Sunday, August 29, 2010

BÁN THÂN BÁO HIẾU

Bán thân báo hiếu

Đào Tuấn

Đăng ngày: 11:07 29-08-2010

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3743

Lại thêm một vụ mua vợ bị cảnh sát hình sự phát hiện tại Sài Gòn hôm 27-8. 17 cô gái vùng ĐBSCL tuổi mới đôi mươi xếp thành một hàng uốn éo, khua chân đập tay... múa để cho 2 chú rể Hàn Quốc - người trẻ 45 tuổi, người già 56 tuyển chọn.

Không biết đây là vụ thứ bao nhiêu bị phát hiện, cũng không biết sẽ còn bao nhiêu vụ mua bán nữa sẽ diễn ra bởi số bị lộ thường ít hơn rất nhiều so với thực tế. Nhưng rõ ràng đây không còn đơn thuần là câu chuyện xã hội nhỏ của 17 cô gái và 2 ông "chồng" già. Vấn đề nằm ở nguyên nhân xô đẩy các cô vào cuộc bán thân đầy phiêu lưu và không ít tủi nhục.

Phí môi giới chỉ 25 USD. Tiền thưởng cho việc chọn được hàng: 3 triệu đồng. Riêng các cô gái và gia đình họ được bao nhiêu là do "thỏa thuận" với mức chung bình khoảng 1.000 - 2.000 USD/cô tùy theo độ tuổi và nhan sắc. Những con số được hé lộ trong vụ "mua vợ bán thân" cho thấy giờ đây đối với nhiều cô gái hoàn toàn không còn gì gọi là nhân phẩm để có thể nói là rẻ mạt.

Trong những vụ "hôn nhân"này không thể không đặt ra những câu hỏi: Các cô lấy các "ông già ngoại" vì tình yêu? Vì để có một tấm chồng? Hay lấy chồng vì 1-2 ngàn USD để "báo hiếu"? Câu trả lời rất dễ trả lời nếu chúng ta nhìn những bức ảnh các cô bị Cảnh sát hình sự bắt quả tang ngồi dúm dó giơ tay áo che ống kính phóng viên. Các cô chẳng khác gì các cô cave bị bắt trong các cuộc truy quét tệ nạn. Sự cam chịu đó đang cho thấy từ trong ý thức, các cô cũng coi đây là một thương vụ bán mình, có xem chọn, có mặc cả. Chắc chỉ còn thiếu mỗi nước các "chú rể" bắt các cô gái "há miệng xem răng" thì sự man rợ đủ để coi nhiều cảnh đời trong xã hội ngày nay chẳng khác gì các cuộc mua bán nô lệ của một thời kỳ dã man trong lịch sử.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Đây là những câu đau xót trong bài thơ Trăng nghẹn của nhà thơ hành nghề "trồng răng giả" Hoài Tường Phong.

Vầng trăng nghẹn với những cô gái lấy chồng xa đang cho thấy nghèo đói và thất học chưa bao giờ buông tha số phận những cô gái, những người dân ĐBSCL.

Cách đây chưa lâu, đã có hẳn một cuộc hội thảo về bức tranh nghèo đói ở ĐBSCL. Rất nhiều con số còn tồi tệ hơn là cái giá bán thân rẻ mạt đã được đưa ra. Ở chính vùng đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh đó, nông dân đang mất dần ruộng đất, trở thành tôi đòi trên chính mảnh ruộng cũ của mình. Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy 99% số người nghèo là do "không một mảnh đất cắm dùi". Khu vực hàng năm cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu này cũng đang dẫn đầu trong các khu vực về tỷ lệ nghèo đói. Nơi có tới 70% sản lượng trái cây các loại; chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng lại là nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất; nông dân tích luỹ thấp và tỷ lệ hộ dân sống nhà tạm bợ cao nhất nước…Tiền Giang, tỉnh duy nhất dám công bố số liệu này đã đưa ra con số tỷ lệ hộ nghèo sống trong nhà tạm bợ lên đến 54%.

Nói về đào tạo nguồn nhân lực, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, GS TS Bùi Chí Bửu có lần đã đưa ra những con số đầy bức xúc: Sinh viên đại học và sau đại học của đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm hơn... 4% dân số ở độ tuổi 20 – 24. Trong lúc bình quân cả nước gần 1 triệu dân có 1 trường đại học thì ở đồng bằng sông Cửu Long 3,3 triệu dân mới có 1 trường. Và, không ai nghĩ rằng, dân miền sông nước chi tiêu cho giáo dục lại "khiêm tốn" tới mức chỉ hơn 130.000 đ/người/ năm. ĐBSCL đói dạ dày một, thì đói tri thức mười. 89,28% lực lượng lao động chẳng có một thứ nghề ngỗng gì ngoài nghề ăn nhậu. Ngay cả phương tiện sản xuất chủ yếu tại vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất nước vẫn chỉ là đôi bàn tay trắng với cái sào xua vịt. Liệu ĐBSCL sẽ tiến bằng cái gì khi 38,9% người nghèo mù chữ và chỉ có khoảng 40% là tốt nghiệp cấp I, thực chất cũng là một hình thức khác của thất học.

Theo VOV: Năm 2005, trước con số tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 21%, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một buổi hội thảo, đã lưu ý các nhà lãnh đạo trong vùng: Đừng đặt thành tích của mình trên cái nghèo của dân!

Nhưng những lời cụ Kiệt, lúc đó phát biểu khi đã về vườn, có vẻ chẳng hề lọt tai các vị lãnh đạo đương nhiệm, hoặc tỉnh nọ tưởng cụ đang nói câu chuyện của tỉnh kia. Và thế là các nhà lãnh đạo vẫn luôn lạc quan, luôn hài lòng với tốc độ tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước của tỉnh mình. Sự lạc quan có được trên một thực tế là “chưa có ai chết vì đói”. Năm 2009, khi các nền kinh tế suy thoái trên phạm vi toàn cầu, tăng trưởng GDP toàn quốc chỉ đạt mức 5,32% thì mức tăng trưởng GDP vùng ĐBSCL được tuyên bố là "cao nhất nước", với 10,08%, GDP bình quân đầu người ước đạt 973 USD, tăng 9,33%. Sang năm 2010, rất nhiều tỉnh tuyên bố phấn đấu mức tăng GDP 15%, dù mục tiêu GPD chung của cả nước được QH thông qua, chỉ rón rén đặt ở mức 6,5%. GDP còn tăng đến đâu, với tốc độ thế nào và ai được hưởng? Rõ ràng đây không phải câu hỏi mà người dân ĐBSCL nói chung và các cô gái nói riêng có thể trả lời được.

Nếu một cô gái được ăn học, sống trong một gia đình không quá nghèo đói thì liệu cô gái đó sẽ chấp nhận tha hương với một ông chồng già có "năng lực tâm thần" chỉ đủ để trả lời Hà Nội là ở Việt Nam? Chính đói nghèo đến vàng mắt tả tơi, chính sự thất học khiến cho người ta không còn biết đến nhân cách, sĩ diện đã khiến các cô gái phải tìm cách xóa đói giảm nghèo bằng cách bán thân. Câu trả lời cho vấn đề rõ ràng không nằm ở các cuộc vây bắt của Cảnh sát hình sự.

Có một vụ hiếp dâm văn nghệ đã xảy ra trong vụ Trăng Nghẹn. Sau khi bài thơ này được trao giải nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu long. Một số quan chức ở Cần Thơ đề nghị Hoài Tường Phong từ chối giải với lý luận: “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”. Có người sau đó còn đề nghị ông hoặc sửa 4 câu thơ cuối, hoặc sửa chữ “chưa” thành chữ “sẽ” hoặc “chờ” trong câu thơ kết. Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Khi mà người ta chỉ chấp nhận trăng sáng, khi kết thúc các báo cáo được bắt đầu bằng từ "sẽ" thì rõ ràng câu chuyện bán thân của các cô gái hẳn sẽ còn là câu chuyện dài.

.

-------------------------------------

Trăng nghẹn

http://boxitvn.blogspot.com/2010/03/thu-gian-chu-nhat-trang-nghen.html

.

-------------------------------------

Bình luận : Bao nhiêu ngân sách quốc gia đều dồn cho Hà Nội với Ngàn Năm Thăng Long, đều cho các tập đoàn như Vinashin thì có đâu tới với người dân đồng bằng song Cửu Long!

.

.

.

No comments:

Post a Comment