Saturday, July 24, 2010

XÃ HỘI : NGƯỜI DẪN DẮT hay KẺ LÔI KÉO

Xã hội: người dẫn dắt hay kẻ lôi kéo?

Vương Thảo

24-7-2010

http://tuanvietnam.net/2010-07-21-xa-hoi-nguoi-dan-dat-hay-ke-loi-keo-

Những lỗi trong "sản phẩm người" của chúng ta đang ngày một lộ ra. Và không ai khác mà là chính chúng ta đã trực tiếp làm hỏng những "sản phẩm người" ấy.

>> Thực trạng "ba thế giới" và lỗi của một nền giáo dục

>> Trò chuyện với thú nhồi bông - một bí mật của giáo dục

"Xã hội người" bất an

Khi một đứa trẻ bước ra khỏi cửa ngôi nhà mình đến trường là nó bắt đầu gia nhập đời sống xã hội một cách chính thức. Bởi từ lúc đó, cho dù nhiệm vụ chính của nó là học tập và thời gian cùng không gian chính của nó khi tạm thời tách khỏi gia đình là ở trong phạm vi nhà trường, thì nó bắt đầu phải tham gia vào những hoạt động xã hội như một công dân nhỏ. Từ lúc đó, xã hội bắt đầu tác động vào nó như một sự dẫn dắt hoặc như là lôi kéo.

Đúng như vậy. Nếu xã hội mà đứa trẻ tham gia vào là một xã hội nhân văn và văn minh thì xã hội đó sẽ trở thành người dẫn dắt đứa trẻ. Và ngược lại, xã hội với quá nhiều thói hư tật xấu sẽ từng bước lôi kéo đứa trẻ vào một đời sống tinh thần méo mó.

Theo tôi, xã hội mà đứa trẻ gia nhập được phân làm hai: Xã hội người và xã hội thiên nhiên. Vậy xã hội mà những đứa trẻ chúng ta đang sống là một xã hội như thế nào? Bạn đọc ai cũng có câu trả lời cho mình. Còn với tôi, khi tôi đặt câu hỏi ấy tôi đã mang trong lòng nhiều lo ngại về đời sống xã hội người lớn của chúng ta.

Về xã hội người, trước hết, các bạn hãy cùng tôi làm một khảo sát nhỏ. Chúng ta hãy cùng nhau khảo sát con đường từ cửa nhà đến cổng trường mà ngày ngày một đứa trẻ phải đi qua ít nhất là hai lần.

Tôi đoan chắc hầu hết các bậc cha mẹ sẽ phải thừa nhận rằng, họ không hề cảm thấy yên tâm mỗi khi con cái mình rời khỏi nhà nhập vào xã hội bên ngoài. Trong xã hội người ấy, chúng ta chỉ cần quan sát nó trong phạm vi là một con đường từ nhà đến trường và ngược lại. Các bậc cha mẹ thấy gì trong cái xã hội ở "đoạn đường" đó? Một thế giới của những bất trắc và nhiều cám dỗ.

Đúng như vậy. Khi vừa bước ra khỏi cửa đứa trẻ bị bao vây bởi một trận đồ bát quái của các quán ăn, bia hơi, karaoke, quán chơi games, các quầy đồ chơi thiếu thẩm mỹ, những quầy sách với các loại siêu nhân và truyện tranh đầy tính bạo lực...

Thế giới của những thứ mà tôi vừa lướt qua theo đuổi những đứa trẻ từ cửa nhà đến cổng trường. Ngay cả nhiều ngôi trường cũng bị bao vây bởi một thế giới như thế tưởng không có lối thoát. Cái thế giới vật chất, thiếu thẩm mỹ, thiếu tính giáo dục ấy ngày ngày bám riết lấy những đứa trẻ và lôi kéo chúng. Trong khi đó, chúng ta thật khó có thể tìm thấy một địa chỉ văn hoá tin cậy và đúng nghĩa cho những đứa trẻ trong thế giới của chủ nghĩa thực dụng kia.

Bạn hãy chỉ cho tôi biết trong làng, trong khu phố của bạn, dọc con đường từ nhà bạn đến trường hay rộng hơn là trong thị trấn, thị xã hay thành phố bạn ở có bao nhiêu địa chỉ để bạn đưa con mình đến để chúng có thể nhìn thấy những vẻ đẹp gợi mở tâm hồn và trí tưởng tượng của chúng?

Tôi có phải là một kẻ ngoa ngoắt hay cực đoan không khi nhận định rằng những đứa trẻ của chúng ta đang sống trong một xã hội người quá nhiều lầm lụi, hối hả, luộm thuộm, cãi cọ và thiếu ý thức chấp hành luật pháp. Đoạn đường mà một đứa trẻ ngồi sau xe đạp, xe máy của bố mẹ hoặc đi bộ đến trường là một đoạn đường đầy bất trắc bởi tai nạn giao thông cùng với sự chen chúc và cãi cọ của của người lớn. Những đứa trẻ thật khó nhận được những gì đó có khả năng tác động vào tình cảm và trí tưởng tượng đẹp đẽ của tuổi thơ ấu.

"Xã hội thiên nhiên" bị hủy diệt và chứa đầy bệnh tật?

Một hiện thực vô cùng bi hài trong các dịp nghỉ nhân các ngày lễ, là không ít bậc cha mẹ vắt óc không biết cho con cái mình đi chơi ở đâu. Và không ít người chỉ còn cách đưa con cái họ đến siêu thị. Siêu thị đâu phải là nơi để đưa trẻ em đến. Nhưng nói đi phải nói lại, nếu họ không đưa con cái đến siêu thị thì họ đưa chúng đi đâu? Những ngày nghỉ đó, các siêu thị Hà Nội và công viên Thủ Lệ đông đặc trẻ em cho dù cái công viên đó nghèo nàn đến mức tội nghiệp.

Các con tôi sinh ra và lớn lên ở một thị xã sát Hà Nội. Nhưng cả thị xã ấy không có một nơi nào để tôi có thể đưa con đến đó trong những ngày chúng không phải đến trường. Ở đó chỉ có một công viên nhỏ bằng bàn tay bên cạnh con đường chính của thị xã suốt ngày đêm bụi bặm và chói tai bởi tiếng còi xe. Cái công viên bé xíu ấy mỗi sáng thức dậy người ta thấy những ống tiêm của những thanh thiếu niên nghiện ma tuý. Và hơn nữa, có khi cả một năm trời, người dân thị xã không hề được hưởng thụ một hoạt động văn hoá nào thực sự có ý nghĩa.

Trong khi đó, người lớn chỉ hùng hục lao vào xây dựng các khu chung cư cao cấp, các khách sạn 3 sao, 5 sao, các sân golf và dày đặc các nhà nghỉ... Nghĩa là họ lao vào vì lợi ích và sự hưởng thụ của họ mà quên đi là phải tạo ra một thế giới cho những đứa trẻ. Nếu có những gì đó cho những đứa trẻ thì chỉ giống như một sự ăn may hoặc ăn theo của chúng mà thôi.

Ngay cả trong ngôi nhà và trong các ngôi trường, nơi mà chúng ta có điều kiện và có lý do chính đáng nhất để xây dựng một thế giới cho những đứa trẻ mà chúng ta cũng quên lãng. Những hoạt động văn hoá trong các gia đình và nhà trường mỗi ngày một ít đi hoặc không còn đúng với tinh thần của việc đó nữa. Còn các hoạt động văn hoá bên ngoài gia đình và nhà trường thực sự đúng bản chất và có tính GD cho những người trẻ thì càng bi đát.

Nói riêng trong lĩnh vực truyền hình, càng ngày chúng ta càng có thêm nhiều kênh nhưng những chương trình truyền hình cho trẻ em đã có thì tẻ nhạt và hời hợt. Trong khi đó, chúng ta dành quá nhiều thời lượng phát sóng nhằm mục đích kinh doanh với đủ thứ trò chơi lấy thưởng, đủ thứ phim tâm lý tình tay ba, khóc than...

Chỉ nói riêng chuyện sách cho trẻ em thì thất vọng vô cùng. Chúng ta biết rằng, trẻ em ở nông thôn chiếm khoảng 70% số trẻ em cả nước, nhưng có bao nhiêu đứa trẻ ở nông thôn có được một cuốn sách/ một năm? Thực tế có rất nhiều làng tỉ lệ 1 cuốn sách/1 đứa trẻ/ 1năm = 0. Hầu hết những đứa trẻ ở nông thôn từ lúc sinh ra cho đến 18 tuổi không hề được hưởng thụ bất cứ hoạt động văn hoá nào thực sự có ý nghĩa ngoài một số hoạt động nặng tính phong trào ở nhà trường.

Báo chí không tuần nào là không đề cập đến công trình này, dự án kia với những khoản kinh phí "siêu khổng lồ". Nhưng có ai nghe thấy người lớn chúng ta nói đến các công trình, dự án cho trẻ em không? Tôi khẳng định là không. Đó chính là cái nhiệt kế đo nhận thức và trách nhiệm của chúng ta trong việc GD và ĐT con người.

Có một tư tưởng xây dựng đô thị của một thị trưởng một thủ đô ở Châu Âu từ thế kỷ 17 đã trở thành chân lý cho các nhà quản lý đô thị khi ông nói với các kiến trúc sư chịu trách nhiệm dựng đồ án quy hoạch thủ đô đó: "Các ngài chỉ cần nhớ một điều duy nhất, là chúng ta xây dựng thành phố này cho những đứa trẻ". Câu nói này nên hiểu là: Xây dựng một thành phố hay một đất nước cho những đứa trẻ là tạo ra một môi trường tốt nhất để dạy làm người.

Một xã hội người mà tôi vừa phác thảo thực trạng của nó đang ngày ngày lôi kéo những đứa trẻ vào một thế giới bất an. Và một xã hội thiên nhiên còn tệ hại hơn nữa. Một con người trong suốt quá trình hình thành nhân cách và tạo dựng tâm hồn nếu không có một thiên nhiên thì thật bất hạnh. Nhưng hiện thực về một xã hội thiên nhiên của chúng ta đang mang lại những tuyệt vọng. Việc phá các hồ nước, xây chiếm các công viên, xoá sổ các khu thiên nhiên nội ngoại thành... đang đẩy con người vào một "nhà tù khổng lồ" mà ít người nhận ra vì vẫn tưởng mình tự do.

Chúng ta đang từng ngày tranh thủ mọi cơ hội để hủy diệt thiên nhiên. Chỉ lấy ví dụ về những hành xử của chúng ta đối với vùng thiên nhiên bao quanh những hồ nước ở Hà Nội đã đủ chứng minh sự sai lầm nghiêm trọng của người lớn. Một đứa trẻ không hiểu biết thiên nhiên và không có mối liên hệ với thiên nhiên là một đứa trẻ chứa đầy "bệnh tật tinh thần".

Con người là "thủ phạm" của con trẻ

Cách đây không lâu, những phụ huynh có con cháu mắc bệnh tự kỷ đã tổ chức một cuộc đi bộ để kêu gọi xã hội hãy nhìn nhận điều này một cách nghiêm túc và cũng nhau trợ giúp những đứa trẻ không may mắn ấy. Nhưng hỏi có bao nhiêu người quan tâm đến tiếng kêu của các bậc phụ huynh ấy không. Mà nói chính xác hơn đó là tiếng kêu cứu của những đứa trẻ thông qua cha mẹ chúng và những người yêu thương và muốn chia sẻ với chúng.

Các phương tiện truyền thông hầu như im tiếng trong những sự kiện này nhưng lại tốn quá nhiều giấy mực, tốn quá nhiều thước phim vào nhiều chuyện phù phiếm đầy tính hình thức và PR như cái này to nhất, cái kia dài nhất, cái nọ cao nhất vv...

Chúng ta thấy gì trong thái độ của xã hội như vậy? Chỉ một điều duy nhất đó là nhân cách xã hội đối với con người mà thôi. Bệnh tự kỷ của trẻ em được các nhà nghiên cứu đi đến kết luận nhưng nguyên nhân chủ yếu là do môi trường đã bị tàn phá.

Thiên nhiên không cất tiếng như một người cất giọng. Nhưng thiên nhiên vừa là một thầy thuốc vừa là một thầy giáo vĩ đại của con người. Sự thơ mộng và kỳ vỹ bởi thiên nhiên của những ngôi trường cách đây dăm chục năm đã biến mất. Với những người cùng tuổi tôi, bây giờ họ chỉ sống bằng một thiên nhiên còn đọng trong ký ức ấu thơ của mình.

Thực trạng về "ba thế giới" mà tôi phác thảo là sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên còn không ít người chưa nhận ra và còn không ít người muốn bác bỏ thực trạng đó. Nhưng cho dù họ làm gì thì họ cũng không thể nào có khả năng giấu cả "ba thế giới" ấy trong chiếc túi áo cho dù to đến đâu của họ.

Những lỗi trong "sản phẩm người" của chúng ta đang ngày một lộ ra. Và không ai khác mà là chính chúng ta đã trực tiếp làm hỏng những "sản phẩm người" ấy. Chỉ khi những người có trách nhiệm với con người trong xã hội và có quyền để đưa ra những quyết sách vì con người nhận biết được và nhận biết đúng những thực trạng nói trên và đau đáu nghĩ đến tương lai của đất nước thì những "sản phẩm người" của chúng ta mới không bị những lỗi như chúng ta đang chứng kiến.

.

.

.

No comments:

Post a Comment