Tuesday, August 31, 2010

TÂM TÌNH MỘT NGƯỜI HÀ NỘI VÈ NGÀY 19-8-1945

Tâm tình một người Hà Nội về ngày 19-8-1945

Nguyễn Mạnh Côn
Đăng ngày 31/08/2010 lúc 02:57:55 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5063

Thông Luận : Tập bút kí Đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn Mạnh Côn được đăng tải lần đầu trên tạp chí Chỉ Đạo qua bút hiệu Nguyễn Kiên Trung. Khi in thành sách, tác giả được trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1957.
Tâm tình của tác giả được trải rộng qua loạt thư gửi bạn. Chúng tôi gửi đến bạn đọc
Thông Luận lá thư đầu, như một dấu tích tâm tình của một người Hà Nội trẻ tuổi nhìn về một biến cố lịch sử.

---------------------------------------

.

Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 1945

Thân ái Trung,
Hôm nay viết cho Trung mà tâm hồn tôi còn thắm màu của cả một rừng cờ, còn rực tiếng reo của muôn vạn người say sưa giữa vườn hoa Ba Đình.

Chao ơi Trung,
Chúng tôi hôm qua, đã uống từng tiếng, từng chữ của bài Tuyên Ngôn Độc Lập. Và thế là chúng ta trở nên những công dân của một nước độc lập, trước quốc tế, trước thế giới, trước nhân loại và trước Đất Trời.
Tôi có thể nói với Trung rằng mười lăm đêm nay tôi không hề chợp mắt ngủ. Mà tôi không mệt. Trái lại, sau mỗi đêm thao thức để toan tính, để thèm khát những ngày mai nhất định rực rỡ, rực rỡ như Cha Mẹ tôi, Ông Bà tôi chưa bao giờ biết, thì cứ mỗi lần ánh sáng mặt trời trở lại chiếu vào lá cờ đỏ thắm vẫn phấp phới trước cửa nhà là mỗi lần tôi được tiêm thêm một liều sinh lực. Mỗi ngày chúng tôi một thêm khoẻ, mỗi ngày chúng tôi một thêm hăng hái.
Chúng tôi hăng hái đến nỗi có những lúc muốn chết, muốn chết ngay cho tổ quốc, và chết ngay giũa lúc vinh quang sáng chói này.

Trung mỉm cười nghi ngờ, -Trung cho rằng tôi nói cho đẹp, cho bảnh mà thôi?
Nhưng không đâu! Trung! Trung ở nơi hải ngoại, giữa quang cảnh thành Ba Lê đã phục hồi tự do và đời sống hoa lệ, làm sao Trung có thể hiểu nỗi lòng bạn Trung ở nước nhà?
Tôi biết Trung có tham gia chiến khu “Pháp tự do” chống Đức. Tôi tưởng tượng được cuộc đời gian khổ mà Trung và các đồng chí của Trung đã sống. Tôi cảm thông được niềm hãnh diện cũng như nỗi vui mừng của Trung khi bước lên giải phóng Ba Lê.
Tôi hiểu Trung nhưng Trung không thể hiểu tôi. Bởi lẽ tôi biết rõ hoàn cảnh Trung, mà Trung không biết gì về hoàn cảnh của tôi. Tôi viết rõ hơn nữa nhé, Trung là khách đến đất Pháp, Trung thấy Bạo Ngược đàn áp Tự Do, nên con người “mã thượng anh hùng” đã không bỏ lỡ cơ hội tiếp tay cho Công Lý thắng Cường Quyền. Như thế là Trung có mọi điều kiện để mình tự bằng lòng mình.
Có phải hoàn cảnh của Trung đúng như thế không?

Còn hoàn cảnh của Minh thế nào? Chắc Trung muốn hỏi lại như vậy. Cho nên, sau đây, tôi sẽ thuật lại cho Trung hay những gì đã xảy ra chung quanh tôi, trên đất nước, từ ngày Trung ra đi, tới nay thắm thoát đã trọn sáu năm.

(Tôi sẽ không ngại viết dài, vì tôi biết Trung sẽ không ngại đọc dài. Tôi vụng về nhưng chận thành nên những gì tôi thuật lại với Trung đề là những sự kiện có thật. Và cũng bởi vậy, nếu lá thơ này không thể có giá trị văn chương thì ít ra nó cũng có giá trị tâm tình, giữa Trung với tôi, và giá trị tài liệu, đối với lịch sử dân tộc Việt. Vì lịch sử là gì, nếu không phải là một thứ tâm sự lớn lao, bao gồm tất cả tâm sự vụn vặt nhưng tâm thành của mỗi người dân như chúng ta?)

*

*
Vậy thì Trung ơi, đây là chút ít lịch sử Việt Nam, từ 1939 đến 1945. Lịch sử của một dân tộc qua sự sống của một cá nhân lịch sử chủ quan. Nhưng mỗi cá nhân lại là một phần tử của con số hai mươi nhăm triệu cá nhân có khả năng dựng nên lịch sử. Bởi thế Trung có thể tin lời tôi.

Năm 1939 là năm Trung sang Pháp, để thỏa mãn tính giang hồ nhiều hơn để giúp “mẫu quốc” chống Hitler. Cuối năm ấy, theo gót Trung, tôi cũng đi Hương Cảng.
Tôi nhớ lại tâm tình của chúng ta lúc bấy giờ : chúng ta thèm khát không gian như loài người thèm khát khí trời. Vì trong chúng ta là cả một tâm hồn đào tạo bởi văn hoá Pháp. Chúng ta thèm khát tự do mà tự do không có. Sự học như mở cho ta một cánh cửa sổ, để nhìn ra ngoài thì thấy cảnh vật huy hoàng chói lọi, nhưng chúng ta không tới được cảnh vật, vì cửa sổ cao quá (hay thấp quá?)
Chắc Trung không quên rằng, vào năm đó, tâm hồn ta hèn yếu đến nỗi ta không dám nhảy qua cửa sổ. Ta cũng không dám cả nghĩ đến sự nhảy qua cửa sổ. Căn nguyên của sự hèn nhát này là sự quá quen hưởng thụ một cuộc sống tuy thiếu tự do mà thừa yên ổn. Nết xấu chung của hai ta, của chung của đa số thanh niên thời ấy, là cầu an.
Riêng chúng ta, nhờ địa vị của Cha Mẹ, được thoát thân ra đi. Ra đi để học hỏi, Trung tâm sự với tôi thế, và tôi cũng nhủ lòng như thế.
.

Nhưng trái với Trung, có hoàn cảnh để kéo dài sự học hỏi đến ngày nay, tôi đã lại trở về Hà Nội tháng sáu năm 1940.
Tôi về nước không phải bị bắt buộc; tiền nhà vẫn gởi sang đều đặn, và sự học vấn vẫn tiến bộ đều đều. Sự “quy cố hương” của tôi thành ra không có lí do chính đáng đến nỗi về Hà Nội sáu tháng rồi mà tôi không dám về thăm Thầy tôi: tôi biết nói với người thế nào để khỏi hổ thẹn vì sự thằng thúc đòi đi năm trước?
Thầy tôi có lẽ hiểu, và thương tình con trẻ hay thay đổi, nên cũng không hỏi lại về việc này. Duy Mẹ tôi, thương tôi một cách khác và lo sợ cho con có điều gì u uất trong lòng, Mẹ tôi nhất định hỏi tôi cho ra lẽ. Thành thử có một buổi chiều tôi phải thu hết can đảm để trả lời Mẹ tôi rằng: “Con chắc rồi đây sẽ có những sự biến chuyển lớn lao trong đất nước”.
Mẹ tôi nhìn tôi ngạc nhiên không hiểu. Tôi lại không sao nói rõ hơn. Ý tôi muốn nói thêm rằng tôi không muốn vắng mặt khi có những biến chuyển lớn lao trong đất nước, nhưng tôi hổ thẹn quá mà không nói nên lời.

Tại sao có thế mà tôi lại hổ thẹn, chẳng hoá ra làm thân trai, chú trọng đến việc nước là xấu xa lắm sao? – Chắc không phải thế. Tôi hổ thẹn, có lẽ vì trong tình trạng dân ta hồi ấy, sự cam lòng vâng lệnh chính phủ bảo hộ đã là sự quá quen rồi. Và trong thâm tâm, trong tiềm thức, có lẽ tôi nghĩ đến Thầy tôi là người sinh ra tôi, đến nhiều người ở địa vị cao quí hơn cả địa vị của Thầy tôi, mà thấy các “bậc trên” ấy còn không bận tâm lo việc nước, thì cái cá nhân tiểu mọn của tôi dám nói đến việc nước, há chẳng phải ngông cuồng, khoác lác lắm sao?
Căn nguyên sự hổ thẹn của tôi là như thế. Nhưng tôi không chỉ hổ thẹn không mà thôi đâu. Sự hổ thẹn ngắn ngủi, sự tủi cực về sau mới lâu dài hơn; cứ mỗi khi nghĩ rằng trong toàn dân không có mấy ai muốn lo việc nước, tôi lại thấy thấm thía trong tâm hồn một thứ cảm xúc như bàng hoàng lo sợ, như tủi nhục, như uất hận…
Trạng thái tâm lý này của tôi kéo dài trong mấy tháng. Cảm xúc xao xuyến đến chỗ bế tắc cả khả năng suy nghĩ, tôi tự nhiên lâm vào một thời kỳ sinh hoạt hoàn toàn theo con đường phóng đãng và trụy lạc, lấy thú vui ồ ạt bên ngoài để đàn áp tâm tướng sôi nổi bên trong.

Nhưng cũng may là thời kỳ này chóng hết. Tôi về nước chỉ được mấy tháng là quân Nhật tiến đánh vào Lạng Sơn.
Cho đến nay tôi vẫn không biết lý do thực sự vì sao người Nhật đánh Lạng Sơn, vì trước khi tiến đánh, họ đã điều đình với người Pháp và đã giành được ít nhiều quyền lợi.
Có lẽ họ cho rằng quyền lợi giành được chưa đủ, có lẽ rằng họ nghĩ thế nào cũng phải chiếm Đông Dương để thực hiện khối “Đại Đông Á”, có lẽ nữa là đoàn quân Nhật ở Hoa Nam bị du kích Trung Hoa tiêu hao đến độ phải vội vã tìm lối thoát ra bờ biển…? Tôi không biết rõ, nhưng lại biết rõ một điều khác, chẳng kém phần hệ trọng, là người Nhật đến, đánh thức tinh thần quật khởi của người Việt.

Thật thế. Trước khi người Nhật vào Lạng Sơn thì một tập thể cách mạng Việt Nam đã vùng lên chiếm chính quyền và lập tỉnh chính phủ ở đó. Phong trào này vội vã, ô hợp. Tuy trên cấp lãnh tụ có những Trần Trung Lập, Nông Kích Du, Đoàn Kiếm Điểm, Hoàng Lương; nhưng cấp lãnh tụ cũng không làm gì nên chuyện, với đa số nhân sự là binh sĩ của Pháp (đội pháo thù ở Lạng Sơn) cùng là dân chúng chưa hề biết, được học thế nào là chiến thuật đấu tranh cách mạng.
Chính vì thế mà tính chính phủ của Phục-Quốc quân chóng bị tan vỡ, sự tan vỡ nguyên do ở sự thỏa hiệp giữa Nhật với Pháp một phần lớn: Nhật trả chủ quyền toàn vẹn, nghĩa là cả vùng Lạng Sơn cho Pháp. Nhưng sự tan vỡ còn chủ ở sự non kém về kỹ thuật lãnh đạo cuả cấp chỉ huy: đáng lẽ lập chiến khu, phân tán lực lượng để đánh du kích (như chiến thuật của quân đội Trung Hoa lúc đó đương chống Nhật), thì 2 lãnh tụ Trần Trung Lập, Đoàn Kiểm Điểm lại tập trung quân lực, giàn thành trận địa chiến, để quân pháp có dịp huy động cơ giới tiêu diệt.

Cuộc khởi nghĩa Lạng Sơn tan vỡ, người Pháp trả thù cực kỳ dã man. Hơn nữa, rút kinh nghiệm vụ Yên Bái, bọn Chauvet, Lannèque, Lartigue, dùng dây thép xâu tay hàng ngàn người vào với nhau rồi đem ra bắn ngoài bãi bắn kia. Nhưng trái lại vụ yên Bái, chúng không cho một tờ báo nào đăng tin. Vì thế mà dân ta ít người biết đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp lớn lao nhất từ trước, có hàng ngàn quân tham dự giao chiến.
Cuộc khởi nghĩa tan vỡ, không gây nỗi một luồng sóng dư luận xôn xao như hồi Yên Bái khởi nghĩa. Tuy nhiên, nếu không có dư luận mạnh mẽ, thì ít ra cũng có một thứ uất hận ngấm ngầm trong lòng người Việt, càng kín đáo càng sâu sắc, đành rằng những người Việt này chỉ là một thiểu số.

Trên đây tôi có nói Nhật muốn thực hiện khối Đại Đông Á, hoặc ít ra là nhờ danh nghĩa ấy mà lôi cuốn người da vàng giúp họ đánh người da trắng. Người Nhật không dại nên người Nhật lợi dụng niềm uất hận này, cùng lợi dụng tấm lòng khát khao độc lập của người Việt, để gây một tinh thần chống Pháp, thân Nhật.Trông cậy ở quân lực của Nhật để diệt Pháp, để khôi phục độc lập cho tổ quốc và để tham gia bình đẳng vào khối thịnh vượng chung Đại Đông Á, đó là thái độ chính trị của một số khá đông người Việt lúc bấy giờ (bạn anh, chao ôi, cũng là một phần tử dại dột trong số đông này!).
.

Nhưng người Nhật đã không dại, rồi lại dại. Dại có lẽ vì quá khôn. Có lẽ họ chỉ thấy cần giải quyết được đối thủ chính là lực lượng Hoa Kỳ, tất sau đó họ rãnh tay tha hồ làm mưa làm gió. Có lẽ ngay từ lúc bấy giờ họ đã không thật tâm với dân tộc Việt. Có lẽ đối với Đông Dương họ tạm thời họ chỉ cần đến cứ địa quân sự và tiếp tế lương thực, cho nên họ mặc cho người Pháp giữ việc cai trị để giúp họ rảnh tay làm việc khác. Có lẽ họ đã khôn như thế ở Việt Nam, ở Phi Luật Tân, ở Miến Điện, ở Mã Lai. Mặc dù ở mỗi nơi họ xử sự một cách khác. Có lẽ vì thế mà khi Anh vào Miến Điện, Hoa Kỳ vào Phi Luật Tân, thì mặc dầu những hứa hẹn thịnh vượng chung và bình đẳng của họ, các dân tộc sở quan đã bỏ họ mà theo Đồng Minh: Đó là một trong những lý do khiến họ bị thất bại.
Trở về đất nước ta. Người Nhật cứ hứa hẹn và cứ xui ta theo Nhật chống Pháp, người Pháp cứ khéo léo với Nhật và khủng bố ngầm những người chống lại họ. Còn người Việt, đa số vẫn thản nhiên trước “định mệnh”, thản nhiên đến độ có thể coi họ là những kẻ bàng quan đứng xem 2 con gà chọi nhau, làm như con gà nào thắng, con nào bại, cũng không liên hệ gì tới ai hết (vì theo đa số, thì tham dự cuộc đấu tranh là chỉ làm tay sai cho một trong hai bên, để rốt cuộc bên nào thắng vẫn cứ đô hộ Việt Nam như thường).
Tình trạng kéo dài như thế hơn 3 năm.

Năm 1944 là năm người Pháp tìm ra được một kế hoạch cực kỳ khôn ngoan (nhưng khôn quá lại hoá dại cho mà xem!): Lợi dụng việc người Nhật mỗi năm cần dùng một số thóc gạo của Việt Nam để nuôi quân, họ bày ra một phương pháp vô cùng xảo quyệt, vô cùng nham hiểm. Họ bày ra một cách bắt nông dân ban thóc theo tỉ lệ ruộng cầy. Người Nhật mua, trả tiền. Người Pháp mua cũng trả tiền. Nhưng người Nhật mua 1 thì người Pháp bắt nông dân bán mười, bán trăm. Bán kỳ hết thóc trong cót trong lẫm.
Kết quả là ngót 2 triệu người Việt Nam chết đói ở Bắc Việt.


Trung ơi, Trung không tin, có phải không? Vì Trung nghĩ Bắc Việt có bao nhiêu người mà chết đói được 2 triệu…vì Trung nghĩ bán thóc lấy tiền thì lại đong thóc, có sao đâu mà phải chết đói đến 2 triệu người, phải không Trung?
Nhưng Trung không thể tưởng tượng được sự tàn ác của bọn thực dân. Trung không thể ngờ rằng trong Việt Nam có thóc thừa mà không có than, phải đổ thóc vào lò máy đốt cho xe lửa chạy. Thế mà không một hạt thóc, không một hạt gạo ra Bắc.
Đó là 1 quyết định của thực dân.

Trung lại không ngờ được rằng tất cả – Trung đọc cho kỹ: tất cả nông dân phải bán thóc. Người cấy 1 sào không đủ ăn cũng phải bớt ăn mà bán. Người cấy đủ ăn, chừng ba mẫu, phải bán quá nửa, nên thiếu gạo ăn trong một nửa năm. Người có hàng chục hàng trăm mẫu phải bán quá số thu hoạch bình thường, đến các kho dự trữ cũng phải mở ra để lấy thóc bán.
Vụ chiêm năm 1954, nông dân bán gần hết thóc, nhưng sống vất vưởng đến được vụ mùa. Vụ mùa nông dân bán gần hết thóc, nên chỉ đủ sống được đến cuối năm.
Đầu năm 1954, giữa một mùa rét kinh hồn như một trăm năm nay chưa từng thấy, người ta đã gặp những xác chết khô đét, co quắp bên lề đường cái quan.

Trung ơi, Trung làm thế nào mà tưởng tượng được cái cảnh một người chết đói? Trung làm sao mà tưởng tượng được cái cảnh hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người chết đói?! Nhất là những người chết đói đó là đồng bào của Trung?

Trung đi trên đường cái, từ Thái Bình sang Ninh Giang, sang Hải Dương rồi lên Hà Nội… Trung không đi quá 50 thước đã lại gặp ngỗn ngang vài ba, hay năm bảy cái xác chết trần truồng và chồng chất lên nhau: Đó thường là 1 gia đình bỏ làng đi tìm kế sống ở tha phương. Họ đi, nhưng đói quá không đi được, nên ngã xuống đấy. Có người may mắn (!) lên cơn chuột rút mà chết ngay được. Nhưng cũng có người thoi thóp mãi không chết. Và đến lúc ấy, trong giây phút sự sống chợt trở về, họ nghĩ đến nhau, thương nhau, nên thu hết sức tàn mà lê lại gần nhau, ôm lấy nhau, nhìn nhau khô nước mắt, cầm tay nhau, để chết.
Trung đi trên đường cái, nhưng Trung không đi được, vì tấm lòng của Trung không nỡ. Trung dừng lại, đem chút ít tiền có trong túi phân phát cho những người còn tỉnh. Họ cầm tiền ngơ ngác: họ có ăn được tiền đâu! Rồi Trung nhìn họ, thấy họ lặng lẽ buông tay cho tờ giấy nhỏ rơi xuống đất, đến lúc đó Trung mới hiểu hết nông nỗi thảm thiết của họ, và chắc là Trung sẽ ứa nước mắt.
Nhưng Trung lại cứ đi, bởi lẽ Trung còn sống. Qua gần cầu Bo, Trung sẽ thấy những người hành khất ngoạm vào xác chết, nhai ray rứt miếng thịt không còn máu, rồi phát điên. Trung sẽ thấy cái quán cơm bến đò Nhống bán thịt người.
Trung sẽ thấy đứa hài nhi lồm cồm bò trên người mẹ nó đã chết. Trung sẽ thấy đứa hài nhi khác nhay mãi vú mẹ nó đã chết. Trung sẽ thấy người đàn bà ôm đứa con thơ trong lòng mà nhỏ nước mắt vào người nó: vì hai mẹ con cùng chờ chết.
Chết đói ! Cả vạn người chết đói, cả triệu người chết đói.

Ở Hà Nội người ta dùng xe rác chở người chết đói đem chôn. Chôn vào từng hố lớn, dài hàng chục thước. Xác vất xuống ngổn ngang, có cái xác thật là xác, nhưng có nhiều cái xác còn cựa quậy… Người phu xác rùng mình, đau thắt ruột. Nhưng người phu rác có muốn cứu chỉ được một người, không cứu nổi ngàn người. Nên người phu rác nghiến răng, gạt cả những xác chết cùng những người chưa chết xuống hố sâu.

Trung ơi Trung, Trung sẽ nghĩ rằng Trung thà bán hết cả quần áo, bán hết cả sách vở, bán đến cả tài sản của Thầy Mẹ Trung chưa chia cho Trung, để cứu những người chết đói…Nhưng cái thống khổ, cái kinh khủng của Trung, lúc đó, là không biết cứu những ai. Trung không thể có hàng triệu bì gạo để chia cho tất cả mọi người. Nếu Trung vẫn cứ bán hết đi, hãy biết cứu lấy một số người qua cơn đói một ngày, thì ngày mai Trung lại nằm xuống như họ !
Vậy thì cái kinh khủng của Trung là trông thấy đồng bào chờ chết, hay đương chết, mà Trung phải làm thinh. Để sống.

Để sống mà rửa mối hận ngút trời ấy, phải chăng Trung? Hẳn thế, vì đó cũng là suy nghĩ của muôn người trai trẻ như Trung, như bạn Trung.
Đó cũng là lý do, cũng là HOÀN CẢNH, để cho có cuộc Cách mạng tháng Tám này.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ trước hết là để tuyết hận cho ngót hai triệu đồng bào ta đã chết đói.
Những người mẹ đến lúc chết còn thu sức tàn mà ghì đứa con bé bỏng vào lòng, hình như để còn bao nhiêu sinh lực thì truyền cho nó, cho nó được sống.
Những người cha bất lực, trông từng đứa con ngã xuống mà hận thịt mình không ăn được, máu mình không uống được.
Những người dân của những làng chết đói cả làng, của những huyện mười phần người còn một.

Hai triệu người oan thác, vì thực dân muốn đánh vào quân phiệt một đòn tinh thần chí mạng: gạt cho người Nhật chịu trách nhiệm về hai triệu mạng người này.
Nhưng rút cục người ta không thể lừa dân chúng đến thế, người Việt-Nam đã đành căm giận người Nhật đến xương tuỷ, nhưng người Việt-Nam căm giận người Pháp cũng chẳng kém gì.
.

Trước mắt hơn bảy triệu người Việt miền Bắc còn sống sót, cái chết kinh hoàng, khủng khiếp của đồng bào họ đã thâu tóm vào hai chữ vắn tắt: ngoại thuộc.
Vì chỉ có ngoại nhân, khát máu tanh lòng, mới đành tâm và thản nhiên giết đến hai triệu người Việt. Chỉ có ngoại nhân mới can đảm chém đầu Nguyễn Thái Học ở Yên Bái, xử bắn Trần Trung Lập ở Lạng Sơn. Chỉ có ngoại nhân mới đầu độc non nửa dân số Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện. Chỉ có ngoại nhân mới thu vét hết vàng bạc ở đất này mang về nước họ. Chỉ có ngoại nhân mới cố tình đày đoạ dân chúng Việt-Nam trong cảnh lầm than, cực nhọc, và u mê, tối tăm.
Thành ra ngót hai triệu người chết năm 1945, từ tháng Giêng đến tháng Tư, là chết để đem linh hồn dâng vào luyện sự tỉnh ngộ và ý chí phục thù cho toàn dân.
Đó là HOÀN CẢNH cho phép đấu tranh bộc phát.
Đấu tranh lúc đó quy tụ cả vào Mặt trận Việt Minh.
Giữa một ngàn người được tổ chức, không có lấy một người được đọc qua chính cương của mặt trận. Nhưng cần gì, khi mới nói hờ một câu, tự nhiên người ta đã đồng tình đánh Nhật đuổi Tây?

Mặt trận Việt Minh, chính tôi cũng biết, chỉ là một đảng của riêng một số người, lập ra để theo đuổi những mục đích riêng của họ. Nhưng trong số mục đích của họ có mục đích đánh Nhật đuổi Tây. Và hơn nữa, họ hoạt động có khoa học, có tổ chức nhất trong các đoàn thể lúc bấy giờ. Họ lại nắm được yếu tố quyết định là có bằng cớ có liên lạc với Đồng minh, được Đồng minh tiếp tế võ khí và giao cho nhiệm vụ tình báo kháng Nhật. Họ chụp ảnh sĩ quan Hoa Kỳ đương dự lớp huấn luyện cán bộ, ảnh phi cơ Mỹ thả dù tiếp tế cho chiến khu. Họ in những ảnh ấy vào một tờ giấy lớn gọi là báo “Dân Chủ”, số đặc biệt. Sự tuyên truyền thật hết sức khôn khéo: người ta chỉ tưởng như mình mới biết được một nguồn tin đặc biệt. Người ta không thấy mình bị tuyên truyền trước ảnh chụp, bởi lẽ, theo đại chúng, ảnh chụp chỉ chứng minh một sự kiện có thật, khác hẳn lời tuyên truyền. Đại chúng tin tưởng, gây nên một luồng dư luận hoan nghênh Việt Minh mạnh mẽ. Đến nỗi dư luận này, sau cùng, lại có tác động vào tâm lý của một số người đã biết rõ mấy người Mỹ trên chiến khu chỉ là nhân viên liên lạc để “xem xét khả năng” cuả Việt Minh, ngõ hầu công nhận sự hoạt động của họ sau này. (Sự công nhận đã không có, vì được tin Nhật đầu hàng và một cuộc đổ bộ lên bờ biển Việt Nam không cần đến nữa, mấy sĩ quan Mỹ đã bỏ về bộ Tư lệnh quân đội nước họ ở Côn Minh. Một số về qua Hà Nội, sung vào phái bộ Điều Tra tù binh (Phái bộ Patti, 21-9).

Sự hoan nghênh Việt Minh, vì thế mà lan rộng rất nhanh. Nhanh đến nỗi, ở nhièu vùng, công tác tổ chức đảng viên không theo kịp lòng ngưỡng mộ của công chúng. Người ta thao thức chờ đợi, lần mò tìm kiếm cho được “anh cán bộ” để xin đi theo hoặc để giúp tiền bạc, khí giới.

*

*
Thân ái Trung,

Năm Trung ra đi, có một phút nào chúng ta dám mơ ước rằng một cụ phán già sẽ chia đôi lương hưu trí, một bà chủ tiệm kim hoàn sẽ chia đôi tài sản cho những người sắp đứng lên làm một cuộc khởi nghĩa? Ấy thế mà chính những ai tha thiết với cuộc sống bình thản của họ nhất, sẽ lại là những người hăng hái nhất.
Cuộc khởi nghĩa quả nhiên là một sự quật khởi của những người tư bản, tiểu tư bản và trí thức. Lẽ cố nhiên tôi không định nói tất cả những phần tử tư bản, tiểu tư bản v.v…đã quật khởi, nhưng tôi muốn cho Trung nhận thấy rõ rệt được rằng vừa đây dân ta đã làm được một cử chỉ cao quý về tinh thần nhiều hơn về vật chất.

Tôi không quên chính tôi vừa mới viết “hai triệu người chết đói để tạo ra hoàn cảnh đấu tranh”. Như thế đáng lẽ cuộc khởi nghĩa phải là cống trình cái thành phần xã hội đã có nhiều người chết đói nhất, để giành lại quyền lực về thóc gạo, là vật chất, để không bao giờ bị đói một lần nữa. Cuộc khởi nghĩa đáng lẽ phải là một cuộc khởi nghĩa của đồng bào nông dân vô sản.
Nhưng sự thật không giản dị như vậy. Vì sao? – Có lẽ vì đồng bào ta ở nông thôn chưa ý thức được cái bổn phận của bộ máy nhà nước đối với họ. Trải hàng chục, hàng trăm đời người, kể từ những thời kỳ bị đô hộ tàn bạo nhất đến những thời kỳ tự chủ oanh liệt nhất đồng bào ta ở nông thôn có lẽ không có ai dám nghĩ rằng nếu nhân dân có bổn phận phục tòng chính quyền, thì chính quyền, ngược lại, có bổn phận phục vụ nhân dân.
Tinh thần dân chủ có đâu đã nảy nở được giữa cảnh đồng ruộng? Đồng bào ta, trước năm 1945, chỉ có thể có một chiều suy nghĩ: làm dân là phải tuân phép vua, tuân lệ làng, lúc đó người dân sẽ có quyền được sinh sống và kiếm ăn thong thả.

Năm 1945 chỉ là một năm “khó làm ăn”. Đáng lẽ oán giận chính quyền thu hết thóc, làm cho hai triệu đồng bào của họ phải chết đói, thì những người sống sót lại đi tìm những căn nguyên trực tiếp của từng nạn nhân mà họ quen biết. Chẳng hạn như ông Chánh tổng X. có rất nhiều thóc, nhưng phát chẩn quá tay, đến lúc hết thóc không vay, không đong được ở đâu mà ăn nữa. Chẳng hạn như bà Phó Y. thấy đồng bào trong xã bán ruộng rẻ quá nên bán hết thóc để tậu ruộng, vào tháng Hai, không ngờ đến tháng Tư bà Phó Y. ôm mớ văn tự mà chết đói. Ấy, đại loại mỗi người tìm thấy một hoàn cảnh, một hoàn cảnh trước mắt, để tạo ra một căn nguyên hợp lý cho sự lâm nạn của đồng bào họ sau này. Chính bởi thế mà ngay vụ đói và sau vụ đói người Việt-Nam ở nông thôn không biết đến thủ đoạn tàn ác, ghê gớm của thực dân. Chính cũng bởi thế mà tôi có thể nói quyết với Trung rằng nếu vụ đói năm 1945 quả nhiên có gây ra hoàn cảnh cho tinh thần đấu tranh, thì tinh thần ấy chỉ nẩy nở trong đám người có hiểu biết, có học hành, và được đủ no để biết sợ cái đói.
Những người tư sản trí thức.

Thế rồi nỗi niềm phẫn uất, căm hờn, sẽ truyền từ cái nhân tư sản trí thức sang cái quả dân tộc đa số là nông dân. Trung còn lạ gì trạng thái tâm lý của đồng bào nông thôn của chúng ta! Họ là những người còn giữ được tâm hồn trong sạch nhất, lành mạnh nhất trong khối dân tộc. Đúng như tinh thần cổ truyền của đời sống xã hội ta, đồng bào nong thôn thật sự vẫn còn coi trọng đạo đức, lễ nghĩa, và học thức hơn của cải với uy quyền nhiều lắm. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy một bạn điền nghèo túng đương quỵ luỵ tên chủ điền trọc phú. Chúng ta càng dễ thấy nhiều người khúm núm, sợ sệt trước một viên quan huyện hống hách. Nhưng chúng ta biết chắc rằng, một khi ra khỏi nhà tên trọc phú, khỏi công đường của viên quan huyện, tức khắc cái khúm núm, cái quỵ luỵ, cái sợ sệt sẽ biến đi ngay. Và cứ mỗi khi gặp được hoàn cảnh được tự ý lựa chọn một thái độ, nhất là trong cơn nguy biến hay vào những giờ phút nghiêm trọng, người nông dân còn giữ được nhiều phần chất phác kia nhất định sẽ có một thái độ rập khuôn với thái độ của người có đạo lễ, có học hành hay có kiến thức nhất trong thôn xóm.
Trung sẽ bảo tôi: – “Đó là một thái độ khôn ngoan, nhưng đa số quần chúng nước nào mà chẳng khôn ngoan như thế?”. Tôi hoàn toàn đồng ý với Trung. Ý của Trung, hơn nữa, lại giúp cho sự nhận thức của tôi thêm chắc chắn, là một cuộc khởi nghĩa lớn lao của toàn dân, ở đâu cũng thế, ít khi do đại chúng tự động thực hiện được.

Một cuộc khởi nghĩa – hay một cuộc cách mạng – bao giờ cũng có một cơ sở chỉ đạo, một cơ sở lãnh đạo. Cơ sở trước có thể là một người, một nhóm người, hoặc có thể chỉ là một ý chí mãnh liệt chung của một số người. Trong trường hợp chúng ta, cơ sở chỉ đạo khởi nghĩa là một danh vị trừu tượng, là ý chí giành độc lập, diệt ngoại xâm, để tuyết hận cho hai triệu người “tử vì đạo”, và để bảo đảm cho tương lai khỏi trông thấy một vụ oan khốc tầy trời như thế nữa.
Ý chí trên đây là một sự kiện có thật, không thể chối cãi được, giữa tầng lớp tư sản, trí thức của xã hội ta năm 1945. Đánh Nhật, đuổi Tây, giành độc lập… đó là ý chí chỉ đạo. Ý chí lãnh đạo sẽ từ mặt trận Việt Minh mà tới. Tôi chưa muốn vội vã xét đoán đến thiện chí hay những ý định khác của số người mới này. Tôi hãy muốn tách ra một tính chất rõ rệt của họ. Họ là những người có được học tập, được huấn luyện về phương pháp lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa. Họ là những người may mắn nắm được một số lợi điểm: có một chút giao dịch với Đồng minh, có một chiến khu để gọi là nơi đồn trú lực lượng võ trang (mặc dầu, nói cho thật chiến khu [1] của họ không phải tự họ đánh mà chiếm được).

Bao nhiêu hy vọng kháng Nhật đều đặt vào sự thắng lợi của Đồng minh, bởi ai nấy đều biết rằng một đội quân cách mạng ô hợp đâu có dám đương đầu với quân đội Nhật. Đó là lý lẽ khiến một chút giao dịch với Đồng minh có thể giúp cho Việt Minh nắm được hầu hết thành phần quả cảm của giai tầng tư bản trí thức. Có thành phần này, Việt Minh dễ dàng nắm được hầu hết đồng bào cần lao ở nông thôn và thành thị.
Thế là trong thời gian rất ngắn, mặt trận Việt Minh trở nên đoàn thể mạnh nhất giữa các đoàn thể cùng chung một mục đích phục quốc. Cái mạnh của Việt Minh rõ rệt là không chủ ở một tiểu đoàn bộ đội ô hợp, và cũng không chủ ở năng lực cán bộ như theo lẽ thường. Cái mạnh của Việt Minh mạnh ở ngay chỗ địch bỏ một khu vực không chiếm đóng, và ở ngay sự “thăm viếng” của mấy sĩ quan với hạ sĩ quan Mỹ.

Nhưng không ai chối cãi được rằng Việt Minh rất mạnh. Lòng hỏi lòng, một lãnh tụ Việt Minh chắc chắn phải nhận thực lực chủ quan của mình rất yếu: quân đội không đủ đánh một trận rất nhỏ, cán bộ không đủ tung vào một tỉnh hơn một triệu dân (như tỉnh Nam Định).
Thế mà Việt Minh rất mạnh, đối với bất cứ ai ở ngoài nhìn vào, thực lực của Việt Minh là cả một khối hai mươi nhăm triệu người. Trong nhất thời không nói đến chủ nghĩa một cách vội vã [2], Việt Minh chỉ nói đến mục đích trước mắt: giành độc lập. Một tiếng Việt Minh hô “Tiến lên!” thì ở ngay những nơi không có bóng vía một cán bộ, tiếng hô sẽ được hàng trăm, hàng ngàn cái miệng tư sản trí thức nhắc lại, rót vào tai quảng đại quần chúng, trong chốc lát biến thành một cơn bão táp những tiếng hô “Tiến lên!”. Người ta hô “Tiến lên!” để được thoả nỗi lòng thèm khát độc lập, nhưng cứ mỗi lần nhắc lại một tiếng hô của Việt Minh là một lần bồi đắp sức mạnh cho Việt Minh.
Người ta vô hình trung biến thành Việt Minh tất cả.
Biết bao nhiêu người lẫn lộn toàn dân với Việt Minh như thế. Một người nhầm làm cho nhiều người bên cạnh nhầm theo. Đến nỗi sức mạnh của toàn dân khi đấu tranh giành độc lập, đáng lẽ chỉ là của toàn dân hoặc là của chung của tất cả những ý chỉ chỉ đạo, thì lại biến thành sức mạnh riêng của Việt Minh. Người người náo nức, thậm chí những đoàn thể cùng một mục đích với toàn dân cũng huyễn hoặc sâu xa, và đương nhiên có Việt Minh là đoàn thể mạnh nhất hồi ấy.

Đó là căn nguyên thứ nhất, nó đã khiến cho những đoàn thể tại thủ đô, khi quân Nhật đầu hàng, nhường (!) quyền ưu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cho Việt Minh. Mặc dầu quân đội Nhật, tuy đầu hàng nhưng còn nhiệm vụ giữ trật tự trong nước, đã tỏ ý rõ rệt sẵn sàng giúp đỡ các đoàn thể quốc gia chống lại Việt Minh, mà người Nhật biết rõ là có chủ trương chính trị quá khích.
Người Nhật không lạ gì thực lực của Việt Minh, dám quyết tiêu diệt thực lực ấy trong vài ngày. Có lẽ cũng có nhiều người biết như thế nhưng người ta e rằng thực lực của Việt Minh tuy yếu kém, mà về tinh thần Việt Minh chính là toàn dân, diệt Việt Minh người ta sợ toàn dân công phẫn, kháng cự.
Người ta đành để cho Việt Minh đòi, và đòi được lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa. Bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, người ta không biết rằng toàn dân lúc ấy sẽ chỉ ngả về ai giành được độc lập thật sự.

Thành ra có những người có thể đem tài, sức, ra viết những trang lịch sử oanh liệt, thì những người ấy lại thoái lui, sợ lịch sử kết tội tranh giành quyền lợi, làm hại cho công cuộc đấu tranh của toàn dân.
Thành ra ngày 17 tháng 8 vừa rồi, có trọn vẹn ba lá cờ chạy hiệu giữa đám biểu tình của Tổng hội Công chức mà huy động được hơn trăm ngàn người đi biểu tình ngày 19. Rồi lại có không đến ba mươi cán bộ Việt Minh, thụt lại phía sau đoàn biểu tình vĩ đại ấy mà “cướp” được chính quyền ở một nước hai mươi nhăm triệu dân.

Trung hãy nghe tôi tả rõ cuộc biểu tình tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8.

Người ta bảo nhau, rủ nhau may cờ để đi biểu tình tuần hành. Ít lắm là đoàn biểu tình có một trăm ngàn người: Nếu đi từng nhà, triệu thính từng người, thì cán bộ Việt Minh chỉ tập họp được vài ngàn người. Nhưng không mấy ai được gặp cán bộ. Chỉ cần một người nói lên: “19 tháng 8!”, thế là đủ một truyền mười, mười truyền trăm, đến ngàn, đến trăm ngàn.
Chúng tôi vác cả một rừng cờ đến đợi ở trước nhà Hát Lớn từ bốn giờ sáng. Mãi hơn tám giờ mới có micro với loa phóng thanh. Mấy cán bộ Thành của Việt Minh lên đọc, ngập ngừng, những lời hiệu triệu yếu đuối so với khí thế bừng bừng của chúng tôi đứng nghe. Hơn mười giờ bắt đầu biến biểu tình thành tuần hành “thị uy” về phía Bắc bộ phủ. Ông Khâm sai Phan Kế Toại có lời ước hẹn đầu hàng từ hôm trước, ra đón đoàn đại biểu – các cán bộ – tận ngoài cổng phủ. Tin tức loan truyền, nhanh như chớp: “Đã cướp được Bắc bộ phủ!”.

Người ta đã có quyền hành chính. Bây giờ đi cướp quyền quân sự. Tượng trưng cho quân đội lúc đó là hơn một ngàn Bảo an binh đóng ở trại lính Khố xanh cũ, đường Đồng Khánh. Khi đoàn tuần hành đi đến ngã tư Đồng Khánh, Rollandes, thì các cán bộ đại biểu đi chậm lại rồi mất dạng. Hơn trăm ngàn người dồn nhau, tiến vào sát cổng trại Bảo an. Cổng đóng. Phía trong cổng, hai khẩu súng máy hạng trung và ước độ năm chục binh sĩ, hoặc nằm bên cạnh súng, hoặc nấp mình sau những bức tường cuốn, súng đặt lên vai, nòng quay về phía cổng. Người đi đầu – không có võ khí – trông thấy hai sĩ quan Nhật đứng giữa lính, muốn quay lại. Người phía sau không thấy gì cả, thúc bách nhau tiến lên. Chen chật quá, tay đã co lên không buông xuống được, tay đương thõng không co lên được.
Cứ dồn nhau như thế, đến một giờ rưỡi thì có kẻ xuẩn động ném gạch vào lính Nhật gác ở ngã tư Chợ Hôm, Hàm Long. Lính Nhật nổ súng, hai người bị thương nơi chân. Náo động. Có tiếng hô “Đánh! Đánh!”.

Cuộc biểu tình có thể trở nên lưu huyết. Bộ Tư lệnh Nhật, trong năm phút, phái chiến xa đến chặn tất cả mọi ngả đường vào chỗ đoàn tuần hành. Nội bất xuất… cho đến năm giờ chiều, ngày chớm Thu sắp tàn. Sương bắt đầu xuống. Cờ vác mỏi tay, đã cuộn giấu vào bụng áo. Chiến xa Nhật vẫn chặn đường. Một vài người muốn ra về đều thấy lưỡi lê dí vào bụng. Hoang mang bắt đầu. Phía ngoài hàng rào chiến xa có nhiều người mẹ đi tìm con, nước mắt chạy quanh. Chỉ một nửa giờ nữa là tối. Quân Nhật có thể cho từng người một ra về sau khi, khám xét kỹ lưỡng. Cuộc khởi nghĩa tự nó sẽ tan vỡ.

Nhưng bỗng có tiếng reo lên như động biến. Thì ra trong san trại Bảo an, lá cờ Quẻ Ly vừa hạ xuống, lá cờ của Tổng khởi nghĩa được kéo lên. Chiến xa Nhật mở máy về trại. Hơn một trăm ngàn người xô nhau ra về, mãi đến bảy giờ tối mới tan hẳn. Và người ta xôn xao hỏi nhau: “Sao? Sao?”. Có người nói không xong, có người lại quả quyết rằng mắt thấy hai sĩ quan Nhật bị trói chặt giải đi, và uỷ ban Tổng khởi nghĩa đã chiếm trọn trại lính.
Nhưng sự thật, sự thật muôn đời, là uỷ ban đã bỏ chết đồng bào trước họng súng Nhật. Tôi không hề có ý định, hoặc làm tăng, hoặc đánh giảm giá trị những phe đương sự. Vả lại tôi tin rằng những hành động quyền biến không bao giờ có giá trị vĩnh viễn. Giá trị vĩnh viễn nằm trong khả năng xây dựng của con người.

Tôi thành thực không muốn lịch sử sẽ chép rằng ngày 19 tháng 8 năm 1945, dân tộc ta đã làm một cuộc Tổng khởi nghĩa oanh liệt, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.
Tôi không bất công, tước bỏ giá trị của Việt Minh trong ngày 19 này, vì thật quả giá trị ấy không hề có.
Tôi càng không có ý làm sút giảm giá trị của toàn dân trong ngày 19 này, bởi giá trị của toàn dân sẽ còn nhiều dịp để bộc lộ. Tôi chân thành nói với Trung như thế.

Trở lại buổi tối hôm Tổng khởi nghĩa, dân trong thành hoang mang cực độ. Ngày hôm sau lại có tin quân Pháp từ Xuân Mai (Hoà Bình) đánh đến Hà Đông. Và đây mới là lúc tôi trông thấy giá trị của người dân Việt hiển hiện thành việc làm: người ta vớ lấy bất cứ một đồ vật gì có thể cầm lên tay mà đập vào đầu hay xuyên vào ngực kẻ thù, người ta phóng xe đạp, bám vào xe hơi, vào tầu điện như những chùm xung, người ta vào Hà Đông chặn giặc. Hàng vạn người đã đi, rồi trở về không: trại Bảo an Hà Đông (dưới quyền chỉ huy của Quản Dưỡng) không chịu theo về chính quyền mới. Có thế thôi.

Thế rồi lặng lẽ luôn mười ngày, chỉ toàn những tin biểu tình cùng những tin lụt lội, lụt to quá ở VĩnhYên, Phúc Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên
. Ngày thứ mười, tức là ngày 30 tháng 9, có tin bộ đội Giải phóng về đến thủ đô. Tiếng đồn có hàng chục ngàn binh sĩ mặc toàn đồ kaki, mang toàn súng máy Mỹ!
Cũng ngày thứ mười, trên các tường nhà xuất hiện lá thư ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bức thư với tên ký không gây xúc động gì cả. Người ta đương chờ đợi một cái gì to lớn, Chẳng hạn như tin Đồng Minh công nhận Chính quyền Lâm thời. Cho nên không mấy người sung sướng vì biết Nguyễn Ái Quốc còn sống. Âu cũng là một chứng cớ thêm rằng sự náo nức thật quả bắt nguồn từ chính tấm lòng của mỗi người tha thiết đến Độc lập.

Hôm qua là ngày Tuyên ngôn Độc lập. Một nhân vật mới xuất hiện: Hồ Chí-Minh. Chưa mấy ai nghe tên Hồ Chí-Minh, mà có người bảo là Nguyễn Ái Quốc đấy. Không có bằng chứng gì. Giá có bằng chứng cũng chưa chắc đã gây thêm xúc động. Hoặc giả còn gây ra hoang mang vì tính chất cán bộ Mạc-tư-khoa của họ Nguyễn là khác.

Nói đến xúc động đoạn đầu thư này có câu “hăng hái đến muốn chết ngay cho tổ quốc”, tưởng không nói thế nào hơn được nữa. Giữa vườn hoa Ba Đình (lối vào vườn Bách thú), hằng trăm ngàn người lắng tai nghe ông Hồ đọc bản tuyên ngôn. Lời văn giản dị sáng sủa. Tự bản văn cũng không gây được mấy xúc động. Là vì chúng tôi đã bị kích thích đến cùng độ, ngay từ khi chưa đi hội. Cho nên bản văn không lạ, mà chúng tôi như uống từng chữ một, mỗi chữ lại mát lạnh hay sôi sục trong tâm hồn. Sự việc bên ngoài không theo kịp trí tưởng tượng bên trong của mọi người. Mỗi người đều có một chút hận lòng vừa mới rửa được trong hai chữ Độc lập. Mỗi người đều có một cách riêng để đoán trước xem Độc lập là thế nào. Trong không khí bao dung của mùa Thu có ai còn tiếc gì không thả lòng cho một giấc mơ không ngủ?

Riêng tôi, tôi theo đuổi một ý nghĩ nhất định. Không có bằng cớ gì chắc chắn mà tôi vẫn luôn luôn cho rằng dân Việt thông minh hơn dân Nhật. Đất Việt lại trù phú hơn đất Nhật. Tôi không thấy mình điên rồ, khi tưởng tượng một trận chiến đấu, một trận thắng oanh liệt thì đúng hơn, khi người Việt chống nhau với giống người còn văn minh hơn người Nga. Nghĩa là một trận Lữ Thuận kèm thêm một trận Đối Mã oai hùng. Lai có khi nghĩ đến nước Tầu, đến vua Quang Trung sớm yếu…, rất có thể Việt-Nam độc lập sẽ đòi lại Lưỡng Quảng, mặc dầu đòi hai tỉnh ấy chỉ có nghĩa là nhận nuôi thêm ngót trăm triệu dân đói khát!

Nói thế để Trung ở bên ấy chân trời biết rằng Độc lập là cởi mở cho tất cả mọi tài năng cũng như cho tất cả mọi hy vọng. Không có gì có thể giúp người nước ngoài tưởng tượng nổi thế nào là Việt-Nam độc lập, kể cả lòng yêu nước thắm thiết của từng người. Bởi lẽ Việt-Nam độc lập là thoả mãn được một sự đòi hỏi thầm kín, truyền kiếp – từ khi dân Việt lập quốc, có bao giờ thực sự độc lập như bây giờ đâu!

Nguyễn Kiên Trung (Nguyễn Mạnh Côn)
------------------------------------------------

Nguồn: Đem tâm tình viết lịch sử. Nxb. Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1957

[1] Chiến khu Việt Minh lập thành năm 1942, khởi từ hai châu Đình Cả (Thái Nguyên) và Bắc Sơn (Lạng Sơn). Việt Minh có hai trung đội du kích, một do Phùng Chí Kiên (xuất thân trường Hoàng Phố) một do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Phùng Chí Kiên tử trận và Trung đội Một tan rã ngay năm 1942. Trung đội Hai của Võ Nguyên Giáp bị dồn vào rừng mây, tuyệt lương sắp chết đói hết, thì Nhật đánh Pháp, khiến cho đội quân vây Võ Nguyên Giáp ở Bắc-sơn phải rút đi, chạy trốn qua Bảo Lạc (Hà Giang) sang Tàu.
Người Nhật thay người Pháp chiếm đóng Đông Dương bỏ rơi nhiều khu vực miền núi, không đóng quân. Vì thế Trung đội Hai mới có hoàn cảnh lớn mạnh nhanh chóng, trong vòng bốn tháng từ trung đội biến thành đại đội, rồi thành tiểu đoàn Quang Trung, tức là lực lượng võ trang độc nhất của Việt Minh khi cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu.
[2] Việt Minh chỉ tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản ở những nơi có cơ sở sẵn sàng (như Nghệ-an)..

.

.

.

No comments:

Post a Comment