Monday, July 26, 2010

CHUYỆN DÀI GIÁO DỤC QUÊ TA

Chuyện dài giáo dục quê ta

Trần Khải

Đăng ngày 26/07/2010 lúc 00:05:00 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4959


Trong khi phụ huynh các tỉnh đã tận lực hy sinh, tìm cách đưa con em về Sài Gòn và Hà Nội theo đuổi nền giáo dục đại học, thì các gia đình cán bộ và phú gia Việt Nam cũng tìm mọi cửa để đưa cho được con em mình sang các nước khác du học. Không ai có nhiều tin tưởng vào nền giáo dục quê nhà.
Tình hình này thực ra không cần giải thích, nhưng hiển nhiên là chế độ cầm quyền từ 35 năm nay phải chịu trách nhiệm. Vấn đề khó khăn ở đây là: biết bệnh nhưng để chữa bệnh lại là cả một nan đề mới. Thực tế, không phảỉ cán bộ nào cũng muốn chữa bệnh giáo dục, khi họ là thành phần hưởng lợi từ các tiêu cực của chế độ.

Báo Pháp Luật TPHCM hôm 13/07/2010 có bài viết cũng sẽ gợi nhiều suy nghĩ, nhan đề
“Có nên cho con du học bằng mọi giá?”, trong đó cho thấy du học sinh trở thành một nạn nhân khi bị đẩy vào một môi trường chưa thích nghi:

“Thiếu niềm tin vào giáo dục trong nước, nhiều vị cha mẹ mù quáng ép con đi du học với bao kỳ vọng mà thiếu chuẩn bị cho trẻ. Thậm chí có người xem du học như phương thức xuất ngoại lao động kiếm tiền. Suy nghĩ ấy đẩy trẻ vào nhiều nguy cơ, rủi ro.
Vừa qua, trên các diễn đàn mạng của giới sinh viên du học xôn xao về thông tin Nguyễn Mạnh Cường 19 tuổi, sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Golden West Community, đã treo cổ tự tử chết tại nhà trọ trên đường Stoneridge, TP Westminster, Mỹ.
Theo cảnh sát, Cường ở với một người dì và đã tự tử bằng cách treo cổ. Cường dùng khăn lông quấn bên ngoài một sợi dây điện và tự treo cổ trong nhà xe. Cảnh sát tìm thấy trong người nạn nhân có một lá thư tuyệt mệnh và một vé lôtô. Nội dung lá thư cho biết: Cường muốn để lại di sản cho mẹ. Cảnh sát cũng cho biết Cường có ít bạn, không thích giao du và không có dấu hiệu uống rượu hay dùng ma tuý.
Nhận định nguyên nhân Cường tự tử, nickname onthi trên diễn đàn lamchame.com ghi: ‘Chắc do bị bố mẹ ép buộc đi du học mà bản thân lại không muốn, để bố mẹ vui nên đi du học. Qua bên đó do không thích ứng được với hoàn cảnh mới, không có bạn bè chia sẻ rồi rơi vào trạng thái trầm cảm, dần dần bệnh càng nặng thêm và cuối cùng là treo cổ...’”

Cũng trong trang vừa nói, có dẫn lời bác sĩ Hồ Hải trong bài “Hành Trang Cho Con Du Học”, chỉ ra căn bệnh chung của giáo dục tại Việt Nam. Bác sĩ Hồ Hải viết:

“...Giáo dục kỹ năng sống: Giáo dục phổ thông hiện đại không cho trẻ kiến thức tổng quát quá cao, quá nặng nề như Việt Nam nhưng cho trẻ tư duy độc lập trên nền giáo dục kỹ năng sống nhuần nhuyễn. Trẻ cần trang bị kỹ năng sống thật đầy đủ trước khi du học. Ngay từ tiểu học phải cho trẻ tham gia hoạt động cộng đồng, hoạt động liên quan đến thiên nhiên và cuộc sống xung quanh nhằm giúp trẻ hoạt bát, năng nổ và dễ thích ứng với môi trường, cộng đồng mới. Không thể hy vọng trẻ được ấp ủ trong chăn êm, nệm ấm, nắng sợ đen, mưa sợ cảm lạnh có thể thành công mỹ mãn ở môi trường du học. Hãy trao nhiệm vụ và dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm với những hành động của trẻ ngay từ khi còn chập chững biết đi, bạn sẽ không bao giờ hối hận với những việc này. Đừng sợ trẻ còn non nớt, cần nhìn trẻ là người lớn và trao trách nhiệm cho trẻ để trẻ dạn dày khi còn ở trong vòng tay của bạn...”

Thực ra, khi nhìn vào các số liệu thống kê, người ta dễ dàng hiểu được vì sao phụ huynh Việt Nam muốn bằng mọi giá phaỉ đưa con mình đi du học, khi có phương tiện tài chánh.

Bản tin nhan đề
“Giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn yếu kém” trên đài VOA hôm 8/6/2010, ghi nhận các con số bi quan:

“Theo hãng thông tấn Đức thì hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam bị nhiều người coi là thất bại bởi không một trường đại học nào trong số gần 400 trường đại học của Việt Nam nằm trong số 500 trường đại học hàng đầu thế giới, trong khi các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều có các trường nằm trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới...
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Minh cho hay thực trạng khác về trình độ của giảng viên cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì chỉ có 10% trong số các giảng viên đại học của Việt Nam có bằng tiến sĩ.
Bà Phạm Bạch Tuyết, giám đốc một công ty giáo dục tư nhân nhận định rằng nhiều gia đình khá giả thường gửi con cái ra nước ngoài học đại học bởi nhiều sinh viên học đại học ở Việt Nam ra trường không thể tìm được việc bởi họ chỉ học toàn lý thuyết trong trường, trong khi nhiều sinh viên cũng chỉ đi học đại học để kiếm tấm bằng”.

Do vậy, một cách để các cán bộ về chính sách giáo dục tại Việt Nam suy luận: cần thêm tiến sĩ thật nhiều. Nhưng có phải nhiều tiến sĩ (dù không phảỉ tiến sĩ dỏm, tiến sĩ ma), là giáo dục hết bệnh hay không?

Trên thông tấn Tuần Việt Nam có tác giả Trường Yên viết bài nhan đề
“23.000 giảng viên thành tiến sĩ - một ‘giấc mơ’?”, trong đó cũng nêu các số liệu để suy nghĩ, đặc biệt cho thấy thực sự là Việt Nam hiện đã có nhiều Tiến Sĩ, nhưng tới 10.000 Tiến Sĩ và 6.000 Giáo sư, Phó Giáo Sư không hề giảng dạy. Như thế, có thêm Tiến Sĩ có phải cũng là để làm cảnh?:

“...Ngành GD vừa được Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ 2010 - 2020. Theo mục tiêu đề án, sẽ có khoảng 10.000 TS được đào tạo ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín, khoảng 3.000 TS được đào tạo theo hình thức phối hợp hoặc liên kết giữa các trường ĐH của Việt Nam và trường ĐH nước ngoài, và khoảng 10.000 TS được đào tạo trong nước.
Kinh phí dự kiến là 14.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 737 triệu USD tại thời điểm CP phê duyệt đề án...
Trung bình mỗi năm, đề án sẽ thực hiện đào tạo khoảng 2.300 TS....
Mục tiêu của đề án là đào tạo giảng viên có trình độ TS đáp ứng mục tiêu đào tạo ĐH, CĐ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu nhìn lại tổng thể lực lượng các GS, PGS, TS thì Việt Nam ta không hề thua kém các nước trong khu vực. Vậy, tại sao chúng ta lại thiếu hụt các GS, PGS, TS trong các trường ĐH, CĐ?
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, đến nay Việt Nam đã phong học hàm GS, PGS cho hơn 8.300 người, số lượng TS gấp 4 lần số lượng GS [2]. Tuy nhiên, đáng quan tâm là số lượng các GS, PGS, TS giảng dạy trong các trường ĐH lại rất thấp. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong số hơn 61.000 giảng viên ĐH, CĐ, hiện mới có gần 6.200 TS (chiếm khoảng 10%) và gần 2.300 GS, PGS (chiếm gần 4%). Nghĩa là có khoảng hơn 10.000 TS và khoảng 6.000 GS, PGS không tham gia công tác giảng dạy.


Chưa nói đến một bộ phận các TS “dởm” như xã hội vẫn lên án cũng như một số các GS, PGS, TS “xịn”chuyển từ công tác giảng dạy, nghiên cứu sang công tác quản lý. Việc có hơn 2/3 số lượng TS và hơn gần 3/4 số lượng GS, PGS không tham gia giảng dạy ĐH là một sự thiệt thòi lớn cho GDĐH ở Việt Nam

Như nan đề không phải là nhiều hay ít tiến sĩ, mà thực ra căn bệnh nằm ngay tận gốc của cơ chế giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc trong bài nhan đề
“Giáo dục: Tai hại của tham nhũng” đăng trên đài VOA ngày 1 tháng 6/2010, đã chẩn bệnh chính xác cho con bệnh giáo dục Việt Nam:

“...Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử thuộc Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông, có đến 9 hình thức tham nhũng khác nhau: “chạy trường (năm 2006, muốn vào học trường Phổ thông Trung học Lê Quý Đôn, TP.HCM, mất 2000 USD); chạy điểm (vụ chạy điểm 553 triệu đồng ở Bạc Liêu); tham nhũng qua dạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng (kiên cố hoá trường học phát hiện 14% phòng học gây thất thoát hơn 27 tỷ đồng); xà xẻo khi mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí dự án giáo dục”.
Nguyễn Đình Cử chỉ giới hạn ở cấp phổ thông, từ tiểu học đến trung học. Còn ở đại học thì sao? Thì chắc chắn cũng đầy tham nhũng. Tham nhũng từ khâu tuyển sinh đến khâu tốt nghiệp. Muốn bảo vệ luận án thành công? Phải có quà cáp cho cả giáo sư hướng dẫn đến các giáo sư phản biện. Những điều này báo chí trong nước đã nói đến khá nhiều.
Viết đến đây, tôi sực nhớ một lần, năm 1996, nhà phê bình Đỗ Lai Thuý chở tôi đến chơi ở nhà giáo sư Trần Quốc Vượng. Buổi tối. Hôm đó Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa mới được bổ làm chủ nhiệm Khoa Văn hoá học ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Lâu rồi, tôi hoàn toàn không nhớ tối đó chúng tôi nói chuyện gì với nhau. Mà, thật ra, nói chuyện cũng không nhiều. Cuộc nói chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi các cú điện thoại gọi đến Trần Quốc Vượng. Không biết những người bên kia nói gì. Tôi chỉ nghe giọng Trần Quốc Vượng gắt lên: “Để mai tính, mày!” hay “Bây giờ tao đang có khách!” Sau đó, có tiếng gõ cửa. Trần Quốc Vượng vừa mở cửa vừa la lớn: “Tao đã nói là tao đang có khách mà! Khách Việt kiều đấy nhé! Về đi!” Thế nhưng mấy người kia vẫn vào. Vẫn cười cười. Và vẫn nói chuyện. Từ dáng điệu đến giọng nói đều có vẻ gì vừa nịnh nọt vừa bẽn lẽn.
Qua câu chuyện của họ, tôi biết họ đang vận động cho các chức vụ trong cái Khoa mới vừa được thành lập. Trần Quốc Vượng, tính tình bỗ bã, vừa gắt gỏng vừa xua tay. Mấy người kia vẫn năn nỉ. Đỗ Lai Thuý ngồi cắm cúi đọc cuốn sách anh mang theo. Tôi nhìn mông lung lên kệ sách và mấy bức tranh treo trên tường, nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện với tất cả sự tò mò của một tên Việt kiều lần đầu tiên về nước. Trước, lúc ở Việt Nam, tôi cũng đã từng đi dạy học; nhưng, thú thực, tôi hoàn toàn không biết gì về những kiểu vận động cửa sau như vậy. Dạy học ở ngoại quốc, tôi lại càng không biết những vụ như vậy. Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là “chạy chọt”.
Dĩ nhiên, kể lại chuyện trên, tôi không muốn nói Trần Quốc Vượng dính dáng đến tham nhũng. Không. Tuyệt đối tôi không có ý ấy. Tính cách ông không phải là người như vậy. Ông cũng không cần làm vậy. Điều làm tôi ngạc nhiên và để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là cách thức vận động chức vụ ở Việt Nam: Luồn cúi và đi cửa sau. Trong lãnh vực giáo dục mà còn thế, huống gì các lãnh vực khác béo bở hơn? Trí thức mà còn thế, huống gì những người không phải là trí thức?”

.

Như thế, qua các số liệu thống kê, qua lời nhìn nhận của Viện Dân Số về 9 hình thức tham nhũng giáo dục, và qua chứng kiến người thật việc thật do Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc kể lại, chữa bệnh giáo dục cho Việt Nam không phải nằm ở chỗ đào tạo Tiến Sĩ ào ạt; tuy nhiên, nếu chữa bệnh từ ngay gốc cơ chế, Đảng CSViệt Nam, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, sẽ không chịu. Vì “cơ cấu” là nguồn quyền lực của Đảng này.

Trần Khải

.

Thông tin liên quan:

Mấy tháng nay, trên mạng lưới thông tin toàn cầu có một “Tạp chí GS Dỏm Việt Nam” (Journal of Incompetent Professors in Vietnam – JIPV). Tạp chí này đã đưa lên bảng “phong thần” một số nhân vật tiêu biểu cho sự sỉ nhục đối với lương tâm trí thức VN thời hiện tại.

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment