Tuesday, July 6, 2010

ĐỌC SÁCH "NGÀY LONG TRỜI ĐÊM LỞ ĐẤT" (Trịnh Bình An)

Đọc “Ngày long trời, Đêm lở đất”
Trịnh Bình An

06-07-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7578

“Cải Cách Ruộng Đất”, 4 chữ này là gì mà khiến người nghe phải rùng mình sởn gáy? Thảng ai không biết, hỏi, người biết chưa chắc đủ gan trả lời. Nói chi đến kể lại.

Vậy mà Trần Thế Nhân dám kể!

.

Sách của Trần Thế Nhân . Nguồn: Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ

http://www.dcvonline.net/php/images/072010/tranthenhan.jpg

.

Trần Thế Nhân, một người đã chứng kiến, đã nghe kể, hay, chính là nạn nhân của Cải Cách Ruộng Đất? Nhưng chắc chắn Trần Thế Nhân phải là một người không thể nào quên giai đoạn lịch sử hãi hùng đến không tưởng này.

Trần Thế Nhân, một tên tác giả lạ, và truyện cũng có bối cảnh lạ, cảnh của những hồn ma. Nhân vật trong truyện là những người đã chết không chịu ăn cháo lú, đi đầu thai, nhưng thích lang thang đây đó, run rủi gặp được nhau, kể lể vơi đầy.

Lê Uyên là chị, em là Thùy Dương. Không, hai cô không là chị em như Kiều và Vân, chỉ tình cờ gặp nhau; Thùy Dương nhỏ tuổi hơn, nhận làm em. Hai ma nữ không chịu ở hẳn “bên ấy”( cõi âm), mà cứ thích dang tay thơ thẩn qua “bên này” (cõi dương). Hai cô vừa đi vừa “tám”, khi nói chuyện người, khi kể chuyện mình.

Ban đầu hai cô gặp một oan hồn, một cung nữ bị bức tử. Khi còn sống, nàng là một thiếu nữ xinh đẹp vùng sơn cước, đã từng được diễm phúc cận kề Hoàng Thượng. Nào ngờ “trong phúc có họa”, Hoàng Thượng bỗng dưng bặt tăm đúng lúc cô cấn thai. Cô sinh con trai. Niềm vui chưa trọn, tai họa bỗng dưng ập xuống: con bị cướp mất - mẹ, búa chém vào đầu. Cung nữ chết oan khốc, thành ma nhưng vẫn không ngừng tất tả tìm con.

Trong “cái đêm hôm ấy đêm gì”, dù lòng đầy bối rối lo âu, cung nữ vẫn nhớ rất rõ về Hoàng Thượng. Một người đàn ông mới trông ai cũng tưởng già hơn số tuổi 66 bởi tóc râu đã bạc trắng; đôi mắt sáng, vầng trán cao, thích hút thuốc Cẩm Lệ và, đặc biệt, thích hỏi thăm tỉ mỉ về đám cung nhân.

.

Tăng khẩu phần rau củ quả lên là đúng, Người nói, nhưng cắt giảm bớt cá thịt đi, lại còn nhét đầy thêm những rau muống, cà pháo, mắm ruốc, chao ớt là không nên. Ăn mặn quá hại gan thận, lại ảnh hưởng tới tim mạch, nước da... Người sẽ nhắc bên Bộ Lại, kiểm tra chặt chẽ công việc của các quan thái giám, ngự y về việc này.

Cũng trong đêm ấy, cung nữ khám phá Hoàng Thượng chẳng quá nghiêm trang đạo mạo, cũng loại những người thích đùa.
Khi được hỏi thăm sức khoẻ “Mặt Rồng sáng lên. Người cười sảng khoái, hai tay giang rộng trước măt. “Tốt! Tốt! Vẫn như thanh niên, còn đang trai...” Rồi Hoàng thượng lâm trận, giai phông kém ai.

Tôi chưa biết ứng xử như thế nào, Thiên Tử đã áp sát người vào ngực, vào bụng tôi... Người choàng một tay ra sau lưng tôi kéo lại phía giường...
“Cởi ra! Cởi hết ra! Nằm xuống...”
Người vừa nói vừa thở... Như đứa trẻ, tôi nhắm mắt lại, mặc kệ cho người lớn muốn làm gì thì làm.
“Cởi ra! Cởi ra... Can chi mô mà xấu hổ”.

Chuyện người cung nữ, tới nay, vẫn chưa thấy ghi trong sử sách vì “người ta giấu kín tên tuổi của nàng”.

Sau khi chia tay hồn ma đáng thương, hai cô đi tiếp. Trên đường đi cô gặp những người cùng bên, đã chết. Nào Tiến, nào Tuấn. Những người “lính Cụ Hồ”, những chàng trai “sống theo kỷ luật, tổ chức, phơi phới lý tưởng cộng sản, không dám ăn trái cấm, giữ nguyên vẹn khối linh hồn trong trắng để vác súng đi vào cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam... Đâu có hay rằng trái cấm hai mươi năm sau, cái đám người ngợm thời Đổi mới Kinh tế thị trường đã thay nhau đớp ngoạm, cắn xé điên dại hả hê...

Rời khỏi những oan hồn u uất kia, hai cô lại đi. Người đọc cũng theo, đi vào một vùng âm-dương chen kẽ trải suốt mấy chục năm, với 46 cảnh trí - 46 chương, mỗi chương có tựa khác nhau: “Hoài nghi tất cả”, “Chuyện mổ xẻ thời chiến tranh”, “Bà nội bị đấu tố rồi chết”, “Những đêm trắng”, “Ngày phán xét cuối cùng”, “Trời có mắt”…

Tuy kể những sự kiện riêng biệt nhưng các chương vẫn nối kết thành chuỗi liên tục. Đọc một chương là đọc một truyện ngắn trọn vẹn. Duy phút chót không kết, làm người đọc nôn nóng muốn biết “rồi sao nữa”, và thế là tiếp tục lật trang, tiếp tục “đi”...

Trọng tâm truyện vẫn là Cải Cách Ruộng Đất. Gia đình họ Mai, bắt đầu từ bà nội Lê Uyên, trở thành nạn nhân của những cuộc đấu tố man rợ. Bà cụ đã cứu sống một đứa bé bị vứt lay lắt bên bờ dậu rồi nuôi nấng nó như con. Nhưng khi đội Cải Cách về làng “bắt rễ, xâu chuỗi”, chú Đông, thằng bé ngày xưa, cùng vợ, tự xưng là giai cấp bần cố nông, nhẫn tâm làm kẻ đấu tố người đã từng nuôi nấng bảo bọc mình.

.

Sự chiếu cố cuối cùng của Đảng - theo đúng lời ông Hồ Chí Minh đã nói: “Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa... chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ”! . Nguồn: (3)

http://www.dcvonline.net/php/images/072010/ccrd1.jpg

.

.Họ kéo bà ra ao làng.

Vợ Cò Toe, thím Đông và cả cái Hĩm Xoa lôi bà xuống, túm tóc nhận chìm đầu một lúc dưới ao để bong bóng sủi, rồi kéo lên cho thở. Làm đi làm lại cả chục lần như thế. Họ vừa la vừa chửi, hỏi bà rằng, con mẹ Cử Hòa đã hiểu thế nào là cái khổ của nông dân bầy choa sống trong bùn lầy nước đọng chưa?

Bà nội kiệt sức chết. Mẹ Lê Uyên cũng bị đấu tố suýt chết. Gia đình bị đuổi khỏi nhà. Thế nhưng điều đau khổ nhất không phải là mất nhà mất của mà là không biết Mai Duy Vỹ, bố Lê Uyên, bị Đội bắt đi, không biết ra sao; và suốt cuộc đời dương thế, họ vẫn không biết. Chỉ đến khi ai nấy cùng chết cả, khi con ma Lê Uyên gặp con ma Mai Duy Vỹ, bố con mới có dịp khóc, kể cho nhau nghe. Kể lại những chuyện tưởng không thể nào có được trên đời.

Khi ngón tay trỏ của vợ cò Toe dí lên trán thầy làm thầy mất cân bằng loạng choạng suýt ngã ngửa, thầy vẫn ngơ ngẩn về chuyện cái lưỡi cưa nằm trong bụng thằng bé. Thầy từ tốn xin phép Đội được hỏi bà Toe xem cái lưỡi cưa ấy là lưỡi cưa gì? Bà Toe ngớ ra, nhìn lên mấy ông bà Đội để cầu cứu. Để gỡ bí nguồn cơn rắc rối, y tá Toành đang ngồi ở hàng đầu đám Quân Chủ lực vụt đứng dậy la lên:

“Cái nưỡi cưa của Pháp dùng để cưa cổ mấy ống thuốc tiêm ấy, chứ còn nưỡi cưa lào lữa! Nại còn khéo giả vờ giả vịt!

Nưỡi cưa ống tiêm thủy tinh, ló dài bằng hai đốt ngón tay, mỏng như cái ná núa... Vỹ! Mày còn chối lữa không?”

.

“Oan con lắm, Bác Hồ ơi!”
Trích lời Mai Duy Vỹ (nhân vật chính trong truyện) trước khi bị hành quyết vẫn còn tin yêu Bác Hồ!
Nguồn: (3)

http://www.dcvonline.net/php/images/072010/ccrd2.jpg

.
Cải cách Ruộng đất là thế, man rợ độc ác đến tột cùng, thô thiển ngu dốt đến cực điểm.

Hà cớ gì phải tìm cách diệt cho kỳ chết một thày thuốc trói gà không chặt như Mai Duy Vỹ, một người chỉ biết tận tụy cứu người, cứu bà con hàng xóm láng giềng?

Và tại sao những người nông dân thường ngày chất phác chỉ biết con trâu cái mạ, với thói quen lâu đời “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… thoắt cái biến thành những kẻ dám phanh thây, uống máu “quân thù” bằng những cuộc “đấu tố” oan trái: con đấu cha, vợ tố chồng, con dâu vu oan cho bố chồng, con rể giá hoạ cho mẹ vợ, bà con, hàng xóm, láng giềng đấu tố lẫn nhau…

Trang trải đó đây trong sách là lời giải đáp cho câu hỏi trên, nhưng lý do chính vẫn là chiêu bài “người cày có ruộng”.

Ông Nguyễn Minh Cần nhận xét:

Còn câu chuyện hoang đường “người cày có ruộng” hoá ra là… một “quả lừa vĩ đại” mà Đảng Cộng Sản đã cho nông dân “xơi” đến bội thực! Vì Cải cách Ruộng đất vừa xong hồi cuối năm 1956, một số nông dân vừa mới hí hửng “cắm thẻ nhận ruộng” để Đảng chụp ảnh quay phim tuyên truyền thì đến năm 1957-1958, họ đã bị Đảng lùa vào hợp tác xã để “tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”. Thế là ruộng đất của nông dân biến thành của hợp tác xã, còn người nông dân thì hoàn toàn lệ thuộc vào ban chủ nhiệm hợp tác xã, vào đảng uỷ và uỷ ban xã như những nông nô!
Đến khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà “được” Đảng chuyển thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì… chỉ bằng một câu ngắn gọn trong Điều 19 của Hiến pháp năm 1980 “Đất đai, rừng núi, sông hồ… đều thuộc sở hữu toàn dân”, Đảng đã tịch thu một cách ngon ơ toàn bộ ruộng đất của nông dân, đất đai của toàn dân! Nông dân và nhân dân bị Đảng tước đoạt quyền sở hữu về ruộng đất, nói chung về đất đai, trong nháy mắt! Thế là ước mơ ngàn đời của nông dân mãi mãi vẫn chỉ là… “ước” và “mơ”!
(1)

.

Ngoài cái bánh vẽ ruộng đất, các cán bộ cộng sản còn tìm cách thổi tự ái người nông dân cho phổng to lên, khiến cho những kẻ thường ngày tự ti vì vị thế hèn mọn bỗng thấy có cơ hội “đổi đời”, thoắt cái thành người “anh hùng Kách Mệnh”. Trước mắt những con người khốn khó đó bỗng bừng rạng một tương lai rỡ ràng.

Nhất Đội nhì Trời! Bà con nông dân được Đội phóng tay phát động, vùng lên đấu tố thì trí tưởng tượng ngày xưa có một... bà đẻ trăm trứng... có một cái nỏ chỉ cần bắn phụt một mũi tên là giết chết tới ngàn thằng địch... cũng đều trở nên nghèo nàn vô vị.

Bà con nông dân đã không nói thì thôi, chứ đã nói ra rồi thì cái gì cũng đúng cả. Đúng thôi chưa đủ, còn là Chân Lý nữa. Ông Trời nghe, dầu có lắc đầu cho rằng sai, nhưng ông Đội gật đầu bảo rằng đúng thì cuối cùng... bà con nông dân, Quân Chủ lực của Cách mạng vẫn đúng! (…)

Người mẹ tuổi đã ngoài băm, toét miệng cười rất đáng yêu. Chị đang ngập ngừng do dự thì tiếng vỗ tay rộp rôp, lời mời gọi í ới của bà con đã thúc đẩy bàn chân chị bước ra... Và người đàn ông bằng vai phải lứa, bố Hĩm hàng xóm, dẫu không là giống đực chồng, cũng bà con làng nước... đang đứng chờ kia! Đến gần rồi, cách nhau chừng nửa cái đòn gánh, họ bắt đầu nhún nhún chân, duỗi duỗi tay, cò cò tâng tâng nhảy mí đồ đồ đồ phá. Miệng họ vang ca mà con tim họ hát theo. Và Đất Trời cũng cười vui, hân hoan nhảy múa. Trên đầu họ là Thiên đường Cộng sản! Dẫu rằng còn cách xa nhưng mắt họ rõ ràng đã trông thấy. Ai cũng tin mình sẽ sống đủ trăm năm; còn hơn thế, phải quyết tâm sống muôn năm! Chẳng ai chết đi cả, chỉ có những người hy sinh để rồi sống mãi trong lòng chúng ta!

Biết dùng múa hát để dopping người thì quả là tài, cái tài của những bộ óc tinh ma quỷ quyệt hạng gộc. Chả trách người bị dopping bỗng chốc biến thành những kẻ táo tợn, tàn nhẫn, thậm chí khát máu.

Dụ dỗ, nịnh nọt, mê hoặc... từng ấy thứ như vẫn chưa đủ bảo đảm thắng lợi cuối cùng, Đảng còn bắt các “rễ con, rễ cái” phải tập dượt “kỹ năng” đấu tố thật thuần thục trước khi thực sự làm cái điều kinh tởm này ngoài sân bãi (2).

.

Người đàn bà lớn tuổi lùi lại hai bước, vỗ đít đánh bộp, đâm bổ tới trước cây chuối la lên giọng khàn đục:
- Thằng địa chủ Q. Mi có biết tao là ai không?
Rồi dừng lại, lúng túng. Ông Đội đang đứng tách riêng, cạnh cái đụn rạ gần bên, vội bước ra lắc đầu giơ tay xua xua:
- Không được! Nhỏ quá! Yếu quá! Phải thét to, gào lên làm sao cho địa chủ nó sợ chứ! Làm lại!
Người đàn bà tập lại. Một lần. Hai lần. Tới lần thứ ba ông Đội miễn cưỡng gật đầu:
- Tiếp tục! Nào bây giờ... kể khổ đi!
Người đàn bà lấy ngón tay trỏ dí vào cây chuối, la to:
- Q! Mi có biết suốt mười hai năm tao đi ở cho nhà mi, mi không hề trả công cho tao một đồng nào; mi bỏ đói tao nhiều khi như con chó... Mỗi bữa mi cho tao ăn cái chi mi còn nhớ không? Hử! Một nắm cơm khoai với mấy quả cà thâm. Cả đời tao chưa được ăn lấy một miếng “thịch”!
Có tiếng cười khúc khích trong đám người ngồi ở góc cái sân đất cách Tên-địa-chủ-phản-động-Cây-Chuối khoảng bảy tám bước chân: lực lượng quần chúng này có mặt ở đây vừa để xem vừa để ủng hộ Quân Chủ lực.
Ông Đội quay đầu lại, trợn mắt:
- Cười hả! Cười cái chi! Ai cười đó?

.

Không cười sao được, đến người đọc - khán giả bất đắc dĩ - ở ngoài cũng phải phì cười trước cảnh “Rễ Cái” chổng mông gào những câu cực kỳ ngu độn phi lý. Rải rác đó đây, người đọc lâu lâu sẽ phải gấp sách, cười khành khạch. Tại sao cười? Xin dành bạn đọc phần khám phá thú vị ấy.

Một đặc biệt khác của truyện là vẫn giữ nguyên tên thật của một số nhân vật. Ông Nguyễn Minh Cần xác nhận:

Tôi vốn là “dân” khu Bốn, có dịp qua lại, quen biết vùng được mô tả trong truyện, biết rõ các “vị” mà dân địa phương gọi là “hung thần cải cách”, như Hồ Viết Thắng, Đặn Thí, Chu Văn Biên... Ngay cả vài nạn nhân trong truyện tôi cũng đã từng nghe tên, vì tác giả giữ tên thật. Còn một số nhân vật khác tôi hơi ngờ ngợ là mình đã nghe đâu đấy, có lẽ vì lý do tế nhị nào đó tác giả đã đổi tên chút ít chăng.

.

Tế nhị ư? Viết một truyện như “Ngày long trời, Đêm lở đất” quả cần một người rất mực tế nhị. Làm sao không tế nhị khi động tới những vết thương đau xé của biết bao triệu người. Nhắc đến có chữa được lành, hay, lại làm toác ra thêm.

Với nỗi đau to lớn nhường ấy tác giả không những phải là tay viết cứng, còn cần có con mắt rộng tầm, và trái tim thương yêu. Mừng thay, tình người, điều cần thiết vô cùng để xoa dịu hàn gắn những vết thương, được thấy trang trải, xen kẽ với những dòng chữ đẫm lệ. Dù trăm đắng ngàn cay muôn uất hận, con người cuối cùng vẫn là con người!

Đó là những nông dân dù nghèo hay bị đe dọa vẫn giữ được lương tâm. Họ là những chú Lương, anh Phận, chị Tít và rất nhiều bà con khác.

Rất may, lúc ấy có anh Phận đi qua, Ngày trước, một dạo anh Phận đi ở cho nhà mình. Nhớ ơn thày mẹ nuôi cơm, cho áo, không nỡ nhắm mắt quên đi những ngày được ông bà cứu mạng, anh mới nghĩ ra kế để đuổi bọn trẻ con đi.

“Chúng bay ngu quá! Trói người mà trói không ra hồn! Làm ăn như thế hả...?” Anh Phận quát nạt, la to “Cút xéo tất cả đi! Để tao trói lại cho!”

Bọn trẻ ngơ ngác, anh lại càng làm căng. Chúng vừa tản ra, vừa đi vừa ngoái cổ lại nhìn.
Anh Phận gỡ từng nút dây thừng, tháo tung hết... rồi dẫn mẹ sang cây xoan cách một quãng gần đó, lại buộc mẹ vào... Anh trói sơ sơ, nới lỏng ra... rồi dặn mẹ: “Bà ơi, bà chịu khó quỳ ở đây một lúc, con đi báo cho Đội, rồi con dẫn bà về trụ sở...”

Mẹ bảo, nếu không có anh Phận, mẹ chết từ buổi chiều hôm đó, vĩnh biệt các con rồi!


Tình người đong đầy trong Mai Duy Vỹ, người sinh ra dường như để làm thày thuốc, người bị tra tấn và giết thảm khốc. Ông giải bày với hai trẻ:

Các con ạ, loài người ở Bên Này do đa phần không nắm được Thuyết Tương Đối, lại luôn bị nhốt tù trong Bể Khổ nên họ mỗi ngày một thêm nhỏ nhoi, tham lam, đố kị. Vì bị ép buộc sống bên nhau, lại chịu một Trời độc đoán đè nén nên càng ngày họ càng hèn hạ, càng hiểm độc tàn ác hơn. Cái mối dây ràng buộc liên hệ đó tệ hại khủng khiếp đến nỗi sang tới Bên Ấy rồi không phải ai cũng dễ dàng được Siêu thoát cả...

Những kẻ độc ác một cách hồn nhiên đó, cháu Thùy Dương ạ, hầu hết đêu mắc tội và phạm tội. Họ vừa là nạn nhân vừa là phạm nhân... Làm sao chúng ta dễ dàng thoát ra khỏi mối liên hệ ấy?

Làm sao thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đớn đau: nạn nhân-phạm nhân? Phải chăng chỉ có cái chết? Chết ! Không đói nên không tham, không đau nên không sợ, không yêu thương nên không cả hận thù.

Sau khi đã đọc say mê “Ngày long trời, Đêm lở đất”, người ta không khỏi thắc mắc: Vậy thì, Trần Thế Nhân thật ra là ai?

“Khúc dạo đầu”, u hoặc như khúc gọi hồn…

Và ai đây?
Người đứng ra kể lại câu chuyện này?
Xin thưa cùng quý bạn... Ai?
Người ấy hẳn phải là người đã chết
Chết thật rồi
mới dám nói
Và Nói Thật!

Tác giả khiêm tốn quá! Không chỉ nói sự thật, Trần Thế Nhân còn giúp đưa con người trở về tính thiện. Nếu không bắt nguồn từ tấm lòng tha thiết thương yêu của chính người chấp bút “Ngày long trời, Đêm lở đất” đã không có nổi những câu chữ sang rõ như gương, dịu lành như nước.

Trần thế hỡi, may mắn thay cho ngươi, chịu bao kềm tỏa đe dọa đằng đẵng là thế, vậy mà cuối cùng vẫn được những Trần Thế Nhân.

© DCVOnline

------------------------------------

(1) Trích “Suy Ngẫm Khi Đọc “Ngày long trời đêm lở đất” Của Trần Thế Nhân”, Nguyễn Minh Cần.
(2) “Bắt Rễ, Xâu Chuỗi”: Những kẻ nào sau khi được khêu gợi lòng căm thù mà mang tâm trạng muốn trả thù được xếp vào loại Rễ. Cán bộ dùng Rễ để giới thiệu thêm những kẻ khác cũng nghèo khổ và mang tâm trạng căm thù tạo thành xâu chuỗi một nhóm những kẻ căm thù, đồng lòng trả thù địa chủ . Nhiều thành phần bất hảo, vô đạo đức trong làng đã hưỏng ứng lời thúc dục trả thù này. Việc Rễ giới thiệu thêm người được cán bộ giới hạn chỉ vài ba người và kiểm soát kỹ để đừng lọt vào những kẻ mà sau này có thể phản đối hành động đấu tố. - Trích
target=new> Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc 1949 –1956 - Tập 2.
(3) Hình chụp của nhiếp ảnh gia Liên Xô
Dimitri Baltermants, Bắc Việt 1955. Trích “Ngày long trời đêm lở đất”, Nhà xuất bản Cành Nam2607 Military Road, Arlington, VA 22207USA; Email: canhnam@dc.net

.

.

ĐỌC SÁCH "NGÀY LONG TRỜI ĐÊM LỞ ĐẤT" (Nguyễn Minh Cần)

.

.

.

No comments:

Post a Comment