Ca Dao
20 tháng 6 năm 2010
http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0710/baimoi0710_074.html
Khởi hành từ Paris lúc 10 giờ sáng dưới ánh nắng chan hoà của một ngày tháng sáu. Hai chiếc xe với 12 người – già có, trung có, nam có nữ cũng có- hối hả lên đường. Hối hả là vì dự định khởi hành từ 8.30 giờ, nhưng mãi đến 10 giờ mọi người mới tập trung đầy đủ cho một chuyến đi dài gần 800 cây số.
Chiếc xe rời thành phố Roissy en Brie, vượt qua những xa lộ đông đúc của ngoại ô Paris để nhập vào dòng xe cộ của đại lộ xuyên Âu A1. Đường phố đã thoáng hơn, hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà thờ ẩn hiện trong những ngôi làng nhỏ, những cánh đồng lúa mì trải dài mát mắt. Ông bác sĩ kiêm nghề tài xế không thể nào buồn ngủ được vì trên xe tiếng nói cười không dứt, hai lần lạc đường vì mải nói chuyện!
Qua khỏi Lille, thành phố địa đầu phía Bắc của Pháp, chúng tôi rẽ vào hướng thành phố Mons của Bỉ, xuyên qua xứ sở bé nhỏ này và trực chỉ Đức Quốc. Xa lộ bên Đức rộng và xe chạy không giới hạn tốc độ, dự định trể lắm là 9 giờ tối chúng tôi sẽ đến địa điểm họp. Muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên, qua khỏi Aachen thì đột nhiên chúng tôi rơi vào một dãy xe bị kẹt trên xa lộ. Cả một đoàn xe rồng rắn hàng chục cây số ngừng lại giữa trời chiều. Vì sao? không ai biết, tai nạn? sửa đường? lý do gì thì chúng tôi cũng nằm tại đây hơn 2 giờ đồng hồ.
Dọc theo mấy dãy xe, người thì đi thơ thẩn ngắm… xe (vì dọc theo hai bên đường chẳng có gì để ngắm ngoài những bụi cỏ dại!) người thì lấy banh ra đánh, kẻ lấy latop ra làm việc. Có một số xe không đủ kiên nhẫn nên đã tìm cách quay đầu lại. Có lúc chúng tôi cũng định theo cách đó để tìm đường khác mà đi nhưng nhìn lại các cụ thì không nỡ cho các cụ lạc đường thêm lần nữa, hơn nữa chúng tôi cũng không tin lắm vào hai ông tài xế tài tử mặc dù có mang theo GPS. Kinh nghiệm vừa qua phải trả 2 lần tiền péage (thuế đường) một cách vô lý đã chứng minh tài của các ông tài xế của phái đoàn.
Con rùa bò mãi thì cũng sẽ đến đích. Chúng tôi đến Hannover lúc 3 giờ sáng sau chuyến hành trình dài 17 tiếng, một vài anh trong Ban Tổ Chức vẫn còn thức để đợi chúng tôi với mấy ổ bánh mì thịt.
Vội vã chào nhau, vội vã ăn, vội vã chia tay về phòng để sáng hôm sau bắt đầu cho Họp Mặt Dân Chủ lần thứ 9.
.
Ngày 1 (Thứ sáu ngày 11 tháng 6 năm 2010)
Ông Đoàn Viết Hoạt thay mặt cho Ban Tổ Chức khai mạc Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) 2010. Ông nhận xét đây là lần HMD đông nhất từ trước đến nay kể từ Tĩnh Hội đầu tiên năm 2002. HMDC 2010 quy tụ 55 người, đến từ Ba Lan, Đức, Hòa Lan, Na Uy, Pháp, Slovakia, Tiệp và Hoa Kỳ (California, Minnesota, Texas, Washington Sate, và Washington DC) trong đó có 31 thành viên chính thức và 24 thân hữu tham dự lần đầu tiên. Nữ giới có 11 người, chiếm tỷ lệ tham dự cao nhất so với những lần Tĩnh Hội trước. Người trẻ nhất 16 tuổi và người già nhất 85 tuổi.
HMDC vẫn thường được gọi là Tĩnh Hội vì nơi được chọn để họp mặt thường là một nơi yên tĩnh để cùng nhau trao đổi những phương thức vận động Dân Chủ cho VN. Có lẽ vì thế mà hầu như lần HMDC nào cũng có người đi lạc vì địa điểm thường ở nơi “vùng sâu, vùng xa” rất khó tìm.
Cũng nên nói thêm rằng, để tạo sự đồng cảm và xoá đi mọi biên giới, trong HMDC không giới thiệu nhau bằng các chức vụ như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ hay kỹ sư.
Đề tài của ngày đầu tiên là “Phân Tích Tình Hình VN và Quốc Tế”. Trong đề tài này, ông Bùi Tín đã mở đầu Tĩnh Hội với bài thuyết trình „Đảng CS VN và Đại Hội 11” Ông cho rằng những đổi mới đột ngột của đảng CSVN đã đưa đến những phát triển về kinh tế, nhưng về mặt chính trị thì không có gì thay đổi. Sự đổi mới này là một kết hợp giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Xã Hội, nhưng nó đã lấy những mặt xấu nhất của CNTB và CNXH. Đảng CSVN đã sai lầm khi chọn con đường quá độ tiến lên XHCN và bỏ qua quá trình phát triển của TBCN.
Phần thảo luận khá sôi nổi, nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao đảng CSVN vẫn tiếp tục xử dụng bạo lực với các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, tại sao một chế độ độc tài như thế vẫn tồn tại, trong 5 năm tới đây, đảng CSVN sẽ có đối sách như thế nào với Trung Quốc?
Đề tài thứ hai trong ngày đầu tiên là “Đầu tư ngoại quốc tại VN- Quyền lợi Chủ và Thợ” do ông Phan văn Song phụ trách. Ông nhấn mạnh đến vấn đề: Làm sao cho người dân VN có được những an sinh xã hội như các nước tân tiến như: quỹ hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, quyền được nghĩ bệnh hay sinh đẻ…v.v…
Kế đó anh Trần Ngọc Thành trình bài về “Thực trạng người lao động VN trong và ngoài nước”. Với trên 4 triệu công nhân cho các hãng tư nhân, công nhân đã hình thành 1 giai cấp quan trọng tại VN. Sự tiến tới thành lập 1 Nghiệp Đoàn Độc Lập,Tự Do để tranh đấu cho quyền lợi của công nhân là cần thiết vì Công Đoàn hiện này chỉ là một công cụ giám sát của chủ nhân chứ công đoàn hiện nay không bênh vực quyền lợi của công nhân đúng như chức năng của nó.
Đến 12.30 giờ các cuộc thảo luận tạm ngưng để ăn trưa. Các món ăn tuy đơn giản nhưng được chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ, ngon mắt và ngon miệng. Lợi dụng cơ hội này, mọi người chào hỏi nhau, tay bắt mặt mừng nhận diện anh em. Một điều đáng mừng là không ai già thêm so với lần họp mặt lần trước ở San Jose, không những thế, lão tướng TTH lại còn có vẽ năng động và khôi hài hơn nhiều.
Sau giờ ăn trưa, buổi thảo luận được tiếp tục với đề tài “Khuynh hướng và đặc tính các nhóm Dân Chủ/Bất đồng chính kiến trong nước ” do ông Nguyễn văn Trần trình bày. Ông bắt đầu bài thuyết trình với một so sánh thú vị „Phong Trào Dân Chủ trong nước như một đống rơm ướt, một que diêm chỉ đủ làm khô đi chút ít mà không đủ đốt lên đống rơm đó” Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thật nhiều hộp diêm để cho đống rơm ấy bùng phát?
Đề tài về tôn giáo được ông Đổ Mạnh Tri (Công Giáo) và ông Chu Vũ Ánh (Phật Giáo) đảm nhiệm. Dù tôn giáo ở VN đang bị đàn áp nhưng những giáo dân vẫn phản ứng một cách mạnh mẽ. Có ý kiến đề nghị cần phải tìm ra một phương pháp để đòi hỏi chính quyền phải thực thi luật pháp mà vẫn không vượt qua luật pháp, có như thế mới tránh khỏi tình trạng bị nhà cầm quyền đàn áp.
Kế tiếp ông Nguyễn Ngọc Bích trình bày đề tài “Chính sách Trung Quốc với VN” Ông nhận thấy hải ngoại có nhiều đóng góp trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa như việc tìm các tài liệu chứng minh HSTS là của VN. Tuy nhiên chúng ta chưa lôi kéo được sự đồng thuận của thế giới để ủng hộ chúng ta trong việc HSTS và chưa đánh động được giới khoa học Tây phương về vấn đề Bauxit (ô nhiễm môi trường).
Mỹ sẽ không giúp riêng VN chống TQ mà họ chỉ ủng hộ 1 mặt trận chung. Vì thế, ông NNB có những đề nghị khá cụ thể:
- Đề nghị gọi là biển Đông Nam Á để dễ dàng kêu gọi hợp tác của các nước lân cận, để có thể quốc tế hoá vấn đề biển Đông.
- Cần được sự đồng thuận của Mỹ, Pháp… để đưa vấn đề biển ĐNA vào nghị trình của Liên Hiệp Quốc.
- Nên học tiếng Tàu: mới nghe qua chúng ta có thể bị dị ứng với đề nghị này, nhưng ông NNB giải thích chúng ta cần phải hiểu rõ kẻ thù chúng ta cặn kẻ hơn thì mới có thể đánh chúng hữu hiệu hơn. Quả vậy, nếu chúng ta không biết kẻ thù chúng ta viết gì về ta trên những trang web thì làm sao có thể biết được chúng nghĩ gì về ta?
Chương trình được tiếp tục bằng bài tham luận của chị Quản Mỹ Lan về „Hiện trạng văn hoá và giáo dục trong nước”. Theo chị cần phải thành lập một nghiệp đoàn cho các giáo viên. Hiện nay nền giáo dục gia đình hầu như bị bỏ rơi nên trẻ em không còn giữ được khuôn phép lễ nghĩa với ông bà cha mẹ. Còn nền giáo dục học đường thì lại có nhiều mâu thuẫn kỳ lạ, 1 thí dụ điển hình là theo chính sách nhà nước thì học sinh cấp 1 không phải đóng học phí, nhưng trên thực tế thì cha mẹ phải đóng đủ thứ tiền cho con mình. Nhận xét này được một cô bé trẻ nhất trong HMDC khẳng định, cô cho biết ở VN học sinh được lãnh thưởng thì cha mẹ phải đóng tiền để mua phần thưởng cho con mình!
Ngoài ra, cô cho biết nội dung chương trình học chỉ quan tâm đến những kiến thức chết như các môn khoa học. Về lịch sử thì chỉ dạy lịch sử Cách Mạng chứ không dạy lịch sử Thế Giới. Muốn vào đại hoc thì phải là đoàn viên trước đã!
Các cuộc thảo luận được chấm dứt lúc 6 giờ chiều trong không khí thật sôi nổi. Các đề tài đã được thảo luận đến nơi đến chốn với nhiều ý kiến đồng thuận cũng như phản biện.
Buổi ăn chiều được dọn ra, mọi người thưởng thức các món ăn một cách tận tình sau một ngày làm việc khá căng thẳng.
Sau khi ăn xong, Ban Tổ Chức vẫn chưa cho nghĩ. Một chương trình khá mới lạ cho HMDC kỳ này là phần “Thảo Luận Bàn Tròn ”. Ở thời điểm này, những điều muốn nói, những gì chưa nói hết sẽ được san sẽ nơi đây, không có điều gì cấm kỵ, không có ngoại lệ cho bất cứ đề tài nào.
Những đề tài đưa ra khá là “tế nhị” như vấn đề chia rẽ giữa người Việt với nhau: anh Bắc tôi Nam, anh ở Hoa Kỳ, tôi ở Đông Âu, anh tị nạn CS 100%, tôi tị nạn 50% vì tôi đi từ Bắc? vì tôi đã từng là đảng viên? Vấn đề cờ và chào cờ, hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay không? Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng dĩ nhiên là không có câu trả lời hoàn hảo. Nhưng, như đã nói, đây là “phút nói thật”: tất cả ý kiến đều được nói lên một cách thoải mái mà không sợ bất cứ một sự quy chụp nào.
Trước câu hỏi: “Nếu có chiến tranh với Trung Quốc, nếu đảng CSVN kêu gọi hợp tác thì người Việt hải ngoại có hợp tác không? ” Có rất nhiều phản ứng khác nhau cho câu hỏi này. Mọi người đã tranh luận trong tinh thần thẳng thắn nhưng vẫn giử cho nhau những hoà khí đúng mức.
Ngày thảo luận đầu tiên chấm dứt vào lúc 11 giờ đêm. Trong cái mệt mỏi nhưng thoải mái vì những “ấm ức” phần lớn đã được giải tỏa. Mọi người tạm chia tay nhau trong cơn gió se lạnh của những ngày cuối xuân.
.
Ngày 2 (Thứ bảy ngày 12 tháng 6 năm 2010)
Đề tài tổng quát của ngày thứ nhì là “Hỗ Trợ Cụ Thể”
Ông Đoàn Viết Hoạt mở đầu bằng bài thuyết trình “Hỗ trợ ai? Hỗ trợ gì? Hỗ trợ như thế nào” Ông khẳng định trận điạ chính là trận điạ trong nước, nhưng trận điạ này chưa được hỗ trợ đúng mức. Chúng ta không nên trông đợi vào sức ép của quốc tế mà phải tạo áp lực nội tại. Cần có sự đào tạo về chuyên môn để tạo hàng ngũ lãnh đạo.
Ông Vũ Thứ Hiên đưa ra “Vài suy nghĩ về việc hỗ trợ cho cuộc đấu tranh dân chủ trong nước”. Tài chánh là cần thiết nhưng cũng không quên hỗ trợ về mặt tinh thần, kiến thức, kinh nghiệm, cố vấn. Phong trào dân chủ hiện nay có rất nhiều màu sắc, nhiều xu hướng: có những thành phần nhân dân chống độc tài nhưng vẫn tung hô HCM, tung hô đảng CS. Cần phải thúc đẩy sự đoàn kết giữa những người đấu tranh dân chủ trong nước.
Buổi thảo luận được tạm ngưng với một chương trình đặc biệt: Cuộc viếng thăm HMDC2010 của bà Thị Trưởng thành phố Hannover: Igrid Lange và ông Roger Toppel, bà Taharel Mohammadi đại diện cho IIK (Tổ chức đa văn hoá). Bà thị trưởng I. Lange chào mừng các tham dự viên của HMDC và cho biết bà luôn luôn ủng hộ chúng ta trong công việc vận động Dân Chủ cho VN. Bà mong muốn có những hợp tác trong tương lai để vận động Dân Chủ. Cuối cùng bà cám ơn cho buổi gặp gỡ này và cùng mọi người chụp hình lưu niệm.
Sau khi bà thị trưởng từ giã, chương trình được tiếp tục bằng hai đề tài khá “nặng ký” là „Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh pháp lý ” của ông Trần Thanh Hiệp và “Khả năng thành lập một toà án Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc” của ông Vũ Quốc Dụng.
Hai đề tài này có những liên quan hỗ tương với nhau nên nội dung thảo luận cũng không thể tách rời. Ông Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh xã hội dân sự là một khái niệm cần phải tách rời khỏi chính trị và ông cho rằng tại VN chưa có 1 xã hội dân sự thật sự.
Mở đầu bài thuyết trình với sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng các dương ảnh kèm theo, ông Vũ Quốc Dụng muốn làm sáng tỏ danh từ ghép „khiếu kiện” mà hải ngoại thường dùng. Theo ông, „khiếu nại” và „kiện ” là hai phạm trù khác nhau không nên lẫn lộn trong cách sử dụng từ ngữ.
Ông VQD cũng đưa ra những phát họa về Tòa án Nhân quyền Quốc tế, ông đưa ra những khả năng và những trở ngại có thể gặp được khi thành lập Toà án Nhân Quyền quốc tế và ông tin rằng đây là một thời cơ sau cuộc chiến tranh lạnh.
Chương trình buổi sáng được chấm dứt trễ hơn dự phòng do cuộc thăm viếng của bà Thị trưởng thành phố Hannover, giờ ăn trưa vì vậy cũng được thu ngắn lại.
Chương trình buổi chiều được bắt đầu bằng bài thuyết trình của bà Jackie Bông Wright „Phát triển Xã Hội Dân Sự tại VN”. Bà định nghĩa Xã hội Dân sự là một xã hội từ dân mà ra, đó có thể là một hội tư nhân, hội thiện nguyện hay một tổ chức phi chính phủ. Bà so sánh xã hội dân sự trên bình diện toàn cầu và xã hội dân sự tại VN. Bà tin tưởng giới trẻ với những ý thức ngày một nâng cao sẽ góp phần vào việc xây dựng một thể chế dân chủ tại VN.
Ông Từ Thức với đề tài “Văn Hoá và vận mệnh đất nước”. Qua bài thuyết trình, ông đã làm một cuộc kiểm điểm không nhân nhượng với tất cả những cái đúng, cái sai trong nền văn hoá VN. Từ những ảnh hưởng tốt và xấu của Khổng giáo và nền Nho học đối với dân tộc VN cho đến sự tiếp nhận một cách vội vàng, cẩu thả các nền văn minh hội nhập. Từ bản tính trọng bằng cấp, đố kỵ, ích kỷ dẫn đến sự chia rẽ cho đến bản tính cần cù, hiếu học của người Việt đã được ông đem ra mổ xẻ tận tình. Với những lời bình dí dỏm ông đã làm cho không khí tranh luận không trở nên gay gắt dù có nhiều ý kiến trái ngược mà trái lại nó đã đem đến cho tham dự viên những trận cười thoải mái.
Tiếp đến ông Lê Xuân Khoa trình bày “Cộng Đồng người Việt hải ngoại làm gì trước hiểm hoạ Trung Quốc” Ông nhấn mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VN không chỉ khác hơn xưa mà còn nguy hiểm hơn xưa. Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước là do thẩm quyền chính thức của nhà nước VN. VN vẫn còn lúng túng trong chính sách đi hàng hai giữa TQ và HK.
Người Việt hải ngoại có thể đóng góp bằng cách nghiên cứu và tư vấn, đồng thời vận động cho vấn đề quốc tế hoá biển Đông.
Ông cũng đưa ra những kế hoạch cụ thể như tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân, văn nghệ sĩ, trí thức, các đảng viên ly khai trong nước và người Việt hải ngoại, tạo mối quan hệ với chính quyền VN để thực hiện một diễn biến hoà bình và ông cũng kêu gọi người Việt hải ngoại vận động Asean, Hoa Kỳ và Quốc Tế quốc tế hoá vấn đề biển Đông để có thể chống lại nguy cơ thôn tính VN của TQ.
Hai ngày chính của HMDC đã trôi qua trong không khí trang trọng nhưng không kém phần vui vẻ vì những phát biểu dí dỏm của cách tham dự viên. Các cụ Trần Thanh Hiệp, Bùi Tín năm nay hình như trẻ lại nên rất hăng hái phát biểu và đóng góp hầu hết trong các đề tài. Dù bận tham gia hội thảo, ông Bùi Tín vẫn không quên thông báo cho mọi người diễn tiến và kết quả các trận đá banh đang diễn ra tại Nam Phi.
Buổi ăn chiều của ngày thứ bảy được Ban Tổ Chức thiết đãi bằng chương trình barbecue. Mùi thịt nướng thơm lừng, chúng tôi cùng nhau thưởng thức các món xúc xích nổi tiếng của Đức dưới những giọt mưa chiều thật nhẹ nhàng của tháng sáu.
Tối đến là phần văn nghệ bỏ túi với sự góp mặt của những cây văn nghệ tài tử. Ở đây một điều kỳ diệu đã xảy ra: hai chiến tuyến đã gặp nhau trên sân nhà của họp mặt dân chủ: người lính thủy quân lục chiến đã gặp anh bộ đội mà anh đã bắn trọng thương trên chiến trường Quảng Trị ngày nào. Họ đã cùng đàn và hát bản „Những ngày xưa thân ái”. Có hình ảnh nào nói lên lòng bao dung và tình dân tộc bằng hình ảnh này?
Ái Thanh (em ca sĩ Ái Vân, đang định cư tại Đức) cũng đã đóng góp bằng những màn dân ca Bắc bộ, vọng cổ Nam bộ bằng lối diễn xuất điêu luyện.
Những bài hợp ca vang vang, vang mãi cho đến khi đêm đã xuống tự bao giờ…..
.
Ngày 3 (Chúa nhật ngày 13 tháng 6 năm2010)
Ngày cuối cùng của HMDC thường là ngày sinh hoạt nội bộ: kiểm điểm, tu chính quy ước, bầu lại 1 vài thành viên của Ban Phối Hợp..v.v…. Cũng vẫn những ý kiến đầy sôi nổi, những tiếng cười sảng khoái trong những tranh luận thẳng thắn, không khoan nhượng dù già hay trẻ, dù nam hay nữ. HMDC bao giờ cũng là một sân chơi công bằng cho tất cả mọi thành phần.
Có những gặp gỡ tình cờ nhưng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. HMDC năm nay có sự tham dự của anh Trần Quang Thành, anh Thành đến từ Slovakia. Thoạt nhìn có lẽ ai cũng giật mình và không dám nhìn vào gương mặt đã bị tàn phá vì acide của anh. Không dám nhìn vì sợ anh xấu hổ hay không dám nhìn vì tự hổ thẹn cho cái hoàn thiện của chính mình?
Từ năm 1960-1972, anh Trần Quang Thành là phóng viên của đài Tiếng nói VN, từ năm 1973-1982, anh làm phóng sự cho đài Truyền hình VN tại Hà Nội. Sau khi bị tàn tật ở chân trên chiến trường Kam-pu-chia, anh tiếp tục phục vụ trong viện nghiên cứu phát thanh truyền hình. Do những bài viết tố cáo tham nhũng, vạch trần những đường dây buôn phụ nữ, buôn thuốc lá lậu mà anh Thành đã bị thế lực mafia tạt acide vào ngày 4 tháng 7 năm 1991. Sau 15 lần giải phẫu, anh bị mất một mắt, mũi, mồm cũng chẳng còn nguyên vẹn. Tiếng kêu cứu của anh về phía nhà cầm quyền CSVN rơi vào vô vọng. Những tấm bằng khen vô nghĩa không giúp cho anh thoát khỏi cơn khốn khó vì mất việc, mất con và mất cả hình hài. Cuộc đời bất hạnh của anh đã để lại trong lòng những tham dự viên nhiều nỗi ngậm ngùi.
Giờ chia tay, nhóm lên xe trở về cố quận, kẻ ra ga tiếp tục cuộc hành trình. Một số người ở lại để tham dự chuyến đi thăm Berlin. Có một vài trục trặc do một biến cố không ngờ trước, tuy nhiên với sự tháo vác của ban tổ chức, mọi việc cũng được thu xếp ổn thoả để mọi người có thể lên đường.
.
Ngày 4 (Thứ ba ngày 15 tháng 6 năm 2010)
Theo chương trình, phái đoàn của HMDC sẽ đến thăm Toà nhà Quốc Hội Đức ở Berlin.
Toà nhà Quốc Hội Đức được bắt đầu xây năm 1884 do ý kiến của Thủ tướng Bismark, cho mãi đến năm 1894 mới được khánh thành bởi vua Wilhelm II. Toà nhà này đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhất. Tháng 6 năm 1993, hội đồng nguyên lão của Quốc Hội đã chọn phương án của kiến trúc sư người Anh Norman Foster để thiết kế lại nhà Quốc Hội. Ngày 19/4/1999 Nghị viện ở Bonn chuyển về nhà Quốc hội ở Berlin.
Toà nhà Quốc Hội được xây dựng trên nguyên tắc gắn liền với các sự kiện lịch sử và tận dụng tối đa các kỹ thuật sử dụng năng lượng thiên nhiên để giảm ô nhiểm môi trường.
Sau đó, phái đoàn có cuộc tiếp xúc với bà Edelgard Bulmahn. Bà là cựu Bộ trưởng liên bang về Đào tạo và Nghiên cứu. Hiện bà giử chức vụ Đại biểu Quốc hội liên bang, phụ trách lãnh vực đối ngọai của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Trong buổi tiếp xúc này, bà nói về chính sách của Đức đối với VN, về những chương trình nhân đạo, đào tạo, trao đổi giữa 2 quốc gia. Nhiều câu hỏi được đặt ra từ phía phái đoàn HMDC, chủ yếu hỏi về chính sách của Đức đối với vấn đề Dân Chủ Nhân Quyền tại VN. Bà E. Bulmanhn cho rằng những sự phát triển về kinh tế, kiến thức sẽ dẫn theo những phát triển về Dân Chủ, Nhân Quyền. Bà nói con đường này tuy chậm nhưng bà tin rằng nó sẽ đến.
Buổi tiếp xúc với bà E. Bulmahn chiếm quá nhiều thì giờ nên sau đó phái đoàn phải bỏ ăn trưa và chạy vội vã qua bộ Y Tế cách đó gần 2 km để kịp cuộc hẹn với ông Philipp Roesler lúc 2 giờ trưa.
Khi đến nơi thì đã 2.30 giờ, người phụ tá của ông P. Roesler vẫn tiếp đón chúng tôi với thái độ niềm nở. Trong khi chờ đợi, ông trình bày cho phái đoàn nghe về hệ thống y tế tại Đức, các chức vụ và sự phân công trong bộ Y Tế.
Khoảng 1 giờ sau thì ông Philipp Roesler đến. Theo chương trình dự định thì ông sẽ tiếp phái đoàn trong vòng 1 giờ nhưng vì phái đoàn đến trể, và sau đó ông có 1 cuộc gặp gỡ quan trọng khác nên ông chỉ nói vài lời chào mừng đến phái đoàn và chụp hình lưu niệm.
Cũng cần nhắc lại ông P. Roesler là người Đức gốc Việt, quê ở Sóc Trăng, ông được một cặp vợ chồng người Đức đem về nuôi năm 1973 lúc ông mới 9 tháng tuổi. Ông lớn lên ở Hambourg và ở Hannover. Đậu tú tài năm 1992, sau đó ông học và phục vụ trong ngành quân y từ năm 1999.
Tháng 2 năm 2009, ông đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng kinh tế, Lao Động và Giao thông tiểu bang. Hiện ông là Chủ tịch đảng Tự do Dân chủ và từ tháng 10 năm 2009 ông được giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang.
Tuy cuộc tiếp xúc diễn ra thật ngắn ngủi, nhưng ông P. Rosler đã để lại ấn tượng khá đặc biệt trong lòng mọi người nhờ vào lối nói chuyện vui vẻ, thoải mái làm người đối diện cảm thấy gần gũi, thân tình (hay cũng vì ông cũng là một người VN?)
Phái đoàn ra về với món quà của ông P. Roesler trên tay: một chiếc máy đếm cây số khi đi bộ, người phụ tá còn nhắn phải đi bộ ít nhất 3km/ngày. Món quà nhỏ, nhưng chân tình lớn. Hãnh diện vì một người có dòng máu VN đã thành công nơi xứ người, cảm động vì sự hiếu khách của dân tộc Đức, mân mê món quà trong tay, chúng tôi ra về trong sự hân hoan và tràn ngập lòng biết ơn.
.
Ngày 5 (Thứ tư ngày 16 tháng 6 năm 2010)
Một sinh họat không thể không nói đến của người Việt tại phía đông của nước Đức là khu chợ vòm. Tại Berlin có ba chợ, nhưng 1 chợ đã đóng cửa, chỉ còn hai chợ là chợ Thái Bình Dương và chợ Đồng Xuân, đây là hai chợ bán sỉ, nhưng dĩ nhiên có ai mua lẻ thì họ cũng bán. Vì không có thì giờ nên Ban Tổ chức chỉ dẫn phái đoàn đến thăm chợ Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân gồm 4 khu nhà: khu 1, khu 2, khu 3 và khu…8! Bốn khu này chiếm khoảng 40.000 mét vuông trên tổng diện tích 180.000 mét vuông. Những người buôn bán trong khu này đa số là người VN từ miền Bắc sang du học, lao động dưới nhiều hình thức tại Đông Berlin, Tiệp Khắc, Ba Lan… Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, họ xin ở lại tị nạn và hình thành một sinh họat khá đặc thù tại phía Đông của nước Đức. Ngoài người Việt buôn bán tại đây, còn có người Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và cả người Đức. Đa số là các gian hàng bán quần áo, ngoài ra còn có các gian hàng bán hoa giả, thực phẩm khô, rau cải, làm móng tay và dĩ nhiên là có cả nhà hàng với các món ăn thuần túy VN.
Phái đoàn hẹn nhau ở khu 1 để dùng cơm trưa. Cô tiếp viên cũng lúng túng với 1 số người khá đông và khá vội vã. Không biết vì đã quen lối phục vụ của Tây phương hay vì chưa quen lề lối làm việc của người Việt tại đây, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng vì thái độ không ân cần lắm của cô tiếp viên, 15 người gọi món ăn, ngồi chia ra thành 2 bàn, khi món ăn được mang ra, cô tiếp viên để lung tung, món của người này đặt trước mặt người kia, món ở bàn này, cô để trên bàn nọ. Thế là có một màn gọi nhau ơi ới để xem món nào của ai. Được nhắc nhở nên đưa đúng món cho đúng người để khỏi „cầm nhầm” cô tiếp viên nhìn chúng tôi bằng cặp mắt hững hờ và vẫn tiếp tục „đặt nhầm”.
Từ giã trung tâm mua bán Đồng Xuân, chúng tôi lên đường đến thăm nhà tù Berlin-Hohenschonha usen hay còn gọi là nhà tù của Stasi (Ministerium fur Staatssicherheit) vì nó được cai quản bởi mật thám của Cộng sản Đông Đức. Trong thế chiến thứ hai, nhà tù này được thành lập vào năm 1945 và nằm trong khu vực của Nga (1945-1949) và Đông Đức (1949-1989) của thành phố Berlin, nhà tù này dùng để giam giử những người có ý định vượt qua bức tường Berlin tìm tự do hoặc những người có tư tưởng chống đối chế độ.
Trong thập niên 40, có lúc nơi đây đã giam giữ đến 4200 tù nhân. Trong vòng 1 năm (1945-1946) đã có đến 3000 người chết, những xác chết này đã được quăng vào đống rác hoặc chôn trong những hố bom.
Thủ thuật tra tấn chủ yếu của Stasi là khủng bố tinh thần của tù nhân ngay từ bước đầu tiên. Cái lạnh, ăn uống thiếu thốn và trấn áp tinh thần đã là nguyên nhân gây ra cái chết dần dần của đa số tù nhân.
Cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thăm những dãy phòng kín mít, mỗi phòng chỉ rộng khoảng 3×4 mét chứa 12 người, phòng không có bàn ghế, không có WC. Có phòng, vách được lót bằng cao-su để tù nhân không thể đập đầu tự vẫn được. Trừ phòng thẩm tra, các phòng khác đều không có lò sưởi. Cha của cô hướng dẫn viên cũng là người bị nhốt trong nhà tù này vì ông đã tìm cách vượt qua bức tường Berlin nên cô hiểu thế nào là giá trị của sự Tự Do.
Cô dẫn chúng tôi đến chuồng cọp, gọi là chuồng cọp vì phía trên nóc „chuồng” có lưới sắt. Một anh trong phái đoàn nhận xét: „So với tù cải tạo thì nơi đây hãy còn tốt đẹp hơn nhiều”.
Chúng tôi ra về, bỏ lại sau lưng những khung cửa sắt im lìm như bỏ lại một quá khứ kinh hoàng mà thế giới tự do ngày nay vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại, vẫn băn khoăn tự hỏi: tại sao con người có thể ác với nhau như thế?
Berlin tuy không có những kiến trúc vĩ đại nhưng thành phố này như cô gái dậy thì tuy không có sắc đẹp rực rỡ nhưng có nét duyên dáng tiềm ẩn với những kiến trúc đầy tính cách biểu tượng ghi dấu sự đoàn kết, thống nhất và tự do. Khắp nơi đều có những biểu tượng nhắc nhở lại quá khứ khủng khiếp của chế độ độc tài phát xít, ghi lại những cái chết oan ức vì chủ nghĩa bá quyền. Mặc dù không tự hào vì cái quá khứ bi thương đó, dân Đức vẫn muốn mọi người nhớ lại lịch sử để hướng đến tương lai.
Kết thúc chuyến đi, phái đoàn chia tay với nhiều ký ức buồn vui, những nỗi ngậm ngùi khi nhìn người lại ngẫm đến ta. Bao giờ thì chế độ CSVN mới nhìn nhận những sai lầm của lịch sử để có thể bắt đầu một trang vở mới cho những người conViệt khắp nơi có thể tìm về lại quê hương?
Thành phố Berlin vẫn còn giữ được màu xanh của cây rừng. Nắng tháng sáu vẫn rực rỡ trên ngọn cây phong, màu nắng vàng tưới lên niềm tin và hy vọng cho một lời hứa hẹn: Hãy vững niềm tin, hãy cứ mạnh dạn tiến bước, chúng ta sẽ gặp nhau ở một ngày nắng đẹp trên quê hương Tự do, Dân chủ và Nhân quyền.
20 tháng 6 năm 2010
Ca Dao
.
.
.
No comments:
Post a Comment