Monday, September 27, 2010

CẨN THẬN TRONG KHI LƯỢNG ĐỊNH VIỆC MỸ TRỞ LẠI ĐÔNG NAM Á


Trương Đình Trung
Thứ Hai, 27/09/2010
Có khá nhiều người đang có những lượng định không sát thực tế đối với những chuyển biến ngoại giao hiện nay của Mỹ hướng về Đông Nam Á và Á Châu. Phần đông, do những định kiến vốn có từ thời Chiến Tranh Lạnh, tưởng rằng lại một lần nữa Mỹ trở lại đế ngăn chặn sự bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản, như trước đây vào đầu thập niên 1950s để chặn đứng sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng Sản ra các nước Đông Nam Á. Số người đó, cũng từ những định kiến vừa nói, không nhận ra sự khác biệt về tương quan lực lượng và mối quan hệ Trung - Mỹ hiện nay với tương quan lực lượng và quan hệ của hai cường quốc đó trong thời Chiến Tranh Lạnh trước đây. Họ cũng không chú ý đến một thực tế là các quốc gia Đông Nam Á, do ký ức về thuộc địa của mình, thường không hoàn toàn hoan nghênh sự hiện diện của một cường quốc Tây Phương, với tư thế khống chế, trong Khu vực.

Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, thế giới chia thành hai khối rõ rệt: Cộng sản do Liên Bang Sô Viết đứng đầu, Trung Cộng chỉ là cường quốc hạng hai trong khối Cộng Sản; khối Tư Bản do Mỹ lãnh đạo. Ấn Độ đã cùng với Trung Quốc lập ra phong trào Phi Liên Kết, gồm đa số các quốc gia vừa thoát ra khỏi chế độ thuộc địa ở Á, Phi và Mỹ - Latinh, cố gắng để tìm cách đứng ngoài sự tranh chấp của Mỹ - Liên Xô. Từ đó có danh xưng các nước thuộc Khối Thứ Ba. Tuy nỗ lực để đứng giữa ấy không thành công lắm. Trừ Trung Quốc và Ấn Độ ra, các nước nhỏ yếu khác đều dần dà bị cuốn hút vào quỹ đạo của phe Tư Bản ở mức độ này hoặc mức độ khác.

Do tình hình trên nên lâu nay các quốc gia trong hiệp hội ASEAN thường tỏ ra thận trọng trong các quan hệ với Tây Phương. Ba nước tiêu biểu cho sự thận trọng đó là Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Indonesia lúc đầu đã kiên quyết giữ lập trường không liên kết, và tỏ ra rất dè dặt đối với Tây Phương. Thái độ đó phần nào do lịch sử trước đó Indonesia đã từng bị người Hoà Lan đô hộ trong thời gian dài từ đầu thế kỷ 19 cho đến năm 1949. Trong Chiến Tranh Lạnh, Indonesia, tuy ái ngại trước sự đe doạ của Cộng Sản, đã rất ngần ngại trong việc xích lại gần với Mỹ. Việc tiêu diệt Đảng Cộng Sản Nam Dương; một đảng Cộng Sản lớn ở Á Châu chỉ sau đảng Cộng Sản Trung Quốc, là một nổ lực riêng của người quốc gia Indonesian dưới sự lãnh đạo của cố Tổng thống Sukarno, người đã tìm mọi cách để hạn chế sự can thiệp sâu của Mỹ vào nội tình Indonesia. Ngày nay Indonesia là một quốc gia với hơn 230 triệu người, đa số theo Hồi giáo, có địa vị rất quan trọng trong khối ASEAN, vẫn duy trì chính sách đối ngoại như trước; nghiã là tuy vẫn cần Mỹ làm đối trọng để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng lại không muốn bị lôi cuốn hoàn toàn về phía Mỹ, trở thành một quân cờ, trong một cuộc tranh chấp Mỹ - Trung. Các chính khách Indonesian đã không ngớt quảng diễn lập trường đó của họ.

Thái lan, quốc gia quan trọng khác của khối ASEAN, lâu nay vẫn có truyền thống "đi dây" giữa các cường quốc. Chính nhờ ngoại giao khôn khéo, tự mình trở thành trái độn giữa hai đế quốc Anh Pháp, nên đã thoát khỏi tình cảnh trở thành thuộc địa của Phương Tây, duy trì được độc lập và hoà bình suốt mấy trăm năm qua. Trong Chiến Tranh Lạnh, Thái Lan đã khéo léo ngả về phía Mỹ để kiếm dollars, biến lãnh thổ của mình làm căn cứ tiếp vận cho cuộc chiến tranh làm kiệt quệ đối thủ đáng sợ trong Vùng là Việt Nam. Kinh tế Thái Lan ngày nay đã tiến xa hơn Việt Nam hàng mấy chục năm chính là nhờ chiến tranh Việt Nam. Đến lúc này, Thái Lan lại tiếp tục tìm cách giữ thăng bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Về mặt kinh tế, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997, Thái Lan tìm được nhiều lợi ích từ Trung Quốc hơn là từ Mỹ. Chính các hedge funds của Mỹ, với các thủ thuật đầu cơ tinh vi của mình, đã gây ra sự mất giá đột ngột của đồng Bath, đưa Thái Lan vào cơn lốc khủng hoảng tài chánh năm 1997, và sau đó lan qua Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Singapore, Nam Hàn, Đài loan,v.v...Trung Quốc đã nhân cơ hội đó, dùng sức mạnh kinh tế của mình để tương trợ cho Thái Lan và các nước, bằng cách kìm giữ giá trị của đồng Nguyên nhằm giúp chặn đứng sự tuột dốc của đồng Bath. Việc làm đó của Trung Quốc đã khiến chính giới Thái xích lại gần Trung Quốc và xa Mỹ hơn. Hiện nay số lượng sinh viên Thái Lan du học qua Trung Quốc nhiều hơn là qua Mỹ!

Điểm cần lưu ý là Thái Lan luôn dè chừng ảnh hưởng của Việt Nam lên Lào và Campuchia. Trong nhiều thế kỷ trước đây, Thái Lan đã thường tranh chấp với Việt Nam trong việc gây ảnh hưởng lên hai quốc gia đó, và luôn tìm cơ hội để nhúng tay vào nội bộ của Việt Nam; như việc đưa quân sang giúp Nguyễn Ánh chống nhau với nhà Tây Sơn để rồi bị Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ đánh cho tan tác ở Rạch Gầm - Kênh Xoài Mít là một bằng chứng. Vì vậy, lập trường và phản ứng của Thái Lan đối với những chuyển hướng mới đây trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á sẽ không giống với lập trường và phản ứng của Việt Nam. Sự xích lại gần nhau giữa Mỹ - Việt có thể ít nhiều có lợi cho Việt Nam, khiến Việt Nam độc lập và mạnh lên. Nhưng điều đó không hẳn sẽ phù hợp với lợi ích của Thái Lan trong Khu vực.
Quốc gia quan trọng khác của khối ASEAN là Philippines. Là một cựu thuộc địa của Tây Ban Nha, và rồi của Mỹ, Philippines từ khi độc lập cho đến gần đây là một đồng minh thân cận của Mỹ, đã cùng với Thái Lan, đóng vai trò đắc lực trong Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO, South East Asia Treaty Organization) từ năm 1954 cho đến năm 1977. Philippines là một vị trí chiến lược rất quan trọng cho việc triển khai lực lượng của Mỹ ra cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Trước đây căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic, với hơn 15,000 quân nhân Mỹ và khoảng 25,000 dân sự Mỹ trú ngụ, là hai căn cứ tiền tiêu rất quan trọng của Mỹ ở Á Châu. Nhưng hậu quả xã hội của hai căn cứ đó và tinh thần dân tộc của người Phi phối hợp lại đã dẫn đến việc đóng cửa hai căn cứ đó vào thập niên cuối của thế kỷ 20, tuy rằng Hiệp ước Phòng thủ Chung (Mutual Defense Treaty) Mỹ - Phi, ký từ năm 1951 vẫn còn hiệu lực, và Mỹ vẫn là cái dù an ninh cho Philippines.

Kể từ khi Trung Quốc lấn chiếm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) của Philippines năm 1995, chính phủ Phi lại kêu gọi sự hợp tác trở lại của Mỹ. Hai bên đã ký Visiting Forces Agreement năm 1998 và quân hai bên bắt đầu có các cuộc tập trận chung. Sự hợp tác Mỹ - Phi lại gia tăng sau biến cố 9/11/2001 trong việc chống khủng bố. Mặc dầu vậy sự hiện diện trở lại của quân đội Mỹ vẫn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo lẫn giới cánh tả Philippines. Đặc biệt là từ tháng 7/2004 khi chính phủ Arroyo đơn phương rút quân tham chiến ở Iraq về nước, quan hệ Mỹ - Phi đang dần dần trở nên lạnh nhạt. Đồng thời Trung Quốc bắt đầu mở rộng chính sách ngoại giao soft power ra với Philippines; đã có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung - Phi ngày càng thắt chặt hơn về cả chính trị lẫn kinh tế. Philippines là quốc gia ASEAN đầu tiên lên tiếng phản đối các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ gần đây về quốc tế hoá các tranh chấp Biển Đông. Cũng xin nhớ rằng, Philippines là một trong các quốc gia có sự khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa mâu thuẫn với của Việt Nam.

Vắn tắt thì sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, hay đúng hơn sự "trở lại" của Mỹ đối với Đông Nam Á lúc này đang diễn ra trong một tình hình hoàn toàn khác hẳn với tình hình trước đây khi Mỹ can thiệp vào khu vực này trong Chiến Tranh Lạnh. Nhiều quốc gia trong khối ASEAN không còn đứng hẳn về phía Mỹ như trước kia, mà chỉ muốn dùng sự hiện diện của Mỹ để cân bằng với Trung Quốc nhằm tiếp tục có sự ổn định để phát triển kinh tế; họ không còn muốn đóng vai quân cờ để cho Mỹ xử dụng trong thế che chắn Trung Quốc. Bởi vì sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, cho đến nay, đang mang lại ít nhiều lợi ích cho họ, giúp họ tránh bớt được áp lực của các định chế tài chánh Âu - Mỹ: World Bank, IMF, v.v...đã đè nặng lên họ trong gần nửa thế kỷ qua. Cứ nhìn vào lượng mậu dịch ngày càng gia tăng của Trung Quốc - ASEAN và việc hình thành khu Mậu dịch Tự do của hai bên bắt đầu trong năm nay là đủ thấy mức ràng buộc kinh tế, chính trị và rồi ngoại giao của Hiệp hội đối với Trung Quốc. Sự ràng buộc đó ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi, đều muốn duy trì những lợi ích như vậy.

Mặt khác sự "trở lại" lần này của Mỹ không mang tính chất chủ động như đã xảy ra vào đầu thập niên 1950s. Mỹ đã bước vào Chiến Tranh Lạnh với ưu thế áp đảo không những về quân sự mà cả kinh tế. Ngoại trừ Liên Xô ra, ở Á Châu, không một cường quốc nào có khả năng quân sự đủ mạnh để làm nản lòng (deterrence) các hoạt động quân sự của Mỹ. Về kinh tế, thời đó Mỹ cũng không hề bị ràng buộc vào quốc gia nào ở Á Châu, kể cả với Nhật Bản. Nhưng ngay cả với ưu thế quân sự như vậy, Mỹ sau chiến tranh Triều Tiên, khi bước vào Chiến tranh Việt Nam, đã luôn dè chừng để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, tuy rằng vào thời điểm đó vũ khí nguyên tử của Trung Quốc chỉ mới ở giai đoạn phôi thai và rất thô sơ so với lúc này. (Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm bom nguyên tử vào những năm 1965- 1966).
Tình hình ngày nay khác hẳn. Mỹ, sau nhiều năm bỏ ngỏ Á Châu và Đông Nam Á, nay buộc phải quay trở lại, vì nếu không thì có cơ sẽ vuột mất Á Châu vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc và do đó cung cấp cơ hội và địa bàn thuận lợi cho Trung Quốc vươn mình lên nhanh hơn nữa để trở thành đối thủ ở phạm vi toàn cầu. Mỹ phải trở lại trước khi quá muộn bởi vì tại Á Châu hiện nay không một cường quốc nào đủ khả năng kiềm chế Trung Quốc. Nhật trong suốt mấy thập niên qua đang gặp khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị, không còn là đồng minh đủ sức giúp Mỹ ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc. Ấn Độ thì lại còn yếu kém hơn và chưa thể là đối thủ đồng cân đồng lạng với Trung Quốc. Nga thì tốc độ phát triển kinh tế còn chậm nhiều so với Trung Quốc, và còn lâu lắm Nga mới thu hồi được vùng ảnh hưởng đã mất trước đây của Liên Xô. Nội chỉ lo giữ cho được vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ cho được vùng Siberia và đứng vững được ở Trung Á là Nga đã hụt hơi, còn sức đâu mà "chọi" với Trung Quốc.
Đó là những lý do thôi thúc Mỹ phải "trở lại" Á Châu.

Mặt khác, Mỹ không còn giữ được địa vị kinh tế như trong thời Chiến Tranh Lạnh. Ngoài sự cạnh tranh của Âu Châu, trong đó có Đức. Mỹ đang gặp phải sự canh tranh ráo riết của Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây, và Nga. Đặc biệt nhất là đối với Trung Quốc. Chưa bao giờ và cũng chưa hề có một quốc gia nào có một mối quan hệ kinh tế như Trung Quốc đang có với Mỹ. Đó là một mối quan hệ vừa mang tính chất cạnh tranh vừa mang tính chất tương thuộc. Nghĩa là kinh tế của nước này sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế nước kia và ngược lại. Chẳng hạn, lượng nhập cảng của Mỹ giảm sẽ ngay lập tức khiến hàng triệu công nhân Trung Quốc bị mất việc, giá thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc của Trung Quốc sẽ tụt xuống, kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại. Nhưng kinh tế Trung Quốc suy thoái lại sẽ gây lỗ lã cho giới đầu tư, cho các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ giảm việc mua các sản phẩm và nhất là các trái phiếu của Mỹ. Điều đó đến lượt nó lại khiến kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn. Việc Trung Quốc đang giữ trong tay một khối dự trữ khổng lồ hơn 2,000 tỉ dollars và một số lượng lớn trái phiếu của Mỹ là một bằng chứng hùng hồn về mối tương thuộc kinh tế giữa hai đại cường. Và sự kiện chính phủ và Quốc hội Mỹ không ngớt kêu ca về việc kìm giữ giá đồng Nguyên của Trung Quốc là một bằng chứng khác.

Tóm lại, để có thể lượng giá một cách gần đúng hậu quả sự chuyển hướng, hay "trở lại" của Mỹ trong chính sách hiện nay đối với Đông Nam Á và Á Châu, cần thiết phải thoát ra khỏi các định kiến do bối cảnh Chiến Tranh Lạnh tạo ra, nhìn nhận đúng đắn thực tế tương quan quân sự - kinh tế hiện nay giữa các cường quốc, và lưu tâm tới tính cách thụ động của Mỹ cũng như phản ứng khác nhau của các quốc gia trong hiệp hội ASEAN. Lường đoán được những gì sẽ xảy ra là một công việc vô cùng khó khăn trong tình hình phức tạp hiện nay, nhưng không phải là bất khả và có thể giảm thiểu sai lầm nếu như những yếu tố vừa nêu được quan tâm đúng mức.
Trương Đình Trung
.
.
.

No comments:

Post a Comment