Monday, August 2, 2010

HIỆN TƯỢNG NGUYỄN MẠNH TƯỜNG

Hiện tượng Nguyễn Mạnh Tường

Trần Văn Tích

02/08/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=22973

.

Tôi viết riêng bài này nhằm trình bày những suy tư cá nhân sau khi góp ý ngắn gọn với ông Nguyễn Thanh Giang mới đây. Trong bài tôi sẽ sử dụng một số chi tiết liên quan đến hành trạng Nguyễn Mạnh Tường, những chi tiết này tôi thu nhặt từ hai nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Giang và phần chú thích của bài “Nguyễn Mạnh Tường bị cáo mà người chấp bút là ông Đinh Từ Thức. Ở một vài chỗ, tôi suy đoán. Tôi sẽ cố gắng viết ngắn gọn, do đó sẽ có một số chú thích với chủ đích bổ túc thân bài.

.

16 tuổi đỗ tú tài

Nhi đồng, thiếu niên khi gặp điều kiện thuận lợi (gia cảnh khá giả, thời thế yên ổn v.v…) chỉ cần học chăm, “học gạo” là có thể đỗ tiểu học rồi trung học rất sớm. Tất nhiên cũng cần bẩm chất thông minh tương đối. (Chưa nói đến giả thiết có thể bố mẹ đã khai gian, khai sụt tuổi.)

.

Hai luận án tiến sĩ trong một năm

Người thanh niên Nguyễn Mạnh Tường đỗ tú tài Pháp và sang Pháp du học. Vấn đề ngôn ngữ không đặt ra. Học năm năm (1927-1932), Nguyễn Mạnh Tường “bảo vệ thành công hai luận án”. Rất nhiều người cho đây là một kỳ tích.

Trong thực tế, luận án tốt nghiệp đại học – văn khoa, luật khoa, y khoa – chỉ là một hình thức, một thủ tục. Luận án tiến sĩ luật của ông Nguyễn Mạnh Tường mang nhan đề L’individu dans la vieille cité annamite. Essai de synthèse sur le Code des Lê. Tôi đoán, dựa vào ba chữ Code des Lê, rằng đây là một tài liệu nghiên cứu luật Hồng Đức. Luận án tiến sĩ văn khoa của ông Tường có đầu đề L’Annam dans la littérature française. Đầu đề rõ ràng, không có gì phải suy luận thêm. Vấn đề đặt ra là giá trị nội tại của hai luận án. Nó đóng góp gì cho luật học, cho văn học, nó có được giới hậu sinh hậu học tham khảo rộng rãi và đông đảo hay không? Độc giả nào biết rõ về khía cạnh này, xin chỉ dẫn cho1. Luận án sau này của ông Cao Huy Thuần chẳng hạn, tạo được feedback lớn mạnh; thậm chí có người đã dịch và in nó bên Hoa Kỳ, khiến ông Thuần rất phiền lòng, theo như tôi biết. Hai luận án của ông Tường có ở vào trường hợp tương tự không? Trên thế giới này và từ trước tới nay, có biết bao nhiêu luận án tiến sĩ rồi? Đương nhiên có luận án có giá trị. Nhưng đa số chỉ chứa tải nội dung rất khiêm tốn. Trong ngành y Việt Nam chúng tôi, nhiều đàn anh khi ngồi tán gẫu dăm điều ba chuyện, vẫn cười cợt bảo rằng cái thèse của moi, moi mắc cỡ không dám đọc lại. Đó là sự thật vì khi viết luận án, tri thức chuyên môn của anh còn nghèo nàn, anh lại chưa có kinh nghiệm trình bày “tác phẩm”, anh không biết cách tìm tòi, sàng đãi thư tịch tham khảo v.v… Nghề dạy nghề, đến một lúc nào đó, nhìn lại đứa con tinh thần thuở mới tốt nghiệp, chợt thấy nó chả ra làm sao. Tất nhiên tôi cũng thế.

Gặp môi trường thuận lợi như ngày nay, ở Mỹ, ở Âu, ở Úc, biết bao thanh niên thanh nữ Việt Nam đã lập nên “kỳ tích” về học vấn thua gì – nếu không hơn và hơn hẳn – Nguyễn Mạnh Tường.

.

Nguyễn Mạnh Tường từ 1932 đến 1936

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Mạnh Tường về nước nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông trở lại Pháp để bỏ ra năm năm trời đi tham quan và nghiên cứu các nước châu Âu mãi đến năm 1936 ông mới qui hương để dạy học tại Lycée du Protectorat. Theo tiểu sử sơ lược – dựa vào Nguyễn Thanh Giang và Đinh Từ Thức – có thể ước tính đây là giai đoạn từ 1932 đến 19362.

Những gì đã xảy ra xung quanh nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường trong thời gian tham quan nghiên cứu này? Có nhiều chuyện:

Năm 1932 André Gide tham dự Hội nghị Hoà bình Thế giới (vẫn là Hội nghị Hoà bình Thế giới!), năm 1935 gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, viết Les Nouvelles Nourritures (Thực phẩm mới), đi Liên Xô năm 1936, cùng năm đó viết Retour de l’URSS (Từ Liên Xô về) rồi năm sau viết tiếp Retouches à mon retour de l’URSS (Sửa lại cuốn từ Liên Xô về)3.

André Breton vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1927 nhưng năm 1929 thì cắt đứt liên lạc với Aragon và năm 1933 thì bị khai trừ khỏi đảng đồng thời bị tống xuất ra khỏi Hiệp hội Văn sĩ và Nghệ sĩ Cách mạng (Association des Écrivains et Artistes Révolutionnaires, AEAR), một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản4.

Arthur Koestler vào Đảng Cộng sản Đức năm 1932 nhưng bỏ đảng năm 1938, sống lưu vong ở Mỹ, Anh, Pháp (Koestler là người Hung Gia Lợi)5.

André Malraux tham dự Đại hội Văn học ở Mạc Tư Khoa mùa hè năm 1934, bên cạnh Ehrenburg, Nikoulin. Tại Đại hội, vì Nikoulin lên tiếng phê bình Malraux nên bị nhà văn và chính khách Pháp đập thẳng thừng6.

Nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường đi tham quan và nghiên cứu các nuớc ở Âu châu nhưng dường như không hề nghe biết những chuyện này.

.

Trước đó và sau đó

Mayakovsky tự tử năm 1930, lúc mới được 36 tuổi.

George Orwell viết Animal farm (Trại súc vật) năm 1945.

Marguerite Duras vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1944 nhưng năm 1950 bị tước đảng tịch do tư cách trí thức độc lập, ưa phản kháng.

Cesare Pavese vào Đảng Cộng sản Ý năm 1943 và cộng tác với báo đảng Unita. Năm 1950 tự sát vì cảm thấy bất lực trước những vấn nạn của thành phố Turin thời hậu chiến.

Năm 1937 Francis Ponge vào Đảng Cộng sản Pháp, năm 1947 ra khỏi đảng nhằm tự do theo đuổi đường hướng sáng tác phóng khoáng của mình.

Tháng 5.1956 Nguyễn Mạnh Tường lên tiếng ở Bruxelles thì tháng 10 cùng năm đó, dân chúng Hung Gia Lợi rầm rộ nổi dậy và bị đàn áp cực kỳ dã man khiến Roger Vailland ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp.

.

Những điều người trí thức có vẻ không trí và không thức

Năm 1943 tại Hội nghị Casablanca, Tổng thống Roosevelt công khai ủng hộ yêu cầu đòi độc lập của Maroc. Năm 1948 Tổng thống Truman vận động Liên Hiệp Quốc triệu tập Hội nghị Bàn tròn La Haye để thừa nhận nền độc lập của Nam Dương. Nếu Thủ tướng Lao động Anh Clement Attlee đã trả độc lập cho Ấn Độ, Pakistan năm 1947 và Tích Lan, Miến Điện năm 1948 thì năm 1956 (năm Nguyễn Mạnh Tường sang Bruxelles!) Thủ tướng Xã hội Pháp Guy Mollet cũng thừa nhận chủ quyền quốc gia của Tunisie và Maroc.

Nói chung, đa số nếu không là hầu hết hoặc tất cả các quốc gia cựu thuộc địa sau Đệ nhị Thế chiến theo phương thức đấu tranh thâu tóm vào phương châm không bạo động và không liên kết trong khi các đảng cộng sản Việt Nam, Cao Mên và Ai Lao hoàn toàn dựa vào Quốc tế Cộng sản để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc rồi cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng bạo lực chiến tranh với sự cổ vũ của nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường tại Bruxelles. Do sự cấu kết chặt chẽ này, họ trở thành đối thủ của Hoa Kỳ và đồng minh. Cho nên De Gaulle không chịu trả Nam Kỳ cho Hồ Chí Minh mà chủ trương áp dụng lá bài Duy Tân. Cũng vì vậy mà chiến tranh xảy ra, trước sau không dưới hai mươi năm, đúng như ước nguyện của nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường. Lý do chính là vì Hồ Chí Minh, Khieu Samphan và Souphanouvong đã chủ trương đấu tranh vũ trang và liên kết với cộng sản; tự mình tự nguyện tự giác tự động đối đầu với thế giới dân chủ, tạo cơ hội và đưa lý do cho Tổng thống Kennedy tuyên bố biên thùy thế giới dân chủ trải dài từ Berlin tới vĩ tuyến 17 tại Việt Nam.

Nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường cũng từng tự mình tự nguyện tự giác tự động đầu quân dưới trướng lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh trong khi giới trí thức ở các quốc gia cựu thuộc địa khác có những danh tính như Gandhi, Nehru, Jinnah, U Nu, Sukarno, Quezon, Senanayake, Rahman, Lý Quang Diệu, Bourguiba, Muhammad V, Ben Bella để phục vụ. Điển hình là trường hợp Mặt trận Giải phóng Quốc gia Algérie cũng theo chủ trương phi liên kết, nhất định không chịu cho phe Quốc tế Cộng sản yểm trợ và lợi dụng; cho nên chiến tranh chỉ diễn ra trên đất nước này có một lần và chỉ kéo dài có tám năm. Nước Cộng hoà Algérie ra đời ngày 1 tháng Bảy năm 19627.

Thậm chí tổ chức Liên minh Xã hội Á châu qui tụ các nước Ấn Độ, Pakistan, Tích Lan, Miến Điện, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, Việt Nam Cộng hoà, Cao Mên (quân chủ) cùng các phái đoàn quan sát đến từ Algérie, Nam Tư, Hy Lạp, cùng đại diện của Quốc tế Xã hội như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hoà Lan, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, các phái đoàn của Đảng Xã hội Nhật Bản và Đảng Lao động Do Thái v.v… đã từng ra tuyên ngôn khẳng định: “Chúng tôi, các Đảng Xã hội Á châu tuyên bố phủ nhận chủ nghĩa cộng sản và quyết định tiếp tục cuộc tranh đấu của chúng tôi để thay thế các chủ nghĩa phong kiến và tư bản bằng chủ nghĩa dân chủ xã hội.”

.

Vì Việt Nam vốn là một thuộc địa cũ của Pháp nên tôi xin chép lại mục từ Décolonisation (Giải thực) theo tự điển Le Petit Larousse Illustré, ấn bản 2002:

Principales étapes de la décolonisation

1946: début de la guerre d’Indochine. 1947: indépendance de l’Inde et du Pakistan. 1949: indépendance de l’Indonésie et du Laos. 1954: indépendance du Viet Nam et du Cambodge. Début de la guerre d’Algérie. 1956: indépendance de la Tunisie et du Maroc. 1957: indépendance du Ghana. 1958: indépendance de la Guinée. 1960: indépendance du Nigéria et des colonies françaises d’Afrique noire. 1962: indépendance de l’Algérie. 1975: indépendance de l’Angola et du Mozambique.

.

Tôi còn nhớ mài mại là cái nước châu Phi Mozambique này được trả độc lập muộn màng như thế mà còn… từ chối, yêu cầu hoãn ngày tuyên cáo độc lập lại sáu tháng vì chưa kịp chuẩn bị chu đáo để thu nhận độc lập!

World Cup vừa qua. Đội banh Ghana đã có tên trong số những đội tham gia World Cup và từng khiến cho nhiều đội cừ khôi điêu đứng, kể cả đội Đức. Nigeria có đội banh nữ chiều nay tranh chung kết giải U 20 World Cup với đội chủ nhà Germany. Các cầu thủ Việt Nam đâu?8

.

Những Nguyễn Mạnh Tường khác

Nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường đã yên nghỉ. Bài viết này chỉ muốn làm một lễ Cầu hồn nhỏ để xin cho hương linh Ông siêu thăng. Đối với Ông, chỉ có thế.

Nhưng đối với những người tự nhận hay được coi là trí thức của Việt Nam hôm nay, tại quốc nội hay nơi hải ngoại, bài viết này có chủ đích nhắc lại những gì đã xảy ra để dùng cho hôm nay. Đã có những người tự nhận hay được coi là trí thức Việt Nam ra công khuyển mã, theo kiểu ma giáo, nhằm góp phần xây dựng nên một guồng máy tinh vi và tàn bạo để cho chính guồng máy đó quay lại đóng cũi họ nếu chưa hay không nghiền nát họ. Và họ nghiến răng trèo trẹo hỏi cái guồng máy đó nhân danh gì. Và họ viết họ nói lèm bèm phê phán nó, thường khi nói dông dài và viết lê thê. Và họ cổ vũ cho những gì là hoà hợp hoà giải, giao lưu hội nhập, quên đi quá khứ, hướng tới tương lai. Như tôi từng viết trong một phản hồi trên talawas, họ dốc lòng vun xới cho một gốc cây bàn đào mà họ nghĩ là có thể đơm hoa kết quả trên mảnh đất ma quỉ marxist-leninist. Để chờ ngày đi gặp nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường.

01.08.2010

© 2010 Trần Văn Tích

© 2010 talawas

----------------------------------------

1 Trong tác phẩm Quốc triều hình luật, Quyển A, Viet Publisher Thư Quán, 1989, của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, phần Chú thích từ trang 228 đến trang 252 không thấy ghi luận án của Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng trong bản dịch sang Anh ngữ The Lê Code, Volume I, II, III, Ohio University Press, USA, phần Bibliography, Volume III, trang 66, có ghi: “Nguyễn Mạnh Tường. L’individu dans la Vieille Cité Vietnamienne: Essai de Synthèse sur le Code des Lê. Thèse pour le Doctorat en Droit, Montpellier, 1932.”

2 Đương nhiên từ 1932 đến 1936 không thể tính thành năm năm. Tuy nhiên tôi vẫn ghi “năm năm” theo tác giả Nguyễn Thanh Giang.

3 Chuyến đi Liên Xô của Gide có hoài bão phát hiện một thế giới mới, một thế giới ở đấy sự không ngờ có thể ra hoa (où l’inespéré pouvait éclore). Chuyến đi lịch sử được nhiều tín đồ chính trị theo dõi và chờ đợi nhưng Gide trở về trong thất vọng não nề. Nghĩa vụ chân lý (loi de vérité) bắt buộc Gide phải nói lên nỗi kinh sợ và sự ghê tởm chủ nghĩa Stalin mà nhà văn đích thân nhìn thấy tận mắt, nghe được tận tai và Gide dũng cảm nói lên sự giác ngộ của mình để rối sau đó, đoạn tuyệt với lý tưởng cộng sản, với chủ nghĩa xã hội.

4 Nguyên do chỉ vì từ khi gia nhập đảng, Breton luôn luôn chủ trương tôn trọng quyền phê phán chỉ trích và khước từ chấp nhận bất cứ hình thức quản lý tư tưởng nào. Tháng Sáu năm 1935, chính thức đoạn tuyệt với Đệ tam Quốc tế, kịch liệt tố cáo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa vì nó chỉ xiềng xích tự do sáng tạo. Năm 1938 Breton đi Mễ Tây Cơ gặp Trotsky và viết bản tuyên ngôn Pour un art révolutionnaire indépendant (Vì một nền nghệ thuật cách mạng tự chủ).

5 Koestler viết tiểu thuyết và luận văn kết án nặng nề chế độ cộng sản và Liên xô, được ngưỡng mộ qua các tác phẩm Darkness at noon (Tối tăm giữa trưa, tiếng Pháp: Le zéro et l’infini); The yogi and the commissar (Tu sĩ du-già và viên chính ủy, tiếng Pháp: Le commissaire et le yogi).

6 Khi Malraux phát biểu, Nikoulin bảo: “Tôi phải nói thêm với đồng chí Malraux vì đồng chí có một câu khiến có nhiều cách hiểu: ‘Ai đặt nhiệt tình chính trị lên trên lòng yêu chuộng sự thật thì chớ đọc sách của tôi. Sách đó không phải viết cho họ đâu!’.” (Que tous ceux qui mettent des passions politiques au-dessus de l’amour de la vérité s’abstiennent de lire mon livre. Il n’est pas écrit pour eux!). Malraux muốn đề cập đến tác phẩm La condition humaine (Phận người), Giải thưởng Goncourt 1933.

7 Đoạn văn này dựa vào hai bài nghiên cứu của Luật sư Nguyễn Hữu Thống: 1) “Đối chiếu sách lược đấu tranh của Phan Chu Trinh và Hồ Chí Minh”. Tạp chí Thế kỷ 21, số 123, tháng Bảy 1999, trang 12-18. 2) “Công cuộc đấu tranh giành độc lập và vai trò của Đảng Cộng sản”. Tạp chí Định Hướng số 25, trang 152-167. Phần lớn tôi chép lại nguyên văn.

8 Cuốn Cánh buồm ngược gió, Nhà Xuất bản Văn hoá Sài Gòn, ấn bản 2008, Nguyễn Bá Hoàn chủ biên, trang 221, cho biết: “Lần khác khi đến Indonesia để tham dự giải Sea Games thì cầu thủ đội mình thiếu áo có số, tôi cùng Ban Huấn luyện đi tìm nơi vẽ số, nhưng ngặt nỗi hôm đó là ngày lễ Ramada, mọi người đều nghỉ làm việc (…)”. Cầu thủ mặc áo không có số thì ai cho ra sân, nói chi đến tranh tài, trong một trận đấu quốc tế ở nước ngoài! Việt Nam ta ưa chơi những trò ngoạn mục thiệt.

.

.

.

No comments:

Post a Comment