Wednesday, August 4, 2010

NHÀ VĂN VÕ THỊ HẢO : HÃY CHẤM DỨT "BA ĐẦU SÁU TAY"

Nhà văn Võ Thị Hảo: Hãy chấm dứt “ba đầu sáu tay”

Cao Minh thực hiện

4/08/2010

http://www.boxitvn.net/bai/8849

Một sự tình cờ tôi được cùng nhà văn Võ Thị Hảo và các anh Lại Nguyên Ân, Bùi Minh Quốc, Trần Nhương ngồi với nhau bên bờ Hồ Tây ở con ngõ 27 đường Xuân Diệu, trong màn mây khá dày và mặt hồ sương xuống nặng trĩu trong đêm mồng Ba tháng Tám, đêm trước Đại hội Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi ngồi rất lâu không nói năng gì, chỉ nhìn sang phía Hồ Trúc Bạch mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. “Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng thâu/Sương bám hồn gió cắn mặt buồn rầu…” Riêng tôi cứ chìm đắm vào một nỗi buồn tiếc vơ vẩn không đâu về những gì mất đi không thể vớt vát được, chẳng hạn như cái không gian mênh mông thời danh y Lê Hữu Trác thả thuyền rong chơi ba bốn ngày vẫn chưa cập bến bên này hồ mà nay tưởng như với tay đã có thể sờ đến đường Cổ Ngư, nhìn ra bốn phía thì lô nhô những nhà cao tầng mọc một cách vô tổ chức đang làm cho mặt nước trở thành chật hẹp như một cái đầm làng. Hồ Tây khói sóng đầy màu sắc huyền thoại một thuở nay còn đâu nữa? Rồi tôi lại chợt nghĩ đến cuộc bơi thi giữa Nhất Linh, Thạch Lam, Đinh Hùng một buổi trưa nào đó, vùng vẫy giữa sóng hồ đến kiệt sức, khi lên bờ anh nào anh ấy lả đi, chị Thạch Lam phải dùng vôi bôi vào gan bàn chân từng người cho tỉnh lại.

.

Một Hà Nội với những hội văn chương lừng lẫy như Tự lực văn đoàn chỉ tồn tại vẻn vẹn mười năm mà để lại chuẩn mực cho một tổ chức văn học tự lực cánh sinh, tự do sáng tác và dân chủ trong sinh hoạt nghề nghiệp đúng nghĩa. Còn Hội Nhà văn Việt Nam nếu tính từ năm 1957 thì đã tồn tại được 54 năm, còn tính từ thời Hội Văn nghệ ở Việt Bắc nữa (1948) thì đã thành một ông già móm mém 63 tuổi, vậy mà đến nay hình như vẫn loay hoay với những tôn chỉ sơ đẳng của buổi đầu thành lập cũng vẫn chưa xong.

Lại Nguyên Ân chợt cất tiếng nói với mọi người: “Tôi đang làm thuê cho Hội bằng việc tập hợp tư liệu lịch sử của Hội, mới một thời đoạn ngăn ngắn mà đã 1.100 trang”.

Ai nấy đều tỏ ý ngạc nhiên, hình như có người hỏi: “Lịch sử của Hội dày thế nhưng nói về thành tựu sáng tác thì có gì gọi là dấu ấn?” Và hình như cũng có người trả lời thay: “Những tác phẩm đáng gọi là dấu ấn thì đều bị Hội khai tử, hoặc xa lánh, chẳng hạn Nỗi buồn chiến tranh, Chuyện kể năm 2000, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Những thiên đường mù, Cát bụi chân ai…”.

.

Tự nhiên một câu hỏi đặt ra: Vậy chức năng đích thực của Hội là gì? Đang phân vân thì Võ Thị Hảo nói nhỏ vào tai tôi: “Em vừa có một bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn giải phóng nhưng không được ông Tổng biên tập báo ấy duyệt, anh có muốn đăng không?”

Tôi mừng rỡ hỏi Hảo: “Em trả lời vấn đề gì?”

- “Cũng những chuyện làng nhàng mà hẳn anh đoán ra không mấy khó khăn. Nói đến Đại hội của Hội ta thì mối bận tâm còn gì ngoài vấn đề nhân sự nữa? Nhưng em không bàn đến chuyện nhân sự cụ thể mà kỳ đại hội nào cũng làm người ta chán ngán hoặc đau đầu. Em chỉ nói về một nguyên tắc cơ bản thôi: ấy là nguyên tắc tre già măng mọc. Phải giữ cho được nguyên tắc ấy như một đổi mới bắt buộc, nếu không thì Hội sẽ mốc meo lên hết khóa này đến khóa kia như một ông lão móm. Cứ phải thống nhất với nhau là đến tuổi 60 (nữ thì 55) dù tài giỏi đến đâu cũng nhất thiết nhường lại cho lớp trẻ”.

Nghe Hảo nói cả mấy người chúng tôi nhìn nhau, và không ai bảo ai nét mặt người nào đều có một thoáng buồn. Nhà văn Võ Thị Hảo đang tuyên chiến với một thế hệ U70 trong cơ cấu tổ chức lãnh đạo Hội – và có lẽ cả trong kế thừa sáng tác – trong đó có chính những người ngồi đây. Quy luật tự nhiên là thế, không muốn cũng không được kia mà. Đóng góp văn chương của anh sẽ tồn tại qua sàng lọc của thời gian nhưng anh không nên cưỡng lại những cây bút sung sức hôm nay đang có cách tiếp cận hiện thực cũng như tư duy nghệ thuật khác anh và sẵn sàng phủ định anh. Cũng vậy, anh là người năng nổ, được cấp trên rất ưa, biết vuốt ve chiều chuộng đủ mọi loại hội viên từ già đến trẻ, nhưng anh không nên, tuyệt không nên cố cưỡng lại một sự thực là phương pháp “tháo vát” đó của anh đã tỏ ra cổ lỗ trong con mắt thế hệ chưa dày dạn bằng anh song có cách nghĩ khác anh. Người ta cần một sự năng động khác, làm sao biết chống chọi với những lực cản để cho tiếng nói của nhà văn được đĩnh đạc cất lên như là lương tri của xã hội, nói thẳng vào những vấn đề nhức nhối nhất đang đặt ra cho đất nước mình mà không bị cấm đoán, và khi nhà văn lâm vào tình thế bị các “thế lực đen” hãm hại, giữa thời buổi nhiễu loạn về giá trị như hôm nay mà ai cũng thấy, thì anh phải cứng cỏi như thế nào để đấu tranh vì lẽ phải cho sinh mệnh chính trị của đồng nghiệp của mình.

.

Ôi chao! Bao nhiêu tiêu chuẩn khó tính hết đối với một Ban chấp hành Hội Nhà văn mà cứ đề ra một cách lý tưởng vậy thôi chứ làm gì đạt được trong thực tiễn. Tôi nhận bản thảo của Võ Thị Hảo mà trầm ngâm không nói gì và các bạn tôi cũng không ai cất tiếng. Một kỳ đại hội chưa đến, sắp sửa đến nhưng trong trí người nào hình như cũng sẽ diễn ra như mình dự đoán, nghĩa là… đang qua đi. Rồi chờ đến kỳ đại hội sau, có lẽ chúng tôi lại gặp nhau bên bờ Hồ Tây này, chắc bấy giờ đã được thành phố cho mọc thêm lên những khối bê tông lộn xộn làm chật hẹp thêm một ít, để rồi lại cùng nhau ngẫm nghĩ mà không lên tiếng về những nguyên tắc sơ đẳng hình như nó là một mạng nhện mà Hội Nhà văn Việt Nam cứ mãi nhùng nhằng trong đó, trong khi tuổi tác đứa nào cũng đã chất thêm một mớ trên đầu “Giờ ly biệt cứ đến gần từng phút/Chúng tôi thấy đã xa nhau một chút…

Nguyễn Huệ Chi

PV: Thưa chị Võ Thị Hảo, vì sao chị không đến tham dự Đại hội cơ sở Hội nhà văn?

VTH: Tôi nghĩ rằng tổ chức các đại hội cơ sở là thừa, lãng phí tiền dân và thậm chí còn khiến cho các ý kiến của hội viên không tới được ĐH chính thức. Vì thế tôi không đến. Một kịch bản cũ, đến xem làm gì.

Và không chỉ mình tôi. Theo báo chí thì số lượng nhóm nhà văn khối cơ quan trung ương ở HN khoảng 250, nhưng chỉ có 159 người đến dự.

PV: Như thế là số lượng người đến dự chỉ hơn một nửa. Có tới khoảng một trăm nhà văn không tới. Hiện trạng này có bình thường không, thưa chị?

VTH: Chắc chắn là không bình thường, dù có biện hộ cách nào đi nữa.

PV: Theo chị, nguyên nhân nào dẫn đến việc nhiều nhà văn thờ ơ, thậm chí xa lánh những hoạt động mang tính hành chính của Hội? Họ không yêu nghề chăng?

VTH: Theo tôi, yêu nghề không phải là một tiêu chí. Và yêu nghề không phải chỉ nói suông là được. Vấn đề là viết hay, có trách nhiệm, có lương tâm và sự thật. Nếu không, cũng chỉ là phường “giá áo túi cơm” mà thôi, như mọi người hay nói. Mặt khác, yêu nghề không có nghĩa là yêu cái tổ chức hành chính của Hội, hay phải yêu tất cả những việc mà Hội làm.

PV: Chị hình dung một đại hội như thế nào đang và sẽ diễn ra?

VTH: Tôi luôn mong rằng nó khác. Nhưng rồi đã và sẽ chẳng có gì khác. Một đại hội tốn kém, rình rang, vô bổ, phô diễn không vì nền văn học, nhà văn và trách nhiệm với nhân dân. Theo nhiều nguồn thông tin thì một số “thủ đoạn” đang được chuẩn bị cho những người ham hố quyền lực. Những người chuẩn bị và điều hành đại hội, thay vì thể hiện để chứng tỏ lòng trung thành với nền văn chương và nhân dân của mình, thì đang tìm cách chứng tỏ phụ thuộc và nô lệ những tiêu chí phi văn học và danh dự nhà văn. Trời ạ, thế kỷ XXI rồi mà vẫn dùng những bịên pháp của thời bao cấp phải đổi mới như vậy sao? Một kịch bản cũ rích, một sự “bó thân” khốn khổ, đến mức không đủ kiên nhẫn để xem và khiến nhiều người phải chọn giải pháp xa lánh.

PV: Trước Đại hội, đã có nhiều ý kiến phản ứng về sự tham quyền cố vị đâu đó và một số vấn đề khác như sự lão hóa… Theo chị, tại sao lại có sự tham quyền cố vị đến mức dư luận phải bức xúc nhhư vậy?

VTH: Tham quyền cố vị ở VN thì quá phổ biến và thể hiện ở muôn hình vạn trạng, chẳng cứ riêng gì ở Hội Nhà văn. Chỉ có điều là với trách nhiệm và danh xưng nhà văn, công chúng luôn yêu cầu và hy vọng những người cầm bút phải có tư cách và có trách nhiệm khai sáng về trí tuệ và lương tâm cho họ, đồng thời có năng lực phản biện xã hội. Trong điều kiện ấy, sự tham quyền cố vị… ở đám nhà văn trở nên thảm hại hơn và tiếng đồn đại vang xa hơn thôi.

PV: Theo chị, căn cứ vào các cử chỉ và hành động chuẩn bị Đại hội hiện nay, mục đích thực sự mà ĐH muốn đạt được là gì?

VTH: Là gọt cho tròn, cho trúng ý chỉ đạo của một vài cá nhân nào đó, chưa hẳn đã là của Đảng và Nhà nước. Là hợp thức hóa những cái ghế cho một số ai đó được chỉ định ngầm, thỏa thuận ngầm dưới cái vỏ bầu cử. Tôi chẳng tin bất cứ kết quả bầu cử nào dưới cơ chế chỉ đạo. Có chỉ đạo và chỉ định Đoàn chủ tịch và Đoàn thư ký, là có thao túng.

PV: Theo chị, cần làm gì để có một Đại hội Hội Nhà văn đúng nghĩa?

VTH: Cái điều cần làm nhất, cốt tử cho nền văn chương và cho đất nước này, nhân dân này thì không một đại hội nào làm. Nếu không làm được điều này, thì đại hội nào cũng chỉ là đại hội của một phường “giá áo túi cơm” như người ta hay chỉ trích mà thôi.

Đối với nhà văn, trách nhiệm của Ban lãnh đạo Hội là phải tranh đấu kiên cường, đến cùng, cho quyền lợi trước hết và cốt yếu nhất của các nhà văn, là quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật VN. Trong đó, không ai có quyền từ chối cấp phép hoặc cấm xuất bản bất kỳ một tác phẩm nào mà nội dung của nó không vi phạm pháp luật. Người từ chối cấp phép hoặc ra những lệnh cấm bằng miệng, thư tay, điện thoại, văn bản trái pháp luật… sẽ bị kết tội chống lại sự phát triển xã hội. Cần chỉ ra rằng đó là phạm pháp, chống lại quyền con người và cộng đồng.

Chúng ta chọn ai để bảo vệ quyền lợi tối thượng này để nhà văn không là phường “giá áo túi cơm” hèn hạ, xa rời nhân dân ?

Nhân dân cần những người trí thức và văn nghệ sĩ có khả năng khai sáng, tôn trọng pháp luật và đồng hành khát vọng thực sự của họ, khiến cho họ sống đẹp hơn và cao thượng hơn, khiến cho quyền làm người tối thượng của họ được bảo vệ.

Những Ban chấp hành nào không làm việc này thì chỉ là những kẻ dựa ghế theo đóm ăn tàn thảm hại mà thôi.

PV: Theo chị, tiêu chuẩn chủ yếu mà người ứng cử vào Ban lãnh đạo Hội phải đạt được là gì?

VTH: Ngoài việc phải có văn tài, năng khiếu lãnh đạo và bản lĩnh, nhân cách, theo tôi, họ phải đạt được những điều tối thiểu sau đây về tuổi tác và dành thời gian toàn tâm toàn ý cho hội:

Thứ nhất, hiện nay bên chính quyền có được sự tiến bộ là kiên quyết buộc những người đến 6o tuổi với nam và 55 tuổi với nữ phải về hưu đúng tháng tuổi và ra thông báo trước khoảng nửa năm. Điều này rất hay. Nếu tham quyền cố vị là hãm hại lớp trẻ và phản lại tiến bộ xã hội đấy. Lớp trẻ đợi các cụ xa chơi suối vàng mới được lên thay mà các cụ sống lâu quá, cỡ tám chín mươi tuổi thì lớp trẻ chết héo. Bởi thế, Đại hội kỳ này, tôi đề nghị các nhà văn cần kiên quyết áp dụng sự công bằng đó từ kinh nghiệm phía bên chính quyền. Những ai mà tính đến ngày khai mạc Đại hội là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ thì kiên quyết đưa ra khỏi danh sách ứng cử và bầu cử. Và những người có tự trọng thì phải tự mình kiên quyết rút ra khỏi danh sách này, đừng để người khác phải chỉ tên.

Điều thứ hai, các nhà văn cần kiên quyết loại bỏ sự kiêm nhiệm. Con người chẳng ai ba đầu sáu tay. Với sức khỏe và trình độ, cũng như quỹ thời gian, mỗi người làm tròn một việc của mình đã là quá khó, chưa chu đáo, chưa chất lượng, nữa là kiêm nhiệm một lúc mấy trọng trách. Bởi thế, luôn xảy ra tình trạng làm việc cho Hội mà không chu đáo, thiếu trách nhiệm, bớt xén thời gian, để xảy ra những vụ bê bối gây xấu hổ cho văn giới nói chung.

Bởi thế, điều lệ Hội nhất thiết phải đề: cấm kiêm nhiệm. Kiêm nhiệm là biển lận thời gian và thời cơ của hội viên. Sau khi vào Ban lãnh đạo Hội, phải thôi việc ở chỗ kiêm nhiệm sau thời gian không quá 60 ngày. Nếu xét thấy không thôi được, thì không ứng cử. Nếu cứ ứng cử và trúng mà không xin thôi, sang ngày thứ 61 chẳng hạn, dù vì bất cứ lý do gì, BCH cũng buộc phải miễn nhiệm người đó, dù là Tổng thư ký.

Xin đừng xúc phạm và hãm lớp trẻ bằng những người kiêm nhhiệm ba đầu sáu tay nữa!

Còn một điều quan trọng nhất, là hãy dành thời gian thích đáng soạn ra một Điều lệ Hội nhà văn, một “Hiến pháp gốc” của văn chương VN. Ban soạn thảo này không phải do Ban chấp hành, mà do Đại hội bầu trực tiếp, những nhóm người tâm huyết, có nhân cách, công bằng, có tài năng, hiểu luật pháp, bàn bạc soạn thảo kỹ lưỡng. Đó là “Hiến pháp gốc” cho các nhà văn và cho cả nền văn học VN để các nhà văn VN có được quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận, quyền được pháp luật bảo vệ, phải sống có nhân cách và làm tròn trách nhiệm…

PV: Và, nếu mọi người tin tưởng, chị có ứng cử vào BCH không?

VTH: Không. Không bao giờ. Vì tôi không phải là người có năng khiếu lãnh đạo. Cần người có năng khiếu này hơn tôi. Và tôi cũng không có cảm hứng làm việc đó. Tôi sẽ đứng ngoài cổ vũ những người lãnh đạo Hội toàn tâm toàn ý, có nhân cách. Tôi cùng các hội viên sẽ giám sát và cảnh báo khi họ lạm dụng.

Trân trọng cảm ơn chị.

CM

.

.

.

No comments:

Post a Comment