Sunday, August 29, 2010

NGÔ BẢO CHÂU, TỪ HUY CHƯƠNG TOÁN HỌC ĐẾN "KỊCH BẢN" CHÍNH TRỊ

Ngô Bảo Châu, từ huân chương toán học đến "kịch bản" chính trị
Ðỗ Đình Bổn

29.08.2010

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=0F13C6DB948BB40A1CB2E02947B709A8?action=viewArtwork&artworkId=11229

Năm nay nước Pháp có 2 nhà toán học đoạt Huân chương Fields nhưng chính phủ, nhân dân và báo chí Pháp không hề làm ầm ĩ khủng khiếp như những gì đang diễn ra ở Việt Nam kể từ khi Ngô Bảo Châu đoạt Huân chương Fields.

.

Từ năm 1936 đến nay các nhà toán học đoạt Huân chương Fields trên thế giới gồm có 13 người Mỹ, 11 người Pháp, 9 người Nga, 6 người Anh, 3 người Nhật, 2 người Bỉ, và các nước khác như Phần Lan, Đức, Ý, Tân Tây Lan, Na Uy, Thụy Điển, Úc, Do Thái, và Việt Nam mỗi nước có 1 người. Nên nhớ, người Việt Nam Ngô Bảo Châu có quốc tịch Việt và Pháp.

.

Năm nay trên thế giới có 4 người đoạt Huân chương Fields: Elon Lindenstrauss (Do Thái), Stanislav Smirnov (Nga), Cédric Villani (Pháp) và Ngô Bảo Châu (Việt/Pháp). Ngoài Huân chương Fields, nếu đem ra so sánh, Ngô Bảo Châu không đoạt các giải toán học khác nhiều bằng 3 người kia, nhưng hôm nay (29/8/2010) nếu ta gõ tên “Ngô Bảo Châu” (tiếng Việt) vào Google thì thấy đến 8,150,000 trang mục, gõ “Cédric Villani” chỉ thấy 95,4000 trang mục, “Stanislav Smirnov” có 68,800 trang mục, và “Elon Lindenstrauss” có 67,000 trang mục. Tức là số lượng bài báo, tin tức tiếng Việt về Ngô Bảo Châu nhiều gấp hàng trăm lần hơn so với số lượng bài báo, tin tức ngoại ngữ về các nhà toán học Do Thái, Nga và Pháp ấy!

.

Có phải vì đây là lần đầu Việt Nam có một người đoạt Huân chương Fields nên cả nước mới làm ầm ĩ đến như vậy? Chắc chắn là vậy. Nhưng đây cũng là lần đầu Do Thái có một người đoạt Huân chương Fields mà sao họ không làm ầm ĩ? Trước kia, những nước Phần Lan, Đức, Ý, Tân Tây Lan, Na Uy, Thụy Điển, Úc khi có một người đầu tiên đoạt Huân chương Fields họ cũng không làm ầm ĩ chút nào. Ở các nước này, những người lãnh đạo quốc gia thay mặt nhân dân gửi lời chúc mừng đến các nhà toán học đoạt giải. Báo chí đăng một bản tin tường thuật, là xong. Cuộc sống trở lại bình thường.

Thế thì vì lý do gì mà Việt Nam lại ầm ĩ đến thế? Có lẽ có nhiều lý do, nhưng rõ rệt nhất chắc chắn là ý đồ chính trị. Đảng và Nhà nước CHXHCNVN nhân cơ hội này làm ầm ĩ, thổi phồng quá trớn cái vinh dự này lên và chui ké vào cái hào quang đó để làm nhân dân quên đi hàng vạn vấn đề thê thảm trong giáo dục và mọi phương diện khác của đất nước Việt Nam.

.

Sau Đại hội Toán học ở Ấn Độ, các nhà toán học Elon Lindenstrauss, Stanislav Smirnov và Cédric Villani bay về nước của họ, thì chẳng có ông bà nhà nước nào ra sân bay đón cả. Nhưng từ lúc Ngô Bảo Châu vừa mới lãnh Huân chương Fields, thì ngày 19/8/2010 đã có bản tin “Kịch bản Lễ đón mừng long trọng GS Ngô Bảo Châu tại HN” trên Báo điện tử VTC News, trong đó ông Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã thông báo:

“Lễ đón Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra vào sáng ngày 29/8. Dự kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và đại diện Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội Toán học Việt Nam, Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ sẽ ra tận sân bay Nội Bài đón Giáo sư Ngô Bảo Châu. Buổi lễ chào mừng sẽ được tổ chức trang trọng vào tối 29/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Dự kiến khoảng 3.500 người tham dự. Trong buổi lễ này sẽ công bố quyết định khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng Giáo sư Ngô Bảo Châu. Trong thời gian ở Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng sẽ có buổi tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu...”

Cũng trên bản tin đó, ông Trần Quang Quý giải thích:

“Việc tổ chức chào mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu với hình thức trang trọng thể hiện tấm lòng trân trọng của Nhà nước về những cống hiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu cho sự nghiệp phát triển khoa học của thế giới và nước nhà.”

Lạ thật! Tại sao lại “thể hiện tấm lòng trân trọng của Nhà nước”? Nhà nước là một guồng máy hành chánh chứ có phải là một con người đâu mà có “tấm lòng” để “thể hiện”? Tại sao không thể hiện tấm lòng trân trọng của nhân dân Việt Nam? Nhân dân biến đi đâu mất rồi?

Đúng là một “kịch bản”!

.

Ngày 20/8/2010, bản tin “Đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu” còn cho biết lễ đón tiếp GS Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra như thế này:

Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì việc đón tiếp GS Ngô Bảo Châu trở về Việt Nam từ Ấn Độ vào ngày 28.8. Trong ngày này, sẽ có đại diện Chính phủ, đại diện các bộ, ngành và các sinh viên ra sân bay đón tiếp GS Ngô Bảo Châu với những nghi thức cao nhất giống như đối với một vị lãnh đạo.

Đón một nhà toán học với những nghi thức kiểu này thì đúng là cái kịch tính lên đến tột đỉnh!

Sáng nay, 28/8/2010, khi Ngô Bảo Châu về đến Việt Nam thì vì lý do gì đó (?) cái “kịch bản” có thay đổi chút ít, không thấy có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân xuất hiện ở sân bay Nội Bài. Thành phần đi đón có khác với “dự kiến”. Theo tin của Vietnamnet:

“Cùng ra sân bay đón còn có gia đình GS Châu, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, cùng lãnh đạo Viện Toán học, Hội Toán học, ĐH Quốc gia Hà Nội...”

.

Nhưng vụ chào mừng ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình thì sẽ vẫn diễn ra rất ầm ĩ đúng như “kịch bản”:

Dự kiến ngày 29/8, lễ đón tiếp GS Châu được tổ chức trang trọng. Tối cùng ngày, lễ chào mừng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Viện Khoa học và Công nghệ VN, Viện Toán học, ĐH Quốc gia Hà Nội... Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

.

Bộ GD&ĐT đã gửi hồ sơ sang Ban Thi đua khen thưởng trung ương, đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu. Hồ sơ sẽ được thẩm định, trình Thủ tướng xét và đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương cho GS Châu.

Chúng ta hãy chờ xem cái “kịch bản” trao Huân chương Hồ Chí Minh có diễn ra theo “dự kiến” hay không, và GS Châu có nhận cái Huân chương Hồ Chí Minh hay không. Qua đó chúng ta sẽ có nhận định đúng hơn về con người của GS Châu.

Không phải Huân chương nào cũng đáng để nhận, và một nhà trí thức đúng mực thì không bao giờ nhận những gì không đáng nhận. Thậm chí có khi họ còn từ chối cả những vinh dự đáng nhận. Như Grigory Perelman, nhà toán học Nga, đã từ chối Huân chương Fields năm 2006. Sau đó, Grigory Perelman còn từ chối cả giải thưởng Millennium Prize trị giá 1 triệu đô la được trao tặng từ Viện Toán học Clay (Clay Mathematics Institute) ở Cambridge, Massachusett. Viện này đã cử đại diện bay qua Nga, tìm đến tận nhà của Grigory Perelman để năn nỉ ông nhận 1 triệu đô la, nhưng ông vẫn không nhận.

Khi từ chối Huân chương Fields, nhà toán học Grigory Perelman nói: “Giải thưởng này hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với tôi. Mọi người đều hiểu rằng nếu bằng chứng toán học là đúng, thì không cần thêm bất kỳ một sự công nhận nào khác.” Ông còn nói: “Tôi không thích tiền bạc hay sự nổi danh. Tôi không muốn bị đem ra trình bày như một con vật trong vườn bách thú. Tôi không phải là một nhà anh hùng của toán học...

.

Hôm qua tôi có vào xem weblog “Thích học toán” của GS Ngô Bảo Châu, và tôi có gửi một lời comment như sau:

Tôi xin thành thật hỏi giáo sư Ngô Bảo Châu:

Nếu Đảng và Nhà Nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho giáo sư, thì giáo sư có nhận không?

Năm 1964, Jean-Paul Sartre từ chối giải Nobel Văn Chương. Ông nói: “Một nhà văn phải từ chối chấp nhận chính mình bị biến thành một cơ quan, ngay cả điều này diễn ra trong hình thức vinh dự nhất.”

Một nhà toán học thì thế nào nếu người ấy chấp nhận một giải thưởng của một cơ quan chính trị?

Sau khi bấm gửi comment, tôi nhận được hàng chữ “Phản hồi của bạn đang chờ được xét duyệt”. Hôm nay (29/8) tôi vẫn chưa thấy phản hồi của tôi được GS Ngô Bảo Châu xét duyệt mặc dù các comments của những người khác đã được GS xét duyệt và đăng lên. Có lẽ GS ngại trả lời? Tôi sẽ tiếp tục chờ đợi xem GS trả lời như thế nào. Nếu đêm nay Đảng và Nhà nước trao tặng cái Huân chương Hồ Chí Minh cho GS, và GS hớn hở nhận lấy, thì tôi xem cái “kịch bản” đó là một câu trả lời rất cụ thể bằng hành động, khỏi cần thêm ngôn từ gì nữa. Tôi mong sao chuyện này đừng diễn ra. Nhưng nếu mọi sự diễn ra như vậy, thì tôi xem GS Ngô Bảo Châu vẫn là một thiên tài toán học, nhưng CHỈ LÀ một thiên tài toán học. Không phải là một nhà trí thức đúng mực.

Tái bút:

Có một điều nữa cũng đáng thắc mắc: GS Ngô Bảo Châu đã tuyên bố tặng số tiền 15,000 đô la Canada tiền thưởng của giải Fields để làm học bổng cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Điều này rất có ý nghĩa vì ở Việt Nam có vô số học sinh giỏi có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Thế nhưng Nhà nước CHXHCNVN sẽ chi phí nhiều trăm ngàn đô la để tổ chức đêm chào mừng Ngô Bảo Châu ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đêm 29/8/2010 với 3,500 người tham dự tiệc tùng. Số tiền to lớn này có thể giúp được rất nhiều học sinh giỏi đang đói rách khốn khổ.

Không biết GS Ngô Bảo Châu suy nghĩ thế nào về việc này?

.

.

.

No comments:

Post a Comment