Tuesday, August 31, 2010

TRUNG QUỐC - ĐẾN TỪ ĐÂU và ĐỊNH ĐI TỚI ĐÂU ?

Trung Quốc – đến từ đâu và định đi tới đâu?

Nhà báo Simon Adamiak phỏng vấn Giáo sư Bogdan Góralczyk

Lê Diễn Đức dịch

Tháng Tám 30, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/30/trung-qu%e1%bb%91c-d%e1%ba%bfn-t%e1%bb%ab-dau-va-d%e1%bb%8bnh-di-t%e1%bb%9bi-dau/

Đặng Tiểu Bình, con người nhìn xa trông rộng, nhà kiến trúc của cuộc cải cách, đã đưa ra những giai đoạn phát triển ở Trung Quốc. Ông tin rằng, quá trình dẫn đến hiện đại, hiện đại hóa nhà nước Trung Quốc có thể mất đến 100 năm. Giới hạn cuối cùng là năm 2049, tức là 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

.

Simon Adamiak: Thưa giáo sư, đã nhiều lần ông nhấn mạnh rằng mô hình Trung Quốc không thể chấp nhận cho các nước khác. Tuy nhiên, có những giải pháp cụ thể, đơn lẻ nào mà các quốc gia khác có thể tận dụng?

Giáo sư Bogdan Góralczyk: Mô hình Trung Quốc thực sự không phù hợp để có thể chuyển giao cho những thực thể khác. Thứ nhất, mô hình này vẫn chưa hoàn thiện – Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi và biến đổi, vẫn luôn luôn chưa đi tới điểm kết của mô hình. Cho đến nay, nhiều nhất chúng ta có thể nói về mô hình kinh tế Trung Quốc. Để hoàn thành việc chuyển đổi, Trung Quốc còn phải thiết lập một nhà nước pháp quyền và sửa đổi hệ thống chính trị nếu không muốn toàn bộ tiến trình có thể bị phá vỡ. Tuy nhiên, điều thứ hai là, Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy. Vì vậy, mô hình Trung Quốc có hiệu quả và trong ý nghĩa này, đối với các quốc gia chưa dân chủ, với một nhóm các nước ở châu Á hay châu Phi, hoặc thậm chí ở Mỹ Latinh, một phần của giải pháp Trung Quốc có thể chấp nhận, nhưng tôi lặp lại, chỉ một phần. Một ví dụ có thể là, trong chiến lược tổng thể của mình Trung Quốc bác bỏ ý thức hệ. Người Trung Quốc đưa vào tất cả những ứng xử của chủ nghĩa thực dụng thô bạo và dẫn dắt quá trình rất cẩn thận. Thoạt đầu, họ thử nghiệm trên quy mô nhỏ, nếu thành công, họ mở rộng ra cho các tỉnh, sau đó thậm chí trên toàn quốc. Toàn bộ quá trình cải cách của Trung Quốc được nhận định như vậy. Tất nhiên, với các nước phương Tây, mô hình Trung Quốc không được chấp nhận, bởi vì nó bỏ qua những giá trị cơ bản, từ quan điểm của chúng ta. Mặc dù vậy, nó hấp dẫn cho sự quan sát và rút ra kết luận.

Simon Adamiak: Người Mỹ có giấc mơ Mỹ (America’s Dream), còn Trung Quốc có ước mơ của mình không trong tầm nhìn thế giới?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Trong thời gian gần đây, ngay sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng thị trường thế giới, người ta bắt đầu nói về Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus). Về Đồng thuận Bắc Kinh được nói đến trong một cuốn sách của tác giả Trung Quốc. Tiêu đề của nó là “Giấc mơ Trung Quốc” (Meng Zhongguyo). Ấy là giấc mơ Trung Quốc trở thành siêu cường. Thế nhưng Đặng Tiểu Bình, con người nhìn xa trông rộng, nhà kiến trúc của cuộc cải cách, đã đưa ra những giai đoạn phát triển ở Trung Quốc. Ông tin rằng, quá trình dẫn đến hiện đại, hiện đại hóa nhà nước Trung Quốc có thể mất đến 100 năm. Giới hạn cuối cùng là năm 2049, tức là 100 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Như chúng ta có thể thấy, chính người Trung Quốc biết trước mặt họ vẫn còn một số lượng lớn các thách thức và các vấn đề để giải quyết trước khi họ bắt đầu nói về một mô hình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sự thành công kinh tế của họ là không thể phủ nhận và hiển nhiên, người Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn, tự tin, và bắt đầu có những giấc mơ của mình.

Simon Adamiak: Trong cuốn sách mới nhất của mình giáo sư đã viết rằng một trong những vấn đề chính của Trung Quốc đương đại là sự sụp đổ các giá trị đạo đức và chạy theo đồng tiền một cách tàn nhẫn. Mối đe dọa lớn này lớn ở mức độ nào và liệu các nhà chức trách Trung Quốc có cố gắng chống lại nó?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Đây là một vấn đề sâu hơn. Trung Quốc trong thời kỳ của Mao là một nhà nước toàn trị, trong đó các cá thể không có ý nghĩa gì. Trong thực tế cá thể không tồn tại, nhưng tồn tại một nhà nước và một lãnh tụ vĩ đại. Phẩm hạnh trong cuộc Cách mạng Văn hóa là đặt mình lệ thuộc vào nhà nước toàn trị và bẩm báo với chính quyền về những người gần gũi nhất. Năm 1978, quyền lực thuộc về những người thực dụng do Đặng Tiểu Bình đứng đầu, và dĩ nhiên họ vứt bỏ sự rối loạn và hệ thống nhà nước toàn trị trong đó bản thân họ thường là nạn nhân.

Nhưng hệ thống này không phải thay thế bằng một thể chế dân chủ, mà họ cho rằng không thể có đầy đủ trong điều kiện Trung Quốc. Họ cũng không tạo ra hệ thống mới của các giá trị. Hậu quả là hệ thống giá trị của Trung Quốc hiện đại đã tự thân biến chuyển và được gọi là “mamonism” (baijinzhuyi) – có nghĩa tiền là đức tin. Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm, bởi vì không có quốc gia nào, đặc biệt lớn như Trung Quốc, lại đi gạt bỏ cột sống đạo đức. Nhà chức trách nhận thức được vấn đề này có thể quật ngã Trung Quốc. Do đó, từ giữa những năm 90 điều này đã được nói tới và trong vài năm qua, Trung Quốc thành lập chương trình xây dựng xã hội hài hòa để khôi phục lại các giá trị truyền thống. Quan trọng hơn, chương trình này nhắm tới toàn dân và nền văn minh Trung Quốc. Do đó, ngoài Trung Quốc, nó cũng áp dụng đối với Hong Kong, Đài Loan, Singapore và người Hoa hải ngoại trên thế giới. Trong khuôn khổ của chương trình “phục hưng dân tộc Trung Quốc” người ta lấy tư tưởng Khổng giáo, mà trong đó coi trọng thứ bậc và tập quán gia trưởng, và như thế sẽ thuận tiện cho thế lực cầm quyền. Thật không may, người ta cũng khuyếch trương chủ nghĩa dân tộc. Vì vậy, ngự trị tham nhũng và đức tin vào tiền bạc.

Simon Adamiak: Cho nên không có dấu hiệu cải thiện tình trạng này?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Tình hình có cải thiện. Trong ánh sáng của những gì chúng tôi quan sát trong 30 năm qua, ở Trung Quốc thực sự đang có một cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt.

Simon Adamiak: Còn về tâm lý?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Nếu nói đến tâm lý thì cũng có những thay đổi. Về mặt cá nhân, người Trung Quốc cởi mở và thích trò chuyện. Họ chỉ trích chính quyền, cười cợt chính quyền. Trong ý nghĩa này thì xã hội đã bắt đầu mở, nhưng hệ thống vẫn khép kín. Trung Quốc không thích ứng được với trang sử mới nhất, không giải quyết rốt ráo được quá khứ, không chỉ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, mà thực tế là cả giai đoạn Mao. Chân dung của Mao vẫn còn được treo tại quảng trường Thiên An Môn. Tất cả những điều này vẫn còn rối loạn và chưa được đưa vào phân tích sâu sắc. Đây cũng là một điểm yếu của một đất nước mà ngay cả với lịch sử mới nhất của chính mình cũng không thể tính toán sòng phẳng được.

Simon Adamiak: Chúng ta hãy nói về các chủ đề quốc tế. Giáo sư nghĩ thế giới sẽ như thế nào nếu Trung Quốc và Đài Loan sát nhập với nhau? Một Trung Quốc hùng mạnh có thể sẽ là cơ hội hay thách thức đối với phương Tây?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Trong cuốn sách mới nhất của tôi “Con Phượng hoàng Trung Quốc” đã hai lần tôi khẳng định – Cộng hoà Nhân dân (CHND) Trung Hoa không có Đài Loan thì chỉ là CHND Trung Hoa, còn CHND Trung Hoa với Đài Loan sẽ trở thành một siêu cường mới. Nhưng trước tiên, quá trình tái thống nhất hòa bình với Đài Loan, như Bắc Kinh gọi, vẫn còn xa mới hoàn thành. Quá trình này đang ở giai đoạn sơ bộ, mặc dù trong hai năm qua có phát triển, nhưng có thể phá vỡ, ví dụ, vào năm 2012, khi tổng thống hiện tại và Quốc Dân Đảng bị loại ra khỏi sân khấu quyền lực, chính vì chiến lược tiến gần nhanh chóng với Trung Quốc. Thứ hai, chưa biết Đài Loan thực hiện những lựa chọn nào. Đây là một xã hội dân chủ, có các lực lượng chính trị rất lớn và chính sách của nhà chức trách hiện nay đang bị chống đối. Không chỉ bởi đảng đối lập lớn nhất, Đảng Dân chủ Cấp tiến, mà bởi phần lớn dân chúng. Các cuộc khảo sát tại Đài Loan cho thấy 60-70% công dân phản đối việc tái thống nhất với Trung Quốc.

Điều thú vị là chúng ta biết được lịch trình cho việc thống nhất hòa bình. Nó được chia thành 6 giai đoạn, và giai đoạn cuối cùng là thực hiện quyền tự trị sâu rộng ở Đài Loan, đi xa hơn quyền tự trị dành cho Hồng Kông vào năm 1997. Thậm chí được phép giữ lá cờ riêng và lực lượng vũ trang độc lập. Đây là những điều được ấn định, nhưng không loại trừ đỉnh cao của toàn bộ quá trình có thể đưa tới đổi cả tên nước sang Trung Hoa Thống Nhất hay Cộng hòa Trung Hoa. Tuy nhiên, dù chúng ta biết các giai đoạn của tiến trình tái thống nhất, nhưng không thấy thời gian cụ thể nào. Nếu Trung Quốc trong 5 hoặc 10 năm tới sẽ đạt được những thành công như 20 năm qua, không nghi ngờ rằng nó sẽ thu hút Đài Loan nhỏ bé. Tuy vậy, chúng ta đừng quá phóng đại rằng điều này xảy ra. Nhưng nếu thành công hợp nhất được với Đài Loan, Trung Quốc sẽ nổi lên như một siêu cường và có thể định hình thế giới theo cách thức của mình. Thực tế thì Trung Quốc đã được làm được một phần trong khuôn khổ của G20, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng như là lãnh đạo không chính thức đối với các thị trường mới nổi.

Chúng ta hãy ví dụ hội nghị thượng đỉnh khí hậu gần đây ở Copenhagen. Trước hết, các cuộc thảo luận không chính thức đã diễn ra giữa Obama và Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, và sau đó đại diện của các “thị trường mới nổi” đã gặp riêng rẽ với nhau và mời Obama nói chuyện. Điều này cho thấy rằng, thứ tự đã trở nên quen thuộc phải xem xét lại. Bây giờ chúng ta nói tới “thị trường mới nổi” mà cho đến gần đây chúng ta thường gọi là các nước Thế giới thứ ba, các nước đang phát triển hoặc các nước hậu thực dân, như trong trường hợp của Ấn Độ và Brazil. Đột nhiên, xuất hiện bối cảnh mà trong đó không chỉ tồn tại London hay Paris hoặc Washington – tất nhiên, mà phải ý thức được rằng, Bắc Kinh, New DelhiBrazil cũng có tiếng nói. Đây là một chất lượng mới. Và thứ tự này có thể còn thay đổi nhiều hơn, với điều kiện là Trung Quốc sẽ tiếp tục giành được thành công. Tuy nhiên, tôi muốn thận trọng về điều này, bởi vì tôi thấy còn nhiều những rủi ro và các vấn đề.

Simon Adamiak: Đó là thêm cơ hội nhiều hơn hay mối đe dọa?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Tôi chưa có xác định cuối cùng của mình, bởi vì Trung Quốc trở thành một siêu cường có thể khó được chấp nhận với dân chúng phương Tây và tâm lý của chúng ta. Chúng ta không cần thích thú trật tự Trung Quốc, ngược lại, câu trả lời sẽ là một chuyện hài hước. Người Thổ Nhĩ Kỳ có câu tục ngữ rằng, người nào tiên đoán điều gì sẽ xảy ra sau một năm hoặc thậm chí một vài tháng, người đó không biết mình nói gì, trong trường hợp của Trung Quốc, bạn có thể nhân lên nhiều lần. Trong một thời gian dài giới Hán học có câu: những người đi đến Trung Quốc một tuần sẽ viết một cuốn sách, những người tới một tháng sẽ viết một bài báo, và những người ở Trung Quốc một năm nay sẽ không biết viết điều gì. Có quá nhiều thông tin xung đột và sự nghi ngờ về bản thân mình. Vì vậy tôi không dám đưa ra lời tiên tri về tương lai của Trung Quốc.

Simon Adamiak: Vậy thì, như những nhận xét cuối cùng của giáo sư, ngày càng có nhiều ma sát trên tuyến Bắc Kinh – Washington?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Chưa bao giờ trong lịch sử một siêu cường mới xuất hiện mà không trải qua đau đớn. Những cường quốc hoặc siêu cường quốc đang có mặt trên bầu trời luôn luôn có khuynh hường chống lại việc cho một ai đó mới lọt thêm vào. Vì vậy, cho dù ai đó thích hay không, Hoa Kỳ và EU trong mức độ lớn sẽ liên kết trước các thách thức của Trung Quốc. Cho đến nay, đã có cơ hội lớn, bởi vì trước các doanh nghiệp của chúng ta thị trường của hơn một tỷ người Trung Quốc đã mở ra. Chúng ta đã bằng chính đôi tay của mình hỗ trợ Trung Quốc này.

Nhưng bây giờ chúng ta có thể nói về những thách thức kinh tế của Trung Quốc, những điều mà chúng ta không có chút nghi ngờ nào. Vào một thời điểm bất chợt gần đây thôi, có thể xảy ra cả thách thức công nghệ nữa. Xin lưu ý rằng Trung Quốc có chương trình không gian lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ và Nga, và trong khuôn khổ của chương trình này họ sẽ đưa người lên mặt trăng vào năm 2017 hoặc 2018. Điều này có nghĩa rằng họ đã có các công nghệ thích hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các công nghệ sử dụng, thì phần lớn, ngay cả trên thị trường của chúng ta, là hàng hoá “Made in China” hoặc “Assembled in China” (lắp ráp tại Trung Quốc). Giờ đây các thiết bị này hoạt động không còn bị hỏng hóc dễ dàng nữa, chất lượng khá tốt. Trong ý nghĩa công nghệ, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ to lớn và được kiểm soát bởi chính quyền. Họ đang mở những công viên khoa học đặc biệt và tập trung xây dựng một xã hội công nghệ cao. Đây là ưu tiên hiện nay của nhà chức trách Bắc Kinh.

Simon Adamiak: Ba Lan có lưu tâm rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc? Và Ba Lan có thể tận dụng gì?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Ba Lan đã để mất Trung Quốc. Năm ngoái, tôi xuất bản cuốn sách “Ba Lan – Trung Quốc, hôm nay và ngày mai”. Từ cuốn sách này rõ ràng cho thấy Ba Lan bị mất Trung Quốc, bởi vì Ba Lan đã xung đột với Trung Quốc về ý thức hệ. Cột mốc là một ngày – ngày 4 tháng 6 năm 1989, trong khi cuộc bầu cử đầu tiên của chúng ta được tổ chức, dẫn tới dân chủ, thì tại Trung Quốc xe tăng đã nghiền nát sinh viên.

Thực tế mang tính biểu tượng này đã làm cho chúng ta trong một thời gian dài nhìn Trung Quốc là nước cộng sản, tự do bị tước đoạt, đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đồng thời, Trung Quốc vào thị trường của chúng ta được gắn với hàng giả mạo và sự đểu cáng công nghiệp. Hình ảnh này ngự trị trong các phương tiện truyền thông chính thống. Chỉ bây giờ, sau khi sự bùng nổ cuộc khủng hoảng trên thị trường thế giới, khi cả thế giới phương Tây bừng tỉnh, chúng ta mới bắt đầu nhìn Trung Quốc sâu hơn và cũng may mắn ở chúng ta, tôi chú ý thấy sự nhìn nhận hơn về vị thế của Trung Quốc. Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông bắt đầu đăng tải các bài viết về chủ đề này. Những bài viết với âm lượng hoàn toàn khác và cũng nói về những thành công của Trung Quốc. Bây giờ, một lần nữa Trung Quốc lại là trung tâm của quan sát từ lý do tổ chức hội chợ triển lãm Thượng Hải.

Simon Adamiak: Giáo sư đã từng làm đại sứ ở nhiều nước châu Á gần với Trung Quốc. Các nước này nhìn nhận sự tăng trưởng quan trọng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc như thế nào?

Giáo sư Bogdan Góralczyk Các nước này nhìn nhận cơ hội hơn là mối đe dọa. Trung Quốc đã hình thành khu vực thương mại tự do, ví dụ, từ ngày 1 tháng 1 năm nay bắt đầu bước vào khu vực các nước ASEAN. Quá trình thực hiện này sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Trong ý nghĩa này với tất cả các quốc gia, thị trường to lớn của Trung Quốc mở cửa và gây ấn tượng. Yếu tố thứ hai – Trong các nước này ở mức độ nhiều hay ít đều có cộng đồng người Hoa sinh sống với vai trò quan trọng, trong lĩnh vực ngân hàng, kinh tế hoặc thậm chí chính trị. Ở từng nước vấn đề này có vẻ khác nhau một chút, ví dụ, Singapore có đến 80% người Hoa, còn các nước khác ở mức thấp hơn. Vì vậy, người ta nhìn thấy điều này như một cơ hội to lớn, làm tôi hơi ngạc nhiên, bởi vì ngay cả quốc gia như Philippines cũng không cảm nhận Trung Quốc như một mối đe dọa.

Theo quan điểm của tôi, các nước cần phải lo ngại, vì các pho tượng đang lớn lên ngay tại cửa nhà của họ. Một sự lấn lướt của Trung Quốc có lẽ không phải cái điều mà người Philippines hay Indonesia mơ ước.

————
* Giáo sư Bogdan Góralczyk là tác giả cuốn “Con Phượng Hoàng Trung Quốc”. Ông là

nhà khoa học chính trị và nhà Hán học của Trung tâm châu Âu tại Warsaw, Ba Lan. Ông đã từng làm đại sứ ở các nước châu Á. Ngoài ra, ông là nhân chứng của sự chuyển đổi tại Trung Quốc từ cuối thời kỳ Mao. Ông sống ở Trung Quốc năm 1976 và cũng thường xuyên có mặt trong những năm gần đây.

Nguồn: Dịch từ “Mojeopinie.pl

Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức

.

.

.

No comments:

Post a Comment