Wednesday, August 4, 2010

BAUXITE CHƯA XONG TỚI SÂN GOLF LỚN NHẤT NƯỚC

Bauxite chưa xong, tới sân golf lớn nhất nước, dân nghèo khóc sướt mướt!

Lê Diễn Đức

Tháng Tám 4, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/04/sieu-d%e1%bb%b1-an-san-golf-l%e1%bb%9bn-nh%e1%ba%a5t-n%c6%b0%e1%bb%9bc-dan-ngheo-khoc-s%c6%b0%e1%bb%9bt-m%c6%b0%e1%bb%9bt/

Không biết tương lai của người dân vùng Tây Nguyên sẽ ra sao? Đây là câu hỏi với những ưu tư, trăn trở của hàng vạn người trên vùng đất đỏ này mà chưa có lời đáp.

Siêu quyền lực?

Câu chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong năm 2009 đã làm sôi động dư luận, từ người lao động, đến giới trí thức, lên tới thượng tầng lãnh đạo. Thế nhưng, chưa một lực lượng nào ngăn chặn được thế lực kinh tế-chính trị áp đảo của phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng (trừ tiền lệ “Dự án Đường tàu cao tốc” duy nhất không được Quốc hội thông qua).

So với tất cả những vị Thủ tướng tiền nhiệm của nhà nước Việt Nam Cộng sản gồm Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, thì ông Nguyễn Tấn Dũng – giữ chức Thủ tướng từ năm 2006 – là người đứng đầu Chính phủ lộng hành nhất, gian ngoan nhất, tham lam nhất, cho các thành viên của gia đình được hưởng quyền làm ăn đặc biệt nhất, phê chuẩn nhiều dự án quốc gia lớn nhất, bất chấp sự phản đối của xã hội, của các Đại biểu Quốc hội, các bậc lão thành cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng về kinh tế cũng như chủ quyền và an ninh của đất nước.

Những nhận định trên đây của tôi, thiết nghĩ không cần phải chứng minh. Bởi vì đã có quá nhiều các bài viết phân tích ngay ở trong nước, lên án thậm chí thô bạo hơn, từ các dự án Bauxite Tây Nguyên, Thuê rừng đầu nguồn, Đường tàu cao tốc, Vinashin, các vụ tham nhũng PMU 18, PCI, tiền giấy polymer, v.v… và bản tin mới đây nhất của “Vietnam.net” ngày 3/08: “Hơn 20 năm qua, trong tổng thầu EPC, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất…của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm”! Chúng ta hãy điểm xem: hầu hết các gói tổng thầu EPC lớn nhất nằm trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Khổ đâu dân chịu

Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể nói là một điển hình cho việc làm ăn vội vã, tắc trách, thiếu đồng bộ và nhất quán ngay từ đầu. Với nhiều thay đổi, tới 2007 mới khởi công, tính ra kéo dài 13 năm, nhưng đến tháng 5/2010 sau nghiệm thu vẫn còn tới 50 chi tiết kỹ thuật phải sửa chữa.

Từ thực tế này khiến ta không thể không lo ngại cho những “quả đấm thép” tiếp theo của ông Thủ tướng.

Cho đến nay, thông tin về tiến độ thi công khai thác bauxite ở Tây Nguyên rất hạn chế đưa ra công luận. Tháng 5/2010, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung trong chuyến đi khảo sát Tân Rai và Nhân Cơ với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã viết: “Bây giờ thì tất cả chúng ta đã ngồi trên lưng cọp (vấn đề bauxite) rồi, điều tốt nhất Tân Rai có thể cống hiến cho đất nước là báo cáo trung thực toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành và kinh doanh alumin với Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước để từ đó rút kinh nghiệm cho toàn bộ vấn đề bauxite ở Tây Nguyên, vì chỉ có nhìn nhận đầy đủ sự thật thì mới có thể rút kinh nghiệm và có được những quyết định đúng đắn. Đất nước có quá nhiều vấn đề, thiếu quá nhiều thông tin, nhưng cái thiếu nguy hiểm nhất là thiếu sự trung thực, từ cái thiếu này sai lầm đẻ ra sai lầm”.

Người ta đã không tiên liệu được thực tế khó khăn trong khâu xây dựng đường vận chuyển khoáng sản. Lớn hơn nữa thuộc về an toàn môi sinh. Thế nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn thích làm liều (nôn nóng vì cái gì thì chúng ta tự hiểu!), hậu quả tính sau. Đoàn Văn Kiển, sếp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, đã từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội năm ngoái: “Ô nhiễm hay không, có làm mới biết!”.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản làm chủ đầu tư khai thác bauxite tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) với tổng vốn 687 triệu USD, thời gian khai thác 100 năm, dự kiến bắt đầu từ cuối 2009.

Những dự kiến thường rất “hoành tráng”, cốt để đưa dư luận vào tròng, được ký duyệt nhanh, rót tiền mau lẹ, nhưng trong hầu hết các công trình lớn, cái nào bàn giao được gọi là đúng hạn thì chỉ sau một thời gian ngắn nảy sinh những vần đề nghiêm trọng về chất lượng (gần đây nhất: lún đường cao tốc đắt nhất hành tinh Trung Lương-Sài Gòn, sập cầu Thanh Trì, lún nứt cầu Thăng Long…). Còn cái nào bị trì trệ thì được viện đủ lý do, không ai biết mùa quýt nào sẽ hoàn thành!

Để phục vụ cho dự án khai thác bauxite, chương trình triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng đã bắt đầu trước từ tháng 4/2006! Cho đến khi dự án chính thức được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2009, công việc này vẫn đi bằng tốc độ của rùa. Bởi vì, với giá đền bù đất đai và nhà cửa chỉ bằng khoảng 1/5 giá thị trường, đã gặp phải sự phản kháng của dân chúng.

Dân chúng được hứa cấp đất tái định cư và 16 ngàn việc làm trong khu công nghiệp khai thác cho đến nay vẫn là lời hứa nói cho vui. Trong khi đó công nhân Trung Quốc tràn sang làm việc bất hợp pháp không kiểm soát nổi.

Một cư dân ở thị trấn Lộc Thắng tâm sự với phóng viên “Sài Gòn Giải Phóng”: “Ba năm nay cả nhà tôi cứ loay hoay không biết phải làm ăn như thế nào. Thời gian trước mỗi năm tổng thu nhập gia đình tôi từ trà và cà phê từ 60 -70 triệu đồng, vậy mà giờ không còn tâm trí đâu mà làm ăn nữa! Nhìn cà phê và trà khô héo mà lòng xót xa nhưng không dám đầu tư vì không biết dự án khi nào triển khai và nghe nói vùng tái định canh thì cách vùng tái định cư khoảng 15 km thì làm sao trông nom sản xuất được?”.

Họa vô đơn chí

Cuộc đời của người dân Tây Nguyên sao cứ bị bất hạnh dồn dập. Đang khốn nạn vì bauxite thì họa sân gôn (golf) ập tới.

Trong một đất nước mà “hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm” (lời Bộ trưởng nông nghiệp Cao Đức Phát); “những đứa trẻ đến trường, đánh cược với mạng sống, đu dây qua dòng sông chảy xiết; bệnh viện la liệt bệnh nhân, 2-3-4 người xếp chung một giừơng và không ít người trong số họ sẽ bị trả về nhà chờ chết chỉ vì không còn tiền chữa trị; trường ốc thiếu hụt, phụ huynh phải thức trắng đêm, chen chúc xếp hàng cố giành giật cho con mình một suất học mầm non” (lời Phan Hồng Giang) – mà sao sân golf nhiều đến thế!

Nguồn tin của “giaoduc.edu.vn” nói rằng, Công ty trà Minh Rồng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cho biết hiện sản lượng trà búp tươi của nông trường chỉ còn khoảng 1.000 tấn/năm, giảm 60% so với trước đây nên không đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến chè xuất khẩu của đơn vị hoạt động.

Nguyên nhân chính là do hiện có trên 300 ha trong tổng số 420 ha trà của doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch từ năm 2007, đất để trống hoang nhưng dân (nhận khoán) ngao ngán không dám đầu tư. Hậu quả là năng suất chỉ còn từ 2-2,5 tấn búp tươi /ha, giảm trên 55% so với trước đây.

Còn tờ “xaluan.com” ngày 2/08/2010 ghi lại lời than vãn xót xa của ông Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm hợp tác xã Hiệp Phát: “Hơn 30ha trà đang cho thu hoạch của 40 hộ xã viên sẽ bị chặt bỏ nếu dự án sân golf được triển khai theo thông báo mới nhất của UBND TP đầu tháng 7/2010”.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Bảo Lộc do Công ty Jinsung Vina làm chủ đầu tư (theo giấp phép Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng số 421043000136 ngày 20/01/2007), tổng vốn 18,3 triệu USD, xây dựng sân golf 54 lỗ, 200 căn biệt thự, khách sạn 300 phòng, khu vui chơi giải trí cùng các dịch vụ đi kèm khác như xông hơi, mua sắm…

Cái tên “Jinsung Vina” không biết có dính dấp gì đến Ba Tàu không, nhưng dù công ty nào đi nữa thì khu nghỉ dưỡng thượng lưu này rồi sẽ dành cho ai?

Không chỉ trà mà cà phê ở vùng đất này cũng đang vào mùa thu hoạch. Nếu chặt bỏ thì người dân sẽ không biết làm gì để sinh sống.

“Các cơ quan chức năng khác như Hội đồng nhân dân thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm cũng đã nhiều lần kiến nghị không nên thực hiện dự án này vì ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân địa phương. Nhưng, không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn có văn bản đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án” – Bài báo viết.

Báo đã dẫn cũng cho hay rằng, nếu làm sân golf lớn nhất nước thì chỉ riêng phường Lộc Phát đã có 450 hộ dân với 180ha đất trà và cà phê bị thu hồi, trong đó có 2/3 số hộ bị thu hồi trắng đất sản xuất. Đất của Lộc Phát lại màu mỡ nhất thành phố Bảo Lộc. Điều lo ngại là người dân nếu nhận được tiền đền bù thì cũng không biết làm việc gì sinh sống, vì cả đời họ đã gắn bó với vườn trà, cà phê.

Và bài báo kết thúc:

“Trong quy hoạch sân golf cả nước đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không được sử dụng đất lúa, đất màu làm sân golf. Nhưng vì sao tại Lâm Đồng những cánh đồng lúa xanh tốt, những thửa đất trồng hoa màu vẫn phải nhường chỗ cho sân golf?”

Thế thì, phải chăng các nhà lãnh đạo trên cao nói thì cứ nói, dưới không nghe, vẫn cứ làm, như lời cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, hay đây chỉ là nghệ thuật che lấp động tác bật đèn xanh ngầm?

Chính ông Nguyễn Tấn Dũng đi tiên phong trong việc nói một đằng, làm một nẻo. Vào tháng 10 năm 2006 ông đã hùng hồn hứa: “Tôi sẽ từ chức ngay nếu trong nước không chống được tham nhũng”. Nhưng gần 4 năm rồi, tham nhũng vẫn hoành hành, thậm chí ở cấp độ cao siêu hơn, tinh vi hơn từ các siêu dự án.

Nhưng ngài Thủ tướng thì vẫn nhởn nhơ, mặt trơ, trán bóng và còn có thể làm thêm một nhiệm kỳ cho đến tuổi hưu!

Lời kết

Tôi kết thúc bài bằng hai câu thơ dân gian hài hước, mỉa mai nói về thân phận của dân nghèo bị cai trị bởi một giai cấp quan lại, cường hào mới, chuyên cướp đất, đuổi dân, rồi vác gậy chơi golf học làm sang:

Người ta mười tám lỗ gôn
Em đây chỉ mỗi lỗ L… vợ em!

Ngày 3/08/2010
————————–
Tham khảo thêm: Nhà báo Hà Phan của tờ Tiền Phong sau một số bài chống tiêu cực trong các dự án ở Đà Lạt đã bị đe dọa tại link:
http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/508160/Sau-loat-bai-chong-tieu-cuc–PV-bao-Tien-Phong-bi-de-doa.html

© Lê Diễn Đức Weblog

.

.

.

No comments:

Post a Comment