Tuesday, August 31, 2010

VỚI TRUNG QUỐC HUNG HĂNG VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ ?

Với Trung Quốc Hung Hăng Việt Nam Nên Làm Gì?

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

August 27, 2010

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=5008

Vài ba câu hỏi nhức đầu…

Ngày 24/8 vừa qua, Bắc Kinh đã ký thỏa ước viện trợ tám triệu Mỹ kim cho xứ Đông Timor để xây dựng trụ sở bộ tổng tham mưu quân đội. Cho một quốc gia nhỏ xíu chỉ có hơn triệu dân, nằm chơi vơi giữa Nam Dương quần đảo và xứ Úc Đại Lợi, thì dự án viện trợ chưa đầy mười triệu đô la quả là chẳng có gì đáng kể. Trừ một sự kiện. Bắc Kinh đã thực hiện nhiều dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và công ốc, lại cũng vừa bán cho xứ này hai pháo hạm tuần duyên loại Thượng Hải – chừng 125 tấn có hai đại bác 57 ly – trị giá 28 triệu đô la.

Trong lễ ký kết với Bắc Kinh, Thủ tướng Xanaxa Gusmao mong muốn tăng cường quan hệ quân sự song phương với các quốc gia ủng hộ Đông Timor một cách vô điều kiện. Việc ấy quả là đáng chú ý.

Và Chính quyền Úc Đại Lợi càng chú ý khi mà ông Gusmao tuyên bố tiếp rằng việc các quốc gia khác muốn ngăn cản chuyện này là một việc không chính đáng. Sở dĩ đáng chú ý vì xưa nay, Úc vẫn yểm trợ quốc gia hải đảo ở mạn Bắc về kinh tế lẫn quân sự và coi Đông Timor là nằm trong vùng ảnh hưởng của mình để bảo vệ an ninh vùng biển miền Bắc. Nội loạn tại Indonesia, làn sóng thuyền nhân hoặc nạn di dân từ Á châu nhập lậu vào lãnh thổ bát ngát của Úc là một mối quan tâm thường xuyên của Chính quyền Canberra. Bây giờ, Trung Quốc lại tiến sâu xuống vùng biển miền Nam Thái bình dương, và vào tới Úc châu, thì quả là một vấn đề cho nước Úc.

Nhưng, chuyện này không là mới lạ vì Trung Quốc đã từng yểm trợ phong trào độc lập Đông Timor. Năm 2002, khi xứ này giành lại độc lập từ Indonesia, Bắc Kinh lập tức bang giao với Chính quyền Dili và tìm cách khai thác mâu thuẫn giữa Đông Timor với Canberra. Lùi xa hơn một chút mà nhìn vào sự thể, ta lại nhớ đến bài… “Tiền xuất sư biểu” của Gia Cát Lượng: Bắc Kinh không từ nan những chuyện nhỏ nhặt nhất, ở nơi xa xôi nhất. Huống hồ khu vực này lại có khí đốt…

Nhưng, nhìn từ Việt Nam thì đấy là... một tin vui.

Trung Quốc không chỉ bành trướng xuống Đông hải mà họ gọi là Trung Nam Hải, không chỉ xiết vòng kiềm toả tại bán đảo Đông Dương và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, hoặc không chỉ chi phối từng nước trong Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á để phá vỡ nỗ lực tập thể của câu lạc bộ kinh tế này. Bắc Kinh còn muốn tiến xa hơn và trở thành mối quan tâm cho rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á, từ bán đảo Triều Tiên tới eo biển Đài Loan, đến eo biển Malacca qua tới Ấn Độ Dương…

Khi ấy, vấn đề Trung Quốc của Việt Nam cũng là vấn đề Trung Quốc của Á châu – và của thế giới… Bài toán Trung Quốc của Việt Nam trở thành bài toán chung của các nước và vì quyền lợi của các nước mà việc giải quyết bài toán này có thể đem lại lợi thế cho Việt Nam. Nếu như Việt Nam muốn….

Nhưng cái “Việt Nam” đây là ai? Là lãnh đạo Hà Nội? Là người dân Việt, trong đó có cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại?

Nói đến lãnh đạo tại Hà Nội, ta có thể tin là nhiều đảng viên cộng sản cũng biết rằng Trung Quốc nuôi tham vọng bành trướng, rằng tham vọng này đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam, và họ không chấp nhận được sự kiện ấy. Nhưng, họ có thể làm được gì? Và trước hết, có muốn làm gì không?

Ngoài một số phát biểu của những người đã hết quyền lực, chúng ta chưa thấy một cuộc tranh luận rộng lớn và tương đối công khai về bài toán này. Từ bên ngoài, người ta chỉ có thể đoán là trong nội bộ Trung ương đảng và bộ Chính trị cũng có những cân nhắc và thảo luận.

Nếu lạc quan thì mình có thể suy ra một hậu quả: bài toán của Trung Quốc cho Việt Nam cũng là bài toán của đảng Cộng sản Việt Nam. Lạc quan vì hàm ý là nội bộ cũng có nhiều thành phần tin rằng đảng không thể mãi mãi nhượng bộ mà phải có lập trường cứng rắn hơn và tìm cách thoát hiểm cho đất nước. Nếu thực tế hơn thì phải suy rằng đã có sự cân nhắc giữa hai ưu tiên, là cứu đảng hay cứu nước. Có thể là đa số đảng viên vẫn coi việc cứu đảng là ưu tiên. Trong giả thuyết ấy, vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm trong đảng Cộng sản, nằm tại Hà Nội. Nói cách khác, đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một – trong nhiều – công cụ bành trướng của Bắc Kinh.

Khi lãnh đạo cộng sản là vấn đề, muốn giải quyết bài toán Trung Quốc của Việt Nam thì phải giải quyết vấn đề đảng Cộng sản. Ngày nào mà đảng này còn giữ độc quyền lãnh đạo thì ngày ấy Việt Nam không thể bảo vệ được độc lập. Giải thể chế độ cộng sản là điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết bài toán Trung Quốc.

Nhưng sự đời vốn không đơn giản theo kiểu hắc bạch phân minh như vậy. Cho nên trong cuộc tranh luận hiện nay về lập trường – và tranh chấp về quyền lợi của các đảng viên – người ta cần hiểu rõ hơn các động lực thực và giả ở bên trong. Khai thác được các động lực này cho sự thoát xác và tiêu vong của đảng Cộng sản là một nhu cầu chiến lược.

Một thí dụ giả tưởng mà cụ thể, nếu Trung Quốc trực tiếp tấn công Việt Nam và đảng Cộng sản lên tiếng kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, người ta phải xử trí ra sao? Do kinh nghiệm “đoàn kết toàn dân” thời 1945, những ai muốn bảo vệ nền độc lập quốc gia nên… tham gia kháng chiến. Nhưng trong nỗ lực kháng chiến, ưu tiên chiến lược phải là giải trừ các đảng viên cộng sản theo khuynh hướng cưu đảng hơn cứu nước. Chính thành phần này mới tạo điều kiện thắng lợi cho Trung Quốc. Chúng ta có thể làm được như vậy không?

Nhiều người có thể nghĩ rằng không, vì “chúng ta” đây chỉ là một số tổ chức đấu tranh rất ồn ào ở hải ngoại mà không có thực lực ở bên trong. Sự thật lại không đơn giản như vậy, nếu ta minh định lại thế nào là “Trung Quốc trực tiếp tấn công Việt Nam”. Việc trực tiếp tấn công ấy đã và đang xảy ra dưới nhiều hình thái khác nhau. Và dù rằng đảng Cộng sản chưa hề công khai kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, nhiều thành phần dân chúng vẫn mong đợi một nỗ lực đoàn kết toàn dân và sự kết hợp trong ngoài. Người ta nên phát động nỗ lực ấy, và tiến hành theo kiểu giải quyết vấn đề cộng sản trước, vấn đề Trung Quốc sau. Hòn đá thử vàng là sự chọn lựa giữa chủ nghĩ cộng sản và quyền lợi quốc gia.

Một chuyện cụ thể là khi đang vận động quốc tế cùng tham gia giải quyết vấn đề Trung Quốc mà người cộng sản tiếp tục đàn áp tôn giáo và diệt trừ dân chủ thì họ mặc nhiên cô lập Việt Nam trong cộng đồng văn minh của nhân loại. Và giúp cho Bắc Kinh.

Thí dụ ấy dẫn ta ra khỏi khuôn khổ Việt Nam.

Vì vấn đề Trung Quốc là của thế giới, thế giới sẽ có nhiệm vụ giải quyết và vì quyền lợi của họ, các quốc gia liên hệ càng phải giải quyết. Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam sẵn sàng tham gia giải quyết cùng thế giới trong tinh thần ôn hòa, bình đẳng, v.v… Nhưng, người Việt Nam thì phải giải quyết vấn đề Trung Quốc ở tại Hà Nội vì thực ra, trở lực cho giải pháp quốc tế nằm ngay tại Hà Nội. Chứng minh được điều ấy là một việc cần thiết trong lãnh vực quốc tế vận.

Điều ấy được minh diễn rõ ràng khi Hoa Kỳ đang có chiều hướng hợp tác với Hà Nội trong viêệ vận động các nước Đông Á vào một trận tuyến chung để bảo vệ tự do thông thương ngoài Đông hải.

Như với Miến Điện từ năm ngoái, một số chánh khách Mỹ muốn giải tỏa áp lực trừng phạt chế độ quân phiệt tại Ngưỡng Quang hầu kéo xứ này ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Lý luận hàm chứa bên dưới là hãy kiên nhân hơn với nhu cầu chuyển hóa dân chủ mà nhìn vào ưu tiên về an ninh. Thực chất có thể chỉ là một toan tính kinh doanh nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản của xứ này mà khéo được ngụy trang dưới khẩu hiệu cao đẹp và lớn lao hơn. Chuyện ấy không thành và nhiều nhà làm chánh sách Hoa Kỳ lại bày keo khác, với mục tiêu vẫn nhuốm màu mờ ám! Trường hợp Việt Nam có thể cũng không khác….

Trong giả thuyết bi quan mà rất thực tế ấy, người Việt Nam nên nghĩ gì và làm gì?

Nhiều người cho rằng nay Hoa Kỳ đã sẵn sàng hợp tác và yểm trợ chế độ Cộng sản tại Hà Nội vì nhu cầu an ninh tại Đông Á. Cho nên nếu khôn ngoan thì đừng chống cộng nữa và nương theo trò chơi hợp tác này. Hấp dẫn và béo bở lắm. Nhưng khi ấy, vấn đề không phải là Trung Quốc hay quyền tự chủ của Việt Nam mà là một nhu cầu của Mỹ, cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Người ta có thể vì đỉnh chung mà đi vào trò chơi này không? Và bao giờ thì sẽ hát khúc bẽ bàng?

Cho đến nay, chưa thấy các tổ chức đấu tranh hay những người ưu thời mẫn thế nêu ra vài câu hỏi thiết thực. Như Việt Nam có thể làm gì trước sự bành trướng của Trung Quốc? Hoặc có nên theo Mỹ mà hợp tác với chế độ Hà Nội để nhờ Mỹ mà xây dựng được một lực đối trọng trước sức ép của Bắc Kinh hay không?

Đã đến lúc ta cần nêu ra các câu hỏi này…[NXN]

.

.

.

No comments:

Post a Comment