Sunday, July 25, 2010

VIỆT NAM CÒN RẤT NHIỀU NELSON MANDELA

VIỆT NAM CÒN RẤT NHIỀU MANDELA

Lương Đồng

http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0710/baimoi0710_387.html

Nhà báo tự do ở Hà Nội Nguyễn Khắc Toàn trong bài viết phổ biến trên Internet ngày 15 tháng 7 vừa qua, đã gọi người tù chính trị Trương Văn Sương là Mandela của Việt Nam. Ông Trương Văn Sương được tạm hoãn thi hành án một năm để chữa bệnh tim ngặt nghèo (tin chưa kiểm chứng là ông được thả luôn), đã trở về quê nhà Sóc Trăng sau hai lần tù đầy, tổng cộng 33 năm và 4 tháng. Ông quả là trường hợp tiêu biểu trong số rất nhiều tù chính trị nhiều thế hệ khác nhau đã và đang chịu giam cầm vì những hoạt động tranh đấu đòi tự do dân chủ của họ. Thế nhưng, nếu chỉ tính số năm tù chồng chất, Việt Nam hiện còn rất nhiều Mandela khác.

.

Bài viết này xin được giới thiệu một trong những người tù Mandela đó. Ông Trần Văn Thiêng, 75 tuổi, cựu trung úy cảnh sát đặc biệt của VNCH, quê quán Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Sau năm 1975, ông bị bắt đi cải tạo, đến năm 1980, trốn trại về Long Thành. Tại đây, ông tổ chức và tham gia chống đối chính quyền CS. Ông viết cuốn tài liệu dày 200 trang với tựa đề "Chiến Quốc Sách - Việt Nam Thí Điểm Chiến Lược Hoa Kỳ Tại Đông Dương", rồi tìm cách liệng qua bờ tường một tổng lãnh sự quán nước ngoài tại Sài Gòn, để nhờ chuyển đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (khi ấy Mỹ-Việt chưa có bang giao). Ông bị bắt vào tháng 2 năm 1991, bị kết án 20 năm tù và 5 năm quản thúc.

Tính ra, đến nay, người tù chính trị Trần Văn Thiêng đã trải qua tổng cộng 25 năm tù đầy. Hiện ông đang bị giam tại khu giam riêng (chính trị), phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc.

Theo bạn tù của ông, cũng là nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển, tình hình sức khỏe của ông Thiêng hiện nay rất nguy hiểm do bị suy thận rất nặng (cấp 3). Ông đã nhiều lần phải cấp cứu tại trạm xá vì sưng phù và sốt cao.

Án tù 20 năm của ông Thiêng sẽ mãn hạn vào tháng 2 năm 2011, nhưng do sức khỏe của ông trở nên quá tồi tệ, với sự hướng dẫn của anh Truyển, gia đình ông đã làm đơn xin hoãn thi hành án cho trường hợp tù nhân lớn tuổi và bệnh nặng, theo Pháp Lệnh Thi Hành Án của Việt Nam. Trại tù đã đưa ông đến bệnh viện Biên Hòa để chữa trị, nhưng sau đó lại đưa về trại giam, bất chấp bác sĩ khuyến nghị nên đưa vào Sài Gòn để mổ.

Vì nguyên do này, nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Bắc Truyển trong thông báo phổ biến ra hải ngoại ngày 17 tháng 7, 2010, vừa qua đã khẩn thiết kêu gọi "...bà con Việt Nam trong nước và hải ngoại lên tiếng yêu cầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam phải thực hiện đúng nội dung của Pháp Lệnh Thi Hành Án: Tạm hoãn thi hành án đối với các tù nhân bệnh nặng, lớn tuổi."

.

Cũng nói thêm, trên nhật báo Người Việt ngày 15 tháng 7, nhà báo Ngô Nhân Dụng trong bài viết về người tù chính trị Trương Văn Sương, đồng thời đề cập đến một người tù Mandela khác, cựu đại úy Nguyễn Hữu Cầu. Tương tự trường hợp hai tù nhân chính trị Trương Văn Sương và Trần Văn Thiêng, ông Cầu bị bắt đi cải tạo 6 năm, được thả năm 1981, nhưng bị bắt lại một năm sau cho đến nay, vì đã can đảm viết thư tố cáo các quan chức tỉnh Kiên Giang buôn bán ma túy, tham ô, tham nhũng, giết người diệt khẩu, vân vân...

.

Những người tù chính trị tại Việt Nam còn đang chịu giam cầm rất nhiều. Theo anh Nguyễn Bắc Truyển, riêng tại trại Xuân Lộc vẫn còn có khoảng 40 tù nhân chính trị đang chịu án, nhiều người tình trạng sức khỏe suy yếu, gia đình quá túng thiếu, gần như bị bỏ rơi, ít hoặc không được thăm nuôi. Anh em trong tù phải sống chia sớt, giúp đỡ nhau để tiếp tục tồn tại. Thông thường, dư luận trong ngoài nước chú ý đến những nhà tranh đấu tên tuổi, nhưng bên cạnh họ còn nhiều tù nhân chính trị ít được biết đến, gần như bị quên lãng.

Đa số tù chính trị không đồng ý viết kiểm điểm nhận tội để được xét khoan hồng, như tù hình sự. Cho nên, họ chỉ có một con đường, đó là, ở tù cho đến ngày mãn hạn, dẫu đó là 20 năm, 30 năm, hay án chung thân (như trường hợp cựu đại úy Nguyễn Hữu Cầu ở trên); và một hy vọng mong manh, được can thiệp, nếu thế giới bên ngoài còn nhớ đến họ, để được thả sớm.

.

Bản thân nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển sau khi mãn hạn tù 4 năm, trong vụ án liên quan đến những thành viên của Đảng Dân Chủ Nhân Dân cùng các anh Lê Nguyên Sang và Huỳnh Nguyên Đạo, đã tìm cách tiếp tế những tù nhân chính trị còn lại, hoặc trong trường hợp khả thi, giúp gia đình xin hoãn án, kháng án, dẫu đang bị giám sát và quản chế. Thực tế, hiện anh đi đâu người nhà phải gọi điện thoại thường xuyên để nếu bị bắt lại, gia đình còn được biết. Thế nhưng, tâm sự với người viết bài, anh nói rằng anh làm công việc này, hoàn toàn không vì lý do chính trị. Anh làm thuần túy vì trách nhiệm và lòng nhân đạo.

Bao giờ chúng ta sẽ làm trách nhiệm của chúng ta?

Lương Đồng

.

.

.

No comments:

Post a Comment