Tuesday, August 3, 2010

DI DÂN và BẢN SẮC NƯỚC MỸ

Di dân và bản sắc nước Mỹ

T. Vân

Ngày 09/16/2006

http://t-van.net/wordpress/2006/09/didan/

1.

Một nhà báo Mỹ, trong khi quan sát những cuộc xuống đường gần đây của các tổ chức ủng hộ cho quyền di dân ở những thành phố lớn như Los Angeles ( CA), Phoenix ( Arizona ), Atlanta ( GA) đã đặt câu hỏi :

Đất nước này là đất nước của ai vậy ? tại sao những người từ những nước khác, nhập cư vào Mỹ một cách bất hợp pháp, rồi tiếp tục sinh sống bất hợp pháp , lại có quyền đòi hỏi rằng nước Mỹ, không những phải cho phép họ sinh sống hợp pháp nơi đây, mà còn phải yểm trợ họ bằng tiền đóng thuế của những công dân Mỹ sống theo luật pháp ? Có phải chúng ta đã trở nên điên khùng rồi không ?

Hãy đọc một hàng tiêu đề lớn trên một tờ báo về cuộc biểu tình ở Phoenix. ” Hàng ngàn người xuống đường đòi quyền Di Dân ? “

Quyền gì mà họ nói đến ở đây vậy? nếu họ có mặt ở đây bất hợp pháp, họ chỉ có một quyền duy nhất là rời khỏi đất nước này, vì theo Hiến Pháp của nước Mỹ, họ không có quyền gì hết. Tương tự như, một người Mỹ không có lý do gì để đòi hỏi được hưởng những quyền lợi của một công dân Mexico nếu người ấy chọn sinh sống một cách bất hợp pháp trên nước Mexico . Những người biểu tình ở Los Angeles đã trương lá cờ của Mexico, điều đó cho chúng ta biết đâu là nguồn cội của họ. Đã có những người bỏ xưởng làm không lý do, những học trò bỏ lớp để tham gia vào các cuộc biểu tình. Những người ấy phải được yêu cầu chứng minh rằng họ là những di dân hợp pháp. Bằng không, phải có những biện pháp để trục xuất họ về nước.( Cal Thomas- Tribune Media Services)

2.

Cũng một nhà báo Mỹ khác, lại có những ý kiến trái ngược.

Bằng cách nhìn thật kỹ ý nghĩa ở đằng sau những cuộc biểu tình đòi quyền di dân ở những thành phố lớn khắp nước Mỹ những ngày gần đây, người ta nhận ra một điều là chính cộng đồng những người Hispanic ( gồm người Mexico và những di dân đến từ các quốc gia Nam Mỹ ) đã gởi một thông điệp rất kịp thời nhắc nhở mọi người về một thành phần đáng kể trong cộng đồng di dân người Mỹ mà bấy lâu nay họ thường bị quên lãng. Từ trước tới nay, họ ( những người di dân bất hợp pháp ) vốn không có đại diện chính thức trong các cuộc tranh cãi ở Quốc Hội liên quan đến vận mệnh của chính họ và gia đình. Nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy rằng, luận điểm chính nhất mà những người chủ trương trục xuất người di dân bất hợp pháp về nước đã không có cơ sở vững chắc. Luận điểm ấy cho rằng, những người di dân hợp pháp ( cùng với người Mỹ chính gốc ) tỏ ra không bằng lòng với sự hiện diện của những người nhập cư bất hợp pháp , vì những người này đã làm cho công ăn việc làm khan hiếm hơn, cũng như làm cho việc định cư hợp pháp ở nước Mỹ trở nên khó khăn hơn . Một công ty trưng cầu ý kiến chuyên nghiệp, vừa hòan tất cuộc khảo sát 800 người di dân hợp pháp sống ở 47 tiểu bang, đến từ 43 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Con số 800 người nói trên được lựa chọn như vậy nhằm phản ánh trung thực tổng số 26 triệu người di dân hợp pháp hiện đang sống trên nước Mỹ. Kết quả cuộc trưng cầu ý kiến cho thấy, 81% trong số 800 người di dân hợp pháp nói trên cho rằng 11 triệu người di dân bất hợp pháp đang làm những công việc, mà họ ( cùng với các công dân Mỹ khác ) không muốn làm , và chỉ có 11% cho rằng những người này ( di dân bất hợp pháp ) đã chiếm mất những công việc lẽ ra họ (di dân hợp pháp và công dân Mỹ ) có thể có được.

Liên quan đến tình hình kinh tế nước Mỹ, 73% cho rằng những người di dân bất hợp pháp đã giúp đưa kinh tế lên cao nhờ vào việc họ đã chấp nhận những công việc lao động lương thấp, và 17% phần trăm nói rằng việc những người này ( di dân bất hợp pháp ) chấp nhận làm việc với mức lương rất thấp đã khiến cho kinh tế ( nước Mỹ ) trở nên tồi tệ vì mức lương tối thiểu không tăng lên được.( David Broder- Washington Post Writer group)

3.

Thực ra, vấn đề di dân , – không chỉ vấn đề nên hay không nên trục xuất những người di dân bất hợp pháp đang sinh sống ở nước Mỹ – hiện là một đề tài nóng bỏng trong công luận Mỹ. Phần lớn dân chúng Mỹ không bằng lòng với sự có mặt bất hợp pháp của những người đến từ các nước khác, với lý do đơn giản là vì nước Mỹ là một quốc gia đặt căn bản trên luật pháp, bất cứ điều gì trái luật đều không chấp nhận được. Nhưng khi đối diện với những khó khăn trong việc trục xuất những khách không mời mà đến, tức 11 triệu người bao gồm cả gia đình của họ, trước hết là về mặt ngân sách, có thể lên tới hàng mấy trăm tỉ Mỹ Kim, và kéo dài cả hàng chục năm trước khi công việc có thể hoàn tất , con số đó khiến nhiều người chóng mặt, và, đồng thời khiến họ thêm phẫn nộ. Mặt khác, ngay cả vấn đề phong tỏa biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ cửa ngõ nước này vẫn không phải là không có những tranh cãi. Đề nghị dựng một hàng rào cố định ngăn chia hai nước dọc theo biên giới đã bị phê bình là khôn g thực tế và có phần tàn ác, dã man, vì đã hoàn toàn làm ngơ trước tình cảnh ” mười phần chết chín ” của những người vẫn cố tìm cách đi tìm một thiên đường Mỹ quốc. Đề nghị tăng cường thêm lực lượng 11 ,000 ngàn nhân viên cảnh sát tuần phòng biên giới vẫn gây sự không tin tưởng nơi những người thực tế, vì họ cho rằng nó ngốn thêm vào ngân sách và chưa hẳn đã mang lại hiệu quả mong đợi vì , từ trước tới nay , lực lượng ấy vẫn không ngăn nổi làn sóng người vượt biên giới, dựa trên con số 4 triệu người di dân bất hợp pháp đầu những năm 80 đã phóng vọt lên 11 triệu người ở năm 2006.

Nhưng có lẽ, ở phía dưới đáy những cuộc tranh luận ấy, người ta có thể nhận ra một vấn đề sâu xa hơn , liên quan đến tất cả những làn sóng di dân đến nước Mỹ từ đầu thế kỷ 20, trong đó bao gồm cả những người di dân hợp pháp lẫn không hợp pháp, mà vấn đề kinh tế và luật pháp chỉ là bề mặt. Đó là vấn đề bản sắc nước Mỹ ( American Identity ).

4.

Có thể đặt vấn đề bản sắc nước Mỹ trong khuôn khổ nỗi lo sợ thầm kín của người Mỹ trước làn sóng người nhập cư đã không chịu đồng hóa vào dòng sống ( invasion without assimilation ) -dù chỉ mới hơn 300 năm tuổi – , của nước Mỹ, mà cụ thể nhất là vấn đề ngôn ngữ. Nhiều người Mỹ rất khó chịu trước việc những người di dân nói tiếng Tây ban Nha ( Spanish) đã không nỗ lực học tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức của nước Mỹ. Theo họ, để trở thành một công dân Mỹ, điều kiện tiên quyết là người ấy phải nói, nghe , đọc và viết tiếng Anh, nếu không hoàn toàn thông thạo, thì ít nhất, cũng phải ở mức căn bản. Mặt khác, vấn đề gìn giữ phong tục tập quán truyền thống của những người di dân đến từ nhiều nước khác nhau, không phải là không có vấn đề tranh cãi. Một mặt, những người ủng hộ thì cho rằng việc những người di dân duy trì phong tục tập quán riêng của họ, từ cách ăn, cách mặc, cách tổ chức và kỷ niệm những ngày lễ dân tộc ( của người di dân ) làm phong phú thêm nền văn hóa vốn đã rất đa dạng của nước Mỹ. Nhưng cũng không ít người Mỹ cho rằng việc duy trì những nét rất riêng ấy từ quê hương gốc của những người di dân đã đe dọa tính tổng thể của nền văn hóa mang nét đặc trưng của người Mỹ, dù nét đặc trưng ấy vốn nguyên thủy cũng chỉ là sự pha trộn văn hóa từ nhiều dân tộc khác nhau.

Sự việc lá cờ của nước Mexico và một số các quốc gia Châu Mỹ La Tinh khác được những người biểu tình ” đòi quyền di dân ” phất lên trong khi xuống đường tuần hành ở những thành phố lớn ( nhất là ở Los Angeles ) thời gian vừa qua ( điển hình là ngày ” không có những di dân ” Thứ hai 1 tháng 5 -2006 ) lại càng làm cho vấn đề bản sắc Mỹ trở nên nổi cộm hơn. Dường như tình hình , thêm một lần nữa, trở nên phức tạp , khi, mới đây nhất, việc bản Quốc ca Mỹ ( The Star-Spangled Banner ) được một số ca sĩ nổi tiếng gốc Latin hát bằng tiếng Tây Ban Nha và thâu thanh, rồi sau đó được phát trên các đài phát thanh nói tiếng Tây Ban Nha đã gây nên nhiều sự phản đối trên toàn nước Mỹ, kể cả Tổng Thống Mỹ G. Bush. Ông cho rằng bản quốc ca của nước Mỹ phải được hát bằng tiếng Anh , chứ không phải một thứ ngôn ngữ nào khác ( Cần biết thêm rằng, ngoài bản quốc ca The Star-Spangled Banner , nước Mỹ còn có những bản nhạc khác, thông dụng không kém và thường được hát trong những dịp lễ lậy, chính thức hay không chính thức, đó là các bài America the Beautiful hay Amazing Grace, God Bless America. Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Việt cho những bài hát này và trình diễn vào những năm cuối thập kỷ 70 khi ông và gia đình còn đi đây đó lưu diễn khắp nước Mỹ.).

5.

Công luận Mỹ, tuy không hài lòng với những diễn biến của tình hình di dân hiện nay, nhưng phần lớn, đều nhận ra một điều : họ ( và cả chúng ta, những di dân đến từ Việt Nam ) đang sống trong một nước Mỹ với rất nhiều những thay đổi, không chỉ ở trên bề mặt như thành phần kinh tế, sắc tộc mà còn diễn ra sâu xa ở những lãnh vực văn hóa, xã hội, truyền thống. Ngày nay, ngay ở trên nước Mỹ, họ có thể ăn một tô phở chính gốc của người Việt Nam ( không cần phải cầu kỳ như cựu Tổng thống Clinton mấy năm về trước ghé tận Sài Gòn mới được thưởng thức món ăn phổ thông nhất ấy ), nghe nhạc truyền thống của người Mexico, mướn một cuốn phim Ấn Độ , hay vào thăm viếng một đền thờ của người Hồi Giáo, thực tập tiếng Tây Ban Nha ở bất cứ thành phố nào họ dừng chân. Vấn đề là liệu họ có khả năng tự điều chỉnh với những thay đổi ấy không. Và không phải là không có cảm giác sợ hãi trước những biến đổi, rồi sự sợ hãi ấy biến thành phản ứng tự nhiên như khó chịu, thậm chí, tìm cách ngăn chận , khiến ác cảm nảy sinh giữa những công dân Mỹ ” truyền thống ” và công dân Mỹ ” mới “.

Nếu lịch sử nhân loại là một bài học thường xuyên cần được cập nhật, thì đã đến lúc người ta cần nhìn những quần thể con người dưới khía cạnh ” động ” ( move), chứ không phải khía cạnh ” tĩnh ” ( static) . Ngôn ngữ con người là một chất lỏng, nó “chảy” và có thể được “chứa” dưới bất cứ “vỏ đựng” nào . Văn hóa cũng thế, nó không ngừng chuyển thể. Và con người, – do chiến tranh, do nguồn thực phẩm, do sự nẩy sinh những cơ hội, những hy vọng – di chuyển, tái định cư. Đó là khuôn mặt mới của thế giới ngày nay,nhất là ở nước Mỹ, một quốc gia có mức sống ( vật chất ) ở trong số những quốc gia dẫn đầu thế giới . Và hơn nữa, Mỹ còn là mảnh đất, bất cứ ai, bằng tài năng và sự kiên trì, đều có thể thành công. Do đó, không ngạc nhiên nếu khuôn mặt bản sắc nước Mỹ thay đổi nhanh chóng, với làn sóng người từ khắp nơi trên thế giới – hợp pháp hay không hợp pháp – đổ về .

6.

Từ đó, vấn đề thách đố lớn nhất với xã hội Mỹ ( trong đó bao gồm những người di dân từ mọi quốc gia nguyên gốc ) là khả năng tự điều chỉnh và hội nhập ở các nhóm thành viên cấu thành xã hội đa chủng và liên hiệp ( united). Những đạo luật ( hợp thức hóa người di dân bất hợp pháp hay trục xuất họ về nước ) vẫn chỉ là giải quyết vấn đề về mặt luật pháp. Còn về mặt cấu trúc xã hội, để giải quyết vấn đề ấy đòi hỏi một nỗ lực cao hơn những phát biểu mị dân kiếm phiếu của các vị dân cử.

Toàn xã hội (Mỹ) phải nhìn ra được cốt lõi của vấn đề là : làn sóng người ồ ạt đến định cư ở nước Mỹ không hề đe dọa bản sắc dân tộc của nước Mỹ, mà chính sự thẩm thấu và hội nhập ấy là bản sắc dân tộc của người Mỹ, như đã được minh chứng từ ngày đầu tiên nước Mỹ được thành lập cho đến nay.▪

©T.Van 2006

.

.

.

No comments:

Post a Comment