Sunday, July 4, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (5)

Những câu chuyện về dạy và học (5)

Liêu Thái

04/07/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=21882

.

Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ

Chuyện 2 – Chuyện của La

Chuyện 3 – Câu chuyện ở Huế – Thầy cô bớt đi nhà trọ đi…

Chuyện 4 – Càng dạy nhiệt tình học trò càng hỏng…

.

Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.

.

Chuyện 5 – Ở trong chuồng sớm muộn rồi cũng lậm mùi chuồng…

Người bạn vong niên – nhà thơ NLV ở nước ngoài về ghé thăm mẹ tôi và nhờ tôi đưa anh ra Đà Nẵng để thăm người em họ, anh nói rằng: “Đây là người em gái mà anh thương nhất, một cô giáo mẫu mực, dạy qua hai thời kì lịch sử, trải nhiều nỗi thăng trầm thời cuộc, mỗi khi nghĩ về cô ấy, anh không thể nguôi ngoai, đã hơn ba mươi năm anh vẫn chưa gặp lại cô… Một cô em tốt bụng…” Tôi nói anh hãy gọi điện thoại hẹn trước giờ gặp và tôi sẽ đưa anh đi uống cà phê, gặp một số bạn của tôi ở Đà Nẵng trước khi đến nhà cô. Anh đồng ý.

.

Những người bạn của tôi không đến nhưng họ giữ đúng lời hứa với tôi, giới thiệu vài người bạn đồng nghiệp giáo viên khác đến trò chuyện với tôi, vậy là tôi phải để anh V. ngồi riêng một quán khác đợi, tôi đến gặp họ. Suốt buổi cà phê gần hai giờ đồng hồ, những người này chẳng nói chuyện gì nhiều ngoài đề tài dạy hè, thu nhập, học sinh chậm trả học phí… Nghe một lúc, tôi thấy hơi hối hận vì đã gặp. Nhưng rồi lại tự an ủi mình bằng cách tập trung nghe nhạc. Một lúc sau thì người bạn tên Kha, giáo viên dạy văn của một trường cấp ba ở thành phố Đà Nẵng chuyển sang đề tài sách. Anh khen dòng văn học Hậu Hiện Đại hay, sáng tạo, trí tuệ, anh cũng khen nhóm Mở Miệng, nhà xuất bản Giấy Vụn, Cửa, Tân Hình Thức… Anh vừa nói chưa hết câu thì L. – giáo viên văn, đồng nghiệp của Kha lên tiếng bác bỏ nhận định của Kha, cô nói rằng đó không phải là văn chương, đó là thứ văn hóa đồi trụy được sinh ra từ ý thức rác rưởi của một vài băng nhóm, tổ chức mất chất, băng hoại… Kha có vẻ bực bội, hỏi: “Vậy theo cô L. thì thế nào là băng hoại, thế nào là có văn hóa?” L. trả lời: “Xin lỗi thầy Kha, tôi nghĩ là tôi không có trách nhiệm định nghĩa với thầy về điều này, thầy nên tìm các nhà triết học hoặc các nhà xã hội học để họ định nghĩa. Tôi chỉ thấy rằng đó là loại phi văn học, tôi ngửi không vô, vậy thôi!” Kha trả lời cô L.: “Tôi nghĩ mình cũng không nên nói về chuyện đó nữa, vì chúng ta không đồng cảm với nhau, khó lắm, có lẽ do tôi đọc lung tung quá nên nó lùng nhùng đủ thứ, không sáng suốt bằng cô! Xin lỗi cô!” Nghe Kha xin lỗi, L. càng bực bội vì giọng Kha có phần “điêu” chứ anh chẳng phục gì mình, L. nói: “Tôi biết anh là người đọc sách nhiều, anh có cả một tủ sách và các học trò, các bạn đã đặt anh biệt danh là ‘mọt sách lớn’, nhưng tôi thì quan niệm mình dạy học là phải làm sao cho học trò thành đạt, nó thấu tất cả kiến thức mình dạy để thi lấy mảnh bằng, để sau này ra đời còn có gạo mà nấu, chính vì vậy tôi đặt giáo trình của Bộ Giáo dục lên hàng đầu, trên cả mọi thứ.” Kha im lặng lắc đầu. L. đứng lên chào tạm biệt mọi người về trước, Kha ngồi lại cùng ba người bạn nữa, cả ba người kia đều dạy môn lịch sử trong trường cấp III nhưng họ có vẻ lép Kha, từ đầu tới cuối chỉ chú ý nghe Kha nói và gật đầu hay lắc đầu một cách kín đáo chứ không hề phản biện hoặc đưa ý kiến.

Đợi L. đi khỏi quán, Kha nói tiếp: “Có một điều kinh khủng nhất mà tôi luôn gặp hằng ngày là khi lên văn phòng trong giờ giải lao, thầy cô gặp nhau hoặc là ngồi tán chuyện ngoài đường, chuyện chợ búa hoặc nói xấu, chê bai học sinh, chê bai phụ huynh học sinh, chê bai đồng nghiệp vắng mặt, bàn tán chuyện phát tiền lương sớm muộn, tăng giảm, cao thấp, tiền bảo hiểm… Nhưng hiếm, phải nói là vô cùng hiếm khi nghe họ bàn về chuyên môn, hay ít ra thì cũng bàn về những cuốn sách mình mới sưu tầm, mới đọc được. Ai đời tôi đọc sách không bằng người ta đọc ráng mà vẫn bị chết danh là con ‘mọt sách lớn’! Chán lắm, quá chán cho cái sự dạy và đọc bây giờ!”. Kha nói đến đây thì ba người bạn dạy sử cũng nháy nhau đứng lên chào xin kiếu về trước, họ gọi nhân viên tính tiền bàn cà phê nhưng tôi và Kha ngăn lại, nói họ cứ ra về. Còn lại một mình tôi, Kha nói năng cởi mở hơn, anh nói: “Anh có biết là giáo viên dạy văn, suốt hai mươi năm đứng lớp chỉ tụng những giáo án, giáo trình của Bộ Giáo dục, ngoài ra không đọc gì thêm bao nhiêu nếu không nói là không hề đọc thêm, kinh thật, một giáo viên dạy văn, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ văn chương mà không biết gì về văn học miền Nam trước 1975, không biết Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy… là ai! Vậy mà đề tài luận án là Văn học Việt Nam cận đại, hiện đại hay gì gì đó liên quan đến văn học sử Việt Nam, khủng khiếp thật! Tiến sĩ kiểu gì vậy, một lũ kiến thức què, dạy ra một đám học trò ngu dốt! Đó là chưa nói vào nhà mấy tiến sĩ này nhìn quanh không thấy kệ sách đâu cả, luẩn quẩn mấy cuốn tạp chí quèn… và ti vi, thùng bia, rượu ngoại đầy kệ, đầy sàn nhà ra đấy, vậy đó, xứ sở này! Anh biết những thứ ấy do đâu mà có không? Của học trò, đó là ‘nước mắt học trò’, chúng phải tích cóp để học thêm, để quà biếu trong những ngày thi tốt nghiệp, trong những dịp lễ. Thử hỏi anh là một nhà giáo có lương tri, nhìn thấy vậy anh có đau không? Và anh thử đặt lại vấn đề khi mình sống trong một xã hội toàn một lũ tham lam, xấu xa, cơ hội và vô cảm, anh sẽ sống làm sao đây!…”. Trong thâm tâm tôi có chút thán phục và yêu mến người thầy giáo trực tính, khí khái này nhưng tôi thấy Kha có vẻ bốc quá, cũng hơi ngại người chung quanh khó chịu, lỡ có “kẻ để ý” thì nguy hiểm cho anh nên hẹn anh dịp khác nói chuyện tiếp, tôi phải đón người bạn đi có chút việc. Tôi tạm biệt Kha.

.

Tôi xin lỗi anh V. vì để anh đợi hơi lâu, chở anh thẳng một lèo đến nhà cô giáo em họ của anh. Lúc này cô M. (tên cô giáo em họ anh V.) đang dọn cơm, cô nói chúng tôi ngồi chơi một chút đợi hai đứa con đi dạy về cùng ăn cho vui. Khoảng chừng mười phút sau thì hai anh con trai cô về, cả hai người này đang dạy tại Đại học Đà Nẵng. Một người ba mươi ba tuổi, người kia ba mươi. Người con đầu là giảng viên kinh tế, người em đang trợ giảng môn xã hội học. Cơm nước xong, tôi chủ ý tách hai người con ra bàn ngoài ngồi nói chuyện. Được một lúc tôi xoáy vào chuyện dạy học, anh con trai thứ có vẻ cởi mở hơn, nói năng thoải mái, còn người anh thì tỏ ra trịnh trọng, nghiêm trang và khó đăm đăm.

.

Phía bàn bên, anh V. và cô em gái ngồi ôn lại thời xa xưa, chuyện đi học, đi dạy kèm để kiếm tiền ăn học, cô em gái ngồi khóc sụt sịt nhắc chuyện lúc anh V. đi bụi đời, moi từng đống rác, lượm từng gói thuốc Salem, từng hộp thịt bỏ đi rồi mang về nhà lau sạch đem ra chợ trời Đà Nẵng ngồi bán lấy tiền mua sách vở cho các em. Nhiều khi trời mưa, nhìn anh lạnh co ro ôm khư khư mấy cuốn tập cho khỏi ướt chạy từ chợ trời về phòng trọ trông như con sóc mồ côi, cô bé M. chỉ biết khóc… “Tình anh em, tình bạn bè, lòng yêu sách vở thời ấy sao mà đẹp, mà thơm tho đến vậy! Có lẽ nhờ nó thiêng liêng mà anh em mình biết hy vọng, nuôi niềm tin để làm người. Nhưng rồi…!” – cô M. dừng nửa chừng câu nói.

.

Phía bàn bên này, ba người dỏng tai lên nghe chuyện bên kia, chưa biết nói gì, tôi mớm chuyện với T. – người anh: “T. dạy trên đó thấy sinh viên bây giờ có thông minh và nhanh nhảu hơn thời tụi mình không?” T. trả lời: “Thông minh mẹ gì! Tụi nó chỉ biết quay cóp và ăn chơi, đề thì lộ như rươi. Mà chưa bao giờ mình mệt như ngày hôm nay, vì mình là thành phần cán bộ giảng dạy nòng cốt, có Đảng, được tin cậy nên mình phải cùng đi với bên công an mang đề thi đã sửa sai ra chỗ photocoppy mà in sao, sau đó niêm phong cái máy ấy lại và quay về trường. Mà ông có biết là trường mình có máy lạnh, có mọi thứ, trừ cái máy photocoppy! Thật buồn cười!” T. thở dài.

.

Phía bên bàn kia, cô M. kể chuyện khó khăn sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhắc chuyện người bạn học bị trả thù bằng cách mang lên núi bắn chết và vứt xác xuống vực. Anh V. lắc đầu, buồn rầu nói: “Sau ngày đó, mọi thứ đổ lộn lên hết, lòng thù hận, sự dã man, tính tiểu nhân, hiếu sát đều được mang ra sử dụng. Anh là một thằng cộng sản nòi, nhưng tới cái giờ phút mà người ta trưng thu nhà cửa, bắt bớ cải tạo là anh thấy có vấn đề lắm rồi, anh hiểu ra mình đã sai lầm. Chính vì vậy mà anh có ngày như hôm nay, nhưng dù sao cũng thanh thản đôi chút!” T. nghe anh V. nói vậy liền phản ứng ngay, nét mặt T. đanh lại: “Cậu nói sao vậy? Thù thì phải trả chứ, đó là qui luật lịch sử mà, con thấy vậy là hợp lý, cứ mạng đổi mạng là khoan hồng lắm rồi!” Anh V. hỏi lại: “Nhưng lúc đó con chưa ra đời, con dựa vào đâu mà nói mạng đổi mạng. Mà nếu cứ thù giết nhau như vậy thì cái gọi là giải phóng dân tộc có còn chính xác không hả con?” T. im lặng một lúc rồi nói: “Con thấy cần phải trả thù, cần phải giải phóng và giải quyết thù hận sòng phẳng!” Anh V. nói: “Con à, con là nhà giáo, nếu con nuôi lòng thù hận như vậy thì con sẽ có những bài dạy không tốt cho học trò.” T. nói ngay: “Con thấy như vậy là ok rồi, không có gì phải bàn luận, con thấy nhiều thằng đi nước ngoài, hô hào dân chủ, nhân quyền, tụi nó đâu có biết nước Mĩ cũng có nỗi bất an, sự bất công của nước đó, có biết bao nhiêu người thất nghiệp, ra đường, trong khi nước Việt Nam đang trong thời kì quá độ lên xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ có tất cả! Như chuyện quản lý công dân bằng chip điện tử rồi đây cũng sẽ có…” Anh V. im lặng, không nói thêm nửa lời nào. Lúc này xuất hiện một cô bé da trắng, mặt non choẹt đi ra từ phòng ngủ, mặc quần đùi cực ngắn, T. giới thiệu đó là học trò của T., sinh viên kinh tế năm thứ nhất, bạn gái… Anh V. hỏi: “Bạn con đây hả?”, T. gật đầu, anh V. hỏi tiếp: “Bao giờ cưới vậy con?”, T. trả lời: “Cũng chưa biết, mà cũng chưa chắc.” Cô M. giới thiệu với anh V. đó là bạn gái mới quen của T., sinh viên từ một tỉnh khác đến. Cô bé lẳng lặng xuống bếp ngồi rửa chén. Nhìn cô bé, tôi nghĩ đến rất nhiều em sinh viên Việt Nam hiện nay có lối sống như thế này, cặp bồ một thầy giáo trong trường, nếu thầy giáo đó có vợ con rồi thì sẽ thuê một phòng trọ để hẹn hò, nếu chưa thì về thẳng nhà thầy sống, phục vụ như một cô vợ, bù vào đó, thầy giáo này sẽ lo cho chỗ ăn, chỗ ở và học phí, khi ra trường [hoặc có thể chẳng bao giờ ra trường] rồi thì tính tiếp. Phần lớn là đường ai nấy đi. Lối sống vậy bây giờ đang rất thịnh hành trong các trường đại học ở Việt Nam.

.

T. chào tạm biệt mọi người và dắt chiếc Air Black ra ngõ, rồ ga mấy phát rồi vọt thẳng, T. nói là chiều nay phải coi thi tiếp buổi cuối nên không ở nhà tiếp chuyện được. Cái dáng nhỏ thó, gầy gò, con mắt hơi lộ và tròng trắng chiếm diện tích khá cao cộng với gương mặt lạnh của T. làm tôi thấy rờn rợn khi nghe anh than thở trước lúc đi làm: “Làm việc bây giờ khổ lắm, làm vậy thôi chứ chẳng biết mất việc hồi nào, mà mình cũng đã chuẩn bị rồi, đời lên voi xuống chó là bao!”. Cái điều mà tôi cảm nhận được nhiều nhất sau câu nói của anh giảng viên trẻ này là sự thấp thỏm, chán chường và không còn hy vọng vào sự ổn định của công danh, một sự hụt hẫng của tham vọng chứ không phải là nỗi trăn trở của một trí thức trước vận mệnh đất nước, trước một nền giáo dục đang mục ruỗng mà mình đang tham gia, đang góp tay. Và trong chừng mực nào đó thì chính T. cũng là một tác nhân của sự mục ruỗng này.

.

Câu chuyện tiếp tục, cô M. ngồi than phiền về những anh học trò cũ của mình giờ đã làm quan chức trong nhà nước, cô nhắc đến một anh tên H. đang là hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng: “Không hiểu sao nó lọ mọ lên làm tới hiệu trưởng giỏi thật, mà hiệu trưởng trường ngoại ngữ nữa mới lạ, ngày xưa nó là đứa học dỏm nhất lớp, vậy đó! Chuyện giáo dục thời bây giờ ấy mà, hồi chồng em bị bệnh sắp mất, tất cả học sinh cũ của em đều tới thăm, chia sẻ, chỉ riêng nó là không có mặt. Vậy mà tới khi họp mặt ngày 20 tháng 11, nó lên phát biểu đầy nước mắt rằng nó mang ơn em suốt đời, nó luôn thương và kính trọng cô giáo cũ, rồi kéo em ra chụp ảnh, quay phim, xong phát đoạn băng lên đài truyền hình, năm đó nó được bầu làm thầy giáo tiêu biểu, được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Xong việc, nó lặn mất tăm, chồng em qua đời nó cũng không đến thắp lấy nén nhang.” Anh V. chép miệng và nói: “Xã hội này mà em, nhờ nó diễn như vậy mà nó lên làm quan đó, cứ đứa nào diễn càng tốt thì càng mau thăng tiền, thăng chức! Anh từng một thời lăn lộn với bọn nó anh biết. Anh chỉ thấy người như vậy mà làm hiệu trưởng thì không còn gì phải lo nữa cho mệt, vì mất sạch rồi, nền giáo dục này rồi sẽ là đống rác.” Cô M. kể tiếp chuyện chồng cô hồi đó đau ốm như thế nào, rồi chuyện bác sĩ không có lương tri, thông báo căn bệnh của chồng cô mà nói giống như đùa khiến ông đau đớn, bỏ nhà đi, con cô tìm cả ngày mới gặp. Cô cũng than thở tại sao chồng cô là cán bộ cao cấp, cha chồng cô cũng là cán bộ cao cấp mà cô xin một miếng đất làm nhà cho đứa con cưới vợ có mà ở cũng không được, trong khi đó đất phân chia lung tung, bán đấu giá, cán bộ nhiều người được cả ba bốn lô, cô xin đi xin lại không có, ông Nguyễn Bá Thanh – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng hứa tới hứa lui, kí đơn bảo cô mang xuống phòng địa chính, ông Ít ở phòng địa chính trả lời là cô có giỏi lên chỗ cấp cao rồi thì cứ giỏi lên tiếp đi, ông không giải quyết… Nghe xong, anh V. nhìn một lượt quanh căn nhà khá rộng và bề thế của cô M. rồi hỏi: “Nhà em rộng thế này, chia cho hai đứa nó ở hai tầng, còn không thì bán đi rồi mua hai miếng đất nhỏ hơn mà xây dựng nhà chứ cần gì xin cho mệt em!” Cô M. bảo: “Vậy thì cũng được, nhưng em vẫn thích mỗi đứa có một căn nhà cho bề thế một chút. Hơn nữa cha chồng em làm cán bộ cao cấp mấy mươi năm, có đủ các bằng khen, vậy mà khi về hưu người ta thu lại căn nhà đã cấp [vốn là nhà trưng thu của sĩ quan Việt Nam Cộng hòa sau biến cố 1975 nhưng cô M. không nói ra điều này, tôi hỏi tới thì cô gật đầu xác nhận đúng như vậy – LT], lương cha chồng em mỗi tháng có năm sáu triệu đồng chứ có gì hơn đâu, sau này em kiện quá, người ta cấp cho em một miếng đất rộng chừng 70 mét vuông trên Hòa Khánh – Đà Nẵng… Như vậy thì ở sao được hả anh?” Anh V. im lặng.

.

Tôi xin phép cô M. lên lầu chụp ông cụ một tấm ảnh, cô M. đồng ý, tôi vừa bước lên khỏi tam cấp, đến lầu một thì nhìn thấy một ông cụ mình trần xương xẩu, chừng 90 tuổi, mặc quần đùi, nằm nghiêng thiêm thiếp trên một tấm chiếu trải trên sàn nhà, tôi chào ông, ông ngồi dậy chào lại tôi và nói câu gì đó nghe không rõ, tôi đỡ lưng cho ông nằm xuống lại và chụp mấy tấm hình. Ông cụ gật đầu vẻ hài lòng rồi nhắm mắt thở đều đều. Tôi chào tạm biệt ông. Sau này về nhà mở máy ảnh ra xem, tôi và anh V. không khỏi xúc động vì gương mặt gầy gò, buồn thảm và đôi mắt chán chường, ánh nhìn vô vọng của một cụ già từng có một thời cũng ngang dọc như ai này. Dường như cụ đang rất cô đơn, cô đơn lắm.

Lúc chúng tôi ra về, cô M. tiễn chúng tôi ra cửa, anh V. nói: “Sao bây giờ em nặng về chuyện đó thế hả em? Cô em ngày xưa luôn san sẻ cho người khác, thường khóc mỗi khi thấy học trò gặp cảnh ngộ khó khăn của anh đâu rồi hả em? Ở thì bao nhiêu đâu!” Cô M. im lặng không nói gì, nhưng trong mắt cô thoáng hiện một chút bực dọc, một chút buồn xa xăm nào đấy…

.

Tôi và anh V. lại tiếp tục ghé quán cà phê ngồi nói chuyện, anh buồn bã kể với tôi: “Đây là đứa em anh thương nhất, nó sống bao dung, vị tha và lãng mạn lắm, vậy mà bây giờ thay đổi chiều quá, hồi trước nó yêu một phi công Việt Nam Cộng hòa, sau này mất tích, nó buồn lắm, đến sau 1975, nó phải lấy một anh dân “nhảy núi” vì một số lý do… Cuối cùng có hai đứa con thì anh này chết vì ung thư, nó ở vậy nuôi con, nuôi cha chồng, ngày đi dạy học, chiều về chở nước thức ăn thừa của nhà hàng để nuôi heo tăng gia, sản xuất, chuyện này anh nghe đứa em trai anh kể chứ ba mươi năm nay mới gặp lại, giờ thay đổi nhiều quá, thằng con đầu nó rất giống cha, nhìn có vẻ sắc lạnh và hơi dã man… Biết nói sao bây giờ, ba mươi năm hơn! Tự dưng anh lại thương thằng T. nhiều nhất, anh thấy nó hăng say với thứ lý tưởng tai quái đó một cách mù quáng, nhưng bây giờ hết thuốc chữa rồi!” Anh ngưng nói, ngồi nhìn ra đường, mắt rơm rớm. Tôi nói: “Thôi kệ anh ơi, đó là định số, biết làm sao bây giờ?” Anh V. nhìn tôi, giận dữ: “Sao lại nói vậy được? Em cũng nói vậy à?” Tôi im lặng.

.

“Mức lương hưu cao ngất của ông cụ cán bộ hưu trí và những đòi hỏi của cô M. làm em nghĩ đến những người già không nơi nương tựa, những người trẻ thất nghiệp và những người lao động quần quật chỉ mong sao có được 50.000 đồng mỗi ngày hiện còn chiếm con số không dưới 65% ở Việt Nam. Và em nghĩ đến mối bận tâm của một nhà giáo. Ở góc độ sự ‘cống hiến’ cho công cuộc lửa đạn của người cộng sản thì nghe những đòi hỏi, bất bình của cô M. có vẻ hợp lý vì không thiếu những cán bộ chả có công lao gì trong công cuộc ấy vẫn được cấp đất, cấp nhà, ăn trên ngồi trốc, phè phỡn… Nhưng ở góc độ an sinh xã hội, tính nhân bản và lòng yêu thương của con người thì quả thật sự bất bình đó có vấn đề trầm trọng, nó phát biểu lên sự bon chen, toan tính và lòng ham cầu tư lợi hơn là ý thức, nhân bản, lòng yêu thương, sự hướng ngoại hầu san sẻ với đồng loại. Và hơn hết sự cầu tính kia lại vận vào một cô giáo từng là người thầy mẫu mực, từng là người phụ nữ đáng yêu, bao dung trước đây. Điều này do đâu mà có? Và mối bận tâm của cô M. cũng là mối bận tâm chung của đa phần các thầy cô trên đất nước này, ở đâu cũng gặp chuyện thầy cô toan tính nhà cửa, xe cộ, tiền gởi ngân hàng, đầu tư nhà đất như thế này. Chính vì vậy mà nền giáo dục trở thành bệ rạc, khủng hoảng, bế tắc… Điều này do đâu? Và nếu giải quyết thì nên bắt đầu từ đâu?” – tôi nói với anh V. như vậy trong lúc ngồi quán cà phê. Anh ngồi im lặng.

.

“Trước năm 1975, M. là con bé trong sáng và tốt bụng vô cùng, nó là đứa mê đọc sách và hay nói về thơ ca, hay bàn về chuyện giáo dục, giờ gặp lại, nó nói toàn chuyện nhà cửa, đất đai, anh thấy buồn ghê luôn. Có lẽ ở trong chuồng mãi rồi con người cũng lây mùi của chuồng em ạ! Đó là vết thương lịch sử. Tội nghiệp con bé quá!” – Anh V. đã nói vậy lúc tôi và anh ra xe, về lại Tam Kỳ – Quảng Nam. Tôi đưa anh ra bến xe buýt, tạm biệt anh và đi ngược xuống phố cổ Hội An để gặp mấy cô giáo diện hợp đồng xanh đang thấp thỏm như ngồi tên lửa từ hôm Tết đến nay bởi sự thay đổi chỉ tiêu, thay đổi chỉ thị và qui định xoành xoạch của Sở Giáo dục Quảng Nam. Có lẽ chuyện này sẽ bàn ở bài sau nữa!

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

.

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (4)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (2)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)

.

.

.

No comments:

Post a Comment