Sunday, July 25, 2010

CÔNG NHÂN VIỆT NAM CẦN THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP

Công nhân Việt Nam rất cần thành lập công đoàn độc lập

Huy Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 7 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-workers-rights-07-24-2010-99110894.html

.

Trong chuyến đi Việt Nam vào đầu tháng này, ngoài vấn đề chất độc da cam, phái đoàn của Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Harkin cũng nêu lên với phía Việt Nam vấn đề về tôn trọng quyền của công nhân và nhấn mạnh rằng quyền công nhân và quyền thành lập công đoàn là một phần hết sức quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào với Hoa Kỳ.

Dịp này, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, trụ sở ở Varsaw, trả lời một số câu hỏi của VOA về quyền của công nhân.

.

VOA: Ông nghĩ sao về lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Tom Harkin?

Ông Trần Ngọc Thành: Đây là kết quả của một sự lên tiếng bênh vực người lao động của những người đấu tranh cho quyền lợi của người lao động ở Việt Nam, cũng như của giới truyền thông nói chung; làm cho chính phủ các nước chú ý đến quyền lợi của người lao động Việt Nam; bởi vì quyền lợi của người lao động Việt Nam luôn bị chà đạp và coi rẻ. Đối với nông dân, đất của họ bị trưng thu với cái giá rẻ mạt, và bán lại với giá cao gấp ngàn lần, khi nông dân kêu oan thì bị nhà cầm quyền đánh đập, bắt bớ và bỏ tù. Đối với người công nhân, nhà cầm quyền đồng lõa với giới chủ để bóc lột công nhân, chào mời giới đầu tư nước ngoài với giá rẻ mạt, không quan tâm đến môi trường sống và lao động của công nhân. Ngoài ra còn có những luật lệ cấm công nhân đình công, bắt bớ, đàn áp và bỏ tù những người giúp đỡ công nhân, giúp đỡ dân oan. Chính quyền còn dùng những công đoàn cơ sở để kiểm soát công nhân. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu công nhân ra nước ngoài cũng giống như xuất khẩu nô lệ, lập ra những công ty môi giới mà chủ yếu là thu tiền của nông nhân không có việc làm tại nông thôn. Khi thu được tiền rồi thì mang con bỏ chợ. Đó là thực trạng của người lao động Việt Nam.

.

VOA: Thưa ông, phía Việt Nam nói đã có nhiều công đoàn rồi thì tại sao lại cần có công đoàn độc lập?

Ông Trần Ngọc Thành: Công đoàn hiện nay tại Việt Nam là do đảng cộng sản lập ra, cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp đều là đảng viên cộng sản. Công đoàn thực chất là công cụ của đảng cộng sản, hoạt động theo đường lối và chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Thực chất công đoàn hiện nay là kiềm tỏa công nhân, thực hiện các chủ trương chính sách của đảng cộng sản. Công nhân bị bóc lột thậm tệ, họ bị khinh rẻ và không ai bênh vực họ. Vì vậy, thành lập một công đoàn độc lập tại Việt Nam rất cần thiết, vì công nhân cần bầu lên những người đại diện thực sự để bảo vệ quyền lợi.

.

VOA: Xin cho biết một số hoạt động của Ủy ban Bảo Vệ Người Lao động tại Việt Nam?

Ông Trần Ngọc Thành: Ủy ban Bảo Vệ Người Lao động Việt Nam được thành lập từ tháng 10 năm 2006 với mục đích chính là giúp đỡ và bênh vực quyền lợi cho người lao động Việt Nam. Trong thời gian qua, thành viên của ủy ban đã có những hoạt động như hướng dẫn người công nhân các phương pháp tranh đấu để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng cách tìm đến các xí nghiệp, các công ty để giúp đỡ công nhân. Ngoài ra ủy ban cũng phát hành những tờ báo và những tài liệu khác, nêu lên những quyền lợi chính đáng của người lao động, luật pháp quốc tế, luật lệ về nhân quyền; để công nhân biết được mình có những quyền gì và tranh đấu như thế nào. Các tài liệu này là cơ sở pháp lý, chỗ dựa để họ có thể tranh đấu với giới chủ có hiệu quả.

.

VOA: Xin ông cho biết một số trường hợp đã bị bắt tại Việt Nam vì tranh đấu cho quyền của người lao động?

Ông Trần Ngọc Thành: Từ khi phong trào tranh đấu cho người công nhân phát triển, có nhiều người đã bị bắt khi giúp đỡ công nhân và dân oan, ví dụ như chị Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Văn Đài, chị Hồ Thị Bích Khương, hay chị Trần Khải Thanh Thủy. Hằng trăm công nhân khác cũng bị bắt bớ, đánh đập, hoặc sa thải vì tổ chức đình công hoặc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân.

Khi Hiệp hội Đoàn Kết Công Nông của anh Nguyễn Tấn Hoành hay ông Đoàn Văn Duyên được thành lập, toàn bộ những người trong tổ chức đều bị bắt. Ông Đoàn Văn Duyên bị bắt từ năm 2007 đến nay. Hai người con của ông là Đoàn Huy Chương và Đoàn Huy Tâm cũng bị bắt. Những người khác như anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và chị Đỗ Thị Minh Hạnh hiện nay cũng đang nằm trong tù, bị bắt từ dịp Tết. Những người này bị vu cáo là đã móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài hoặc rải truyền đơn mà chẳng có chứng cớ nào; chẳng định nghĩa thế nào là tổ chức phản động, và nội dung của truyền đơn là gì. Họ bị giam trong điều kiện khắc nghiệt chỉ vì muốn giúp đỡ người công nhân, năm sáu tháng không cho người nhà đến thăm.

.

VOA: Là người sống lâu năm tại Ba Lan, ông thấy kể từ khi Công Đoàn Đoàn Kết thành công, nước Ba Lan có những thay đổi như thế nào?

Ông Trần Ngọc Thành: Những ai từng đến Ba Lan đều thấy một sự thay đổi một trời một vực từ một nước Ba Lan cộng sản đến một nước Ba Lan dân chủ hiện nay. Người lao động Ba Lan hiện nay có quyền thực sự, họ là chủ nhân của đất nước họ. Mọi người đều có quyền giống như một tổng thống hay một thủ tướng tại đất nước họ. Mọi người ở chức vụ hay vị trí công tác nào đều có quyền ngang nhau. Đó là những quyền mà những nước độc tài như Việt Nam chẳng bao giờ có cả.

.

VOA: Bên cạnh những mặt tích cực đó, chắc hẳn cũng còn những mặt tiêu cực?

Ông Trần Ngọc Thành: Tất nhiên Ba Lan cũng mới xây dựng dân chủ trên dưới 20 năm. Trong quá trình thực hiện dân chủ vẫn có những khiếm khuyết, những cái chưa hoàn thiện. Nhưng điều cơ bản là xã hội dân chủ đã tạo điều kiện cho mỗi người dân đều có tiếng nói của mình, hoàn thiện, loại bỏ những yếu tố cản trở tiến trình dân chủ. Ví dụ trong một xã hội dân chủ vẫn có tham nhũng, vẫn có những đặc quyền chẳng hạn; nhưng mọi người đều có quyền lên tiếng trước những vấn nạn của xã hội. Báo chí tự do có quyền lên tiếng đả phá, phanh phui tất cả những vấn nạn xã hội đó. Ngay cả Ba Lan vẫn còn những tiêu cực, nhưng điều kiện để sửa chữa, loại bỏ những tiêu cực đó chắc chắn sẽ được phát huy rất nhiều, nhờ một thể chế dân chủ, nhờ tự do báo chí, nhờ quyền công dân được bình đẳng.

.

VOA: Liệu công nhân Việt Nam có nên thành lập một Công Đoàn Đoàn Kết giống Ba Lan không, nếu có thì có những thuận lợi khó khăn gì, và trong điều kiện nào thì mới có thể thành công?

Ông Trần Ngọc Thành: Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan theo tôi nghĩ chỉ là danh xưng thôi. Thực chất đó cũng là một công đoàn độc lập, có nghĩa là độc lập khỏi sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, để thể hiện ý chí, nguyện vọng của người công nhân. Công đoàn độc lập này do công nhân bầu lên chứ không do chính quyền hay đảng phái nào áp đặt cả. Do đó, quyền thành lập một công đoàn độc lập ở Việt Nam rất cần thiết. Khi một công đoàn độc lập với chính quyền, với đảng phái thì nó mới mang danh một công đoàn đúng nghĩa. Công nhân Việt Nam có công đoàn độc lập thì mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

Nhưng hiện nay tại Việt Nam trở ngại chính là đảng cộng sản, chế độ độc tài tại Việt Nam vẫn là trở ngại chính cho công đoàn độc lập.

Muốn thành lập công đoàn độc lập tại Việt Nam tất nhiên đòi hỏi phải có sự đấu tranh. Không bao giờ công nhân xin thì đảng cộng sản mới cho thành lập. Chỉ có con đường đấu tranh để tự bảo vệ quyền lợi của mình thì người công nhân mới có cơ hội thành lập công đoàn độc lập. Tất nhiên đây là một cuộc đấu tranh rất lâu dài, đòi hỏi có sự hy sinh. Đã có nhiều người bị bắt bớ, tù đày vì đòi thành lập công đoàn độc lập tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng, tôi tin thắng lợi là tất yếu. Không những người trong nước mà người Việt ở nước ngoài cũng quan tâm và giúp đỡ. Khi nào có sự đồng thuận, giúp đỡ trong ngoài thì chắc chắn công đoàn độc lập tại Việt Nam cũng tượng tự như Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, có nghĩa là chắc chắn nó sẽ trở thành hiện thực.

.

.

.

No comments:

Post a Comment