Friday, August 27, 2010

XUNG QUANH NHỮNG "LỢI ÍCH CỐT LÕI" CỦA TRUNG QUỐC

XUNG QUANH NHỮNG “LỢI ÍCH CỐT LÕI” CỦA TRUNG QUỐC

Đăng bởi anhbasam on 27/08/2010

http://anhbasam.com/2010/08/27/636-xung-quanh-nh%e1%bb%afng-%e2%80%9cl%e1%bb%a3i-ich-c%e1%bb%91t-loi%e2%80%9d-c%e1%bb%a7a-trung-qu%e1%bb%91c/

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt – Thứ sáu, ngày 27/8/2010

XUNG QUANH NHỮNG “LỢI ÍCH CỐT LÕI” CỦA TRUNG QUỐC

TTXVN (Hồng Công 20/8)

Báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 12/8 đăng bài bình luận cho rằng Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo hơn về các lợi ích mà họ cho là “cốt lõi”. Phần còn lại của thế giới đang quan tâm xem điều gì sẽ xảy ra sau đó? Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong hơn hai thập kỷ, chính sách ngoại giao của Trung Quốc luôn khiêm tốn, theo châm ngôn nổi tiếng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Nhưng giờ đây, dưới một châm ngôn cộng sản mới là “tiến bộ với thời cuộc”, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang điều chỉnh cách tiếp cận của họ, khi sức mạnh của sự giàu có ngày càng tăng đang khích lệ quốc gia này trên trường quốc tế.

Cuộc khẩu chiến ăn miếng trả miếng gần đây nhất xung quanh cái gọi là “những lợi ích quốc gia” giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra hồi tháng trước tại Hà Nội, cũng như các cuộc tập trận chung cấp cao Mỹ-Hàn, các cuộc tập trận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Đông Bắc Á cho thấy chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đang dần chuyển dịch từ thận trọng sang một quan điểm hùng hổ hơn. Một số cho rằng kỷ nguyên “giấu mình chờ thời” đã kết thúc.

Trong vị thế mạnh bạo hơn, được đánh giá lại hơn, Trung Quốc đã đặt Biển Đông vào hạng mục “các lợi ích cốt lõi quốc gia” về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không thể thương lượng – khái niệm tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. Phản ứng lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra một thách thức đối với Bắc Kinh tại hội nghị ARF, nói rằng Oasinhton có “một lợi ích quốc gia” ở Biển Đông.

Trong khi không quan chức Trung Quốc nào cho biết “các lợi ích cốt lõi quốc gia” nghĩa là gì, thì đang có một điệp khúc ngày càng tăng trong dư luận nước này cho rằng PLA cần bảo vệ các lợi ích cốt lõi ở khu vực tranh chấp. Các tin tức gần đây đã đưa thuật ngữ “lợi ích cốt lõi quốc gia” vào tầm chú ý ngang với “chủ quyền quốc gia” và “toàn vẹn lãnh thổ”, đồng thời nêu lên vấn đề Trung Quốc sẽ xác định như thế nào về thuật ngữ này và nó bao gồm những gì.

Giáo sư David Shambaugh, phụ trách Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng từ lâu Bắc Kinh đã dùng thuật ngữ này khi đề cập đến Tây Tạng và Đài Loan để tuyên bố những vấn đề mang tính trọng tâm của chủ quyền quốc gia. Shambaugh cho biết: “Thực tế, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt thuật ngữ lợi ích cốt lõi quốc gia với Biển Đông là hồi tháng 3 trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg và Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Jeffey Badner”.

Trung Quốc từ lâu đi theo chính sách gác tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các láng giềng sang một bên, cùng hợp tác phát triển các nguồn tải nguyên thiên nhiên. Giới phân tích cho rằng giờ đây Bắc Kinh đang thúc đẩy mở rộng phạm vi quyền lực của mình trên biển. Giáo sư Shambaugh cho rằng những mục tiêu cụ thể của sự khẳng định mới này nằm trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về lãnh thổ: “Theo tôi nhận thấy, đang có 4 “lợi ích cốt lõi quốc gia” mà Chính phủ Trung Quốc đã xác định: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Biển Đông. Tất cả đều giống nhau ở điểm đều là những nơi mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia khác hoặc thực thể chính trị khác có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh và/hoặc nơi có những phong trào chủ trương ly khai”.

Theo Shambaugh, “xác định những vùng lãnh thổ này là lợi ích cốt lõi quốc gia, Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ sự can thiệp hay tranh cãi nước ngoài nào về tuyên bố chủ quyền của họ”.

Tiến sĩ Steve Tsang, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Cao đẳng St Antony thuộc Đại học Oxford, nhận định lợi ích cốt lõi quốc gia là một thuật ngữ chủ chốt trong chính sách của Bắc Kinh: “Khi một điều gì đó được nâng lên mức này, Bắc Kinh sẽ giữ vững quan điểm xung quanh các lợi ích cốt lõi quốc gia và cho rằng những nước khác phải tôn trọng điều đó – giống như trong các trường hợp Tây Tạng và Đài Loan”.

Tại sao Trung Quốc làm vậy, Thiếu tướng hải quân Trương Hoa Thần, phó chỉ huy hạm đội Đông Hải của PLA, tuyên bố: “Với sự mở rộng của các lợi ích kinh tế quốc gia, hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến vận chuyển cũng như sự an toàn của các tuyến hàng hải lớn của Trung Quốc”.

Từ Quang Dụ, một tướng về hưu, nhận xét: “Trước đây, Trung Quốc giữ yên lặng về tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng vì hải quân khi đó chưa đủ khả năng bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng giờ đây, hải quân đã có thể thực hiện nhiệm vụ đó của mình”.

Với thế giới bên ngoài, vấn đề lo ngại hơn là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Gần đây, các câu hỏi thường được nêu lên về việc liệu Bắc Kinh có dùng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi quốc gia” thường xuyên hơn không và mở rộng nó ra những lĩnh vực tranh cãi khác như nhân quyền, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ cũng như các vấn đề liên quan đến an toàn kinh tế quốc gia.

Một tin tức chưa được khẳng định cho biết gần đây, Ủy viên Quốc vụ Đới Binh Quốc đã định nghĩa “các lợi ích cốt lõi quốc gia” là “giữ gìn hệ thống cơ bản và an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ phát triển xã hội và kinh tế bền vững”.

Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc bác bỏ thông tin trên cũng như những lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng định nghĩa này ra các vấn đề rộng hơn. Họ nói rằng “các lợi ích cốt lõi quốc gia” sẽ chỉ giới hạn liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Giáo sư Kim Xán Vinh thuộc Đại học Nhân dân, cho biết: “Ít nhất là cho đến lúc này, có một sự đồng thuận trong giới ngoại giao và các học giả cố vấn của Trung Quốc rằng thuật ngữ trên sẽ chỉ áp dụng với hai lĩnh vực: chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Trong một bài báo trên tạp chí “Outlook” mới đây, giáo sư Hàn Húc Đông thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng sẽ là không khôn ngoan đối với Bắc Kinh nếu họ công khai phạm vi của “các lợi ích cốt lõi quốc gia”. Học giả này nhận xét: “Công khai phạm vi các lợi ích cốt lõi quốc gia sẽ phản tác dụng cho nỗ lực bảo vệ chúng”. Theo Hàn Húc Đông, lí do đơn giản là Trung Quốc chưa có quân đội hoặc sức mạnh quốc gia đủ mạnh để bảo vệ các lợi ích này và vì thế không nên để lộ chính sách của mình.

Hàn Húc Đông dẫn chứng ngay cả Mỹ và Nga – có hai lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới – cũng không công bố phạm vi lợi ích cốt lõi quốc gia của họ. Oasinhton chỉ xác định 16 tuyến hàng hải quan trọng nhất về chiến lược như là “các lợi ích quan trọng”, mức thứ hai so với “các lợi ích quan trọng sống còn”. Học giả này cho rằng trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc cần bảo vệ tất cả những lợi ích quốc gia khác, không chỉ là những “lợi ích cốt lõi”.

Hàn Húc Đông cũng cảnh báo rằng quá nhấn mạnh vào “các lợi ích cốt lõi” sẽ tạo ra cảm giác rằng Trung Quốc chỉ quan tâm về chúng và chấp nhận trả giá bằng “các lợi ích không cốt lõi”: “Chúng ta không nên dùng thuật ngữ lợi ích cốt lõi quốc gia để bảo vệ tất cả các lợi ích quốc gia, vì nó sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực gìn giữ tất cả các lợi ích này”.

Tiến sĩ Steve Tsang của Đại học Oxford lưu ý rằng cách tiếp cận mạnh bạo ngày càng tăng bằng những tuyên bố về “lợi ích cốt lõi quốc gia” có thể gây ra những phản ứng tiêu cực: “Mặt trái của cách tiếp cận này là nó sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ khu vực và sẽ ảnh hưởng đến chính sách trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”.

Trong khi đó, học giả Hàn Húc Đông cũng cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự vì quan điểm xác định lại của Trung Quốc: “Nó sẽ khiến cả hai bên căng thẳng dữ dội… với một khả năng lớn phải giải quyết tranh chấp qua các cách thức quân sự, khi cả hai đều tuyên bố đó là lợi ích cốt lõi của họ”.

Mặc dù vậy, Steve Tsang lại cho rằng vẫn có sự linh hoạt đối với Bắc Kinh mà Đài Loan là một minh họa rõ ràng: “Nếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không bị thách thức trong một quãng thời gian, thì tuyên bố đó sẽ được sự chấp nhận không chính thức của quốc tế, như trong trường hợp của Tây Tạng và Đài Loan”.

Có lẽ, nguy cơ trực tiếp nhất xuất phát từ thực tế rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều tuyên bố Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia của họ và giữa hai cường quốc này lại không tồn tại một hệ thống quản lý khủng hoảng quân sự. Bắc Kinh ngừng các liên lạc quân sự sau khi Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan hồi đầu năm nay. Trong số những hoạt động bị đóng băng đó có Thỏa thuận tư vấn hàng hải quân sự Mỹ-Trung, được lập ra để thúc đẩy một nhận thức chung trong việc tiến hành các chiến dịch hải quân và không quân trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Giáo sư Thời Ân Hồng, một chuyên gia an ninh quốc tế của trường Đại học Nhân dân, nhận xét rằng giờ đây, sau khi hai bên đã coi một lãnh thổ tranh chấp là lợi ích cốt lõi quốc gia của mình, sẽ rất khó cho bên nào rút lại.

Một vấn đề rất quan trọng đối với Bắc Kinh trong việc mở rộng các lợi ích cốt lõi quốc gia lên vùng lãnh thổ tranh chấp với các nước láng giềng cũng như các vùng biển lân cận là Trung Quốc và phương Tây do Mỹ đứng đầu có quan điểm bất đồng gay gắt về tự do hàng hải – không chỉ của các tàu thuyền dân sự mà còn là các quyền của tàu quân sự, máy bay nước ngoài trong các vùng biển và không phận.

Tiến sĩ Steve Tsang nói rằng tình hình hiện nay trái ngược với tình hình ở Mỹ Latinh dưới Học thuyết Monroe hồi thế kỷ 19 là đa số các cường quốc thời đó không có những lợi ích sống còn ở Mỹ Latinh và họ, những quyền lực châu Âu với điều kiện hạn chế để vươn tầm sức mạnh ra xa như vậy, không thấy cần phải thách thức sự mạnh bạo của Mỹ.

Chuyên gia này nhận xét: “Trung Quốc có thể là cường quốc lớn nhất trong khu vực, nhưng không phải là cường quốc duy nhất. Trong tình huống như vậy, Trung Quốc nên luôn có suy nghĩ rằng thực tế một hành động sẽ dẫn đến một phản ứng hoặc thậm chí là nhiều phản ứng”.

Nhưng Giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân cho rằng lịch sử đã thể hiện là bất cứ cường quốc đang nổi nào cũng thúc đẩy các lợi ích quốc gia của mình cùng với những kế hoạch đang phát triển và Trung Quốc là một trường hợp như vậy: “Thế giới cần quen với vị thế đang nổi của Trung Quốc trên trường quốc tế. Quốc gia này đang ngày càng thịnh vượng hơn và phát triển hơn. Tuy nhiên, còn quá sớm để cho rằng Bắc Kinh không còn chờ thời và sẽ hành động để đòi quyền lợi của họ”./.

.

.

.

No comments:

Post a Comment