Wednesday, August 4, 2010

ĐỖ TRUNG QUÂN - HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM : LẤP ĐI CÁI AO LÀNG

Đỗ Trung Quân – Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: Lấp đi cái ao làng

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

04/08/2010 9:05 chiều

http://www.talawas.org/?p=23106

.

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

Đỗ Trung Quân: Hoàng tráng đã thành khẩu ngữ trên phương tiện truyền thông lẫn đời thường. Nghiêm túc cũng được mà hài hước hay mỉa mai cũng được, tuỳ vào ngữ cảnh vấn đề. Ví dụ “Cô hoa hậu kia có vòng một hoành tráng quá,” hay “Chà! Một đám ma thật là hoành tráng,” v.v… Cái hoành tráng của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII này có thể hiểu nhiều nghĩa. Ví dụ: đông quá, các đoàn đại biểu của các hội địa phương hầu hết được mời khá đầy đủ (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh có 158 người, danh sách mời ra Hà Nội là 150 người, còn thật sự đi bao nhiêu tôi không rõ. Cá nhân tôi vắng mặt.)

Cũng lạ mà không lạ. Cảm tưởng của mình như người ngoại cuộc. Và thật sự từ lâu tôi đã ngoại cuộc, dù vẫn viết lách. Bởi lẽ chuyện sáng tác là chuyện cá nhân, không dính dáng tới Hội Nhà văn nào dù tôi có tên ở đấy. Nhà thơ Nguyễn Duy có một phát hiện chính xác và ngộ nghĩnh. Chỉ duy nhất tờ báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam còn cái khẩu hiệu “Vì tổ quốc – Vì chủ nghĩa xã hội” từ năm 1958 đến nay bên cạnh manchette. Tôi vừa cười vừa viết thế này:

Thoạt nghe thì thấy đương nhiên.

Nghe lâu thì thấy điên điên thế nào.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

Đỗ Trung Quân: “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” (Tạ Duy Anh). Thật chính xác. Khi cái “mua vui cũng được một vài trống canh…” mà anh còn không làm nổi bằng tác phẩm cho ra hồn, nhà văn không viết nổi tác phẩm nhưng lại sính “giai thoại” và những thứ phù phiếm khác, thì cái sự bị xem thường là tất yếu. Khi không học, không đọc, không viết được nữa thì xem như đã chết. Một ví dụ: cả Hội Nhà văn Thành phố HCM không làm nổi một website văn chương, tự biến mình thành cơ quan hành chính thì cái chân dung văn chương hiện ra rất rõ: Nó lạc hậu. Cái gì lạc hậu mà không bị xem thường? Nhà văn cũng thế thôi.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

Đỗ Trung Quân: Tôi vắng mặt trong buổi tiếp đón này nên không rõ vị đại diện Thành ủy Thành phố HCM nhắn nhủ, chỉ bảo gì cho các nhà văn thành phố. Nhưng đấy chưa hẳn là sự quan tâm. Nó là thủ tục xưa nay khi có những đại hội của ngành này ngành nọ. Chuyện Đảng quan tâm đến văn chương để “uốn nắn” là hiển nhiên, cũng như báo chí là lãnh vực luôn được quan tâm bởi nhà cầm quyền. Lề phải – lề trái luôn được nhắc nhở. Buổi tiếp đón ấy chỉ là thủ tục, thế thôi. Tôi tin rằng trong sự bận rộn thời kinh tế thị trường, việc đọc sách nói chung và văn học nói riêng đối với các vị lãnh đạo là chuyện xa xỉ. Nhiều nhà văn còn không đọc nữa là.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

Đỗ Trung Quân: Nghe kinh thật! Tôi cũng là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam mà chẳng nhận ra mình có cái tài sản lớn đến thế. Cũng nói thật ý nghĩ này: nhà thơ Nguyễn Duy, trong một buổi trò chuyện, giao lưu với một vài nhà văn Mỹ cách đây chưa lâu được tổ chức ở Việt Nam, có nói đại ý “Vấn đề gì chính trị chưa giải quyết được thì văn hoá sẽ giải quyết… Nuôi nấng thù oán, nhỏ nhen không phải là thái độ của nhà văn…” (Không nguyên văn – ĐTQ). Nghe có lý đấy chứ, nhưng nghĩ kỹ mà xem. Họ có thể bắt tay hoà giải hoà hợp với những nhà văn Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng việc họ bắt tay hoà giải hoà hợp với những tác phẩm, những nhà văn đích thực của một nền văn học của miền Nam, của Sài Gòn cũ, đồng thời là của đồng bào mình thì sao? Nền văn học ấy không thiếu những tác giả, tác phẩm và dịch thuật quan trọng cho sự hội nhập với những trào lưu mới cần thiết của nửa đầu thế kỷ trước. Chính trị không giải quyết thì văn hoá hãy giải quyết việc này đi nào? Những vấn đề như thế chắc chắn không bao giờ được đặt ra ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Đại hội chỉ xoay quanh bầu bán và… hết. Tài sản ấy làm sao mà “lớn” mà “giàu” cho được.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà”, cái nguồn của “văn học dân tộc”, nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

Đỗ Trung Quân: Vậy là tôi còn “xa nguồn” lắm, có khi mất gốc chứ chẳng chơi, vì tôi chưa từng đến đấy. Đảng Cộng sản Đông Dương sinh ra… Hội Nhà văn Việt Nam? Vậy Hội Nhà văn Việt Nam sẽ sinh ra cái gì? Hỏi tức là trả lời rồi.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn”, đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

Đỗ Trung Quân: Bài viết của nhà báo Trang Hạ đã vẽ ra cái chân dung gần nhất của Hội Nhà văn Việt Nam rồi. Tôi không bình luận thêm. Tôi có viết trên blog cá nhân của mình cái lý do không tham dự Đại hội, mà lý do của tôi cũng chẳng mới mẻ gì: nhà văn không thấy Hội là cần thiết cho mình, mà Hội cũng chẳng thấy phải có trách nhiệm gì với nhà văn, thế thì chán nhau cũng phải. Một ví dụ: Khi hội viên cần có tiếng nói thì chẳng thấy tiếng nói của Hội. Khi một cuốn sách, một tác phẩm bị xem là “có vấn đề”, Hội thường chỉ làm một việc là im lặng và đồng ý để… thu hồi nó. (Trường hợp Cánh đồng bất tận bị phê phán của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mấy năm trước là trường hợp hiếm hoi gần như duy nhất có tiếng nói của công luận bênh vực, trong ấy có tiếng nói của một số nhà văn với tư cách đồng nghiệp nhiều hơn là tiếng nói chính thức có văn bản của Hội Nhà văn). Một người đọc blog tôi comments “Tôi đồng ý! Nhận định trên của anh đúng cho… mọi Hội, Ngành của ta.”

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

Đỗ Trung Quân: Ước là điều xa xỉ nhưng “sống ở đời ai chẳng có ước mơ”. Nói thật nhá! Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ đã thành cái ao làng lâu rồi. Tôi ước: Lấp đi cái ao làng. Cái ao làng phải thật sự bị lấp để thách thức chính những kẻ quen sống trong ao.

.

.

.

No comments:

Post a Comment