Yale và luật ở Columbia, hiện sống ở New York City. Tác phẩm đầu tay xuất bản năm 2003 được trao tặng nhiều giải văn chương giá trị ở Mỹ, nhận được tài trợ để sáng tác của PEN American Robert Bingham Fellowship, Hodder Fellowship của đại học Princeton và Guggenheim Fellowship.
Có thể coi quyển Bitter in the Mouth/Đắng Ngắt Trong Miệng dày trên 300 trang của Monique Trương là một tiểu thuyết hồi ký. Quyển truyện được thiết kế gồm hai phần có số trang sách ngang nhau, với phần đầu là “tự bạch” (confession) và phần sau là “phát giác” (revelation) của nhân vật chính Linda Hammerick, vốn có gốc Việt Nam . Những nét chính về nhân thân và cuộc đời của Linda Hammerick có nhiều điểm tương tự với tác giả Monique Trương.
Tác giả qua lời tự sự của Linda cho người đọc biết cô bé Linda cùng gia đình di tản sang Mỹ sau biến cố tháng Tư, 1975 khi đó Linda mới 6 tuổi. Linda kể lại cho chúng ta biết những năm tháng tuổi thơ sống ở một thành phố nhỏ trong vùng Boiling Springs thuộc tiểu bang North Carolina trong những năm 70s và 80s. Như một cái cây còn non bị bứng sang trồng ở một vùng đất hoàn toàn xa lạ, Linda không khỏi có cảm giác mình bị bật rễ, bị tổn thương.
Là một cô bé thông minh, táo tợn, nhưng cũng rất “hài” nhưng luôn cảm thấy cô đơn không những đối với xã hội mà còn cả đối những người thân trong gia đình, thấy mình là một người khác hẳn mọi người, một kẻ ngoài lề. Linda còn có một đặc điểm: ngay từ nhỏ cô bé thuộc vào con số hiếm hoi những người có khả năng – cũng có thể nói là một chứng bệnh – khi cảm giác bị kích thích bởi một sự vật lập tức có cảm giác hay nhận thức về một sự vật khác (chứng “synesthesia”): khi nhìn một con chữ Linda lập tức cảm nhận được mùi vị của một món ăn. Chẳng hạn chữ “you” cho Linda những mùi vị của đậu hột đóng hộp, chữ “home/nhà” gợi mùi vị nước ngọt Pepsi. Linda giãi bày: “Nếu như ta có thể cắn và nuốt bầu trời trước khi có trận cuồng phong, thì rất có thể nó có cái vị đắng ngắt và đó là ký ức sớm sủa nhất của tôi.”
Hiếu kỳ về hiện tượng này, lớn lên Linda tìm hiểu và biết được nhà văn Nga Vladimir Nabokov tác giả tiểu thuyết Lolita nhìn thấy màu sắc khi đọc chữ và nghe những âm thanh, những màu sắc trong tranh của họa sĩ Wassily Kadinsky là những màu ông cảm nhận được khi nghe nhạc. Một đặc điểm khác của những người mắc chứng này là ký ức của họ được tăng cao. Chính vì khả năng này của Linda nên tác giả lấy cái vị “đắng” cảm thấy trong miệng của nhân vật chính để đặt tên quyển truyện.
Là một bé gái tuy thông minh những cũng bạo tợn không kém, nên ngay từ hồi học trường tiểu học ở Boiling Springs, Linda vì thấy mình khác hẳn bọn học trò cùng lớp cùng trường nên rất cô đơn và chỉ kết thân với cô bé Kelly, một cô bé hơi “bị mập” nên cũng có những hành xử không bình thường với bạn cùng lớp cùng trường. Cặp Linda-Kelly với Linda “thông minh” và Kelly “mập ù” không muốn mình là những đứa xấu xí bị chìm nghỉm trong đám đông nên quẫy lộn vùng vẫy để nổi bật: Linda trở thành học sinh xuất sắc và Kelly trở thành hoa khôi “nảy nở” nổi tiếng được bọn học trò con trai theo đuổi. Nhưng Kelly chỉ đùa rỡn trong những mối tình thời mới lớn vì lòng hiếu kỳ, rất gần gũi nhưng không để bị xâm phạm. Linda và Kelly tìm được sự an ủi trong tình bạn.
Tình bạn của Linda và Kelly rất bền chặt, Linda và Kelly khi trưởng thành cả hai vẫn liên lạc thư từ chia xẻ an ủi nhau ngay cả khi Linda tốt nghiệp trung học và vào học ở đại học Yale nổi tiếng. Trong bức thư #427 Linda cũng kể cho Kelly biết mình đã bị một thằng con trai làm vườn hiếp hồi còn học ở trung học. Nhưng bức thư #428 của Linda gửi Kelly ngay sau đó chỉ gồm mấy chữ “Đừng nói cho ai biết.” Vì đối với Linda: “Rằng khi tôi hiểu được ai cũng là một rạp chiếu phim rộng lớn của chỉ một chữ với những ngọn đèn đã được vặn xuống thật mờ. Bạn chẳng thể nào biết được ai là người ngồi kế bên.”
Sang phần “phát giác, phơi bày” ở phần thứ nhì quyển truyện khi Linda nay đã ba mươi tuổi cô nhìn lại quá khứ bản thân với sự trợ lực của ông chú “Baby Harper” và người bạn chí thân Kelly. Ông chú Baby Harper tuy là một kẻ “đã quyết sống độc thân” – ông là người đồng tính – nhưng rất yêu thương Linda, thích khiêu vũ và chụp ảnh. Linda muốn tìm hiểu những bí ẩn của gia đình cô, muốn hiểu rõ câu nói bà ngoại xưa kia đã bảo mình: “Cái bà biết về cháu, cháu gái bé nhỏ của bà ơi, sẽ có thể làm cháu vỡ thành hai mảnh.”
Càng lặn xâu vào những bí ẩn của quá khứ gia đình Linda càng cảm thấy “vị đắng trong miệng” hơn. Và cùng với hồi ức tuổi thơ sống ở một tỉnh nhỏ miền Nam, khi đào xới quá khứ Linda càng hiểu được ý nghĩa của sự khác biệt chủng tộc, của phụ nữ, và người đồng tính nam khi sống ở miền Nam nước Mỹ có nghĩa như thế nào. Boiling Springs nơi Linda sống trải tuổi thơ luôn luôn là một hiện diện sờ mó được, cảnh và người của nơi ấy vẫn còn nguyên hình trong trí tưởng Linda ngay cả khi cô đã đi về miền Bắc, đến New York City để vào học ở Yale. Và cũng chính ở phần này trong sach người đọc mới được tác giả tiết lộ tên thật của Linda là Linh-Dao Nguyen Hammerick.
Nút mở nhưng bí ẩn của gia đình, bản thân xảy đến khi phải về Boiling Springs để dự đám tang một người thân trong gia đình. Chính trong cuộc hội mặt gia đình này Linda gặp được một phụ nữ lớn tuổi xưa nay vẫn được coi như mẹ nuôi của mình là bà DeAnne nên có dịp tìm hiểu về bà, kẻ mà trước đây Linda không biết chút gì.
Qua người mẹ nuôi DeAnne, Linda khám phá ra những bí ẩn của việc mình ra chào đời, của gia đình mình đầy kỳ bí. Những khám phá mới này khiến Linda phải đặt câu hỏi, nghi vấn về tất cả những gì mình đã biết về quá khứ gia đình cũng như bản thân trước đây. Đúng như câu nói: Sự phát giác, phơi mở có được khi Thượng đế nói cho biết sự thật. Tự bạch tự thú là khi ta nói ra với Thương đế. Nhưng những “phát giác” này cũng không làm Linda thỏa mãn nên tự an ủi: “ Ít ra đó cũng là một câu chuyện…Tất cả chúng ta ai cũng cần một câu chuyện về việc mình từ đâu đến và làm cách nào mình đến được nơi đây.”
Nhìn chung, quyển Bitter in the Mouth/Đắng Ngắt Trong Miệng của Monique Trương là một tiểu thuyết đưa ra một cái nhìn khác biệt về vấn đề khủng hoảng bản ngã, nhất là bản ngã của người nữ di dân, vô xứ so với quan niệm thông thường của trí thức, nhà văn Mỹ đã có trước đây. Monique Trương cho thấy cuộc tìm kiếm bản ngã của một người sinh ra ở một nơi và trưởng thành ở một nơi không phải là quê hương là một lộ trình không có điểm tận cùng, không có một kết thúc chỉn chu, thỏa mãn mà chỉ là một sự cần thiết, một sự chẳng đặng đừng. Về kỹ thuật viết tiểu thuyết, nếu như trong tác phẩm Book of Salt trước đây Monique Trương đưa ra một nhân vật tự sự bất khả tín, thì trong Bitter in the Mouth, Monique Trương lộn ngược vị trí tự sự: nay người đọc lại chính là kẻ bất khả tín, nghĩa là tác giả đưa người đọc vào một thử nghiệm xem khi đọc quyển sách này có thể tin mình hiểu được đến mức độ nào. Chỉ ở một điểm son này cũng đủ cho thấy nỗ lực đẩy xa hơn tiểu thuyết hậu hiện đại của tác giả là một nỗ lực đáng quí.
.
.
.
No comments:
Post a Comment