Friday, August 27, 2010

VINASHIN : "TÁI CẤU TRÚC" - MỘT TRÒ MA GIÁO, ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN

Vinashin: “Tái cấu trúc”, một trò ma giáo, đổi trắng thay đen

Tô Hoàng

Tháng Tám 27, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/27/vinashin-%e2%80%9ctai-c%e1%ba%a5u-truc%e2%80%9d-m%e1%bb%99t-tro-ma-giao-d%e1%bb%95i-tr%e1%ba%afng-thay-den/

Tái cấu trúc chỉ là một cú xóa sạch các thế cờ lầm lạc giả vờ, đổ vỡ ảo – một trò ma giáo thật giả lẫn lộn, đổi trắng thay đen; một thứ ảo thuật “úm ba la tiền của chung, tiền nhà nước thành tài sản của riêng ta”, “chịu nằm nhà đá vài năm, ra tù mới thành các ông chủ, bà chủ lớn được!”.

----------------------

Nếu tôi không nhầm thì hình như cụm từ TÁI CẤU TRÚC (Tổng công ty) chỉ ra đời sau vụ sập bể của Tổng Công ty Vinashin? Thật lý thú nếu được biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cụm từ này vào đúng thời điểm này nhỉ?

Hãy trả lời giúp tôi đi, vì biết đâu đấy, tên của ông (hay bà) ấy sẽ được ghi vào sử sách của một giai đọan mới gọi bằng cái tên “Thời kỳ chuyển đổi lớn” bắt đầu từ cột mốc một Tổng công ty mang dấu má nhà nước đàng hòang bỗng mở bài thua lỗ lên tới số 80.000 tỷ! Và 80 ngàn tỷ, viết ra bằng số là ra sao nhỉ?

.

Sáng nay, Thứ 6 ngày 27 tháng 8 năm 2010, mở trang báo “Tuổi trẻ” ra tôi bỗng xám mặt, giật thột khi dọc dòng tin như sau: “Tại cuộc họp UBND TP Hồ Chí Minh ngày 26 tháng 8 về kinh tế xã hội tám tháng qua, một trong những trọng tâm được Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, là yêu cầu các tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc TP nhanh chóng triển khai các biện pháp sắp xếp, TÁI CẤU TRÚC doanh nghiệp…”.

Giải thích lý do, vì sao phải sắp xếp, tái cấu trúc lại, ông Lê Hoàng Quân chỉ ra vì “các tổng công ty, doanh nghiệp phải khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất các mặt bằng nhà đất, tài sản đang được giao quản lý…” và vì “hàng năm các tổng công ty, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15%, nhưng có những lĩnh vực không thể dừng lại mục tiêu này mà cần tiến xa hơn nữa”.

.

Ngày Rằm tháng Bảy mới qua đây thôi… Cầu Trời, khấn Phật mọi điều đang xẩy ra tốt lành, suôn sẻ như ông Chủ tịch thành phố của chúng con vừa nêu.

Con là kẻ hay nghi ngờ, cảnh giác, thử hỏi cái vụ Tập đoàn VINASHIN sập đổ xét công tội chẳng cũng là vì không “khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất các mặt bằng nhà đất, tài sản đang được giao quản lý” là gì?

Ông Tổng Giám dốc Phạm Thanh Bình không cần hỏi ý kiến ai, giao ngay những chức vụ trọng yếu cho vợ, em trai, con trai để cùng nhau đốt xèo 80.000 tỷ. Thế mà đến tận hôm nay công tội của ông Bình vẫn còn “im re”, vẫn được nhiều báo, nhiều đài nâng niu gọi ông bằng hai tiếng “đồng chí”- thôi cũng được đi – nhưng liệu đến mồng thất nào ông ta trả đủ số tiền 80.000 tỷ “không cánh mà bay” kia và ai sẽ là người xác nhận trước bàn dân thiên hạ (có VTV1 ghi hình đàng hoàng đấy nhé!) ông ta đã trả rồi?

Bởi 80.000 tỷ là số tiền quỵt nợ khổng lồ xưa nay chưa từng xẩy ra. Còn bởi lẽ, phải xuất khẩu bao nhiêu tấn dầu thô, bao nhiêu vụ lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long mới thu được 80.000 tỷ đây?

.

Người già hay… chợt nhớ ra điều gì. Chợt nhớ, xưa kia ở Phòng Văn nghệ quân đội số 4 Lý Nam Đề Hà Nội có ông gì đó (quên mất tên rồi) rất cao cờ. Tất cả những hảo hán cờ tướng ở báo “Quân đội nhân dân”, “Văn nghệ quân đội”, Xưởng phim quân đội, Thư viện quân đội… hung hăng lên võ đài tử thí với ông, đều bị ông ta cho đo ván sạch. Kể từ hôm đó, ông cao cờ này trưa nào cũng bày sẵn bàn cờ ra, pha sẵn một ấm trà ngon, bóc sẵn một bao thuốc lá “Tam đảo” bao bạc đầu lọc đàng hoàng, ngồi vênh váo, đầy khiêu khích đợi kẻ nào dám nhào dzô để ông cao cờ làm thịt. Một tuần, hai tuần trôi qua không thấy ai dám chấp nhận lời thách đố!

Sang tuần lễ thứ ba bỗng có tin một nhà văn ở tạp chí “Văn nghệ quân đội” ( hình như là nhà văn Hữu Mai) đã nhận lời thách đố. Vào một buổi trưa, bàn cờ được bày ra sân sau căn nhà số 4 Lý Nam đế vì người kéo đến chứng kiến cuộc cờ ghê gớm này vô cùng đông. Hai đối thủ nâng chén trà, châm thuốc mời nhau, rồi cùng dàn xe pháo mã ra bàn cờ. Khách khiêm tốn mời chủ ra quân trước. Chủ đi nước một, khách đi như chủ. Chủ đi nước thứ hai, khách đưa tay vê vê hàng râu mới cạo chưa bao lâu cũng đi một nước… y như chủ. Thấy rõ vẻ bối rối, thảng thốt trên gương mặt ông cao cờ: quái chưa có thằng nào, mình ra quân ra sao, nó ra quân như thế. Ông cao cờ ngẫm nghĩ và quyết đi nước thứ ba. Nhanh như cắt, nhà văn đưa tay xóa sạch các thế cờ của cả hai bên, đứng phắt dạy, nhìn mặt đối thủ quát to: “Đi như thế mà gọi là cao cờ à! Thật phí công tớ đạp xe tới đây!”, rồi vùng vằng, bực bội bỏ về thẳng. Phải mất mấy tuần sau ông cao cờ mới tỏ tường, nhà văn kia “lỡm” thói kiêu căng, cao ngạo của ông ta. Bởi nhà văn chưa hề một lần ngồi vào bàn cờ tướng!

Nhắc lại chuyện cũ cho vui, chứ các ông anh văn hóa văn nghệ của thế hệ tôi thuở đó đều đứng dắn, nghiêm chỉnh, vì dân vì nước thực lòng cả và vì thế cả hai đều không ai dám TÁI CẤU TRÚC ván cờ lần nữa đâu!

.

Chỉ không hiểu vì sao đọc báo gặp lại cụm từ TÁI CẤU TRÚC sáng nay tôi bỗng nhớ ngay tới cuộc đấu cờ thú vị ở sân sau số 4 Lý Nam Đế mấy chục năm trước. Biết đâu TÁI CẤU TRÚC cũng chỉ là một cú xóa sạch các thế cờ lầm lạc giả vờ, đổ vỡ ảo – một trò ma giáo thật giả lẫn lộn, đổi trắng thay đen; một thứ ảo thuật “úm ba la tiền của chung, tiền nhà nước thành tài sản của riêng ta”, “chịu nằm nhà đá vài năm, ra tù mới thành các ông chủ, bà chủ lớn được!”.

.

Ung nhọt, máu mủ vỡ tóe loe bất khả kháng trước mắt bàn dân thiên hạ như VINASHIN để cấu trúc lại, ít nhiều gì cũng còn có thể coi là thuận ý trời. Vẫn ung nhọt máu mủ thối tha ấy nhưng nếu mọi chuyện lại giữ được êm ả, vui vẻ; anh, ả ăn chia sòng phẳng, trong ấm ngòai êm và bây giờ úp cho cái mũ TÁI CẤU TRÚC để nhanh chóng chuyển đổi tài sản, tiền của công thành tài sản, tiền của riêng, dán cho tem mác mới hợp thời trang hơn và anh, ả sẽ công khai, thỏa thuê ngả ngốn tình tang trong cái dinh cơ tư bản chủ nghĩa (như rành rành ở Liên Xô cũ kia) thì thật ghê gớm quá!

.

Em sợ cụm từ này lắm lắm, bác Chủ tịch Lê Hoàng Quân ơi! Liệu bác có nghĩ ra được cụm từ gì mới thay cho cụm từ TÁI CẤU TRÚC này không?

Thứ sáu ngày 27/8/2010

Nguồn: Trannhuong.com 27/08/2010. Tựa đề của Lê Diễn Đức

.

.

.

No comments:

Post a Comment