Monday, August 30, 2010

LIỆU ĐẢNG CSVN BẮT ĐẦU THAY ĐỔI ĐỐI SÁCH VỚI TRUNG QUỐC ?

Từ một bài của báo “Công an Nhân dân”: Đảng CS Việt Nam bắt đầu thay đổi đối sách với Trung Quốc?

Lê Diễn Đức

Tháng Tám 30, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/30/t%E1%BB%AB-m%E1%BB%99t-bai-bao-c%E1%BB%A7a-cand-d%E1%BA%A3ng-cs-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BA%AFt-d%E1%BA%A7u-thay-d%E1%BB%95i-d%E1%BB%91i-sach-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c/

Trong hợp tác hoặc liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực, ý thức hệ cộng sản của Việt Nam và thể chế chính trị độc tài toàn trị đang là rào cản cho một cuộc chơi sòng phẳng và trung thực.

.

Bối cảnh chung

Đã từ lâu, đặc biệt hơn một thập niên nay, người Việt trong và ngoài nước rất căm phẫn trước thái độ khiêu khích ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông: bắt bớ, tra tấn ngư dân Việt Nam, tăng cường tuần tra quân sự và tập trận với quy mô lớn trên các vùng biển tranh chấp, cắm cờ dưới đáy biển Đông, cùng với những tuyên bố thường xuyên mang tính răn đe Việt Nam.

Bên cạnh đó, dư luận xã hội bức xúc và bất bình khi thấy lãnh đạo Đảng CS Viêt Nam nhún nhường quá đáng, thậm chí đứng về phía Trung Quốc. Cụm từ “Thái thú Ba Đình” đã trở thành quen thuộc trên các văn đàn và báo giới tự do.

Khi quần chúng tập hợp trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn biểu tình thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa, chống lại hành động bá quyền của Bắc Kinh, thì nhà chức trách xua công an đàn áp.

Phan Thanh Hải (Blogger Anh Ba Sài Gòn), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm), Song Chi và nhiều người khác nữa, chỉ vì tham gia biểu tình hoặc viết bài nói lên những trăn trở, ưu tư của mình đối với chủ quyền dân tộc – đều bị công an tra vấn, bắt giữ, giam cầm và thường xuyên sách nhiễu.

Phạm Thanh Nghiên ngồi tại nhà phản kháng bằng hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm Văn Đồng” đã bị gán tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” với bản án 4 năm tù.

Những bà mẹ dân oan chỉ mặc áo in 6 chữ “Hoàng sa – Trường Sa – Việt Nam” viết tắt “HS – TS – VN” cũng bị công an áp tải về đồn hạch sách và quy kết cho họ phạm pháp.

Đến nỗi, giờ đây học sinh, sinh viên trong nước phải “lén lút” yêu nước qua phong trào dán khẩu hiệu “HS – TS -VN” ở những nơi nào có thể…

.

Bước thay đổi bất thường?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trong chuyến thăm Trung Quốc từ 22 đến 25/08 vừa qua nói rằng, Việt Nam ủng hộ sự phát triển quân sự của Trung Quốc và “3 không”: không liên minh quân sự với ai, không cho ai đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Tuyên bố thân thiện của tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng với bối cảnh đã nêu ở phần trên cho thấy bài “Đừng nhắm mắt nói bừa!” đăng ngày 29/08/2010 trên báo “Công An Nhân Dân”, đặc biệt tấm hình với lời chú thích “Trường saHoàng sa là của Việt Nam” phản ánh một thái độ bất thường.

Phải chăng đây là khởi điểm của sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hà Nội từ khi Hoa Kỳ bắt đầu có hành động hợp tác quân sự thiết thực với Việt Nam, với các nước trong khu vực và tỏ ra cứng rắn công khai với Trung Quốc?

Bài báo được bật đèn xanh bởi một nhóm trong lãnh đạo Đảng CSVN có chủ trương hợp tác với Hoa Kỳ và đồng minh chống lại khiêu khích và đe doạ của Bắc Kinh?

Hay đây chỉ là bài viết mị dân, trấn an dư luận trước Đại hội Đảng XI, khi mà những người lãnh đạo ý thức được rằng, nhân dân có thể châm chước tha thứ cho họ những tiêu cực kinh tế, nhưng làm tổn thương tới lòng yêu nước, chủ quyền lãnh thổ và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, là họ đang đùa với lửa?

Giả thiết cuối cùng xem ra hợp lý hơn cả nếu quan sát chính sách xâm lấn Việt Nam bằng biện pháp phi quân sự của Trung Quốc trong sự hỗ trợ của Đảng CSVN qua các các hợp đồng cho thuê dài hạn rừng đầu nguồn, khai thác bauxite trên vùng an ninh chiến lược Tây Nguyên, trúng hơn 90% tổng thầu các dự án lớn EPC (thiết kế – cung ứng vật tư thiết bị – xây lắp), phản ứng lấy lệ khi ngư dân bị quậy phá, bắt bớ, v.v…

Tất cả những điều này đã gây nên sự phản kháng sôi động của nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có cả các vị đại biểu Quốc hội và các đảng viên lão thành.

Rõ ràng, bài báo đăng trên báo “Công an Nhân dân” khiến chúng ta không thể không suy nghĩ và đưa ra các nhận định khác nhau.

.

Một cuộc chơi khó khăn

Việt Nam là một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn kém nhiều các nước trong khu vực, sức mạnh và công nghệ quân sự đứng sau Trung Quốc rất xa, cho nên lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm và tự hào dân tộc chưa đủ để đối đầu với Trung Quốc nếu xảy ra cuộc chiến trong tương quan hiện nay.

Không ai dại dột, ngu ngốc thách thức một cường quốc láng giềng, nhưng làm thế nào để không bị đe doạ, khiêu khích, thì Việt Nam cần phải có sự lựa chọn thông minh.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Đài Loan là hai quốc gia nhỏ nhưng vẫn giữ lập trường mạnh mẽ trước Trung Quốc về chủ quyền.

Trước chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Bắc Kinh (11/2009), ông Lý Quang Diệu, cố vấn nội các Singapore, đã đọc diễn văn ở Washington khuyến khích Hoa Kỳ can thiệp quân sự và nói rõ rằng, “Hoa Kỳ sẽ mạo hiểm đánh mất vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình nếu không “cân bằng được” sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tầm kích của Trung Quốc khiến không một quốc gia nào ở châu Á, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, dám so găng với nó về khả năng và sức mạnh trong vòng 20 hoặc 30 năm tới. Vì vậy chúng tôi cần có Hoa Kỳ để duy trì thế cân bằng”.

Ngay sau tuyên bố của ông Lý, cộng đồng cư dân mạng lục địa (Trung Quốc) nổi cơn thịnh nộ.

Còn với Đài Loan, cho dù hợp tác kinh tế giữa hòn đảo với lục địa rất phát triển, trong tất cả các cuộc thăm dò, 60 – 70% dân chúng không muốn sát nhập với Trung Quốc. Đài Loan vẫn mua vũ khí của Hoa Kỳ với nhiều tỷ đô la để củng cố lực lượng quốc phòng, bất chấp phản đối của Bắc Kinh.

Vì sao Đài Loan và Singapore là hai nước của người Hoa (ở Singapore người Hoa chiếm tới 80% dân số) lại “dám” ứng xử như thế?

Đơn giản họ là những đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ và sau lưng họ có cả một cộng đồng các quốc gia dân chủ.

Cũng tương tự như vậy với các nước cộng hoà bé nhỏ vùng Baltic: Estonia, Lithuania, Litva. Năm 1991, giành được độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, để tránh sự đe doạ của nước Nga khổng lồ sát sườn, cả ba nước đã thực hiện tiến trình hội nhập châu Âu và trở thành thành viên của NATO và EU.

Nhưng không phải cứ liên minh với Hoa Kỳ và các cường quốc khác như Pháp, Anh, Đức… thì Đài Loan, Singapore, ba nước cộng hoà Baltic hay Ba Lan, CH Czech, Slovakia… đánh mất chủ quyền dân tộc. Các định chế quốc tế và dân chủ ngày hôm nay trong mối liên quan giữa các quốc gia hoàn toàn khác với thời kỳ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Hoa Kỳ không thể áp đặt ý muốn của mình khi các nước đồng minh cho rằng không phù hợp với lợi ích dân tộc của họ. Ví dụ: Sau khi nhậm chức tổng thống, Obama tuyên bố huỷ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn chống hoả tiễn tại Ba Lan. Báo chí và các nhà chính trị Ba Lan chẳng hề e ngại, ngược lại đã dồn dập chỉ trích, phê phán gay gắt rằng, Hoa Kỳ phản bội, bán đứng Ba Lan cho Nga, thất hứa, lợi dụng, Ba Lan phải xem xét lại việc tham gia quân sự tại Iraq và Afghanistan hay mua vũ khí của Hoa Kỳ, v.v… Đến mức Nhà Trắng ngay lập tức đã phải trấn an và giải thích rằng, huỷ bỏ dự án cũ để chuyển sang chương trình khác hiệu quả hơn.

Trong đối sách của Việt Nam hiện nay với Trung Quốc, bài toán khó hơn nhiều.

Trước hết, lịch sử mấy ngàn năm cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam.

Thứ đến, hợp tác hoặc liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác trong khu vực, ý thức hệ cộng sản của Việt Nam và thể chế chính trị độc tài toàn trị đang là rào cản cho một cuộc chơi sòng phẳng và trung thực.

Thậm chí nếu Việt Nam có muốn, Hoa Kỳ và các nước đồng minh vì lợi ích của chính mình sẽ bắt tay với Việt Nam, nhưng giới hạn trong chừng mực nào đó. Khó có thể nói đến tình đồng minh tin cậy khi ý thức hệ và hệ thống giá trị bị xung khắc nhau. Chưa nói sự ngờ vực từ bóng đen của quá khứ chiến tranh vẫn bao trùm lên tâm lý cả hai phía.

Dù muốn hay không, trong thực tế toàn cầu hoá hôm nay, không một quốc gia nào có thể đứng một mình, hoặc thế này, hoặc thế khác, phải chọn bạn để chơi.

Bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế như Bắc Triều Tiên hay Iran về chương trình vũ khí hạt nhân không có nghĩa là họ tự thân, đơn độc. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, họ vẫn phải có những người đỡ lưng như Trung Quốc, thậm chí Nga.

Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc vì muốn duy trì độc quyền lãnh đạo và lợi ích riêng, sẵn sàng bán rẻ chủ quyền đất nước, cam phận làm Thái thú cho Trung Nam Hải, hoặc phải có thay đổi thích ứng để chọn phương án hai.

Cường quốc nào cũng lo cho quyền lợi mình trước hết, nhưng phải biết loại bỏ trường hợp rủi ro hơn, chấp nhận khả năng ít xấu hơn.

Ngày 29/08/2010

© Lê Diễn Đức

******

Bài tham khảo:

Đừng nhắm mắt nói bừa!

Lưu Nguyễn – Báo CAND11:46:00 29/08/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment