Sunday, July 4, 2010

BAO GIỜ DÂN TỘC VIỆT NAM CHẠY ĐÚNG ĐƯỜNG ?

Cả dân tộc ta bắt đầu chạy "đúng đường"?

Nguyễn Anh An (Indonesia)

4-7-2010

http://tuanvietnam.net/2010-07-03-ca-dan-toc-ta-bat-dau-chay-dung-duong-

Nguyễn Anh An (Indonesia) - Tôi sợ hãi khi nghĩ những con người này khi về phục vụ đất nước, liệu có là những con ốc sên kéo chiếc “xe bò cơ chế”? Có lẽ họ sẽ phải biết “gọt chân cho vừa giầy” để có thể sống hòa nhập vào cơ chế khổng lồ “thâm căn cố đế” nếu không, họ sẽ bị liệt vào loại không đáng dùng đến? Đến bao giờ ta lại có một vị lãnh đạo, mà nhắc đến ông, người ta sẽ thấy hình ảnh cả một thế hệ trẻ làm nên một thương hiệu Việt Nam nổi bật trên thế giới?…

.

Thả nổi thứ tài nguyên lớn nhất – con người

Ở xa nhà ngày nào tôi cũng nhớ Hà Nội. Người ta hỏi tôi từ đâu? Tôi nói “từ Việt Nam tới”. Và tôi, một người Việt Nam nhỏ nhoi đang lang thang trên thế giới bao la luôn cẩn trọng trong ăn mặc, cách cười nói và cư xử, vì tôi nghĩ, mình có thể cộng một chấm tốt hoặc trừ đi một chấm tốt dù rất nhỏ của dân tộc mình.

Hà Nội thưở tôi 8, 9 tuổi sao êm ả đến thế? Trẻ con có thể tự dắt nhau đi học, người lớn đi làm mà không quá phải bận tâm đến chúng. Cuộc sống đầy khó khăn nhưng tôi lại thấy quá đỗi bình yên. Hà Nội giờ đây liệu ai có thể dám thả con mình lang thang ngoài đường với một lộ trình giao thông dầy đặc, luôn tắc nghẽn, đầy rẫy những quán internet với những hình ảnh mà người lớn nhìn qua cũng phải giật mình?

Những ai từng sống với Hà Nội, hiểu thì sẽ rất gắn bó, sẽ yêu con người với bản tính nồng nhiệt tự nhiên, sẽ bị cám dỗ bởi văn hóa ẩm thực với nét rất cổ xưa, nhiều riêng biệt. Bạn có thể ngồi bệt với tách trà nóng sáng sớm mà hưởng thụ cả Tháp Rùa, hay dừng chân bất kỳ nơi đâu, giải khát bằng sinh tố, nước mía thậm chí bia hơi Hà Nội – một thứ giải khát tuyệt vời.

Nhưng những ai từng qua các thủ đô phát triển: Tokyo (Nhật Bản), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) hay Seoul (Hàn Quốc), thì chỉ cần ghé qua thăm Hà Nội thôi, sẽ vô cùng thất vọng. Giờ, Hà Nội là một thành phố ngổn ngang, đường xá eo hẹp, con người đông đúc, giao thông hỗn loạn, các phương tiện công cộng thì vô cùng tồi tệ.

Paul Shuteenbelt, Giám đốc khu vực châu Á Urban Solution đã day dứt: “Nếu tôi là Chủ tịch thành phố Hà Nộị…“, việc đầu tiên ông sẽ chú ý đến môi trường, ao hồ, và giáo dục ý thức công dân cho con người.

Thôi thì không nói đến những nước phát triển hơn mình quá xa, chỉ cần bạn đi qua những bờ kênh nước thải ở Jakarta, sẽ thấy những hàng cây xanh dải phân cách, tường rào sắt với dải cây leo xanh bám nhẹ nhàng được chăm chút hàng ngày, mà tủi khi nghĩ đến những dòng sông kiêm kênh thải Kim Ngưu, Tô Lịch với những sợi xích mắc to đùng nối ở cột rào mà bờ sông nào cũng bị bẻ trộm trơ cột nham nhở.

Tại sao kẻ gian lại không bẻ trộm, khi mà người ngay nhìn thấy kẻ gian đôi khi phải lơ đi vì sợ đủ thứ. Còn pháp luật thì hơi đâu đi xử lý vài vụ lẻ mẻ đó? Phải đợi đến khi thay vì ăn trộm vặt đến gây vụ án mạng, pháp luật mới ra tay?

Tôi chạy xe trên một con phố của Jakarta cũng đông lắm, cũng hay tắc đường, nhưng ở đây, cảnh sát giao thông chỉ làm nhiệm vụ phân chia luồng đường khi tắc, không chờ đợi sự lơ là của người tham gia giao thông rồi bắt phạt. Bình thường tuyệt nhiên không thấy bóng cảnh sát giao thông nào, mà người dân thì quy củ như đó là việc của họ.

Hỏi mới biết vì sao họ được vậy? Hóa ra chính sách lương cho ngành cảnh sát khá thỏa đáng. Nếu người tham gia giao thông vi phạm, sẽ bị phạt thật nặng. Bên cạnh đó, các nhà trường giáo dục trẻ nhỏ rất kỹ, coi vi phạm luật pháp là hành động đáng xấu hổ.

Rõ ràng, nếu ta có một lứa công dân được giáo dục tốt, thế hệ sau họ sẽ tự học cha ông. Vậy đấy thì ra là… giáo dục. Cha nắm tay con ra đường, cho con thấy sự bắt buộc phải tôn trọng và tham gia giao thông ra sao qua hành động chính mình. Dạy về thực tế chắc sẽ hơn ngàn lần trẻ học suông trên lớp.

Nước Việt Nam ta cải cách giáo dục đã được hai thập niên, nay vẫn mở đầu là trẻ phải cặm cụi luyện chữ đẹp như luyện thi đại học. Trong khi phương pháp giảng dạy chẳng có tác dụng mở mang trí não cho trẻ nhỏ theo hướng dạy các em biết cách tư duy độc lập, cho chúng thấy thế giới bao la ra sao, con người làm chủ thế giới bằng cách nào, chúng phải được học bài học đầu tiên làm người ra sao, biết cư xử thế nào trong nhiều tình huống. Và dạy chúng sự tự tin trước thế giới.

Phải chăng tư duy là cái bên trong không hỏi không thấy, thì ta chỉ cần cái trưng ra cho người ta thấy. Nhưng thế giới hiện đại ngày nay cho thấy, không thể chỉ đào tạo một thế hệ đua nhau làm thầy đồ viết chữ đẹp, trong khi nhìn ra các nước khác, trẻ con tầm đấy tuổi đã hiểu biết nhiều lắm rồi.

Kẻ mạnh trong kiến thức sẽ là kẻ làm chủ. Liệu có bao sinh viên Việt Nam có thể giao tiếp tiếng Anh được với người nước ngoài(chỉ trong khu vực châu Á) với kiến thức họ cặm cụi từ nhỏ?

Chẳng ai dám trả lời, và nếu cứ đà “phát triển giáo dục” kiểu này, một trăm năm nữa chúng ta cũng không có trường đại học nào ở Việt Nam lọt top trăm trường tốt nhất khu vực. Người Việt Nam sẽ chẳng bao giờ ung dung cầm tấm bằng đại học Việt Nam hội nhập thế giới.

Nhìn ra khu vực mình đang sống, nhiều nước họ có những ngôi trường đắt kinh khủng về mức giá cả, và các trường cạnh tranh trong giáo dục lành mạnh phải thể hiện hiệu quả bằng con người. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại rất nhiều ngôi trường công khắp nơi với tiền học chỉ bằng khoảng hai trăm ngàn VN đồng, mà nếu ngày lễ, bạn tặng giáo viên chút quà để tỏ lòng thì họ vô cùng ngạc nhiên và cảm động, còn giáo viên trường tư thì tuyệt đối từ chối quà.

Tôi hỏi hiệu trưởng trường con trai tôi theo học, có những xu hướng giáo dục đang phát triển trên thế giới, trường của ngài có nằm trong số đó? Ngài ấy nói rằng: Chúng tôi sẽ cố gắng hướng học sinh có cách sống đơn giản nhất nhưng suy nghĩ không được phép đơn giản?

Liệu chúng ta và thế hệ trước chúng ta có thể sống đơn giản, không chạy theo thành tích bề ngoài, không cố xây Thủ đô rộng bát ngát, nhưng đâu đâu cũng bộc lộ những bất cập, những khiếm khuyết, trong khi lại thả nổi thứ tài nguyên lớn nhất – là con người?

.

Đến bao giờ có một thế hệ trẻ làm nên thương hiệu Việt?

Nơi tôi đang sống luôn có những điều nho nhỏ đập vào mắt… Một phần vỉa hè bị mẻ hôm qua gần chỗ tôi ở, chưa đến 24h đã được sửa xong. Nhìn đoạn vỉa hè đó, tôi lại nhói lòng khi nghĩ đến những hầm hố mấp mô trên nhiều nẻo đường ở khắp Việt Nam, khiến biết bao người gặp nạn mà “thủ phạm” kiểu đó vẫn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như thách thức cả xã hội.

Đừng đổ cho các nước khu vực họ nhiều lương hơn ta, nên họ làm tốt hơn ta. Hỏi thẳng họ được bao tiền công, thì ra công xá họ được trả để vá xong đoạn đường mẻ đó nhiều khi chỉ bằng bữa ăn trưa, tương đương 10.000 VN đồng.

Họ, những thanh niên Indonesia không xấu hổ vì mình nghèo, cố gắng để tồn tại bằng lao động tự lực. Nếu chìa ngần ấy tiền vào đám thanh niên Việt Nam hiện đang lêu lổng, bảo họ làm công việc đó chắc ta sẽ bị chửi là… điên(!)

Thanh niên Việt Nam chúng ta, rất nhiều người đang sống phởn phơ trên sức lao động ngày càng già cỗi khó nhọc của cha mẹ họ, của xã hội. Tôi bỗng tự hỏi, người thanh niên Việt Nam họ sẽ sống thế nào nếu phải tự lập? Hay chỉ có con đường “túng quá làm càn” – và con đường này chỉ dẫn đến hủy hoại cuộc sống.

Hỏi bất kỳ người dân Indonesia nào rằng bạn có tin lãnh đạo đất nước bạn tham nhũng? Đa phần họ đều gật đầu. Nhưng đó lại là đất nước với một hạ tầng khá phát triển, hầu như 80% sinh viên ra trường đều biết sử dụng tiếng Anh, 100% giảng viên đại học đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Sẽ là quá muộn nếu chúng ta cứ vin vào lý do, vì cái bóng cơ chế đè nặng nhiều thế hệ tài giỏi, và nếu cứ hỏi nhau đùn đẩy, trách cứ nhau rằng ai chịu trách nhiệm trước việc này, việc kia, và ai có đủ khả năng thay đổi cơ chế, thì quả là vòng tròn luẩn quẩn chỉ có ở Việt Nam, trong khi Việt Nam ta hoàn toàn có đủ nội lực, tố chất con người để thay đổi.

Không phải bỗng dưng mà Hàn Quốc có ngững nguyên thủ có tâm huyết và lòng tự trọng cao đến vậy. Tất cả đều nhờ công lao nhiều thế hệ cha ông của họ đã đầu tư cho họ một tầm nhìn, một nhân cách sống.

Ta ngạc nhiên và khâm phục những thủ tướng nổi tiếng như Lee Han Chan từ chức chỉ vì chuyện đánh golf, thay vì giải quyết vụ đình công của nhân viên đường sắt. Một thủ tướng Park Tae Joon biến Hàn Quốc thành cường quốc thép mạnh nhất thế giới dù đất nước không có tài nguyên thép.

Đó là phải chăng bản chất con người họ hơn ta về tinh thần và ý chí? Không đâu. Tôi đã từng chứng kiến những sinh viên Việt Nam chăm học và học giỏi loại hàng đầu đáng nể phục tại các trường đại học danh tiếng khắp nơi trên thế giới họ học ra sao, họ sống thế nào.

Nhưng tôi sợ hãi khi nghĩ những con người này khi về phục vụ đất nước, liệu có là những con ốc sên kéo chiếc “xe bò cơ chế”? Có lẽ họ sẽ phải biết “gọt chân cho vừa giầy” để có thể sống hòa nhập vào cơ chế khổng lồ “thâm căn cố đế” nếu không, họ sẽ bị liệt vào loại không đáng dùng đến? Đến bao giờ ta lại có một vị lãnh đạo, mà nhắc đến ông, người ta sẽ thấy hình ảnh cả một thế hệ trẻ làm nên một thương hiệu Việt Nam nổi bật trên thế giới?

Vì thế, cái cần bây giờ đâu phải mở rộng Hà Nội để tạo dấu ấn nhiệm kỳ, vì biết đâu có thể, thế hệ sau sẽ lại phải cực nhọc thay đổi trong khi gánh nặng mở rộng tri thức thì không chờ đợi bao giờ?

Một thế hệ trẻ đang chờ đợi cơ chế quản lý xã hội cần tiếp tục thay đổi để có thể gánh vác đất nước. Đến bao giờ, chúng ta sẽ có những thế hệ người Việt trẻ biết tự tin trước thế giới, thế hệ biết tôn trọng pháp luật, am hiểu nghệ thuật, trân trọng nguồn gốc và yêu văn hóa Việt.

Chính họ sẽ thay đổi Việt Nam, quảng bá Việt Nam bằng tài năng bản thân họ, thông minh hơn, giỏi giang hơn nhiều thế hệ cha ông trong mọi mặt. Cha ông cho họ nhân cách sống, lòng tự trọng, họ sẽ biết điều khiển đất nước với lòng tự trọng. Cho họ tri thức, họ sẽ không ngu muội, độc ác, tham lam và sẽ tỉnh táo làm chủ bản thân.

Đào tạo họ, rèn giũa tài năng họ, họ có thể tạo nên một thành phố hiện đại hơn, tốt hơn ta tạo sẵn cho họ hiện nay. Cho họ sự hy sinh bây giờ sẽ khiến họ quả cảm, không hèn nhát và một cộng đồng Việt Nam như thế không phát triển mới là lạ.

Để đến gần với ước mơ cho một thế hệ, đòi hỏi cả sự quyết tâm của lãnh đạo đất nước. Và quan trọng nhất bây giờ, là cùng nhau cải tổ một thế hệ mới để cả dân tộc ta sẽ bắt đầu chạy “đúng đường”, đúng quy luật?

.

.

.

No comments:

Post a Comment