Tuesday, August 31, 2010

PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Đăng bởi anhbasam on 30/08/2010

http://anhbasam.com/2010/08/30/640-ph%e1%ba%a3n-%e1%bb%a9ng-c%e1%bb%a7a-trung-qu%e1%bb%91c-trong-v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-bi%e1%bb%83n-dong/

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ hai, ngày 30/8/2010

PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

TTXVN (Bắc Kinh 22/8)

Với tựa đề “Tin đồn về khả năng Trung Quốc tìm kiếm liên minh hai bờ cùng phòng vệ Biển Đông, tờ “Tin tức tham khảo” số ra ngày 20/8/2010 trích đăng các nguồn tin báo chí từ bên ngoài cho thấy những biểu hiện về khả năng Trung Quốc Đại lục đang muốn tìm kiếm liên minh với Đài Loan để phòng vệ Biển Đông như sau:

+ Dẫn tin từ báo Manichi Shimbun của Nhật Bản số ra ngày 19/8, “Tin tức tham khảo” viết: Theo tiết lộ của nhân vật hữu quan trong ngành quốc phòng Đài Loan, từ năm ngoái đến nay Trung Quốc đã nhiều lần không chính thức thăm dò xem Đài Loan có ý định hợp tác (với Trung Quốc Đại lục) trong vấn đề phòng vệ Biển Đông hay không. Phía Trung Quốc gần đây cũng xác định Biển Đông là phần “lợi ích cốt lõi” liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Phía Đài Loan tuy bề ngoài từ chối, nói rằng “trước mắt không thể thương thảo được”, nhưng cùng với quan hệ kinh tế hai bờ được cải thiện, không loại trừ khả năng hai bên sẽ hợp tác với nhau trong vấn đề Biển Đông.

Về vấn đề chủ quyền Biển Đông, Đài Loan luôn tuyên bố, xét từ các góc độ lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, các quần đảo Nam Sa (Trường Sa), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Đông Sa cùng với vùng biển xung quanh các quần đảo đó vốn vẫn là phần lãnh thổ và lãnh hải của “Trung Hoa dân quốc”. Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền ở phạm vi nói trên. Nhân vật hữu quan cho biết “nếu loại bỏ vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc, ai là chủ thể có chủ quyền thì lập trường của cả hai về vấn đề chủ quyền Biển Đông là thống nhất với nhau”.

Phía Đài Loan tiếp nhận lời đề nghị của Trung Quốc cho biết, sau khi Chính quyền Mã Anh Cửu được thành lập, quan hệ Trung Quốc – Đài Loan không ngừng được cải thiện, Trung Quốc đã đề xuất như trên với phía Đài Loan. Quan chức này đã từ chối bằng cách nói rằng “các ông quản lý Nam Sa là được rồi, chúng tôi chỉ quản lý khu vực biển Nam Sa mà chúng tôi đã tự kiểm soát được trên thực tế ở đảo Thái Bình” (đảo Ba Bình). Quan chức này còn nói thêm “quan hệ của chúng tôi với Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông là quan hệ hợp tác, hợp tác với Nhật Bản là điều hết sức quan trọng đối với chúng tôi”.

Ngoài ra, quan hệ Trung Quốc – Đài Loan được cải thiện cũng ẩn chứa khả năng thay đổi hiện trạng ở đảo Điếu Ngư (Senkaku). Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền ở vùng quần đảo này. Ông Lâm Chính Nghĩa, Nghiên cứu viên của Phòng nghiên cứu Âu – Mỹ thuộc Viện nghiên cứu trung ương trực thuộc Phủ Tổng thống Đài Loan cho rằng đảo Senkaku là đối tượng quan tâm thuộc “Hiệp ước bảo vệ an ninh Nhật – Mỹ” nên Chính phủ Mã Anh Cửu luôn từ chối hợp tác với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng cho biết “cùng với việc quan hệ Trung Quốc – Đài Loan được cải thiện, không loại trừ khả năng Trung Quốc và Đài Loan cùng hợp tác với nhau trong lĩnh vực phòng vệ, đây là điều trước đây không thể tưởng tượng được”.

+ Dẫn bài viết “La Viện: Hai bờ cần phải bảo vệ tổ quyền” đăng trên “Báo Liên hợp” của Đài Loan ngày 14/8, “Tin tức tham khảo” cho biết: Nghiên cứu viên thuộc Viện khoa học quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Tổng thư ký Học hội khoa học quân sự Trung Quốc – Thiếu tướng La Viện đã kêu gọi Đài Loan như sau: Đứng trước vấn đề về Biển Đông, Biển Hoa Đông và đảo Senkaku, quân đội hai bờ cần có hành động chung bảo vệ “tổ quyền”, cùng bảo vệ tài sản chung mà tổ tiên để lại. Thiếu tướng La Viện cho biết ông không dùng từ “chủ quyền” mà dùng từ “tổ quyền” vì đó là tài sản chung do tổ tiên để lại mà hai bên cùng có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm phải bảo vệ.

+ Tờ “Tín báo” ở Hồng Công ngày 9/8 đăng bài “Nút thắt Biển Đông tháo gỡ bằng cách nào?” của Tiết Lí Thái, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm hợp tác và an ninh quốc tế – Đại học Stanford ở Mỹ (FSI-CIAC), “Tin tức tham khảo” dẫn báo trên cho biết: Tại diễn đàn Hội nghị ASEAN tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rõ Mỹ không ủng hộ bất cứ một nước nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Xu thế quốc tế hóa tranh chấp chủ quyền Biển Đông ngày càng cho thấy rõ, rằng nếu nói về tác động đối với an ninh của Trung Quốc thì mức độ tác động của chính sách được tuyên bố này đã vượt xa tập trận quân sự ở Hoàng Hải. Từ đó đến nay, Trung Quốc chỉ hành động theo tình thế, còn về hoạch định chiến lược cục bộ, tự phải coi việc bắt tay hợp tác hai bờ trong vấn đề Nam Sa là mục đích chính. Đảo Thái Bình nằm ở cực Bắc của quần đảo Nam Sa, là đảo chính ở Nam Sa, trên đảo có nước ngọt, là đảo duy nhất mà một cộng đồng người có thể sinh sống lâu dài ở đó, hiện do Đài Loan quản lý.

Việt Nam vẫn nhấn mạnh chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Nam Sa. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có được Đảo Thái Bình thì vẫn có nguy cơ một ngày nào đó sẽ mất đi toàn bộ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mấy năm trước đây, Đài Loan đã mở rộng sân bay trên đảo, Việt Nam lập tức phản đối.

Các nước đều đã khai thác tài nguyên ở Biển Đông trên quy mô lớn, Đài Loan lại không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế như các nước thành viên Liên Hợp Quốc, hơn nữa về mặt chiến lược chỉ biết tự bảo vệ chứ không nghĩ đến việc gây chuyện, vì thế chỉ có thể ngồi yên nhìn các nước khác kiếm những món tiền lớn. Nếu hai bờ bắt tay hợp tác sẽ có thể bổ sung ưu thế cho nhau.

*

* *

Báo chí Trung Quốc gần đây có nhiều bài phân tích, nhận định thể hiện cố gắng của Trung Quốc trong xu thế hòa bình, hòa dịu và ổn định ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á. Sau khi Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Robert Willard có bài phát biểu tại Philippin liên quan đến khu vực Biển Đông. “Nhân dân nhật báo” của Trung Quốc ngày 20/8 có bài phê phán, phản bác quan điểm của Robert Willard cũng như của Mỹ nói chung, đồng thời khẳng định xu thế hòa bình ở Biển Đông là không thể đảo ngược. Bài báo viết:

Ngày 18/8 tại Philippin, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ Robert Willard có bài phát biểu với hàm ý sâu xa liên quan đến vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Trong khi phát biểu cho rằng Trung Quốc gây nên mối lo ngại cho các nước trong khu vực, R. Willard cũng đồng thời cho biết Mỹ sẽ duy trì lâu dài sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông để đảm bảo an ninh cho tuyến đường biển và không phận ở vùng biển này. Sự quy kết của R. Willard đối với Trung Quốc và nhận định của ông này về tình hình Biển Đông như vậy là không đúng với sự thực.

Từ mười mấy năm nay, các nước Đông Nam Á đã tích cực thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa khu vực, nỗ lực xây dựng khuôn khổ hợp tác khu vực ở nhiều cấp độ khác nhau, trên cơ sở đó sẽ xây dựng cộng đồng Đông Á như một mục tiêu lâu dài. Thực tế tin cậy lẫn nhau và quá trình hợp tác phát triển liên tục giữa các nước là do môi trường ổn định và tích cực ở khu vực này quyết định, trong đó Biển Đông trở thành vùng biển an toàn, hòa bình là một điều kiện quan trọng.

Dựa theo nguyên tắc “gác lại tranh chấp, cùng khai thác”, trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đối thoại và hợp tác an ninh với các nước liên quan. Năm 2002 Trung Quốc đã cùng với các nước ASEAN ký kết bản “Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, cùng giữ gìn ổn định khu vực, đạt tiếng nói chung cũng như xây dựng một loạt khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương ở Biển Đông.

Trung Quốc đã cùng với Việt Nam thúc đẩy khuôn khổ hợp tác “hai hành lang một vành đai”; Hợp tác đa phương tiểu vùng sông Mê Công phát triển thuận lợi; Hợp tác kinh tế ở khu vực phía Đông ASEAN với Trung Quốc và hợp tác kinh tế tiểu khu vực Vịnh Bắc Bộ có được tiến triển tốt; Trung Quốc và khối ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và phồn vinh, kế hoạch hành động cụ thể từng bước được thực hiện; Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN đã khởi động thành công. Ngoài ra, với sự chủ đạo của ASEAN, thỏa thuận hợp tác về nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ “10+3” ở khu vực Đông Á tiến triển thuận lợi, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng phát huy vai trò tích cực.

Những thành quả nói trên có lợi cho quá trình hợp tác Đông Á, thậm chí cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp cho quá trình này phát triển thuận lợi, bản thân sự thực đó đã chứng tỏ xu thế hòa bình, ổn định và phát triển căn bản ở khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh chung đó, cái được gọi là “tình hình căng thẳng” ở Biển Đông là một sự bày đặt cố ý, bằng mọi cách tạo bầu không khí lo ngại vì một mục đích riêng nào đó.

Trước đây khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, Biển Đông đã từng bị một số người miêu tả là điểm châm ngòi xung đột hiện thực. Hiện nay ảnh hưởng can dự của nước lớn ngoài khu vực lại dẫn đến tâm lý bất an mới. Biển Đông liệu có thực sự do vậy mà rơi vào tình trạng rối ren?

Biển Đông là biển của hòa bình và ổn định, biển của giao lưu thông hiểu lẫn nhau, là vùng biển thúc đẩy cùng phát triển. Ở đây có nguyện vọng chung giữ gìn hòa bình và phồn vinh, có không gian hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh… , có trào lưu hợp tác song phương và đa phương cùng có lợi. Biển Đông sẽ tiếp tục trở thành sân chơi giúp củng cố ổn định khu vực Đông Á, thậm chí thúc đẩy hòa bình phát triển ở cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

An ninh ở Biển Đông không thể được bảo vệ bằng cách dựa vào việc gây ra phiền phức, xu hướng lớn ở Nam Hải cũng không thể vì một số người nào đó tự theo ý mình mà bị đảo ngược.

Cũng cùng chủ đề nói trên, bài “Phía sau ‘cú trượng ngã’ trong quan hệ Trung – Mỹ” đăng trên “Tuần tin tức Trung Quốc” ra ngày 23/8/2010, viết như sau:

Nếu nói tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh sự kiện tàu Cheonan đã kéo theo rất nhiều nhân tố tức giận về tâm lý, thì thái độ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thể hiện ngày 23/7 đã đẩy quan hệ Trung – Mỹ vào trạng thái xung đột tiềm tàng.

Bà Hillary nói: “Mỹ ủng hộ chủ trương giải quyết các hình thức tranh chấp lãnh thổ bằng phương thức hiệp thương thông qua trình tự ngoại giao, hợp tác lẫn nhau trong điều kiện các bên đòi hỏi chủ quyền không chịu sức ép từ bên ngoài. Chúng tôi cho rằng các bên cần căn cứ theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển để đưa ra đòi hỏi của mình về quyền lợi đối với lãnh thổ và khu vực phụ cận, cũng như quyền lợi đối với khu vực biển”. Tuyên bố của bà Clinton có nghĩa lần đầu tiên Mỹ công khai can dự vấn đề Biển Đông. Trước đó Trung Quốc vẫn luôn phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh vấn đề này là thuộc phạm trù tranh chấp lãnh thổ song phương giữa Trung Quốc với các nước hữu quan, cần thông qua thảo luận song phương để giải quyết một cách hợp lý. Báo chí nước ngoài đưa tin, trên hội trường, cách bày tỏ thái độ như vậy của Mỹ khiến Trung Quốc bất ngờ không kịp trở tay, các quan chức Trung Quốc tham gia hội nghị cảm thấy hết sức kinh ngạc. Phần lớn các nhà quan sát cho rằng tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng H. Clinton là bước chuyển ngoặt trong quan hệ Trung – Mỹ. Ủy viên Ủy ban quan hệ ngoại giao của Mỹ Josh Kurlantzick nói với “Tuần tin tức Trung Quốc” rằng “trong năm nay quan hệ Trung – Mỹ liên tục va chạm, vấn đề này (tức cách thức bày tỏ thái độ trong vấn đề Biển Đông) xuất hiện không hề có lý do nào. Ít nhất về ý nghĩa tượng trưng, cách bày tỏ thái độ của phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã thực sự đánh dấu bước chuyển ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc”.

Động cơ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hết sức phức tạp. Xét một cách cụ thể, có một nhân tố trực tiếp nhất là Mỹ phải tranh thủ được quyền lực kiểm soát các hoạt động trinh sát hải phận và không phận. Trong vấn đề này, nguồn gốc bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc đã có từ lâu – Trung Quốc đã nhiều lần phản đối tàu quân sự Mỹ triển khai các hoạt động trinh sát ở vùng biển gần và không phận liền kề của Trung Quốc, trong khi Mỹ vẫn giữ quan điểm đó là quyền lợi và lợi ích của Mỹ.

Chuyên gia về chiến lược quốc tế của Trung Quốc, Giáo sư Trường Đại học nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng nói rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng H. Clinton cho biết các bên đương sự trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông cần thông qua khuôn khổ quốc tế đa phương, cần thử nghiệm giải quyết vấn đề này dưới sự dàn xếp của Mỹ, nếu không thì vấn đề tự do lưu thông sẽ bị đe dọa. Nếu xem xét từ góc độ của Mỹ thì cái gọi là tự do lưu thông ở đây trên thực tế sẽ là các hoạt động trinh sát của Mỹ. “Mỹ có ý đồ áp dụng phương pháp này để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của một số nước Đông Nam Á, nếu Mỹ và Trung Quốc có tranh chấp về vấn đề chiến lược, các nước Đông Nam Á sẽ đứng về phía Mỹ”.

Nếu xem xét một cách sâu sắc hơn theo ý nghĩa chiến lược thì Mỹ muốn tăng cường sự có mặt của họ ở châu Á. Đầu năm nay khi trình bày chính sách của Mỹ đối với châu Á, H. Clinton tuyên bố Mỹ phải trở lại châu Á, phải đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình lập lại cục diện ở châu Á, vì thế Mỹ sẽ coi trọng vai trò của ASEAN hơn. Trong bài phát biểu, Clinton đặc biệt nói rằng “Mỹ sẽ dốc toàn lực ủng hộ Việt Nam triển khai công tác với tư cách là Chủ tịch ASEAN”.

Điều này cũng dễ hiểu đối với việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông như thế nào, hơn nữa lần đầu tiên còn diễn tập quân sự chung với Việt Nam. Ngoài ra Mỹ còn tuyên bố hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hạt nhân.

Trả lời phỏng vấn của “Tuần tin tức Trung Quốc”, các chuyên gia, học giả Mỹ nghiên cứu quan hệ Trung – Mỹ tuy có cảm thấy trắc trở, khó khăn nhưng phần lớn không tỏ ra bi quan đối với hiện trạng quan hệ Trung – Mỹ hiện nay. Quan hệ Trung – Mỹ dù có xảy ra tình trạng thế nào, cuối cùng lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn đều nhận thức một cách sâu sắc được ý nghĩa “lớn lao không thể đảo ngược”, rằng quan hệ hai nước cần phải hướng về tương lai phía trước.

Bắt đầu từ những va chạm do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cho đến gần đây Mỹ mạnh bạo tuyên bố can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cho rằng vấn đề lớn nhất trong quan hệ Trung – Mỹ là Mỹ không nhìn nhận “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ luôn nói cách hiểu của mỗi bên về “lợi ích cốt lõi” có khác nhau, nhưng Mỹ phải tôn trọng mối quan tâm về an ninh của Trung Quốc, như vậy hai bên mới có thể trên cơ sở đó đưa quan hệ Mỹ – Trung trở lại quỹ đạo bình thường bằng thái độ thực tế hơn.

Ngoài thái độ thực tế, lý trí cũng hết sức quan trọng. Cũng giống như một số dư luận trong nước Mỹ làm rộ lên “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, những tiếng nói không mang tính lý trí và cảm tính hóa cũng không giúp gì cho sự phát triển quan hệ song phương.

Không nghi ngờ gì, vấn đề trong quan hệ Trung – Mỹ sẽ còn tồn tại lâu dài, vấn đề đó sẽ là một phần trong quan hệ song phương. Một số học giả cho rằng quan hệ Trung – Mỹ tất nhiên quan trọng nhưng không phải là toàn bộ trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Học giả Thời Ân Hoằng nhận xét: “có lẽ trong một, hai năm vừa qua Trung Quốc đã mất quá nhiều thời gian cho quan hệ với Mỹ. Quan hệ với Mỹ đương nhiên hết sức quan trọng, nhưng Trung Quốc là một nước lớn. Thế giới rất rộng, chúng ta cần phải có đường lối ngoại giao toàn diện, phải học cách từng bước xóa bỏ những trở ngại mà chúng ta phải đối mặt ở khu vực Đông Nam Á”./.

—-

BS chú thích: bản dịch trên là của TTXVN, những đoạn mà bản gốc trên báo Trung Quốc ghi là “Biển Nam Trung Hoa”/”Nam Hải” thì hầu như đều được sửa lại trên bản dịch là “Biển Đông”. Cách này theo BS là không nên, nó làm sai lệch ít nhiều bản chất một bài viết theo giọng điệu chính quyền Trung Quốc.

.

.

.

No comments:

Post a Comment