Du Tử Lê
Wednesday, September 29, 2010
Tác giả “Tháng Ba Gẫy Súng” để cho những người đọc ông phải chờ đợi mỏi mòn 1/4 thế kỷ rồi mới gửi tới họ tập truyện “Vài Mẩu Chuyện.” (1)
Nếu có những người dành cả một đời để viết văn, xuất bản hàng chục tác phẩm chỉ với mục đích mong muốn được đời nhìn nhận là nhà văn mà, thực chất không đạt được thì, Cao Xuân Huy, ngược lại. Ông được văn giới nhìn như một nhà văn đúng nghĩa với tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng,” ấn hành lần thứ nhất năm 1985.
Ông cũng là người luôn từ chối hai chữ “nhà văn” một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt tuổi thanh xuân, cộng thêm 4 năm tù “cải tạo!”
Tôi không biết có phải ngay từ bước chân đầu tiên, rời khỏi trường lớp, bước vào dòng đời, chọn cho mình chiếc nón Mũ Xanh, tình yêu đồng đội đã là niềm hãnh diện thứ nhất và, cũng là tình yêu sau cùng của ông hay không?
Tôi cảm tưởng, với Cao Xuân Huy, tất cả những vòng nguyệt quế sau này, dành cho ông (dù không quá muộn màng), cũng chỉ như những bèo bọt, hư huyễn “tào lao” trước máu xương, đầy ải mà, ông cùng đồng đội đã từng đổ xuống, kinh qua?
Tôi cũng không biết có phải định mệnh đã chọn Cao Xuân Huy làm một (trong vài) nhân chứng chiến tranh ở phía khác của chiến tranh? Phía của những sự thật trần truồng và, những vinh quang tự thân không cần thêm son phấn?
Tôi muốn nói, trong ghi nhận của tôi, Cao Xuân Huy không lên gân. Không cường điệu bằng cách cho nhân vật của mình (là Cao Xuân Huy và, những phân thân của Huy, với nhiều tên gọi khác), xuất hiện trong những trang viết của ông, như những “Rambo” mình đồng da thép! Những người hùng không tình cảm. Không đói. Không khát. Không bản năng “tham sinh, úy tử!”
Cao Xuân Huy cũng không mượn những nhân vật (sau khi an toàn ở xứ tự do), để phát biểu linh tinh, chỉ vẽ, phán đoán như... “thần” về chiến thuật chiến lược!
Cao Xuân Huy cũng không cho các nhân vật của mình đóng vai “thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn” - Hiểu theo nghĩa cái gì cũng nghe, biết một cách tường tận! Cứ như thể họ chính là người đi những quân cờ mang tính định đoạt số phận nhân loại trên bàn cờ Tự Do-Cộng Sản. Khiêm tốn hơn một chút thì, cũng sẽ ở ngang mức độ: Nếu đất nước may mắn, biết dùng họ, nghe lời họ thì tổ quốc chúng ta hôm nay đã không như thế này!
Từ “Tháng Ba Gẫy Súng,” tới “Vài Mẩu Chuyện,” (khoảng cách thời gian 25 năm), trước sau tôi vẫn thấy Cao Xuân Huy là một người lính viết lại một phần đời mình. Phần thời gian tác giả tham dự trong cuộc chiến tự vệ, chống lại chủ trương thôn tính Miền Nam của đảng CS Miền Bắc.
Trước nhất, chúng ta đừng quên “mẩu” là danh từ xác định một vật, một sự việc nhỏ, bé, ngắn, cụt... Hoặc một thứ đầu thừa, đuôi thẹo không đáng kể. Không giá trị. Nhưng khi Cao Xuân Huy dùng chữ “mẩu” trong tác phẩm “Vài Mẩu Chuyện” của mình, với tôi, ở đôi ba truyện, nó lại tựa những con ốc nhỏ khiến ta liên tưởng tới đại đương; một vài chiếc lá có khả năng giúp ta liên tưởng tới những mùa gió, bão...
Trong lãnh vực học thuật, việc nhốt biển cả trong một giọt nước hay, gom cả vũ trụ vào trong một hạt bụi, với thi ca, đã là một khó khăn! Huống chi với văn xuôi!
Nhưng Cao Xuân Huy đã (chủ tâm hay vô tình) cho thấy, ông làm được.
Tôi không nghĩ Cao Xuân Huy có mối bận tâm lao lung nào về nỗ lực vận hành chữ, nghĩa như vừa kể.
Tôi nghĩ, điều quan thiết duy nhất của ông chỉ là sự viết ra, với tất cả tự hào, ngay thẳng của một con người. Một con người sớm nhận biết mình là Con Người và muốn, mãi mãi được là Con Người.
Do đó, viết với Cao Xuân Huy, cũng giống như bổn phận trả lại cho cuộc đời, những sự thật (dù ngậm ngùi, nhơ nhuốc) của một thân phận trong chiến tranh. Nhất là khi thân phận đó lại bị định mệnh xếp vào thành phần... bại trận!
Nhưng không vì thế mà Cao Xuân Huy viết như một trả thù... nguội.
Ông cũng không viết như một ảo thuật gia chuyển hóa từ mặc cảm hèn yếu trong quá khứ, trở thành hùm, beo gầm thét trước... hư không!
Tôi nghĩ, Cao Xuân Huy đã viết với tất cả liêm sỉ có được của một sĩ quan trẻ trong QL/VNCH cũ.
Cao Xuân Huy không viết để “vinh danh,” “đánh bóng” hoặc, góp thêm một vài cánh hoa ngợi ca cho mầu cờ sắc áo của binh chủng TQLC của mình.
Phải chăng, ông thấy không cần thiết? Hoàn toàn không cần đến những chữ, nghĩa rổn rảng, nổ đì đùng như pháo cối!
Tôi trộm nghĩ, có thể ông không thấy phải mắm, muối thêm thắt gì, khi tự thân những gục, ngã giữa chiến trường của bằng hữu, đồng đội ông, đã là những hy sinh lồng lộng ý nghĩa giữa tổ quốc.
Tôi trộm nghĩ, có thể ông cho rằng, sự vẽ râu, bôi phấn cho những hy sinh cực kỳ trong sáng của đồng đội ông, có khi lại là một xúc phạm lớn tới chính những hy sinh thiêng liêng đó?
Tôi muốn chỉ danh những hy sinh đó, là những hy sinh trong sáng, hồn nhiên bởi tự tấm bé, trước khi những thanh niên sinh trong thời loạn kia lên đường nhập ngũ, họ đã không hề bị học đường giáo dục, trang bị cho họ bất cứ một quan điểm, lập trường căm thù nào.
Chưa kể, có những thanh niên tự nguyện đi vào chiến tranh, với tất cả lãng mạn, hào khí phương cương của tuổi trẻ, như một thứ Kinh Kha khinh bạc bước qua dòng Dịch Thủy:
Một buổi chiều xuân.
Nắng quái hắt dài bóng những ngôi mộ trên mặt đất.
Toàn tác chiến tay cầm chai rượu, tay chống nặng khập khễnh đi sâu vào nghĩa trang, vừa lần mò tìm ngôi mộ vừa lẩm nhẩm đọc thầm:
Lòng đắng xá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
.....
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
.....
Ngươi ơi! hề ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Ngõ trúc ta về lạnh mấy mươi!
Mộ mới đắp, mới tinh như bộ quần áo trận chưa kịp sửa, rộng thùng thình Toàn đang mặc...
(Cao Xuân Huy, “Vài Mẩu Chuyện: Hành Phương Nam ,” trang 68, 69)
Cũng thế, thuật lại phản ứng, cảm nhận của mình và đồng đội trong trận đánh cuối cùng, trước 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973 (giờ ngưng bắn theo hiệp định Paris ), Cao Xuân Huy cũng để sự thật cất lên tiếng nói của nó. Tiếng nói của bản năng. Tiếng nói yêu đuối của bất cứ sinh vật nào có cùng một mẫu số “tham sống sợ chết!” Tôi nghĩ, phải có những giây phút “hồi dương” như vậy, họ mới là người. Nếu không, họ sẽ là những hình nộm. Những người máy trong tay của một số... “nhà văn!” Và, ta sẽ chẳng thấy một khác biệt nào trong lãnh vực văn-xuôi-chiến-tranh giữa hai miền Nam , Bắc!
Với trích đoạn sau đây, từ “Vài Mẩu Chuyện,” của Cao Xuân Huy, có thể khiến một số người kết án tác giả là “phỉ báng quân lực VNCH!!!” Hoặc “khí thế” hơn nữa thì sẽ là một cái mũ... “cộng sản” cho ông:
Toàn gọi máy qua cánh quân bên phải:
-05-520.
-520-05.
-Phía ông ngưng chưa?
-Chưa.
Ông “thọc” mạnh lên lên. Sườn tôi hở, lạnh thấy mẹ.
Tiếng súng rộ lên phía bên phải. Toàn và Kháng nhào lên chốt địch phía trước. Tâm, tên cao bồi của Toàn, chồm người tung quả lựu đạn. Lựu đạn vừa rời khỏi tay Tâm, Toàn nghe tiếng thét:
-Chết tui.
Toàn quay lại nhìn. Tâm nằm ngửa bất động trên cát, máu trong bụng nhỉ ra.
Cùng lúc, Toàn và Kháng tung lựu đạn vào trong hầm rồi vọt vào theo, làm chủ cái chốt. Toàn nhào ngược về đằng sau, nắm chân Tâm kéo thụt xuống sau mô cát.
Tâm nhìn Toàn:
-Ðù má ông thầy. Ngưng bắn rồi mà sao tui chết hả ông thầy? Ông rán sống nghe ông thầy!
Nói dứt câu, người Tâm giựt mạnh rồi mềm xuống.
Toàn vuốt mắt Tâm rồi nhào lên với Kháng:
-La lên nữa đi!
Kháng:
-Ðù má, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.
Tám giờ mười lăm, tiếng súng thưa dần.
Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Toàn nhìn đồng hồ, tám giờ hai mươi lăm.
.....
Toàn ghếch đầu nhìn về phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.
Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ chờ có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.
Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.
Lính hai bên ùa lên phía trước hò hét:
-Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!
Những bộ quân phục rằn ri Miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa Miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm chế được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.
(Cao Xuân Huy, “Vài Mẩu Chuyện: Chờ tôi với...” từ trang 73 tới trang 75)
Trên đây chỉ là một trong nhiều đoản văn mang tính tự sự kể về những trận đánh Cao Xuân Huy tham dự. Và, những cái chết của của đồng đội diễn ra ngay trước mắt tác giả.
Những ghi lại không phấn son. Không lươn lẹo. Không đồng cốt. Nhưng cũng vì thế, Cao Xuân Huy đã cho thấy ông đích thực là nhà văn dù, ông từ chối.
Tuy nhiên, Cao Xuân Huy có thực sự khinh bạc? Cao Xuân Huy có thực sự là một nhà văn “bất cận nhân tình?”
Cảm nghĩ của tôi: “Nhiều phần không!”
Du Tử Lê
(Thứ Năm ngày 7 tháng 10, 2010: “Ði về phía yếu đuối của con người Cao Xuân Huy!”)
Chú thích:
(1): “Vài Mẩu Chuyện,” tạp chí Văn Học California , xuất bản, 2010.
-----------------------------------
Tháng Ba Gãy Súng - Việt Nam Thư Quán
Tháng Ba Gãy Súng - Da Màu
Phỏng Vấn Cao Xuân Huy Và Tháng Ba Gãy Súng : 10/31/2009
Đọc Cao Xuân Huy : 6/9/2010
Cao Xuân Huy, tác giả và tác phẩm - Nguyễn Mạnh Trinh
Cao Xuân Huy và “Tháng Ba gãy súng” - RFA : 2-5-2010
“Vài Mẩu Chuyện” của Cao Xuân Huy - Viễn Đông Daily News
Sau 'Tháng Ba gẫy súng', Cao Xuân Huy viết thêm “Vài Mẩu Chuyện” - Nhật báo Người Việt
Cao Xuân Huy, nhà-văn-nhân-chứng tự trọng chiến tranh Miền Nam (nguoi-viet.com)
.
.
.
No comments:
Post a Comment