Tuesday, September 28, 2010

HỒ CHÍ MINH TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG 1951


Vũ Tường
28/09/2010 | 12:00 chiều


Lời dẫn: Tư liệu hiếm dưới đây có lẽ chưa bao giờ được công bố. Đó là một bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc vào tháng 3 năm 1951, do một phóng viên của tờ Học tập liên khu 4 ghi lại nguyên văn.[1] Tại Đại hội này, Đảng Lao động Việt Nam ra công khai sau 6 năm nấp dưới tên gọi “Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác”. Bài diễn văn thú vị này cho ta thấy Chủ tịch là một nhà cách mạng, một chính trị gia, và một nhà tuyên truyền lão luyện. Một nhà cách mạng có niềm tin ngây thơ nhưng sâu sắc rằng lý thuyết cách mạng của các “ông thầy” của mình có quyền lực vạn năng. Một chính trị gia qua thủ đoạn tâng bốc các “ông anh” (trong khán giả chắc chắn có sứ thần của các “ông anh” gửi đến. “Ông anh” Stalin lờ tịt các bức điện khẩn xin giúp đỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945. Mãi đến tháng 1 năm 1950 Chủ tịch phải lặn lội giữa mùa đông băng giá bí mật đến Mạc Tư Khoa và qua sự bảo lãnh của “ông anh” Mao Trạch Đông và có lẽ cả “ông anh” Thorez, thì “ông anh” Stalin mới tiếp đón và công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[2] Nhưng ở Đại hội, Chủ tịch vẫn phải khen nức nở chứ không có một lời oán hận). Và cuối cùng, Chủ tịch cho thấy mình là một nhà tuyên truyền lão luyện qua kỹ thuật động viên quần chúng song vẫn khéo léo biến tất cả công lao xương máu của quần chúng thành công lao của chủ thuyết của mình, và qua đó, công lao của mình và đảng mình (vì mình và đảng mình nhập khẩu chủ thuyết ấy từ Âu châu). Phản ứng của quần chúng ở cuối bài nói (hô to “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”) cho thấy kỹ thuật dẫn dắt người nghe của Chủ tịch đã thành công.
Vũ Tường, Đại học Oregon
—–

HỌC TẬP — Nội san Đảng Bộ Liên Khu Bốn (Chỉ lưu hành Trong Nội Bộ)
Số 35, Năm thứ tư, Tháng 4 – 1951, trang 1-8
LỜI HỒ CHỦ-TỊCH TRONG ĐẠI HỘI TOÀN ĐẢNG
(Sau khi đồng chí Võ-nguyên-Giáp báo cáo xong vấn đề quân sự, Hồ-Chủ-tịch lên diễn đàn, giữa những tràng pháo tay). Hồ-Chủ-tịch nói.

Các đồng chí,
Vừa nghe báo cáo của đồng chí Giáp, các đồng chí thấy – và trước khi nghe cũng đã thấy – Quân đội ta từ chỗ yếu tiến đến chỗ mạnh, từ chỗ nhỏ tiến đến chỗ to, từ không thắng tiến đến thắng, từ thắng ít đến thắng nhiều, rồi từ thắng nhiều tiến đến thắng lợi hoàn toàn (Đại hội vỗ tay).
Đó là vì đâu? Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi mặt công tác khác, Đảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa:
(Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine)
(Đại hội vỗ tay vang dậy)

Đó là nhờ chúng ta, toàn giai cấp lao động thế giới, toàn quân đội nhân dân thế giới có một ông Tổng tổng tư lệnh là ông kia kìa.
(Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: STALINE)
(Đại hội vỗ tay dậy vang và cùng đứng dậy hô lớn)
(Đồng chí Staline muôn năm!)

Chắc ít người biết mà có lẽ cũng không ai ngờ. Ông ở cách xa đây mấy muôn dặm, mà ông theo rõi cuộc kháng chiến của ta, của Triều-tiên, của Mã-lai và cuộc đấu tranh của các nước Đông-nam Á. Ông cảm động khi nghe kể lại những cử chỉ chiến đấu anh dũng của một chiến sĩ Thổ khi giết giặc lập công như thế nào. Vì vậy có thể nói tuy ông ở xa nhưng tinh thần của ông và hiểu biết của ông ở với chúng ta.
(Đại hội vỗ tay dài)

Chúng ta lại nhờ có ông anh này:
(Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: MAO-TRẠCH-ĐÔNG) –
(Đại hội vỗ tay vang dậy – và đứng dậy hô lớn Đồng chí Mao-Trạch-Đông muôn năm!)

Ông Mao ở cách đây mấy nghìn dặm. Còn ông Staline thì xa những muôn dặm… Ông theo rõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta. Như lúc quân đội và nhân dân ta giải phóng biên giới, như lúc chúng ta mở chiến dịch Trung-du có thể đêm ông không ngủ mà chờ tin tức…
(Đại hội có tiếng tấm tắc)

… Có ông thầy, ông anh như thế nên quân đội ta, quân đội Việt-Mên-Lào, từ chỗ nhỏ đến chỗ lớn, từ chỗ yếu đến chỗ mạnh, từ không thắng đến thắng hoàn toàn.

Cũng vì chủ nghĩa quốc tế, cũng chủ nghĩa Marx – Engels – Lenine – Staline, mà đến ông anh kia
… (Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí Thorez và nói tiếp… là ông THOREZ …) (Đại hội vỗ tay vang dậy – và đứng dậy hô lớn: Đồng chí Thorez muôn năm! Muôn năm!)

… Ông lãnh đạo đảng Pháp, đảng đàn anh … vì do được đảng Pháp lãnh đạo, nhân dân lao động ở Pháp kiên quyết bảo vệ hòa bình thế giới, tranh đấu chống chiến tranh thuộc địa, ủng hộ cuộc kháng chiến của chúng ta, chống lại chiến tranh thực dân. Như hôm nọ, tôi đã nói về đồng chí Henri M…,[3] một sĩ quan trong hải quân của thực dân, mà đi phát truyền đơn ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt nam, khuyên thanh niên Pháp và bộ đội Pháp từ chối, phản đối không qua đánh Việt nam. Lại có những công nhân như Raymone Dieu, khi thực dân Pháp chở khí giới từ một ga xe lửa đến bến tàu để rồi đưa qua Việt nam. Cô Raymone nằm ngang ra giữa đường sắt để ngăn chuyến xe ấy. Và do cử chỉ cao xa này mà toàn dân xứ ấy kéo ra chặn cả đoàn xe lại.
(Đại hội vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và hô lớn: Hoan hô tinh thần của Henri M… và Raymone Dieu!)

Đó là nhờ nhân dân lao động Pháp đã thấm nhuần tinh thần Marx – Engels –Lénine – Staline. Chẳng những nhân dân lao động Pháp có rất đông những người như thế, mà vừa rồi đây lại có tin hàng trăm người lãnh đạo công giáo – khai hội nghị chống chiến tranh thực dân ở Việt nam và ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc Việt nam.
(Đại hội vỗ tay vang dậy – và đứng dậy hô lớn: Đảng cộng sản Pháp muôn năm! Muôn năm!)

Có thể nói cái tinh thần, cái chủ nghĩa của đồng chí Staline đã thấm nhuần vào dân công giáo và đấu tranh giành một phần nào “lời nói” của ông Pope.
(Đại hội vỗ tay, ngồi)

Vừa đây có một giám mục đứng ra kêu gọi con chiên đấu tranh cho hòa bình. Thì ra, tinh thần của đồng chí Staline đã đi vào địa bàn của giáo hoàng.
Đây là ở phương tây. Còn ở phương Đông thì như thế nào? Do chỗ đảng Trung Quốc đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx – Lénine nên đã áp dụng chủ nghĩa Marx – Lénine thích hợp với hoàn cảnh Trung Quốc. Do chỗ đảng ta đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx – Lénine, thấm nhuần tinh thần ấy lực lượng ấy, mà làm thấm nhuần đến cả quân đội ta, thấm nhuần đến nhân dân ta.
Nếu không thấm nhuần như thế, thì sao lại có bộ đội nhịn đói hơn 4 ngày, vẫn cứ bám lấy giặc mà đánh và đánh thắng giặc!
(Đại hội vỗ tay dài)

Thì sao có những cử chỉ oanh liệt như ở một trận đánh nọ có chiến sĩ bị thương ở tay nói với người bên cạnh “Cậu chặt tay cho mình cái” vì thấy cánh tay gãy vướng, chặt đi cho dễ đánh, thế rồi lại cứ xung phong? Nếu không thấm nhuần chủ nghĩa Marx – Lénine thì làm sao có được những cử chỉ oanh liệt như thế?
(Đại hội vỗ tay)

Nếu không có chủ nghĩa Marx – Lénine kinh qua đảng ta thấm nhuần đến nhân dân, thì sao có những chị em phụ nữ Mán, Thổ, Mèo ban ngày thì mưa ướt, đường trơn vẫn hăng hái đi tải đồ cho bộ đội, tối đến đường trơn, ở giữa rừng không có chỗ ngủ, phải dựa lưng vào nhau mà ngồi qua đêm, để sáng sớm lại vui vẻ đi vận tải đồ cho bộ đội?
Nếu không có tinh thần Marx – Lénine thấm nhuần qua Đảng ta đến dân ta, thì sao có những cử chỉ cảm động như thế? Đó là những vô danh anh hùng. Dân tộc ta là dân tộc anh hùng.
(Đại hội vỗ tay vang dậy)

Chẳng những đồng bào ở ngoài, mà ngay đồng bào trong vùng tạm bị chiếm cũng hết sức ủng hộ ta. Tôi vừa nhận được bức thư của một bà ở ngoại thành, một bà hơn năm mươi tuổi, đây tôi đọc để dẫn chứng – (Còn nhiều bức thư khác nữa, nhưng bức thư này vừa tiếp được, tiện đây đưa ra đọc) – Bà có một đứa con chín tuổi, bà nói sự độc ác của bọn giặc Pháp, sự cực khổ của đồng bào trong vùng tạm bị chiếm. Bà viết: “Tôi già sống trong hoàn rất cực khổ, thế nhưng mà tôi luôn luôn mong mỏi, tin tưởng bộ đội ta sẽ tổng phản công để đuổi lũ giặc Tây hung ác, đưa dân chúng đến cảnh tượng hòa bình.”
Có một cháu bé 16 tuổi cũng viết thư như thế, kể nỗi khổ cực: “Cháu luôn luôn nhớ Bác, luôn luôn nhớ chính phủ. Dầu cực khổ mấy, lúc nào cháu cũng cố gắng học tập, nghe theo như lời Bác dạy, một lòng trung thành với chính phủ. Cháu cố gắng học tập, để xứng đáng là một đứa cháu của Bác và sau này trở thành người dân xứng đáng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
(Đại hội vỗ tay dài)

Thế là do chủ nghĩa Marx – Lénine đã thấm nhuần qua đảng ta, qua dân ta, nên chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
(Đại hội vỗ tay rất lâu)

Bây giờ tôi qua điểm khác. Nói đến quân đội ta, quân đội anh dũng Việt-Mên-Lào, chúng ta phải nhớ đến đoạn đầu, những người đầu. Trước hết nhớ đến những chiến sĩ Nam bộ lấy gậy tầm vông đập vào đầu thực dân Pháp.
(Đại hội vỗ tay lớn)

Đây tôi cũng sung sướng giới thiệu với các đồng chí một du kích viên đầu tiên, khi mới tổ chức đội du kích đầu tiên, chỉ có 12 người: 10 nam 2 nữ. Trong những đồng chí ấy thì đây có Lê quảng Ba (Hồ Chủ tịch nhìn quanh đại hội, và hỏi Lê quảng Ba đâu? Đứng lên nào)
(Đồng chí Lê quảng Ba đứng dậy. Cả đại hội hướng về phía đồng chí ấy, vỗ tay hoan hô vang dậy)

Và tôi giới thiệu một tư lệnh viên đầu tiên trong thời kỳ du kích Bắc sơn – Chắc các cô, các chú cũng đã biết cả – là chú này … (Hồ Chủ tịch ngoảnh về phía chủ tịch đoàn và chỉ đồng chí Chu văn Tấn hiện đang làm chủ tịch buổi họp) – chú Chu văn Tấn! (Đồng chí Tấn đứng dậy. Đại hội vỗ tay hoan hô vang dậy).

Từ 12 người ấy mà tiến lên, rồi dần dần thành đội tuyên truyền xung phong, rồi đổi ra là Nam tiến, đổi là Giải phóng quân, đổi ra là Vệ quốc đoàn. Người tổng chỉ huy đầu tiên đội Nam tiến là
… (Hồ Chủ tịch chỉ đồng chí Võ nguyên Giáp ngồi ở hàng ghế đầu và nói mạnh rằng: Võ nguyên Giáp đây này! (Đồng chí Giáp đứng dậy. Đại hội vỗ tay hoan hô vang dậy.) Còn những chiến sĩ gậy tầm vông nam bộ ở đây có nhiều!

Từ chú du kích viên, rồi đến chú tư lệnh, rồi đến chú Tổng chỉ huy đầu tiên, đều là con của Đảng cả.
(Đại hội vỗ tay rất mạnh, rất dài.)

Hồi bấy giờ từ 12 đội viên du kích đầu tiên mà bây giờ ta có – có thể nói, Một triệu hai, tính cả dân quân, bộ đội địa phương, bộ đội chính quy. Từ 12 “vawis” (?)[4] (Đại hội cười) bây giờ sinh nở ra một triệu hai trăm ngàn vắt … (Hồ chủ tịch vừa nói vừa gõ tay lên bàn).
(Đại hội vỗ tay vang dậy.) (Giữa những tràng vỗ tay tiếng nói của Hồ Chủ tịch nổi bật lên …)

Đấy chính là nhờ chủ nghĩa Marx – Lénine.
(Đại hội càng vỗ tay nhiệt liệt.)

Bây giờ tôi qua điểm thứ ba.
Đảng ta, – Nhiêm vụ Đảng ta cũng như nhiệm vụ các đảng đàn anh ta, Đảng Bolchévik, Đảng cộng sản Trung hoa, trong lúc chiến đấu bằng chính trị đã đều chiến đấu bằng quân sự. Như trước kia, trong đại chiến thứ hai – không nói đến thời kỳ cách mạng ở Xô-liên, cũng kháng chiến, kiến quốc như mới đây ở Trung quốc, là đánh Tưởng mà Tưởng do Mỹ giật mũi — , là kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mà cũng là vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Các Đảng đàn anh ta đề ra kháng chiến đệ nhất, thắng lợi đệ nhất. Ta cũng đề ra kháng chiến đệ nhất, thắng lợi đệ nhất, vì kháng chiến thắng lợi thì các việc khác giải quyết mới dễ dàng. Thế nên, chúng ta nói, kháng chiến trên hết, thắng lợi trước hết.

Muốn kháng chiến trên hết, thắng lợi trước hết, chúng ta phải học kinh nghiệm của các Đảng anh em ta. Như chú Hai vừa kể, có lần bên Xô-liên, đảng Bolchévik động viên đến 1/5 số đảng viên, nhưng chú nói còn ít đấy chứ có chỗ động viên đến 50% lúc chiến đấu gay go. Đảng Cộng sản Trung hoa cũng động viên hầu hết các đảng viên vào bộ đội, lúc lên đường vạn lý trường chinh. Đảng ta có bảy, tám mươi vạn. Rồi đây trung ương mới sẽ có chỉ thị về việc này, – Ít ra cũng phải động viên một vạn Đảng viên. Không kể số đảng viên hiện đã ở trong quân đội trực tiếp vào công việc kháng chiến.
(Đại hội vỗ tay, hoan hô nhiều lắm)

Với chủ nghĩa như thế, với Ông thày, Ông anh như thế, với lòng trung thành và kiên quyết của nhân dân ta, của Đảng ta, nhất định chúng ta thắng lợi.
(Hồ Chủ-tịch bước xuống diễn đàn. Đại hội đứng dậy vỗ tay vang dậy và hô lớn nhiều lần: Hồ Chí Minh Muôn năm! Muôn năm!)

Bản điện tử © 2010 Vũ Tường
Bản điện tử © 2010 talawas

----------------------------------

[1] Chúng tôi cũng đánh máy đúng theo nguyên bản, kể cả những chữ in đậm và chữ cái.
[2] Xem Ilya Gaiduk, Confronting Vietnam: Soviet Policy toward the Indochina Conflict, 1954-1963 (Washington, DC: Woodrow Wilson Center, 2003).
[3] Bản chụp tên bị nhòe.
[4] Bản chụp mờ, không nhận ra chữ gì.
.
.
.

No comments:

Post a Comment