Friday, September 24, 2010

DOÃN QUỐC SỸ LẠI TRỞ VỀ

Vương Hữu Bột
Friday, September 24, 2010

LTS. Nhân dịp Diễn Đàn Thế Kỷ mở đầu mục Văn Khố với các tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà báo Vương Hữu Bột gửi đến Ban biên tập bài viết của ông đã được đăng trên báo Thế Kỷ 21 số tháng 12 năm 1991 mừng nhà văn Doãn Quốc Sỹ mới được ra khỏi tù cộng sản vào thời gian ấy, mà chúng tôi hân hạnh đăng lại dưới đây.

Kèm với bản sao bài viết từ báo Thế Kỷ 21, ông cũng gửi cho chúng tôi hai bức thư ông đã nhận được sau khi số báo này phát hành, một của nhà văn Võ Phiến (từ Los Angeles, tháng 12, 1991), và một của cô Doãn Thị Ngọc Thanh là con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ (từ Sydney, Úc châu, ngày 20 tháng 2 năm 1992). Chúng tôi xin đăng lại hai bức thư này trong phần Phụ lục ở cuối bài như những tâm tình một thời đối với bài viết của Vương Hữu Bột. DĐTK
------------------------------------------------

Anh ra khỏi cổng trại lúc bẩy giờ sáng. Xe cháu lên đón chưa tới nơi. Anh lững thững đi bộ. Được rời khỏi nhà tù, ai còn muốn đứng lại chờ ở cổng? Được đi bộ bằng hai chân của mình là một thú vui, thế nào anh cũng hưởng, anh sẽ ngó trời mây. Hai chân anh giờ thêm một chút tự do, dù xưa nay tâm hồn anh lúc nào cũng tự do. “Ở thế giới tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.” (Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, 1960)

Mười giờ sáng anh vể đến nhà. Bạn bè, anh em, bà con xếp hàng chào đón anh. Khách khứa tấp nập. Đến 10 giờ đêm anh mới ngồi xuống viết được mấy chữ, báo tin ra nước ngoài. Báo tin bằng máy fax. Ngày anh bị bắt lần thứ hai (1984) chắc ở Sài Gòn chưa có cái máy Fax nào. Anh đã thấy thế giới này đang biến đổi nhanh quá, phải không?

Tin anh trở về bay quanh khắp thế giới. Bằng điện thoại, và bằng fax, tất nhiên. Tin đầu tiên tôi nhận được là do Eric Warrot, người bạn Amnesty International gọi từ New York. Rồi anh em Người Việt ở California. Và cháu Thanh từ Úc Châu: “Kính cô chú, bố cháu đã được tự do, về nhà mạnh khỏe.” Eric cũng đã gọi sang Luân Đôn, nhờ Luân Đôn loan tin cho Trần Thanh Hiệp ở Paris, nhưng anh Hiệp chắc đã biết rồi. Người nọ báo người kia. Gọi nhau ơi ới khắp mặt quả địa cầu, vui quá.

Thêm một người đòi lại được thêm một chút tự do, chúng tôi cùng nhau chung vui: “Bất cứ một cá nhân nào, theo ý Kha, đều mang trọn vẹn hình ảnh nhân loại nói chung. Tước đoạt nhân phẩm của một cá nhân nào cũng là thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại.” (Con Chuột Chù).

Anh cũng chỉ là một cá nhân, và anh cũng mang trong anh hình ảnh của nhân loại, của dân tộc Việt Nam. Dù anh muốn hay không, anh cũng đã thành một biểu tượng, vì anh là nhà văn. Năm 1975, sau khi chúng ta bỏ súng, thua trận, nhà văn các anh đã nhiều người trở thành biểu tượng rực sáng. Trong cảnh tù ngục, lưu đày.

Nhưng văn chương vốn chỉ hay rực sáng khi bị đè nén. Italo Calvino nhận xét: “... Hình như chỉ khi bị đày đọa, (văn chương) mới cho thấy sức mạnh của nó, nó thách thức quyền lực; còn trong xã hội sống tự do thư thả chúng ta, văn chương như chỉ để mua vui trong chốc lát...” Nhà văn Phillip Roth từ Mỹ sang thăm Ðông Âu những năm đầu thập niên 1980 cũng nhận thấy: “Các khác biệt là tự do... ở hoàn cảnh của tôi thì cái gì cũng suôn sẻ, và chả có cái gì quan trọng (everything goes and nothing matters); còn ở cảnh các nhà văn (Ðông Âu) ở đây thì không có cái gì chạy, mà cái gì cũng hệ trọng (nothing goes and everything matters). Mỗi lời họ viết đều có muôn vàn ảnh hưởng, trong khi ở Hoa Kỳ ta thường không thấy mình có chút ảnh hưởng nào (lên xã hội)”.

Chúng tôi ở hải ngoại bắt đầu cảm thấy như Roth hay Calvino chăng?

Vì sao ở trong một chế độ có đè nén thì vai trò của nhà văn lại trở nên quan trọng như thế? Vì chế độ độc tài nào cũng vậy, thế nào nó cũng thách thức lương tâm con người. Nó muốn con người phải sống hèn hơn, dơ bẩn hơn, và nó tạo đủ cơ hội dồn con người vào cái điểm dơ bẩn, hèn hạ nhất trong họ, trong mỗi chúng ta. Và nhà văn, tin ở nhân loại, không thể chấp nhận. “Chỉ những hiện thân của u tối, của thiển cận mới tưởng rằng nắm được quyền hành là nắm vững lòng người.” Và nhà văn là người tin rằng: “... Vun xới tâm hồn mình là chuốt lọc danh dự cho dân tộc, là gieo hưởng hạnh phúc cho đồng loại....” (Tiền Kiếp, 1960). Nhà văn, anh không chấp nhận nhân loại bị làm dơ bẩn.

Những người bỏ tù anh, họ rất sợ nhà văn, họ rất sợ những người dùng ngòi bút giúp đồng bào “vun xới tâm hồn mình”, vượt lên trên nỗi hèn, nỗi nhục, đứng dậy làm người. Ở trong các xã hội áp chế, nhà văn dễ trở thành biểu tượng tranh đấu cho tự do, chứ không phải chỉ là những nghệ sĩ của ngôn ngữ kiều lệ.

Trong xã hội tự do thì năng lực sáng tạo của chúng ta có thể được phát triển trong rất nhiều lãnh vực: chánh trị, tôn giáo, triết học, âm nhạc, thi đua quần áo, tranh đua nhảy nhót, v.v... Trong khi đó ở một xã hội áp chế hầu hết năng lực được dồn vào văn chương, làm văn chương và đọc văn chương.

Ở xã hội áp chế người ta đòi hỏi dân chúng phải vào khuôn khổ. Ăn, mặc, nghĩ, yêu, ghét... theo các khẩu hiệu, nghị quyết. Nhà văn là loại người không chịu theo khuôn khổ. Kundera nhận xét, năm 1980, “Thế giới chuyên chế... là thế giới của các câu trả lời chứ không phải của những câu hỏi. Vì thế không có chỗ cho tiểu thuyết... Khi tiểu thuyết nêu lên những vấn đề nan giải, lưỡng lự về đạo đức, với những khoảng xám trong kinh nghiệm nhân sinh, thì chính việc đó đã là một thách thức đối với các chánh quyền độc tài. Họ, họ chỉ muốn thấy cái gì cũng hoặc là trắng, hoặc là đen.”

Vì vậy, nhà cầm quyền ở một xứ độc tài áp chế rất sợ nhà văn, rất ghét nhà văn. Họ đã bắt anh, bắt Tuệ Sĩ, Trí Siêu. Rồi cả Như Phong, Tô Thùy Yên, Thái Thủy, Mai Trung Tĩnh... bao nhiêu người khác. Rồi đến Dương Thu Hương cùng bị chung số phận như Nguyễn Chí Thiện, như Thụy An, Phan Khôi…ngày xưa. Các nhà văn đã làm theo lương tâm của con người, con người bình thường, có lương tâm và lương tri, may mắn có ngòi bút làm khí giới.

Năm ngoái Vaclav Havel, tổng thống Tiệp Khắc, mới nói: “Chúng tôi sống ở một thế giới trong đó lời, lời nói, có khả năng làm rung chuyển một chính quyền, ở đó ngôn ngữ có sức mạnh hơn cả mười sư đoàn”.

Havel có nói quá lời chăng? Mười sư đoàn của Nguyễn Chí Thiện đang chiến thắng đó chăng, khi Nguyễn Chí Thiện được đưa ra khỏi nhà tù, sau Doãn Quốc Sỹ? Còn Dương Thu Hương, mười sư đoàn của chị cũng đang làm rung chuyển chế độ đó như thế nào? Những câu hỏi sắt thép của Dương Thu Hương, những khoảng xám trong kinh nghiệm nhân sinh mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài vẽ lên, đều là những thách thức. Chế độ độc tài rất ghét các khoảng xám, rất sợ các câu hỏi. Họ sợ các nhà văn, không phải các nhà văn vượt lên trên cõi nhân sinh, nhưng chính vì nhà văn chia sẻ kiếp sống của các người dân bình thường và khổ đau chung quanh mình, chia sẻ tâm tư và khát vọng của đồng bào mình. Như Pasternak có lần khuyên: “Nhà văn phải cắn răng chịu đựng nỗi thống khổ của quê hương mình.”

Chúng tôi chào mừng Doãn Quốc Sỹ tự do. Chào mừng Nguyễn Chí Thiện tự do. Chúng ta sẽ gặp nhau ở trên quê hương ta một ngày rất gần đây. Nhờ có ngòi bút của các nhà văn, của những người “Đứng vững không khuỵu chân. Trên mảnh đất nghèo khổ. Thở hít tận vô cùng…”

Chúng tôi mong sớm được đọc các lời thơ anh viết, các nhân vật của anh vui buồn cùng vận nước. Anh Doãn Quốc Sỹ, trong khi anh ở trong tù, chúng tôi đọc Võ Phiến viết về anh như thế này đây anh biết không: “Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn.”

Vương Hữu Bột

____________________________

Phụ lục

Bức thư thứ nhất:
Thân gửi Anh chị Đỗ Quý Toàn
Nghe nói anh chị sang chơi Âu Châu không biết nay (17-12-91) đã về tới nhà chưa. Anh chị thật giỏi: làm việc nhiều, mà vẫn cứ thảnh thơi. Xin cảm ơn anh rất nhiều về câu chót trong bài viết về Doãn Quốc Sỹ. Một câu thần tình như thế giá đáng ngàn vàng!
Thân mến,
Võ Phiến
12-91

Bức thư thứ hai:
Sydney 20-2-92

Cháu đã nhận được bài chú viết về Bố - Cháu đọc đi đọc lại mấy chục lần, hay đến chảy nước mắt! Cho đến bây giờ vẫn vậy, cứ mỗi lần nghĩ Bố đang thảnh thơi ở nhà là cháu lại ứa nước mắt…
Hiện giờ Bố đang êm ấm, suốt ngày giành công việc dọn dẹp nhà và rửa bát với các con, hoặc là đọc sách nghe nhạc, hoặc là tiếp bạn bè hay đi thăm bạn bè. Với các con cháu ở ngoài như cháu và thằng Thái ở Texas thì Bố đang… tranh cãi. Bố chỉ muốn đi một vòng khắp nơi thăm con cháu và cho bõ cái chân đi bị cột mười mấy năm, rồi lại về nhà. Cháu thì thấy như vậy cũng được, các chú ve chai rồi sẽ phải chết thôi. Thằng Thái thì cực lực phản đối, bảo phải mang Bố ra chỗ an toàn cái đã, các chú giẫy chết mà đập đuôi một cái thì Bố là người lãnh đầu tiên. Vả lại Bố mà đi chơi, thế nào các báo chí cũng phỏng vấn, rồi Bố lại... ruột ngựa phơi bày, thì làm sao mà trở về nhìn lại mặt mấy chú??!! Cháu thuộc loại ba phải nên thấy Thái cũng có lý! Hiện giờ Thái đang làm giấy bảo lãnh, nói bên Mỹ có hy vọng kéo thêm mấy em đi, như vậy càng dễ dụ Bố! Cháu cứ wait & see, từ nay đến đó nhiều khi lại có thay đổi, chú nhỉ? Cháu gửi lời thăm cô và các em.
ThanhKính thăm cô chú,
Cháu
Doãn Thị Ngọc Thanh

------------------------------------
.

Đàm Trung Pháp
Mar 31, 2010 2:19 PM

Suốt thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường tại quê nhà, trong những năm đầu óc còn trong trắng dễ uốn nắn, tôi có diễm phúc được  nhiều lương sư dạy dỗ. Nhờ công ơn hun đúc của những vị thầy đó mà tôi trở thành một người hữu dụng ngày nay.  Trong số những lương sư đó của tôi, thầy Doãn Quốc Sỹ đứng hàng đầu.

Tôi được học Việt văn với thầy lớp đệ ngũ, trong niên học 1955-1956 tại Trung Học Trần Lục ở Saigon. Lúc ấy thầy mới ngoài 30 tuổi, đang chuẩn bị xuất bản tác phẩm đầu tay là tập truyện cổ tích SỢ LỬA, và dĩ nhiên chưa nổi danh là một nhà văn. Những giờ học với thầy thú vị và bổ ích vô cùng, đến nỗi những "quái kiệt" quấy phá nhất trong lớp cũng phải ngồi yên chăm chú nghe thầy giảng văn chương và ngôn ngữ nước nhà. Nhiều người trong chúng tôi từ đó mê tiếng Việt chính vì những lời thầy nói thiết tha về vẻ đẹp muôn màu của nó, những điều mà sau này tôi được đọc lại trong cuốn NGƯỜI VIỆT ĐÁNG YÊU của thầy. Chẳng hạn khi đề cập đến cái đẹp của những câu ca dao chứa đựng những hình ảnh đi thẳng vào lòng dân Việt như:
Đêm đêm tưởng giải ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ

thì thầy xúc động "muốn gục xuống trước bàn thờ tổ tiên để cho chính mình tan thành nước mắt, dòng suối nước mắt nhớ ơn tiền nhân đã từ thế hệ này qua thế hệ khác chau chuốt cho tiếng Việt sớm trở nên cực kỳ diễm lệ."  Ngay từ dạo đó, bọn học trò 14, 15 tuổi chúng tôi đã thầm nghĩ rằng ông thầy tuyệt vời cả tài lẫn đức này sẽ có ngày trở thành một nhà văn lẫy lừng tên tuổi và một hiền nhân của dân tộc.

Với trọn vẹn lòng kính mến dành cho vị thầy cũ, tôi đã hân hoan tham dự "Đêm Doãn Quốc Sỹ và Dòng Sông Định Mệnh" hôm thứ bẩy 18-11-2000 vừa qua tại Arts Center của thành phố Irving, tiểu bang Texas, do Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tổ chức. Các bạn trong Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam đã làm một điều đẹp đẽ và có ý nghĩa vô cùng, và tôi mang ơn các bạn. Các bạn đã thực hiện được một chương trình văn hóa qua âm nhạc và văn chương đặc sắc hiếm thấy từ trước đến nay, trang nhã ngoài hình thức và long lanh trí tuệ trong nội dung, để vinh danh một nhà văn lớn, một hiền nhân đích thực của đất nước chúng ta.

Đàm Trung Pháp
Thanksgiving Day 2000
------------------------------------

Văn khố: Doãn Quốc Sỹ   -   www.diendantheky.net

Kỷ Niệm về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ   -  Tùy bút Ngọc Thủy
Đọc và Đọc Lại Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ  -  Mai Kim Ngọc  -  archive.damau.org

Chiếc chiếu hoa cạp điều   -  Doãn Quốc Sỹ  -  Truyện ngắn  -  Việt Nam Thư Quán
Dạ Lý Phu Nhân  -  Doãn Quốc Sỹ   -  Truyền ngắn   -   Việt Nam Thư Quán
.
.
.

No comments:

Post a Comment