Thursday, July 29, 2010

NHÌN LẠI 15 NĂM QUAN HỆ CỘNG SẢN VIỆT NAM và HOA KỲ

Nhìn lại 15 năm quan hệ Cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ

Lý Thái Hùng

Cập nhật ngày: 29/07/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article10028

.

Bang giao trong bối cảnh khó khăn

15 năm trước đây, thiết lập bang giao với Hoa Kỳ đã là một vấn đề sinh tử đối với Hà Nội, tạo sự tranh luận gay gắt giữa các phe quyền lực trong đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1985, do những khủng hoảng trầm trọng trong nước, Liên Xô đã không còn khả năng chi viện nên buộc các nước chư hầu phải tự cứu bằng cách mở cửa giao thương với phương Tây. Lúc đó, Cộng sản Việt Nam đang bị thế giới bao vây kinh tế và phong tỏa ngoại giao, do áp dụng chính sách khủng bố trong nước và xâm lăng Lào, Cam Bốt. Để tự cứu và để tháo gỡ tình trạng cô lập của thế giới nói chung, Cộng sản Việt Nam đã phải đi hai nước cờ song song. Một mặt đơn phương “rút quân” ra khỏi Cam Bốt để Liên Hiệp Quốc bước vào xứ Chùa Tháp giải quyết vấn đề hòa bình trực tiếp với các phe liên hệ. Mặt khác tung ra chính sách ngoại giao “muốn làm bạn với thế giới” để đến gần với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, hầu tháo gỡ sự cô lập và vận động đầu tư thương mại.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đã là những năm khốn đốn nhất cho Cộng sản Việt Nam khi mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Hà Nội vừa phải hạ mình khấu đầu Bắc Kinh (Hội Nghị Thành Đô giữa các ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười với Giang Trạch Dân và Lý Bằng vào tháng 10 năm 1990) để tìm chỗ dựa mới trong lúc khối Cộng sản Liên Xô tan rã. Song song, phải xuống nước cầu hòa với năm quốc gia ASEAN (Chuyến đi cầu hòa của ông Võ Văn Kiệt tại Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba vào cuối năm 1991 và đầu năm 1992) để tìm cách gia nhập vào khối này. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn bị Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây phong tỏa kinh tế. Nếu không tháo gỡ được sự phong tỏa này, Cộng sản Việt Nam sẽ gặp nguy khốn vì nền kinh tế đang bị khủng hoảng trầm trọng với nạn lạm phát phi mã. Mãi cho đến mùa Thu năm 1993, khi Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng ngoại giao Cộng sản Việt Nam vào lúc đó tuyên bố là Hà Nội sẵn sàng thiết lập bang giao vô điều kiện với Hoa Thịnh Đốn, và nhất là nhờ sự “nói vào” của ASEAN, Hoa Kỳ đã bỏ cấm vận Cộng sản Việt Nam năm 1994 và tiến đến những thảo luận để thiết lập bang giao chính thức vào ngày 12 tháng 7 năm 1995.

.

Hà Nội hưởng nhiều điều lợi trong bang giao

Suốt 15 năm qua, mối quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn không bình thường.

Mặc dù mối quan hệ song phương giữa hai cựu thù phát triển khá nhanh trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng hai phía đã chưa hoàn toàn tháo gỡ những “rào cản” tự thân. Vì những nghi ngại do thiếu hiểu biết về hệ thống chính trị Hoa Kỳ, và nhất là sợ Bắc Kinh khó chịu nếu đi gần với Mỹ, lãnh đạo Hà Nội luôn luôn e dè khi trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược với Hoa Thịnh Đốn. Trong khi đó, do nhiều bận tâm đối phó ở những khu vực khác, nhất là tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo ở Trung Đông, Hoa Kỳ đã đặt Cộng sản Việt Nam ở vị trí thấp và không coi quan trọng bằng sự quan hệ đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn và một vài quốc gia khác trong khối ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình.

Ngoài những đợt thăm viếng lẫn nhau giữa các lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush đến Việt Nam năm 2000 và 2006, các ông Phan Văn Khải đến Mỹ năm 2005, Nguyễn Minh Triết năm 2007 và Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và 2009, Hoa Kỳ đã có nhiều ưu đãi về kinh tế, thương mại đầu tư đối với Cộng sản Việt Nam. Từ một nước nhập siêu (mua nhiều hơn bán ra) với Hoa Kỳ (cỡ 100 triệu Mỹ Kim vào thời điểm năm 1995), Cộng sản Việt Nam đang trở thành nước xuất siêu với Hoa Kỳ kéo dài liên tục từ năm 2001 đến nay, sau khi hai phía ký Thương ước vào cuối năm 2000. Nghĩa là hiện nay, Cộng sản Việt Nam xuất cảng hàng sang Hoa Kỳ nhiều hơn là nhập hàng hóa từ Hoa Kỳ, với kim ngạch lên đến non 11 tỷ Mỹ Kim (2009). Trong khi đó, Cộng sản Việt Nam bị nhập siêu từ Trung Quốc kéo dài liên tục từ năm 1991 cho đến nay, với kim ngạch nhập siêu lên đến 15 tỷ Mỹ Kim (2009). Ngoài ra, Hoa Kỳ hiện cũng là quốc gia có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2009, Hoa Kỳ có tất cả 506 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 15 tỷ Mỹ kim. Trong năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam.

Về viện trợ ODA, Hoa Kỳ cũng đã dành cho Hà Nội một ngân khoản rất lớn và tăng liên tục hàng năm. Trong những năm gần đây, số tiền ODA vượt trên 100 triệu Mỹ kim/năm. Đặc biệt năm 2009, dù gặp khó khăn tài chánh, ODA của Hoa Kỳ cho Hà Nội là 138,18 triệu Mỹ Kim. Cùng với ODA, Hà Nội còn được cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), các Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động, Bộ giáo dục, Bộ Y tế viện trợ một số chương trình như phòng chống cúm gia cầm, phòng chống bệnh Liệt kháng (HIV/AIDS), cải thiện việc quản lý môi trường đô thị và công nghiệp, và nhất là cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là từ tháng 6 năm 2008, Hoa Kỳ đã ký với Cộng sản Việt Nam một Hiệp ước hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật nhằm giúp Hà Nội tạo ra khung pháp lý để thực hiện các dự án ODA của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Ngoài những hỗ trợ rất thực tế của Hoa Kỳ dành cho Hà Nội nói trên, Hoa Thịnh Đốn đã không phản đối hay cản trở Cộng sản Việt Nam tham gia vào các diễn đàn quốc tế, và nhờ vậy mà Hà Nội đã có một vai trò khá nổi trên mặt quốc tế trong vòng 5 năm trở lại đây, như đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 16 (2007); gia nhập WTO (2008); Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (2008-2009); Chủ tịch Hiệp hội ASEAN (2010). Sắp tới đây, Hà Nội có thể sẽ còn nhận thêm một số hỗ trợ khác có lợi cho mặt phát triển kinh tế, như chế độ ưu đãi phổ cập về thuế quan (GSP), Hiệp định về đầu tư (BIT), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu như Hà Nội nhanh chóng cải thiện cơ chế kinh tế, mậu dịch và luật lệ lao động lẫn nhân quyền.

Có thể nói quan hệ kinh tế thương mại giữa Cộng sản Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, Cộng sản Việt Nam đã hưởng rất nhiều ưu đãi từ Hoa Kỳ, nhưng tất cả khoản tiền xuất siêu với Hoa Kỳ Hà Nội đã phải chi trả để nhập hàng hóa từ Trung Quốc. Việt Nam hiện là thị trường xuất cảng quan trọng của Trung Quốc ở trong vùng.

.

Hoa Kỳ vẫn không bỏ cuộc tranh thủ

Với mối quan hệ được Cộng sản Việt Nam đánh giá là “hữu nghị và ổn định” trong 15 năm qua, đáng lý ra Hà Nội sẽ phải ở vị trí cao hơn và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ; nhưng trong thực tế Cộng sản Việt Nam lại ở vị trí thấp thua xa Nam Dương, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Thái Lan trong các quan hệ với Mỹ. Qua lộ đồ bang giao Việt - Mỹ từ thời Tổng thống Bush Cha đưa ra vào năm 1991 cho đến nay, có thể nói là Hoa Kỳ mong muốn Hà Nội đổi mới kinh tế song song với cải cách chính trị nhằm thiết lập một thể chế dân chủ và tự do tại Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn muốn tiến đến những hợp tác chiến lược với Hà Nội trên các mặt an ninh quốc phòng trong vùng Đông Dương. Từ ba năm qua, Hoa Kỳ luôn luôn thúc đẩy Hà Nội thảo luận nhằm tiến đến mối quan hệ gắn bó hơn - “đối tác chiến lược”, nhưng Cộng sản Việt Nam cố tình tránh né và chỉ chấp thuận trao đổi ở cấp thấp, ví dụ như cho một số tàu chiến Hoa Kỳ ghé vào cảng Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng...

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, chính hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam dựa quá nhiều vào Trung Quốc nên từ đó họ phải đặt khoảng cách với Hoa Kỳ. Đa số lãnh đạo Hà Nội chỉ muốn khai thác “thương mại’ và “đầu tư” từ Hoa Kỳ, nhưng không muốn phát triển mối quan hệ thành đối tác chiến lược, vì cho đến nay Hà Nội không tin Hoa Kỳ và vẫn coi Hoa Kỳ là thế lực nguy hiểm cho sự cầm quyền của họ. Tuy nhiên trong vài năm qua, suy nghĩ trong giới lãnh đạo Hà Nội về mối quan hệ với Hoa Kỳ đã có những dấu hiệu cởi mở hơn so với 15 năm trước đây. Một thiểu số lãnh đạo, đặc biệt là giới sĩ quan trẻ trong quân đội đã nhìn thấy hiểm họa bá quyền của Trung Quốc, nên đã muốn tiếp cận nhiều hơn với Hoa Kỳ và các quốc gia khác để tìm thế trung hòa với các ảnh hưởng của Trung Quốc.

Gần đây, Cộng sản Việt Nam thường xuyên lên tiếng phản bác Trung Quốc về vấn đề biển Đông, cho thành lập ban chỉ huy Vùng hai Duyên hải để đối phó với những xâm phạm của “tàu lạ” trên vùng đảo Trường sa, và nhất là mua vũ khí và quân cụ của Nga, Do Thái, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại để tân trang quân đội. Những sự kiện này đã biểu hiện một điều mà ai cũng thấy rõ là xu hướng “chống các áp lực Trung Quốc” đang nhen nhúm trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội, dẫn đến nhu cầu phải tân trang vũ khí để tự vệ. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa là xu hướng “chống các áp lực Trung Quốc” nói trên đang đi gần với Mỹ hay các nước Phương Tây; vì cho đến nay, do sự thiếu hiểu biết về nước Mỹ và nhất là không hiểu vì sao Hoa Kỳ đề cao các giá trị nhân quyền, tự do dân chủ, nên họ đã cho đó là “can thiệp vào nội bộ” hay “tạo diễn biến hòa bình” tại Việt Nam.

Tuy không hài lòng về sự thiếu “tích cực” của Hà Nội trong các quan hệ về an ninh chiến lược, nhưng Hoa Kỳ đã không bỏ cuộc. Từ ngày Tổng thống Obama lên cầm quyền, Hoa Kỳ chú trọng hơn đến Đông Nam Á nói chung và Đông Duơng nói riêng. Sau khi tung ra tín hiệu “quyết tâm trở lại vùng Đông Nam Á”, cụ thể là ký Hiệp ước bất tương xâm với ASEAN vào tháng 7 năm ngoái, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đẩy mạnh các quan hệ hợp tác với các quốc gia ASEAN trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế. Đặc biệt là bà Hillary Clinton đã đưa ra “Sáng kiến về vùng Hạ nguồn sông Mêkong” để liên kết trực tiếp với 4 nước Lào, Cam Bốt, Cộng sản Việt Nam, Thái Lan với Hoa Kỳ trong những dự án phát triển vùng này.

Trong nỗ lực vừa kể, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ từ năm 1955, Hoa Kỳ đã tiếp đón Bộ trưởng ngoại giao Lào một cách trang trọng vào ngày 13 tháng 7 tại Hoa Thịnh Đốn. Đối với Cam Bốt vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ và Cam Bốt đã cùng chủ tọa lễ khai mạc cuộc tập trận quốc tế duy trì hòa bình mang tên Angkor Sentinel trên lãnh thổ xứ Chùa với sự tham dự của non 1000 binh sĩ đến từ 23 quốc gia. Những nỗ lực tiếp cận Lào và Cam Bốt trong chính sách đối ngoại hiện nay của bà Hillary Clinton, cho thấy là Hoa Thịnh Đốn không chỉ muốn tạo sự gần gũi hơn với Đông Dương mà còn qua đó tạo ảnh hưởng lên Lào và Cam Bốt, vốn là nơi đang chịu nhiều sự chi phối của Bắc Kinh.

Trong tài liệu “Điều chỉnh chiến lược quốc phòng định kỳ 4 năm một lần của Hoa Kỳ” (Quardriennual Defence Review) công bố vào tháng 2 năm 2010, Hoa Kỳ đã coi Nam Dương, Mã Lai, Cộng sản Việt Nam là những đối tác tiềm tàng về mặt an ninh của Hoa Kỳ. Nhiều người cho rằng việc Hoa Kỳ đặt ba quốc gia Nam Dương, Mã Lai, Cộng sản Việt Nam làm đối tác chiến lược quan trọng vì muốn tạo thế liên minh đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển Đông. Điều này cho thấy là sau 15 năm quan hệ, Hoa Kỳ không ngừng tranh thủ Cộng sản Việt Nam trên mặt an ninh chiến lược.

.

Liệu Hà Nội tiến gần Mỹ?

Đánh dấu 15 năm quan hệ, Hà Nội đã tổ chức liên tục 4 buổi lễ kỷ niệm trong tháng 7. Một ở Hà Nội và 3 ở Hoa Thịnh Đốn, Houston và Nữu Ước, nơi mà Cộng sản Việt Nam đặt trụ sở ngoại giao. Đây là sự kiện khá bất thường do cách ứng xử “thiếu cởi mở” của Cộng sản Việt Nam đối với Mỹ trong nhiều năm qua. Sự kiện này xảy ra trong lúc nhiều giới chức của Hoa Kỳ có những phát biểu đề cao vai trò của Cộng sản Việt Nam trong sự đối phó với các áp lực của Trung Quốc trên biển Đông. Tại Diễn Đàn “Đối Thoại Shangri La” Tân Gia Ba hôm mồng 5 tháng 6, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã công khai tố cáo Trung Quốc đang “cản trở tự do thông thương” trên biển Đông cũng như áp lực những công ty khai thác dầu của Hoa Kỳ ngưng cộng tác với Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố rằng chính quyền Obama coi trọng mối quan hệ chiến lược với Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới. Những phát biểu này đã khiến cho dư luận cho rằng hợp tác giữa Hoa Kỳ và Cộng sản Viêt Nam đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Liệu Hà Nội có đang tiến gần lại với Mỹ?

Tại diễn đàn an ninh khu vực Đông Nam Á hôm 23 tháng 7 vừa qua ở Hà Nội, bà Hillary Clinton lần đầu tiên đã lên tiếng khá mạnh về biển Đông, một vấn đề mà Hoa Kỳ thường ít khi công khai phát biểu tại những hội nghị khu vực vì không muốn đóng vai trò đối trọng với Bắc Kinh. Lần này, bà Clinton đã nói rằng vì quyền lợi của quốc gia, Hoa Kỳ mong muốn thấy các nước liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở Hoàng sa và Trường sa phải giải quyết với nhau bằng đường lối ôn hòa, tôn trọng các điều khoản ghi trong công ước về Biển và lãnh hải của Liên Hiệp Quốc. Bà cũng lập lại quan điểm của Hoa Kỳ là không ủng hộ bất kỳ tuyên bố chủ quyền các quần đảo này của bất cứ quốc gia nào; nhưng nhấn mạnh khu vực Á Châu Thái Bình Dương liên kết với nhau bằng đường biển, do đó hoà bình và an ninh trên biển cũng như an toàn hàng hải là điều quan trọng. Bà cam kết rằng: Với mục đích hợp tác nhắm vào lợi ích chung, Hoa Kỳ quyết tâm giúp các nước ASEAN tiếp tục vững mạnh và duy trì nền độc lập, và mỗi quốc gia trong khối sẽ hưởng được hòa bình, ổn định, thịnh vượng cùng nhân quyền theo tiêu chuẩn chung nhất.

Những phát biểu của bà Hillary Clinton cho thấy là Hoa Kỳ đang hướng quan tâm về biển Đông và coi sự bành trướng của Trung Quốc hiện nay là điều quan ngại phải đối phó. Những phát biểu của bà chắc chắn đang làm cho Trung Quốc khó chịu và có thể dẫn đến một số những lên tiếng chỉ trích qua lại giữa hai phía; nhưng đồng thời sẽ mở đường cho những hợp tác mới giữa Hoa Kỳ và ASEAN, trong đó có Cộng sản Việt Nam. Trong vài năm qua, vì nhiều lý do, Trung Quốc càng ngày càng bành trướng lực lượng xuống biển Đông với những cuộc tập trận mang tính thách đố Hoa Kỳ. Đầu năm 2010, Trung Quốc lên tiếng chính thức rằng biển Đông là vùng quyền lợi thiết thân của họ, ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.

Nếu Hoa Kỳ tiếp tục im lặng, chắc chắn Trung Quốc sẽ làm tới và những quốc gia trong vùng sẽ coi Mỹ là “cọp giấy”. Hoa Kỳ tuy không muốn ở vào thế đối trọng với Bắc Kinh vào lúc này, nhưng nếu để Trung Quốc làm tới không những Hoa Kỳ bị mất tư thế tại vùng Á Châu Thái Bình Dương mà còn khiến cho những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và các nước ASEAN lo sợ và phải nghiêng về phía Trung Quốc. Do đó, việc bà Clinton có những tuyên bố mạnh mẽ về biển Đông và cam kết ủng hộ ASEAN giữ ổn định trong vùng, chính là để giúp cho nước Mỹ lấy lại “tư thế” tại vùng Á Châu Thái Bình Dương, đồng thời cho các nước ASEAN thấy rằng, muốn đối đầu với Bắc Kinh về biển Đông phải là một khối.

Tuy không nói bạch văn, nhưng rõ ràng là bà Hillary Clinton muốn nhắn với hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam rằng, chủ quyền trên Biển Đông còn hay mất là ở sự cộng tác và liên kết trách nhiệm giữa các các quốc gia trong vùng ASEAN. Nếu Hà Nội tiếp tục bám lấy Trung Quốc thì sẽ bị những sức ép của Bắc Kinh như hiện nay. Ngược lại, nếu Hà Nội hợp tác và đi theo các nước trong khối ASEAN, qua sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, thì Hà Nội sẽ phải đặt vấn đề chủ quyền các đảo mạnh mẽ hơn và đẩy Trung Quốc vào bàn hội nghị đa phương để giải quyết các xung đột rốt ráo hơn là hiện nay. Những diễn biến nói trên, đang đẩy lãnh đạo Hà Nội ở vào thế khó xử. Đối đầu với Bắc Kinh thì chế độ không chỉ phải hứng chịu những xung đột quân sự trên biển, mà chính bộ phận lãnh đạo sẽ bị phân hóa vì bàn tay khuynh loát của Bắc Kinh. Xa lánh các đề nghị của Mỹ, im lặng và giữ thái độ yếu kém như hiện nay thì lãnh đạo Hà Nội cũng không thể yên thân trước làn sóng chống Bắc Kinh của người dân - qua phong trào kẻ khẩu hiệu HS.TS.VN và những tiếng nói phẫn nộ đang nổi lên ở trong nước.

Tóm lại, sau 15 năm quan hệ, Cộng sản Việt Nam khó có thể tiếp tục đường lối “lấy tiền của Hoa Kỳ” (xuất siêu) để “đắp vào lỗ hổng Trung Quốc” (nhập siêu), mà phải tìm một hướng phát triển khác nếu không thì có ngày sẽ phá sản. Cộng sản Việt Nam cũng không thể quay mặt trước những đề nghị hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề biển Đông vì nó có lợi cho Việt Nam và đáp ứng nhu cầu chung của ASEAN. Đặc biệt hơn nữa là với chính sách tích cực hội nhập vào khối ASEAN, như bà Hillary Clinton đã nhắc lại lời cam kết trong Hội nghị Diễn đàn khu vực tại Hà Nội vừa qua, cho thấy là Hoa Kỳ sẽ không thụ động như 15 năm qua, mà sẽ tích cực tham dự, phát biểu và đề xướng những sáng kiến bảo vệ biển Đông.

Khi Hoa Kỳ tích cực trở lại tại diễn đàn ASEAN, gián tiếp cho thấy là Hoa Kỳ không muốn một mình Bắc Kinh tiếp tục thao túng ở đây. Điều này sẽ ảnh hưởng lên nội bộ Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khi mà xu hướng “chống áp lực Trung Quốc” đang nhen nhúm trong nội bộ đảng gần đây.

Lý Thái Hùng
Ngày 29/7/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment