Tuesday, July 6, 2010

KẾ SÁCH CỦA ĐẢNG CSVN : ÁN BINH TRƯỚC, BẤT ĐỘNG SAU

Kế sách của Đảng là án binh trước bất động sau

Phong Uyên

06/07/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=22043

Khác với bầu không khí những tháng trước Đại hội X, mọi người có vẻ lãnh đạm trước viễn cảnh Đại hội XI đầu năm tới. Có lẽ vì chẳng ai hi vọng có sự thay đổi gì ngoài những đổi chác chức quyền, chia nhau đầu mối làm tiền giữa các bè phái trong Đảng với nhau. Nhưng ĐCSVN cũng vẫn nghi ngại tinh thần yêu nước của người dân Việt không chịu được sự lộng hành của Trung Quốc có thể phút chót tạo ra một lực lượng đòi Đảng phải tỏ ra bớt nhu nhược hơn, nên từ hơn một năm nay, nấp sau những văn kiện có tính cách dọa dẫm, phái thân Tàu trong Đảng đưa ra kế sách: Án binh đàn áp trước, tiếp tục bất động sau. Đàn áp là dùng những thủ đoạn tin tặc phá hoại truyền thông, dùng pháp luật vu cáo, bỏ tù, triệt tiêu mọi chống đối đến từ những trí thức trẻ trong nước do chính chế độ đào tạo.

Trước sự tình như vậy, trên talawas có một số bài viết đưa ra những lí do vì sao mà cả nước không có một thành phần nào trong dân chúng có đủ khả năng hay đủ ý chí đòi trong chính quyền và ngoài xã hội phải có sự thay đổi. Tôi xin góp ý kiến với 3 vị thức giả là các ông Hà Sĩ Phu, Trương Nhân Tuấn, Hoàng Giang về những lí do nêu lên. Sau đó tôi xin đưa ra một vài nhận định.

.

Ông Hà Sĩ Phu cho rằng nếu chỉ đòi hỏi dân chủ là mắc vào cạm bẫy. Phải bắt đầu bằng tự do hiến định.

Cách đây hơn một năm, ông Hà Sĩ Phu dựa vào một cuốn sách của nhà báo Mỹ Fareed Zakaria, cho là phải giành được những quyền tự nhiên, bất khả nhượng gọi là tự do hiến định (constitutional liberalism) hay tự do dân sự, trước khi đòi hỏi dân chủ ở nơi chính quyền. Làm ngược lại, dân chủ sẽ chỉ là “tự do chính trị… không có gốc, nó dễ dàng trở thành phản bội”. Ông Hà Sĩ Phu có ý nói là ĐCSVN có thể giăng cái bẫy dân chủ và dân tộc Việt Nam rơi vào, sẽ có một chế độ dân chủ phi tự do (illiberal democracy) giống như chế độ của dân Bélarus, Pakistan, Palestine... hiện giờ. Tôi xin nói cho rõ là những quyền “tự do dân sự” (droits civiques) trong Hiến pháp Mỹ gồm những quyền tự do cá nhân (libertés individuelles) được Hiến pháp bảo đảm cho mỗi công dân nên được gọi là “tự do hiến định”. Những quyền này được cóp nguyên si từ Hiến pháp Mỹ, vẫn nằm chình ình trong mọi hiến pháp của Việt Nam từ 1946, nhưng bị Điều 4 (“Đảng lãnh đạo”) bóp chết, chỉ còn là những thây ma được hoá trang. Muốn tái phục nó chỉ cần bỏ Điều 4 Hiến pháp. Tôi cũng thấy ông Hà Sĩ Phu hiểu sai nghĩa “tự do” trong tự do hiến định: “tự do” ở đây không có nghĩa là Freedom mà là chủ nghĩa tự do (Liberalism). Đây là một chủ nghĩa đặc biệt của Mỹ bắt nguồn từ thời Mỹ lập quốc, thường được biết dưới tên Liberal Democracy, không phải là “Tự do-Dân chủ” mà là Dân chủ Khai phóng: Thể chế dân chủ phải thích ứng với tự do kinh doanh trong một thị trường tự do. Nói tóm lại, là tự do cạnh tranh, tự do sinh lợi. Nhà nước không can thiệp vào đời sống kinh tế của các tầng lớp trong xã hội, để mặc các hội đoàn đại diện mỗi tầng lớp tự do thương lượng với nhau để tự bảo vệ quyền lợi mình. Sở dĩ người Mỹ coi trọng “tự do” theo nghĩa này là vì luôn luôn giữ truyền thống của những người di dân đầu tiên: Đặt chân lên đất Mỹ mọi người đều bình đẳng với hai bàn tay trắng. Người nào làm ra tiền là được thán phục chứ không hề tạo ra ghen tị, gây ra chiến tranh giai cấp. Đó cũng là cái khác biệt với Dân chủ-Xã hội ở Tây Âu mà người sáng lập là Engels. Trong chế độ Dân chủ-Xã hội, Quốc hội đặt luật lệ bảo vệ tầng lớp thua kém trong xã hội. Nhà nước đánh thuế cao người có nhiều lợi tức, phân phối, trợ cấp, người ít lợi tức. Nhà nước đứng làm trọng tài trong các cuộc tranh chấp giữa chủ và nghiệp đoàn của những người làm công. Mục đích của Dân chủ-Xã hội là công bằng xã hội. Chủ nghĩa tự do kinh tế đã tạo ra chênh lệch giầu nghèo rất lớn ở Mỹ và cũng là chủ nghĩa đã giúp Mỹ ngự trị thị trường kinh tế thế giới. Đó là một thứ chủ nghĩa tự do toàn cầu hoá, thả “con cáo vào chuồng gà”, của hai siêu cường G2 Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Tất nhiên là cái chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ này không phải là cái người dân ước ao. Trong giai đoạn này, cái phải đòi hỏi là cái “tối thiểu tự do dân chủ”: Tối thiểu tự do là có được 1-2 tờ báo độc lập dám phanh phui tố cáo những đầu dây tham những, một vài websites đưa ra ý kiến độc lập mà không bị tường lửa, tin tặc ngăn chặn. Tối thiểu dân chủ không đòi hỏi “đa đảng” mà chỉ xin có được đa nguyên trong Quốc hội để có được một nhóm người đích thực là đại diện nhân dân dám chất vấn, giám sát chính quyền.

Tôi thấy cũng đừng nên quá nghe lập luận của báo chí bảo thủ Mỹ, chịu ảnh hưởng của lobby Do Thái coi dân tộc Palestine đang tranh đấu để có đất sống là không có ý thức dân chủ vì đã bầu cho bọn “khủng bố” Hamas, đáng bị phong toả để cho chết đói, đáng ăn bom đạn của Israel, giết 1500 người dân Gaza để trả thù cho 13 người Israel bị pháo kích chết. Trái lại tôi hoàn toàn đồng ý với ông Hà Sĩ Phu là nước Nga, nước Belarus… mang tiếng đã thoát khỏi cộng sản, trở thành những nước dân chủ phi tự do như Zakaria định nghĩa, nhưng thật ra vẫn giữ nề nếp cộng sản cộng thêm với chủ nghĩa “khai phóng” nhập cảng từ Mỹ.

.

Ông Trương Nhân Tuấn cho là trí thức Việt Nam từ trước tới nay chỉ biết phục vụ bất cứ chính quyền nào, nên chỉ còn hi vọng vào một tầng lớp trí thức trẻ Việt Nam đang thành hình.

Ông Trương Nhân Tuấn cho là trí thức được đào tạo thời Pháp thuộc, trí thức miền Nam khi trước, cũng như kẻ sĩ Nho giáo ngày xưa không bao giờ dám phản đối chính quyền kể cả chính quyền ngoại bang, nên không đóng một vai trò gì trong sự hướng dẫn quần chúng về chính trị, văn hoá và xã hội từ trước tới nay cả.

Ông bắt đầu bằng đưa ra những nhận xét rất đúng là có hai loại trí thức Việt Nam (cộng sản) hiện nay: Một loại “chỉ là kết quả của sự giao hợp bất chính giữa phe đảng quyền lợi – quyền lực… có bằng cấp rất cao, có nhà lầu xe hơi đắt tiền…”. Một loại thuộc thế giới blogger Việt Nam: “Tôi (TNT) lạc quan nhận xét rằng có một tầng lớp trí thức trẻ Việt Nam đang thành hình một cách rất nhanh chóng… Với văn hoá và lề lối sinh hoạt dân sự trong các xã hội các nước dân chủ tự do… chắc chắn lớp năng động này sẽ dấn thân hướng dẫn dư luận làm thay đổi tổ chức xã hội Việt Nam”.

Tôi thì khó mà lạc quan như ông Trương Nhân Tuấn. Làm sao thay đổi tổ chức xã hội nghĩa là thay đổi thể chế chính trị được? Tầng lớp trí thức trẻ chỉ mới mở miệng đã bị đàn áp, bỏ tù như luật sư Lê Công Định, như ký giả Điếu Cày… làm sao mà không bị tầng lớp trí thức “lề phải”, “trí thức của “cơ chế”, của Đảng, được công an tiếp sức, bóp chết? Trung tướng Vũ Hải Triều khoe đã triệt tiêu 300 truyền thông mạng thì những sợi dây thòng lọng trên cổ những blogger còn lại bị thắt lại mấy hồi?

Vả lại trong thế giới blogger có đủ hạng người tuổi tác khác nhau và không nhất thiết toàn là người trí thức. Đó là những người dũng cảm dám mở miệng chống đối. Nhưng muốn thay đổi chính trị phải có những ý kiến có thể kết hợp với nhau để đưa sự thay đổi theo chiều hướng nào. Đó là công việc của những think tank như IDS mà số phận ra sao mọi người đều biết.

Tôi cũng thấy ông Trương Nhân Tuấn bất công khi nói về những thành phần trí thức Việt Nam được Tây đào tạo. Trước hết tôi xin nhắc lại là thời gian Việt Nam hoàn toàn thuộc Pháp chỉ bắt đầu từ 1884 đến 1945, khoảng 60 năm, còn ngắn hơn thời gian ĐCSVN cầm quyền tại Việt Nam từ tháng Tám 1945 tới giờ, đúng 65 năm. Số trí thức được Tây đào tạo chỉ bắt đầu ở những năm 20 đến 45, nghĩa là khoảng 25 năm, còn ngắn hơn từ Đổi mới tới giờ. Cụ Hoàng Tụy đã phải đặt câu hỏi “tại sao trong hơn 80 năm (kể từ 1930 thành lập ĐCSVN) chưa có thế hệ trí thức nào vượt qua được về tài năng, trí tuệ và cả phẩm chất, nhân cách thế hệ trí thức những năm 30-45 (thuộc Pháp) thế kỷ trước”. Tất nhiên là cụ Hoàng Tụy cũng nằm trong thế hệ 30-45 do Tây đào tạo.

Thử coi những thành phần “Tây học” đã làm được gì cho xã hội và cho đất nước:

Nhờ chế độ thuộc điạ rộng rãi hơn chế độ bảo hộ, ở Sài Gòn có những tờ báo, tiếng Việt, tiếng Pháp, thẳng cánh đả kích chính sách thực dân với sự tiếp sức của nhiều người Pháp từ “mẫu quốc” qua như André Malraux, Dorgelès… Những người Tây học miền Nam như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường là những người đem lí thuyết marxist chính cống vào Việt Nam chứ chắc chắn không phải là “nhà lí luận” số 1, Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều hay “Anh Cả” Trường Chinh, với học lực lớp 8, lớp 9, đã đầu độc, cưỡng ép dân tộc Việt phải học những giáo điều stalinist, maoist gọi là chủ nghĩa Mác-Lê cho tới bây giờ. Ai là người đã ra lệnh thủ tiêu những người trí thức cộng sản đích thực này? ĐCSVN mà có được những lãnh tụ trí thức như những người này thì sau 75 chế độ đã theo hướng Engels đi vào con đường Dân chủ-Xã hội từ lâu rồi.

Làm sao quên được chỉ trong khoảng 25 năm từ 1920 tới 1945 công nghiệp của Phạm Quỳnh với Tạp chí Nam Phong, công nghiệp của phái Tự lực Văn đoàn trong công cuộc đổi mới tư duy và nền văn học Việt Nam? Báo chí Việt Nam hiện giờ có tạp chí nào bằng được những tạp chí Tri Tân, Thanh Nghị của những người trí thức Tây học? Có bậc tiến sĩ nhà ta nào viết được cuốn sử ra hồn bằng được cuốn Việt Nam sử lược của ông giáo Trần Trọng Kim không?

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ai là những người đã góp công góp sức nhiều nhất ngoài những người Tây học? 90% những người trí thức được đào tạo ở những trường Pháp đều nghe tiếng gọi của Tổ quốc đi theo Bác Hồ, nhất là trí thức Nam Bộ như Gaston Phạm Ngọc Thuần, Albert Phạm Ngọc Thạch, GS Trần Văn Giầu… Tất nhiên là hãn hữu có người nghe theo thực dân Pháp muốn cắt Nam bộ ra khỏi Việt Nam như Nguyễn Văn Thinh chẳng hạn. Nhưng dầu sao cũng biết hối hận tự tử để tạ tội với Tổ quốc, chứ thử hỏi những thủ lãnh ĐCSVN bán nước cho Tàu có ai tự cắt một ngón tay không? Ai là những người đã giúp ông Hồ đàm phán với Pháp và làm nổi danh Việt Nam trong những hội nghị quốc tế ngoài những Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường, Bửu Hội, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Đinh Gia Trinh, Tạ Quang Bửu…? Những nhà trí thức đã góp công cho kháng chiến như kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế ra súng S.K.Z (súng không giật), giáo sư Tôn Thất Tùng làm cả giới y khoa Pháp thán phục vì chế biến ra những dụng cụ giải phẫu bằng tre và đưa ra những kỹ thuật mổ gan vừa giản dị mà vừa kiến hiệu, do ai đào tạo?

Trong số những nhà trí thức Tây học, không thể không kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người luôn luôn nuôi trong trí óc tư tưởng Cách mạng Pháp và thuộc lòng những chiến thuật của Napoléon. Nhờ vậy đã đưa tới những chiến thắng Cao Bằng, An Khê, Điện Biên Phủ, chống lại cái âm mưu dùng chiến thuật biển người để giết cho thật nhiều người Việt Nam của các cố vấn Tàu. Ông tướng cầm quân này đã có hồi bị ai bắt phải cầm… quần nữ nhân?

Trái với ý nghĩ của ông Trương Nhân Tuấn quy kết “… người Pháp cũng như người Hán trước kia chỉ đào tạo cho sĩ phu Việt Nam trở thành những người phục vụ đắc lực… (không) có trình độ hiểu biết như dân Pháp ở mẫu quốc… chỉ nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích mẫu quốc”. Người Pháp khác với người Anh ở chỗ đi xâm chiếm đất đai nhưng cũng đem theo ý tưởng phổ biến văn hoá Pháp, nên chương trình giáo dục đều y hệt như ở bên Pháp. Những giáo sư được cử qua dạy lại phần nhiều thuộc phái tả, gieo rắc trong đầu học sinh những ý tưởng Cách mạng Pháp, chống đối chính sách thực dân. Ngay cả sau 45, ở những vùng tạm chiếm, Hà Nội, Sài Gòn, những giáo sư Pháp là những người tuyên truyền cho Việt Minh. Có người như Georges Boudarel, giáo sư triết Marie Curie, Chasseloup Laubat Sài Gòn, còn trốn ra bưng năm 1950 và trở thành chính trị viên của quân đội giải phóng tra tấn tù binh Pháp. Giáo sư triết A… (hiện còn sống ở Paris), làm say mê học trò Albert Sarraut Hà Nội khi giảng về thuyết hiện sinh của J.P. Sartre, đã khuyên nhiều học trò mình ở lại không di cư để đến bây giờ nhiều người còn oán trách ông thấu trời!

Khi Hà Nội xâm chiếm miền Nam, thành phần thứ ba, học sinh, sinh viên xuống đường tiếp tay cho miền Bắc là do quốc gia hay cộng sản đào tạo? Mặt trận Giải phóng miền Nam gồm những người nào? Nếu không có những người như cựu phó Thủ tướng miền Nam Nguyễn Xuân Oánh trợ giúp thì có Đổi mới được không? Ông Trương Nhân Tuấn coi những Nguyễn Văn Thiệu, những Nguyễn Cao Kỳ là trí thức lãnh đạo miền Nam thì thực là chửi người miền Nam không bằng!

.

Ông Hoàng Giang cho là Việt Nam không bao giờ có những nhà lãnh đạo xã hội và đang bị khủng hoảng lãnh tụ nên có nguy cơ mất Đảng, mất nước.

Ông Hoàng Giang, một đảng viên cao cấp nay đã về hưu, đả kích thẳng cánh những người cầm đầu ĐCSVN bây giờ đang tiếp tục xoá bỏ sự nghiệp quang vinh của Đảng, làm tha hoá Đảng và mong mỏi có một lãnh tụ ra đời để cứu Đảng. Mà cứu Đảng là cứu nưóc.

Cái khó chấp nhận là ông vẫn suy luận theo biện chứng lịch sử hệt như trong các sách giáo khoa của Đảng là lịch sử loài ngưòi phải theo quy luật bất di bất dịch đi từ chế độ cộng sản nguyên thủy qua chế độ nô lệ tớí chế độ phong kiến rồi tới chế độ tư bản để sau cùng lên tới chế độ cộng sản chủ nghĩa. Vì lịch sử phải theo lịch trình diễn tiến như vậy nên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (nhất là trong trường hợp Việt Nam) là tất yếu.

Ông lại còn đưa ra lập luận kỳ quặc là Việt Nam sở dĩ không có nền văn hoá cao, tư tưởng lớn, không có những nhà lãnh đạo xã hội, là vì “đã bỏ qua giai đoạn phát triển nô lệ mà từ chế độ cộng sản nguyên thủy tiến thẳng lên chế độ phong kiến”. Để chứng dẫn, ông gán ghép lung tung những “quốc gia” “như Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập, Hi Lạp, La Mã và những quốc gia có nền văn minh độc đáo ở Châu Mỹ cổ đại đã trải qua thời kỳ phát triển nô lệ nên có được những sử thi mang tính anh hùng ca như Ilias… 1001 đêm của các nước Ả Rập”. Tôi xin thưa riêng với ông Hoàng Giang là không có Châu Mỹ cổ đại. Nguồn gốc người Ả Rập là dân du mục, không có văn hoá riêng, không có ý niệm quốc gia, chỉ có đạo Hồi. Cuốn 1001 đêm gồm những chuyện truyền khẩu xuất xứ từ Ấn Độ đi tới Ba Tư, và chỉ được viết lại bằng tiếng Ả Rập thế kỷ thứ XIII, không thể ví với những Anh hùng thi Iliade, Odyssée của thi hào Homère người Hi Lạp, viết từ thời thượng cổ cách đây 2800 năm, và là nguồn gốc của văn chương phương Tây được.

Ông còn mừng là “thật hú vía cho Việt Nam vì đã không tự đốt cháy giai đoạn 1 lần nữa”. Tôi hiểu ý ông muốn nói “lần nữa” là chủ nghĩa xã hội Việt Nam đang bắt chước Tàu, theo đúng quy luật lịch sử của Stalin và Mao, trở lại giai đoạn “tư bản dã man” của Tây thế kỷ thứ XIX trước khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Nếu ông chịu khó tham khảo những công trình mới đây của các nhà nhân loại xã hội học, sẽ thấy là:

Không có chế độ cộng sản nguyên thủy: Trong khoảng 45 ngàn năm (90% quá trình lịch sử của nhân loại), người homo sapiens chỉ sống bằng hái trái cây, giết thú đem thịt về. Sống riêng rẽ từng gia đình hay từng nhóm nhiều nhất là mấy chục người. Trái cây hái được, con thú bắt được, ngày nào ăn ngày ấy nên không có của cải tích lũy. Đàn ông đàn bà bình đẳng với nhau vì mỗi người một công việc không ai hơn ai: đàn bà hái trái cây, đàn ông đem thịt về. “Cộng sản nguyên thủy” chỉ giản dị như vậy. Chỉ hơn bầy khỉ hiện giờ ở rừng Bornéo một chút vì sau này biết làm dụng cụ săn bắn. Xã hội cộng sản nguyên thủy chỉ là sự tưởng tượng của Engels khi viết cuốn Nguồn gốc gia đình phỏng theo một thuyết trình của nhà nhân loại học Lewis Morgan năm 1877 nói về xã hội sơ cổ.

Không có chế độ nô lệ: Tàu dịch bậy slave (esclave) nô lệ. Slave là một chủng tộc người Nga ở vùng Balkans. Thời Trung cổ người Slave luôn luôn bị thua người Đức (Germain) nên hay bị bắt đem về làm tôi tớ cho người Đức. Từ thời đó slave trở thành đồng nghĩa với những tôi tớ thuộc quyền sở hữu của một chủ nhân nên có thể bị mua đi bán lại hay cho thuê. Thời Phục hưng (Renaissance) người Vénitiens (tỉnh Venise), có tiếng là buôn bán giỏi, mua đi bán lại người Slave với các lái buôn Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra thị trường buôn bán người da trắng. Trong lịch sử thời thượng cổ những thành quốc Hi Lạp và đế quốc La Mã khi thắng trận cũng bắt người các thành quốc thua trận đem về phục vụ mình (servus): Đàn bà con gái làm nô tì. Trai tráng làm nhân công khai thác. Người trí thức xây dựng, trang hoàng dinh thự, làm gia sư, thày thuốc cho gia đình người thắng trận. Có nhiều người được phóng thích trở thành công dân và giữ những chức vụ lớn (Tàu cũng có chuyện bắt, tiến cống “nô lệ” như vậy: Nguyễn An người Việt xây thành Bắc Kinh, Trịnh Hoà người Hồi thành lập hạm đội Trung Quốc). Tới thế kỷ thứ XV khi cần nhân công khai thác châu Mỹ, các nước Tây Âu mới mua người Phi Châu do chính những bộ lạc Phi Châu bắt lẫn nhau đem bán thẳng hay qua sự trung gian của các lái buôn Ả Rập. Nói tóm lại chỉ ở những nước có nền thương mại kinh tế phát triển mới có thể tạo ra được một hệ thống xã hội kinh tế tinh vi là thị trường buôn bán người. Không biết ông Hoàng Giang lấy ở đâu ra mà cho là tiếp theo “chế độ cộng sản nguyên thủy” là “chế độ nô lệ săn mồi tập thể… con mồi săn được thuộc quyền sở hữu của chủ nô…”! Trong sách giáo khoa của Đảng chỉ nói về thời kỳ “nhà nước chiếm hữu nô lệ” trước khi đi đến chế độ phong kiến. Thời kỳ “nhà nước” (État) được thành hình, tổ chức xã hội, kỹ thuật và kinh tế đã đạt tới trình độ khá cao, làm sao còn có “chủ nô” và “săn mồi tập thể” nữa! Cũng xin nói thêm là thuật ngữ “chế độ” cũng không đúng: “chế độ” (Régime) có nghĩa hoàn toàn chính trị. Thời nguyên thủy chưa có xã hội, chưa có nhà nước thì làm sao có một thể chế chính trị gọi là chế độ được ?

Trái lại, muốn biết thế nào là chế độ “nhà nước chiếm hữu nô lệ” thì chỉ cần qua Trung Quốc đi đến những chợ người mà thành phố lớn nào cũng có. Sẽ thấy một dẫy người đeo những tấm bảng tự bán mình. Trung Quốc là thị trường buôn bán nô lệ lớn nhất từ cổ chí kim gồm 200 triệu mingong (dân công) không có hộ khẩu, luôn luôn được tiếp máu bởi 800 triệu minnong (dân nông). Nhờ vậy Trung Quốc mới đang vững tiến trên con đường tư bản cộng sản chủ nghĩa. Việt Nam còn hơn Tàu ở chỗ biết tạo thị trường xuất khẩu “ôsin” và “hợp tác lao động”.

Tôi thấy ông Hoàng Giang nên cập nhật lại những hiểu biết về Marx và Engels: Không bao giờ có chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có lý thuyết của Marx được Engels sửa đổi lại sau khi Marx qua đời để tạo ra Đệ nhị Quốc tế thợ thuyền, tiền thân của các chế độ Dân chủ-Xã hội ở nhiều nước Tây Âu bây giờ. Cái gọi là chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê của Đảng Lao động Việt Nam mà ông nuối tiếc chỉ là chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao. Hiện giờ nếu muốn kiếm một lãnh tụ cho Đảng thì ông phải chọn một trong hai người mẫu: Đặng Tiểu Bình hay Gorbachev. Cả hai đều rất khó kiếm ở Việt Nam vì Đảng đã trở thành một thực thể mafia, trong đó chỉ có những ông “bố già” (parrains) chia nhau khu vực chứ không thể nào có được một ông lãnh tụ mà không bị vô hiệu hoá như “cụ Hồ”.

.

Tôi nghĩ là sau Đại hội XI Đảng sẽ vẫn tiếp tục ở vị thế bất động vì những lí do sau đây:

1. Không có sự thúc đẩy đến từ bên ngoài

a. Mang tiếng là độc lập chứ thực ra từ 1950, khi quân Tàu tới sát biên giới, cho tới 1975, Việt Nam chỉ là con bài trao đổi nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ sau 75, con bài Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc và Mỹ dù có cơ hội cũng không bao giờ muốn lấy lại vì một lẽ giản dị là Việt Nam không đem lại lợi ích gì cho Mỹ nữa. Trái lại nhắm mắt làm ngơ để mặc Tàu chi phối Việt Nam, có nhiều cái lợi:

- Mỹ và Tàu càng ngày càng phụ thuộc nhau về kinh tế. Không có vấn đề Việt Nam, sự giao thương giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng ngày càng thắt chặt.

- Để đổi lại, Mỹ giữ chặt Đài Loan, tạo một vòng đai liên tục và vững chắc cầm chân Tàu, đi từ Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, tới Phi Luật Tân, Indonesia, Mã Lai.

- Cho là sẽ có một ngày, truyền thống ngàn đời ghét Tàu của dân tộc Việt Nam sẽ tạo trong lòng ĐCSVN một phái khuynh đảo được phái đang dựa vào Tàu. Khi phái này lên nắm quyền, Việt Nam sẽ thành cái gai cho Tàu. Như vậy Tàu sẽ bị hai cái gai là Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Việt Nam. Một ngày kia sẽ thêm Miến Điện. Và biết đâu đấy, kéo theo Bắc Hàn khi thống nhất với Đại Hàn.

Trung Quốc cũng biết vậy nên dùng đủ mọi cách củng cố phái thân Tàu trong Đảng. Cách hay nhất là tung tiền mua chuộc. Muốn có tiền ngay không khó khăn gì: chỉ cần theo Tàu. Trái lại những người không muốn theo Tàu mà vẫn muốn có tiền như tiền ODA, tiền làm đường xe lửa cao tốc chẳng hạn, sẽ bị phá bĩnh. Vả lại những nước muốn bỏ tiền kinh doanh là những nước dân chủ bao giờ cũng bị kiểm soát khắt khe không thể vung tiền như Tàu được. Rút cục các bè phái trong Đảng sẽ giữ nguyên tình trạng bất động để chia nhau tiền Tàu và Tàu sẽ luôn luôn là ông chủ.

b. Hơn 3 triệu người Việt di tản ở những nước Tây Phương, nhất là Mỹ, có thể tạo áp lực hỗ trợ cho sự đổi mới chính trị ở Việt Nam. Tiếc thay người Việt Nam không phải là người Do Thái. Ba người ngồi cạnh nhau là đã cãi lộn nhau, người này đổ cho người kia là thân cộng. Ngay trong những người nổi tiếng chống cộng, người thì ca tụng “Kinh Kha” Nguyễn Cao Kỳ, người thì tưởng niệm cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị “đồng minh” Mỹ bỏ rơi nên không có 600 triệu đô la đem qua London chia chác cho các đàn em. Hi vọng gì ở những người 70-80 tuổi này có thể tạo thành một lực lượng thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Việt Nam được. 300 ngàn trí thức và chuyên viên thuộc thế hệ thứ 2 thứ 3 di tản có thể góp phần kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường vững mạnh, cũng sẽ trở thành Tây thành Mỹ hết.

2. Không có sự thúc đẩy từ người dân trong nước

a. Với hơn 3 triệu đảng viên, có thể nói có chừng 20 triệu người dính dáng tới Đảng vì trung bình gia đình mỗi đảng viên là 6 người. Đó là không kể những ông lớn: Không phải một người làm quan cả họ được nhờ mà cả tỉnh được nhờ. Trong một gia đình không có ai là đảng viên để móc nối thì làm sao mà làm ăn sinh sống được. Bởi vậy tham nhũng không phải như miền Nam khi trước, chỉ mấy ông lớn ăn tiền viện trợ của Mỹ, mà bắt đầu từ những người buôn thúng bán mẹt ở đầu đường. Làm sao phá bỏ được hệ thống tham nhũng từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Muốn vậy phải thay đổi chế độ. Mà thay đổi chế độ sẽ bị 20-30 triệu những người này phản đối trước tiên vì tham nhũng đã trở thành ma túy thâm nhập vào xương tủy mọi người rồi, làm sao mà cai được?

b. Trong thành phần trí thức trẻ, như ông Trương Nhân Tuấn nói, cũng chỉ có các blogger là dám mở miệng. Còn đa số mũ ni che tai, lo có bằng cấp, có vây cánh để kiếm miếng ăn, lấy vợ đẻ con, chứ tội gì mở miệng để mang vạ vào thân mà cũng chả thay đổi được gì. Vả lại từ nhỏ tới lớn chỉ được học có một thứ chính trị thôi, biết trên thế giới có những thể chế chính trị nào khác để thay thế?

3. Không có một lãnh tụ độc tài trong Đảng để thâu Đảng vào một mối và cải tổ Đảng

Nếu chịu khó phân tích những chế độ độc tài trên thế giới thì sẽ thấy là từ trước tới nay chỉ có những lãnh tụ độc tài tạo ra một đảng hay khống chế một đảng để dùng nó phục vụ ý đồ của mình như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông… chứ không như Việt Nam, không có lãnh tụ đủ khả năng độc tài mà chỉ có đảng độc tài. Những lãnh tụ độc tài không sống đời đời được. May thì chết già chứ phần nhiều phải trả nợ máu và chế độ sẽ thay đổi. Đảng độc tài có thể sống đời đời nếu các phái trong đảng biết thoả hiệp với nhau, giữ nguyên tình trạng bất động để tiếp tục chia nhau quyền hành quyền lợi. Đó là trường hợp ĐCSVN. Cái may cho những đảng viên ĐCSVN là không bị một ông lãnh tụ độc tài thanh trừng, cho tắm máu như các “đồng chí” Liên Xô, Trung Quốc dưới thời Stalin, Mao, đã bị. Nhưng đó cũng là cái bất hạnh cho dân tộc Việt Nam vì Đảng sẽ cứ ỳ ra, không bao giờ thay đổi. Thêm nữa là truyền thống kỳ hào làng xã vẫn ngự trị trong đầu các chóp bu ĐCSVN: đấu đá nhau nhưng rút cục cũng sẽ đi đến thoả hiệp chia nhau chiếu trên chiếu dưới, chia nhau con heo thủ lợn chứ không bao giờ dám triệt hạ nhau thẳng cánh hay dám phá đình làng (Đảng), đập tượng Thành hoàng (Bác). Bởi vậy cứ 5 năm đình làng “ta” lại mở đại lễ, giong cờ đánh trống để các vị cường hào có dịp chia phần với nhau. Còn người dân thì chỉ biết đứng nhìn.

.

Kết luận

Suy luận của tôi là sau Đại hội XI, ĐCSVN sẽ tiếp tục ở vị thế bất động với cũng ngần ấy bộ mặt, chỉ đổi chác nhau chỗ ngồi. Nhưng có nhiều người tin thuyết vô thường của nhà Phật cho là ĐCSVN sẽ không tránh khỏi định luật này và đã đến lúc phải đột biến: ông Hà Sĩ Phu là người lạc quan nhất, nghĩ là Đảng có thể sẽ bị bắt buộc phải đưa ra một hình thức dân chủ, tuy chỉ là dân chủ bánh gỗ. Ông hơi quá lo xa, cảnh giác người dân đừng gặm bánh của Đảng mà gẫy răng, ráng mà đòi cho được bánh “tự do” của Mỹ. Ông Trương Nhân Tuấn tuy đả kích nặng nề mọi tầng lớp trí thức Việt Nam từ thời còn là kẻ sĩ, nhưng cũng tự nói là người lạc quan, đặt hi vọng vào một thế giới “ảo” là thế giới blogger. Ông Hoàng Giang đang cầu mong một lần nữa “Nam Đàn sinh thánh”, tái sinh một “Cụ Hồ” cứu Đảng cứu nước khỏi vòng trầm luân Trung Quốc. Tôi thì nghĩ là ông Hoàng Giang nên cầu mong làm sao cho có được một ông Yeltsin tái thế để giải tán quách cái ĐCSVN.

© 2010 Phong Uyên

© 2010 talawas

.

.

.

No comments:

Post a Comment