Tuesday, July 6, 2010

TIẾN SĨ DỎM Ở VIỆT NAM

Tiến sĩ dỏm ở Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 05 tháng 7 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/tien-si-dom-o-vn-07-05-2010-97804559.html

Mấy tuần vừa qua, báo chí trong cũng như ngoài nước xôn xao bàn tán về cái bằng tiến sĩ dỏm của ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Thọ. Ông Ân khoe là có bằng tiến sĩ do trường Đại học Nam Thái Bình Dương ở Mỹ cấp. Nhưng ông lại không biết tiếng Anh. Và trước đó, ông cũng chỉ có bằng cử nhân tại chức (xin nhớ câu nói đã thành tục ngữ ở Việt Nam: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức!). Vậy mà ông cũng có bằng tiến sĩ!

Ông học tiến sĩ bằng cách nào?

.

Ông kể: Ông học chương trình tiến sĩ từ tháng 2 năm 2007 đến tháng 9 năm 2009. Trong hơn hai năm rưỡi đó, ông sang Mỹ hai lần. Mỗi lần một tuần. Ông không biết tiếng Anh. Nhưng không sao cả: Đã có người phiên dịch. Khi ông bảo vệ “luận án”, cũng có người phiên dịch. Cuối cùng, sau khi trả chi phí 17.000 đô Mỹ, ông cũng có bằng tiến sĩ để nộp cho Ban tổ chức tỉnh uỷ Phú Thọ. Từ đó, đi đâu ông cũng được giới thiệu là tiến sĩ ngon lành. Lại là tiến sĩ... ngoại!

.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc đã nhanh chóng phát hiện cái gọi là trường Đại học Nam Thái Bình Dương ấy, thật ra, chỉ là một trường... dỏm. Tuy trên danh nghĩa là ở Hawaii (Mỹ) nhưng nó lại đăng ký ở Malaysia. Nó phỏng theo tên của một trường đại học đã bị chính phủ Mỹ buộc giải thể từ năm 2003 vì kém chất lượng. Nó nhái theo tên trường University of South PacificFiji. Nó không có giáo sư, không có giảng đường, không có giáo trình, thậm chí, không có cả chương trình học. Nó kém cỏi đến độ chỉ có mấy dòng tiếng Anh trên tấm bằng cũng viết sai tiếng Anh. Không câu nào không có lỗi sai (1). Nói một cách tóm tắt, đó là một trường dỏm. Hoàn toàn dỏm. Nó được lập ra để lừa gạt những kẻ hiếu danh và nhẹ dạ. Nó không có chút giá trị gì cả.

.

Những kiểu trường dỏm như thế đầy dẫy khắp nơi. Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được email quảng cáo của những “trường” đại loại như vậy. Nội dung quảng cáo đại khái: “Bạn muốn có bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ không? Dễ lắm! Không cần phải học gì cả. Không cần có điều kiện gì cả. Giá rẻ và bảo đảm bí mật!” Sợ virus, chưa bao giờ tôi mở cái link mà họ cho. Nhưng tôi biết không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi khác, ngay tại Úc, cũng có nhiều người chấp nhận trò chơi mua danh kiểu ăn xổi ấy. Họ cũng đóng tiền và cuối cùng họ cũng có mảnh bằng để loè bà con và bạn bè. Nhưng tôi đoán số lượng những người ấy không nhiều. Lý do: Họ chẳng được gì cả. Ở Tây phương, không có cơ quan nào dễ dàng bị lừa bởi những cái bằng dỏm kiểu ấy. Kể cả dân chúng cũng không dễ gì bị lừa.

.

Nhưng ở Việt Nam thì chắc là nhiều. Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16 tháng 6 năm 2010 cho biết: riêng ở tỉnh Phú Thọ, có khoảng 10 người khác cũng làm bằng tiến sĩ kiểu như ông Ân (2). Đó chỉ là trường Đại học Nam Thái Bình Dương, còn những trường dỏm khác nữa thì sao? Tổng cộng, có bao nhiêu người ghi danh và trả tiền để có được cái bằng tiến sĩ dỏm như thế? Hơn nữa, đó là ở tỉnh Phú Thọ, còn 62 tỉnh và thành phố khác nữa thì sao?

.

Hai câu hỏi không thể không đặt ra:

Một, ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người có những cái bằng dỏm như của ông Ân?

Hai, trong kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ trong mười năm tới mà cựu Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo kiêm Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mơ mộng sẽ có bao nhiêu bằng tiến sĩ dỏm như của ông Ân?

Rất khó có câu trả lời chính xác cho hai câu hỏi vừa nêu. Lý do chính là việc phát hiện những cái bằng giả và dỏm như thế hoàn toàn có tính chất ngẫu nhiên, dựa vào báo chí và giới nghiên cứu, chứ không do một cơ quan nào có đủ thẩm quyền để tiếp cận mọi nguồn thông tin một cách chính xác và toàn diện. Chúng thuộc diện “bí mật quốc gia”! Chính vì thế, ông Nguyễn Ngọc Ân tự nhận mình là người thiếu may mắn chứ không phải là người gian dối.

.

Lời biện hộ ấy nghe buồn cười nhưng lại phản ánh đúng thực tế: Nếu ông Ân không được giới thiệu là tiến sĩ trong một buổi họp có đông đảo báo giới tham dự và nếu trong giới báo chí không có người biết tỏng thực học của ông thì có lẽ ông vẫn ung dung với cái bằng tiến sĩ dỏm của mình và giới cầm quyền tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục tự hào với thành tích có những cán bộ có bằng cấp ngoại sang trọng như ông Ân!

Nên lưu ý là: thứ nhất, ông Ân học để lấy bằng tiến sĩ từ một trường dỏm như vậy đã được sự đồng ý của chính quyền Phú Thọ, hơn nữa, chính quyền Phú Thọ còn đồng ý tài trợ chi phí cho ông theo học. Ông Ân nói là ông chưa làm giấy tờ để nhận số tiền tài trợ ấy. Nhưng điều đó không thay đổi gì cả. Chưa hay đã thì cũng như nhau: Vấn đề là chính phủ đồng ý tài trợ. Thứ hai là ông Ân đã nộp bằng tiến sĩ của mình cho tỉnh để bổ sung vào lý lịch học thuật và nghiệp vụ của mình.

Chính việc liên hệ giữa tấm bằng dỏm và công việc ấy mới là vấn đề.

.

Chợt nhớ, ở Úc, mấy năm trước đây có một vụ kiện liên quan đến việc phỉ báng cá nhân. Một tờ báo tiếng Việt ở địa phương, trong một bài phiếm luận, chế diễu một người hay tham gia các sinh hoạt cộng đồng là có bằng cử nhân giả. Người ấy kiện tờ báo. Trong phiên toà kéo dài khá lâu, tờ báo nọ chứng minh được là người ấy không có bằng cử nhân như ông tự nhận. Nhưng cuối cùng toà vẫn xử người ấy thắng kiện. Lý do? Theo toà, người đàn ông tự xưng là ông Cử ấy chỉ là kẻ ba hoa chứ không phải là người lừa bịp. Ông nói cho sướng miệng. Ông không sử dụng cái bằng mà ông tượng tượng ấy để xin việc hay để thăng quan tiến chức.

.

Như vậy, ở đây chúng ta cần phân biệt một số điều.

Thứ nhất, về bằng: bằng giả khác với bằng dỏm. Bằng giả là dùng một bằng thật nào đó rồi cạo sửa để thay tên mình, trong khi bằng dỏm là bằng, về phương diện kỹ thuật, là thật, nhưng về phương diện học thuật, không có giá trị, và về phương diện pháp lý, không được công nhận.

Thứ hai, về cái “dụng” của bằng: Nếu mua cái bằng dỏm để chỉ khoe khoang chơi với anh em, bạn bè, hàng xóm thì không sao. Vấn đề, nếu có, chỉ là vấn đề tâm lý và đạo đức. Không liên quan gì đến pháp luật. Nhưng nếu sử dụng cái bằng dỏm hay giả ấy để mưu lợi thì lại khác. Ví dụ để xin dạy trong các trường học hoặc để thăng quan tiến chức như ông Nguyễn Ngọc Ân thì khác: Nó trở thành một hành động lừa bịp.

.

Luật pháp không xía vào chuyện ba hoa khoe khoang của các cá nhân. Nhưng luật pháp phải trừng phạt và ngăn chận những sự lừa bịp vì chúng có hại cho người khác và cho xã hội. Riêng trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả hoặc bằng dỏm để củng cố vị thế của mình trong guồng máy chính quyền như trường hợp của ông Ân thì còn thêm nhiều tai hại khác: về phương diện chính trị, nó làm giảm uy tín của chính quyền (nếu có); về phương diện đạo đức, nó khuyến khích hoặc ngầm khuyến khích những việc làm gian dối, không dựa trên thực học và thực tài; và về phương diện xã hội, nó làm loạn chuẩn, không còn sự phân biệt giữa cái thực và cái giả, v.v…

.

Thế nhưng, điều tôi ngạc nhiên là vụ bằng dỏm của ông Nguyễn Ngọc Ân, đến nay, chỉ được giới báo chí và giới nghiên cứu bàn tán. Còn chính quyền thì hoàn toàn im lặng.

Không ai thấy đó là vấn đề.

Hoặc họ thấy mà đành làm ngơ vì không dám phanh phui ra một đống rác khổng lồ trong đó có nhiều cán bộ cao cấp khác?

Tôi không biết. Tôi chỉ ngạc nhiên.

Và băn khoăn.

.

Chú thích:

1. “Thêm bằng chứng về bằng giả trường dỏm

2. Cuối bài “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh” trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 16/6, có câu: “Tại tỉnh Phú Thọ hiện còn có khoảng 10 người cũng được đào tạo tiến sĩ như theo kiểu của ông Ân!” Nhưng trong bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Ân hai ngày sau đó cũng trên Sài Gòn Tiếp Thị, khi được hỏi: “Ở Phú Thọ có ai học cùng ông không?” thì ông Ân lại khẳng định: “Khoảng chín, mười người gì đó, họ đều ở Hà Nội, Thái Nguyên; còn ở Phú Thọ không có ai.”

.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

No comments:

Post a Comment