Thursday, August 26, 2010

CƠ CẤU XÃ HỘI - GIAI CẤP VIỆT NAM HIỆN NAY : THỐNG TRỊ và BỊ TRỊ

Đề xuất một cách phân chia mới về giai tầng xã hội Việt Nam đương thời

Châu Tuấn

Đăng bởi bvnpost on 26/08/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/26/d%e1%bb%81-xu%e1%ba%a5t-m%e1%bb%99t-cch-phn-chia-m%e1%bb%9bi-v%e1%bb%81-giai-t%e1%ba%a7ng-x-h%e1%bb%99i-vi%e1%bb%87t-nam-d%c6%b0%c6%a1ng-th%e1%bb%9di/

Có lẽ không một người Việt Nam nào, kể cả những người ít học nhất cho đến những người mù chữ đều biết hay nghe đến chán tai những từ như: công nhân, tư sản, nông dân, trí thức… Đó chính là những giai cấp, tầng lớp được phân chia về mặt cơ cấu xã hội – giai cấp của Việt Nam theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào sự phân chia ấy, ta nhận ra một sự bất hợp lý đến cùng cực. Một thao tác cơ bản của khoa học trong phân chia một đối tượng thành các loại khác nhau là nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc THỐNG NHẤT VỀ TIÊU CHÍ. Đây là bài học vỡ lòng với bất kỳ ai muốn làm khoa học. Nhưng kết quả về sự phân chia xã hôi – giai cấp ở trên đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chí này. Chúng ta không thể nói, người Việt Nam bao gồm ba loại: đàn ông, đàn bà và những người thần kinh. Chúng ta cũng không thể nói: Người Việt Nam có bốn loại người nông dân, người thị dân, người trí thức và người khuyết tật. Một sự phân chia như thế chỉ có trong những chuyện hài!

.

Quay lại với kết quả “mà chúng” ta đã chấp nhận như một tiên đề hiển nhiên đúng, không cần phải chứng minh hay giải thích gì trên kia, không khó khăn gì để nhận ra sự “khập khiễng” về mặt tiêu chí.

Ít nhất đã có ba tiêu chí được sự dụng đồng thời để cho ra một kết quả bao gồm: tư sản, nông dân, công nhân, trí thức. Nếu với giai cấp Tư sản người ta đã sử dụng tiêu chí “ sở hữu tài sản” thì với nông dân và công nhân người ta lại sử dụng tiêu chí “nghề nghiệp”, còn ở “tầng lớp” trí thức thì tiêu chí về trí tuệ (hay học vấn) được áp dụng. Một kết quả phân loại mà sử dụng cùng lúc ba tiêu chí hoàn toàn khác nhau! Đây là điều không thể chấp nhận. Ở Việt Nam người ta còn gọi giai cấp công nhân là giai cấp vô sản. Nếu lấy tên gọi này thì chúng ta sẽ có một sự sắp xếp mới như sau: Giai cấp tư sản và vô sản cùng sử dụng một tiêu chí – tiêu chí “sở hữu tài sản”, nông dân là sử dụng tiêu chí “nghề nghiệp” còn tiêu chí được sử dụng với trí thức thì vẫn giữ nguyên. Nhưng dù có gọi giai cấp công nhân là gì đi nữa thì ở đây nguyên tắc về thống nhất tiêu chí vẫn bị vi phạm như cũ. Đó là chưa nói nếu đã sử dụng tiêu chí “sở hữu tài sản” thì dứt khoát công nhân và nông dân phải nằm trong một nhóm. Không có lý gì mà chỉ gọi công nhân là vô sản trong khi đó nông dân, thậm chí còn nghèo hơn, lại không được xếp vào đây. Có một điều cần phải nhắc lại rằng ở vấn đề công nhân và nông dân, người ta đã máy móc bê từ những nước phương Tây xa lạ về và dùng nó mà không hề nghĩ đến thực tế ở nước mình. Đến đây đủ để thấy, vì mục đích chính trị người ta đã bất chấp chân lí, bất chấp những nguyên tắc cơ bản nhất và bất chấp thực tế xã hội Việt Nam, đè cổ những từ ấy ra mà gọi một cách cẩu thả. Nếu biện minh rằng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự sống còn của đất nước nên các bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam buộc phải làm thế thì cũng không thể thuyết phục được bởi một lẽ – làm như thế chẳng có ích gì cho chủ trương đoàn kết toàn dân, chung tay dương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc.

.

Quay lại với nguyên tắc thống nhất tiêu chí. Nếu dựa vào tiêu chí về sở hữu tài sản ta có thể chia: tư sản (hay đúng hơn phải là hữu sản) và vô sản. Nếu căn cứ tiêu chí nghề nghiệp ta có thể chia: công nhân, nông dân, thương nhân, giáo viên, nhà thơ, hoạ sỹ…(tóm lại là rất nhiều). Đến đây có người sẽ hỏi: vậy há chẳng phải cơ cấu xã hội – giai cấp trùng với cơ cấu xã hôi – nghề nghiêp ư? Vấn đề chính là ở đó. Một sự phân chia không minh bạch, lẫn lộn, rối rắm và thậm chí còn có hại cho đoàn kết dân tộc như thế thử hỏi có nên tồn tại? Trước sự bất hợp lý trong sử dụng tiêu chí phân tầng giai cấp ở Việt Nam như vừa phân tích, người viết căn cứ trên một tiêu chí khác, có sức bao trùm lớn hơn đồng thời dựa vào tình hình thực tế xã hội của đất nước xin được trình bày cụ thể như sau. Tiêu chí được sử dụng là: có quyền lực chính trị / không có quyền lực chính trị (hay nói cách khác: có chân trong bộ máy công quyền / không có chân trong bộ máy công quyền). Ở đây quyền lực chính trị hay bộ máy công quyền là xét một cách triệt để, thống nhất và toàn diện từ trung ương xuống đến thôn xã. Căn cứ trên tiêu chí này có thể phân chia xã hội – giai cấp việt nam thành hai giai cấp sau đây. Giai cấp nắm chính quyền và giai cấp không nắm chính quyền. Vì sao có sự phân biệt này? Ơ Việt Nam, mâu thuẫn giữa hai giai cấp này ngày càng gay gắt, đi đến đối lập về quyền lợi trên tất cả các mặt. Nghiêm trọng hơn, giai cấp nắm chính quyền còn mâu thuẫn với lợi ích của cả dân tộc, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân.

.

Tình trạng đang diễn ra trên đất nước Việt Nam là một thảm cảnh bi thương. Lương của một trưởng thôn chỉ trên dưới hai trăm nghìn đồng/tháng nhưng ở khắp nơi người ta tranh nhau làm, thậm chí đấu đá, bài bác, công kích và không ngại dùng mọi thủ đoạn để được “trúng cử”. Vì sao thế? Bởi một lẽ đơn giản: trưởng thôn vẫn có thể tham nhũng, vẫn có thể ăn của dân. Tại một xã thuộc huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa, hai năm trước người dân nô nức hưởng ứng bê tông hóa đường làng. Không ai là không đồng lòng. Nhưng đến khi phổ biến kế hoạch, người dân mới kêu trời: tiền giao thông đóng suốt mười năm qua đi đâu?! Không ai biết cả. Cán bộ thôn nói đã “nộp lên” nhưng lên đâu thì chỉ trời và ông ta biết. Và người dân vẫn làm bằng cách đóng góp lại từ đầu. Mười năm qua coi như “xí xóa”. Dân mình kể cũng hiền quá, hiền quá hóa khờ! Cách đây vài tháng, người viết bài này được một ông cụ cho xem cái hóa đơn thanh toán các khoản thu liên quan tới đất và dịch vụ nông nghiệp. Biên lai thu tiền có hai mặt (tất nhiên rồi!), nhưng thật kỳ lạ, mặt trước được in đường hoàng gồm tên các khoản thu có kẻ ô ngay ngắn chỉ việc ghi số liệu vào là xong nhưng không thể hiểu vì sao ông trưởng thôn lại lãng phí cái mặt giấy in ấy để lật ra phía sau viết một dãy số ở đấy, điều khó hiểu hơn nữa là chúng chỉ độc nhất dãy số ấy, không hề có thêm thông tin gì khác. Chẳng ai có thể đoán ra được mỗi con số ấy tương ứng với khoản nào trong phiếu thu. Mà cũng lạ thật, ông cụ vẫn nộp tiền rồi khi về nhà mới than thở “không hiểu…”. Dân mình hiền quá hóa khờ!

.

Cũng ở xã ấy, cách đây khoảng hai năm người ta đồn đại rằng: có một người ăn cả tạ thuốc chuột cùng với hàng tấn nilon mà vẫn không chết hay bị… táo bón! Ông ta là Chủ tịch xã. Hỏi thật hư mới biết thì ra Nhà nước (huyện) cho nông dân thuốc chuột và nilon để trồng lạc thế mà ông Chủ tịch xã ngang nhiên bày bán giữa Ủy ban. Đến khi lạc đã ra củ thì chuyện vỡ lỡ nhưng… chẳng thấy ai đến bắt ông Chủ tịch. Ông ấy vẫn hiên ngang làm Chủ tịch, hiên ngang quát tháo và dọa nạt người dân. Trường của các em học sinh đang tọa giữa trung tâm xã thì ông Chủ tịch quyết định cho dời ra cánh đồng, cả trường cấp một và cấp hai. Ngôi trường cũ hoang phế cả năm trời cho đến khi người ta quyết định dùng nó làm trường mầm non. Con em trong xã ở độ tuổi mẫu giáo không nhiều, chỉ dùng hết vài ba phòng, số còn lại vẫn bỏ hoang… cho đến khi người ta phá nó. Và thay bằng nhà bỏ hoang là khu đất bỏ hoang. Ông Chủ tịch vẫn chưa dừng lại, ông quyết định cho xây tượng đài liệt sỹ, quy hoạch lại chợ, làm mương, làm đường… Hàng loạt khu đất sản xuất nông nghiệp bị đưa ra bán làm đất ở. Đất được bán ở khắp nơi và ở nơi nào ông cũng có một miếng cho riêng mình. Chuyện lại vỡ lỡ… vì ăn chia không đều trong Ủy ban. Thì ra ông “vẽ ” ra bao nhiêu công trình là nhằm ăn của dân của nước. Một kết luận chính xác của cơ quan điều tra đã được đưa ra – ông tham ô tiền tỷ! một ông Chủ tịch xã mà đã có thể “lấy” được chừng đó tiền của công thì thử hỏi những ông quan lớn ở trên kia họ còn đi tới đâu nữa? Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả. Sau khi bị kỷ luật cách chức và khai trừ khỏi đảng chừng hai tháng lại thấy ông có mặt trên Ủy ban trong một cương vị mới. Giờ lương ông cao nhất xã! Người dân nói ông nằm trong đường dây của ông Thông, Chủ tịch huyện. chẳng phải thế mà suýt nữa ông đã lên huyện làm nếu người dân và những kẻ không được ăn chia đâm đơn kiện. Thì ra thế, không trách gì tất cả đều vô sự. (Vì ông ta là đảng viên đảng cộng sản)

Sau một thời gian ngắn người dân trong xã rộ lên tin ông Chủ tịch huyện sắp hết đời vì những vụ hối lộ, tham nhũng, bê bối đất đai ở Nghi Sơn và các xã lân cận. Báo và đài địa phương đưa tin liên tục về vụ việc. Một thời gian nữa thấy lắng dần rồi đùng một cái người ta nghe tin ông Chủ tịch đang sắp lên tỉnh làm. Hiện nay hai khách sạn lớn nhất thị trấn là của ông chủ Lê Minh Thông. Liệu ông ta có được đề bạt lên trung ương? (Vì ông ta là đảng viên đảng cộng sản)

.

Tình hình đất nước ta với tham nhũng lan tràn, cửa quyền khắp nơi không một ngõ ngách nào là không thấy nhan nhản. Những kẻ đứng chân trong chính quyền thì sống xa hoa phè phỡn, giàu có lên một cách nhanh chóng trong sự đói khổ, và trì trệ về mọi mặt của người dân. (Vì họ là đảng viên đảng cộng sản). Có lẽ tôi không cần phải dẫn ra đây những ví dụ cụ thể nữa vì trên báo chí nhất là báo mạng người ta sẽ chỉ cần vào google và gõ “tham nhũng Việt Nam” thì sẽ có hàng vạn kết quả được tìm ra, tha hồ mà đọc và đau khổ. Đến đây nhiều người sẽ hỏi: vậy những nhà doanh nghiệp thì sao? Họ đâu có nghèo khổ? Ừ cái này đúng. Nhiều nhà tư bản VN rất giàu. Nhưng một điều chắc chắn rằng họ không bao giờ được (và dần dần là không “muốn” được) làm ăn trong một môi trường lành mạnh. Những người làm ăn chân chính có thể trở thành kẻ đưa hối lộ và dần dần nhúng chân vào làm ăn phi pháp một cách toàn diện. Guồng máy của cơ chế này không cho người ta được quyền làm người. Một điều này nữa cũng quan trọng không kém, thậm chí còn to lớn hơn – những người đó có bao giờ được mở mồm ra nói? Thời gian gần đây người dân trong nước đã được nghe, đã nghe được tiếng nói của những người trí thức, không những thế mà còn rất mạnh mẽ và lan rộng nhanh chóng nhưng còn những nhà tư bản thì sao? Không ai lên tiếng cả. Họ đâu dám nói vì nếu nói thì có thể tán gia bại sản. Cơ chế đã biến họ thành những kẻ hèn nhát. Mà rốt cuộc, họ cũng chỉ là nạn nhân của cơ chế mà thôi. Sống mà không dám nói, không được nói thì còn khổ hơn chết. Tất cả người dân VN dù thuộc thành phần nào thì cũng bị siết dưới sự độc đoán, chuyên quyền của những kẻ nằm trong bộ máy hủy diệt khổng lồ.

.

Tình cảnh nhân dân Việt Nam thế nào? Xin thưa rằng, họ bị tước không những đất đai, tiền của mà cả quyền được nói cũng bị cướp mất. Người dân ngồi lên xe máy là chuẩn bị sẵn trăm hơn trăm kém bỏ riêng sang một túi để phòng khi gặp giao thông. Một chiếc xe khách đi từ Đồng Nai ra Huế, mới tới Đà Nẵng bà chủ xe đã thở dài “hai triệu công an rồi chú ạ”. Trong bệnh viện, người ta nhận tiền của bệnh nhân ngay dưới tấm bảng to tướng có dòng chữ trang trọng LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU. Hai đứa bạn đi học xa nhà, một đứa học Hồng Đức, thằng kia học ở thủ đô: – Trường mày đóng tiến chống trượt tốt nghiệp bao nhiêu? – Một triệu rưỡi. – Sao rẻ thế! Trường Công nghiệp HN của tao bốn triệu…”. Thầy giáo ra giá ngay trên lớp, thang giá sẽ căn cứ vào thang điểm và tùy vào đó là bài kiểm tra điều kiện hay thi học phần… Cơ chế đã giết chết nền giáo dục, giết chết tính người và nhân phẩm người thầy. Sẽ không thể kể ra đây hết những hủ bại và đau khổ trong tất cả các ngành, các đơn vịi, các vùng miền bởi đó là một tham vọng quá lớn. Nó lớn đến nỗi nếu ai đó muốn dành cả đời chỉ để ghi lại một cách sơ lược nhất tất cả những sai trái, hủ bại thì ngay lập tức người đó sẽ bị cho là không bình thường về thần kinh hay ít nhất cũng là mắc chứng “vĩ cuồng”. Những gì vừa nói qua chỉ mới là những vấn đề “nội bộ”. An nguy của dân tộc đang bị đe dọa, quốc gia đang đứng trước thế tồn-vong trong dã tâm của Trung Quốc. Những người “đứng mũi chịu sào” đang làm gì để cứu dân tộc? Không chỉ im lặng về HS, TS; không chỉ “quay đi không nhìn” với ải Nam Quan, thác Bản Giốc mà những người nắm giữ mạng sống của nhân dân, sự nhục vinh của dân tộc còn rước Trung Quốc vào, đào sân, đào vườn nhà ta lên mà lấy quặng. Rồi, chắc chắn đến một ngày không xa chúng sẽ dọn vào nhà và đuổi ta ra đường như trong một câu chuyện đã kể. (Vì họ là đảng viên đảng cộng sản).

.

Tình hình trên đất nước ta, giai cấp nắm chính quyền sống ra sao, giai cấp không nắm chính quyền đang trải qua những gì có lẽ không còn là những “câu hỏi” nữa. Sự thật đang phơi bày ngay nhãn tiền.

Đến đây xin được kết luận vài nét sơ lược như sau: Căn cứ vào tiêu chí có chân trong chính quyền/không có chân trong chính quyền (hoặc tương tự), có thể phân chia cơ cấu xã hội -giai cấp VN đương thời thành hai giai cấp – THỐNG TRỊ VÀ BỊ TRỊ.

CT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

.

.

.

No comments:

Post a Comment