Friday, July 23, 2010

ĐẢNG CSVN TRONG TÌNH TRẠNG HIỂM NGHÈO

Đảng CSVN trong tình trạng hiểm nghèo

Nghiêm Văn Thạch
Đăng ngày 23/07/2010 lúc 01:28:43 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4949

Đảng CSVN trong tình trạng hiểm nghèo:
Triều đại Lê Đức Thọ đang sụp đổ

Nghiêm Văn Thạch



Tình thế đã không diễn ra như ban lãnh đạo đảng cộng sản mong đợi. Họ muốn đại hội 11 diễn ra đúng thời điểm dự định một cách êm thấm. Ngay khi bước vào giai đoạn chuẩn bị họ đã dọn dẹp chiến trường: những người đối lập dân chủ trong nước bị bắt hàng loạt, bị giải tòa và bị xử những bản án nặng; những người khác bị khống chế. Sau đó là những đợt tấn công qui mô của Cục Kỹ Thuật Nghiệp Vụ (trước đây là Cục Công An Khoa Học) đánh vào tất cả các báo điện tử đối lập có ít nhiều ảnh hưởng, làm tất cả các websites đều bị tổn thất; nhiều websites bị thiệt hại nặng, trong một vài trường hợp bị đánh sập luôn. Đợt đàn áp dọn dẹp chiến trường này vẫn còn tiếp tục, đối tượng cuối cùng là bán nguyệt san Tổ Quốc mà một số cộng tác viên bị khám nhà, thẩm vấn và được lệnh phải ngừng hợp tác. Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn kiểm soát hoàn toàn tình thế trước khi đại hội 11 khai mạc. Tuy nhiên điều mà họ không ngờ là họ đã không kiểm soát được chính nội bộ của họ và các biến cố dồn dập đã tới, tất cả đều rất nghiêm trọng cho sự sống còn của đảng Cộng sản.

Biến cố lớn và rõ nét nhất là sự kiện, ngày 19-6, lần đầu tiên, quốc hội biểu quyết bác bỏ một dự án quan trọng do chính phủ đệ trình: dự án Đường sắt Cao tốc. Đầu tháng 7 một vụ nổ lớn khác: Tập đoàn VINASHIN bị phát giác là trên thực tế đang ở trong tình trạng phá sản, mắc nợ 80 ngàn tỉ đồng và không có khả năng hoàn trả. Nếu chia đồng đều thì mỗi người Việt Nam mất một triệu đồng. Điều đáng nói là cho đến giữa tháng 6, nghĩa là chỉ hai tuần trước khi bị phát giác là ở trong tình trạng phá sản, VINASHIN vẫn được tung hô như là thành công kinh tế vĩ đại và niềm tự hào của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Và rồi đến vụ tai tiếng cực kỳ bỉ ổi trong đó các quan chức đảng và nhà nước tỉnh Hà Giang tổ chức mua dâm tập thể với các nữ sinh vị thành niên. Sắp tới chắc chắn sẽ còn nhiều vụ bê bối khác được phanh phui. Những vụ tai tiếng này đã tạo ra một trận mưa rào những bài báo phê phán và đả kích dưới mọi khía cạnh kỹ thuật, kinh tế và đạo đức. Báo chí Việt Nam hầu như được bóc lưỡi. Có cả những bài báo (tuy chưa được đăng trên báo trong nước nhưng được gửi ra nước ngoài một cách tự tin) đòi cách chức thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và truy tố ông Tô Huy Rứa, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cả hai ông Dũng và Rứa đều là những nhân vật được coi là có triển vọng trở thành tổng bí thư đảng CSVN sau đại hội 11. Ba người có triển vọng trở thành tổng bí thư khác là Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Hồ Đức Việt.


Tất cả những bài báo này đều chính xác và đứng đắn. Nhưng hình như chúng đều không nhận diện được điều cốt lõi của các biến cố, dù đây là sự kiện chính trị đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam: sự sụp đổ của "triều đại Lê Đức Thọ". Tại sao? Đó là nếu nhìn kỹ, ta thấy chúng đều có tác dụng tai hại cho uy tín và chỗ đứng của ông Nguyễn Tấn Dũng, người vừa kế thừa triều đại này. Vào lúc này, sau những gì đã xảy ra, khả năng ông Dũng trở thành tổng bí thư gần như là con số không; khả năng ông sẽ phải ra đi một cách bẽ bàng sau đại hội 11, trái lại, gần như chắc chắn. Tình thế đã thay đổi rất nhanh chóng, bởi vì chỉ cách đây hơn hai tháng, đầu tháng 5/2010, một nhân vật rất thạo tin trong nội bộ đảng cộng sản còn quả quyết : "Nếu đại hội diễn ra ngay bây giờ thì khả năng ông Dũng đắc cử tổng bí thư là 99%". Hình như cũng cảm nhận được những nguy cơ cho ông Dũng, nhân vật này nói tiếp: "Nhưng còn 8 tháng nữa đại hội mới họp, tình hình có thể thay đổi từ đây đến đó". Tại sao một người đang có 99% hy vọng thắng lợi lại có thể thua sau tám tháng? Lý do nào, nếu không phải là vì chính nội bộ đảng CSVN đang rối loạn?

Nhưng trước hết, hãy nhắc lại vài nét về "triều đại Lê Đức Thọ". Ông Thọ nắm toàn quyền thực sự trong đảng CSVN từ đại hội 3 năm 1960 với sự đồng tình của tổng bí thư Lê Duẩn. Không ai có thể ngờ vực uy quyền tuyệt đối của ông Thọ, được gọi một cách kinh sợ là Sáu Búa. Theo hồi ký "Viết cho Mẹ và Quốc Hội" của ông Nguyễn Văn Trấn (xuất bản năm 1993), uy quyền của ông Thọ lớn đến nỗi ông có thể cấm cả ông Hồ Chí Minh phát biểu trong một hội nghị mà ông Hồ Chí Minh cũng đành chịu. Được ông Trấn hỏi về ông Lê Đức Thọ, ông Tôn Đức Thắng, chủ tịch nước, thú nhận một cách mộc mạc: "Đ.M., tao cũng sợ nó!". Theo nhiều nhân chứng, ông Thọ từng xác quyết nhiều lần: "Đảng là tao!". Ông Thọ không chính thức là nhân vật số 1 trong đảng; trong danh sách Bộ Chính Trị ông chỉ đứng hàng thứ năm, sau các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng. Nhưng ông nắm bộ máy đảng và là nhân vật quyền lực nhất. Ông có thể bắt giam những cộng sự viên của các nhân vật này mà không ai dám chống lại. Ông cũng đích thân chỉ huy những công tác quan trọng nhất của chế độ khi cần: Giám sát Hội Nghị Paris và trực tiếp thương thuyết với Mỹ; Chỉ huy cuộc tổng tấn công dứt điểm Miền Nam năm 1975 với vai trò chính ủy. Lê Đức Thọ có thể thay đổi đường lối của đảng theo ý mính. Cho tới 1968 ông chủ trương thân Trung Quốc và tiêu diệt khuynh hướng thân Liên Xô trong đảng (mà ông buộc tội là "bọn xét lại chống đảng"); từ 1968 trở đi ông quay sang thân Liên Xô chống Trung Quốc. Rồi sau khi Gorbachev lên cầm quyền ông quay lại với Trung Quốc. Nói chung, Lê Đức Thọ muốn làm gì thì làm, muốn hướng đảng và chế độ CSVN theo hướng nào tùy ý. Ông có toàn quyền. Và chính quyền lực của Lê Đức Thọ đã giúp cho đảng CSVN thắng lợi mặc dù những sai lầm khủng khiếp: Cải cách ruộng đất; Phát động cuộc chiến với Miền Nam; Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972. Tất cả những sai lầm đó gây thiệt hại ghê gớm cho đảng và chế độ, đồng thời cũng là những thảm kịch đối với Việt Nam. Một đảng cầm quyền bình thường có thể sụp đổ chỉ vì một trong những sai lầm như thế, nhưng đảng CSVN vẫn trụ được và sau cùng giành được thắng lợi nhờ có Lê Đức Thọ.

Bí quyết thành công của Lê Đức Thọ là ông đã tạo ra một điều mà anh Nguyễn Gia Kiểng, trong nhiều bài viết, gọi là "một đảng cầm quyền trong đảng", một thứ ban trật tự trong đảng, khống chế đảng nhưng giữ được kỷ luật trong đảng và dùng đảng để khống chế phần còn lại của xã hội. Cũng phải nói là Lê Đức Thọ đã rất may – và đất nước Việt Nam đã rất không may – là trước mặt đảng cộng sản không có một chính đảng đúng nghĩa nào. Nếu Việt Nam Cộng Hòa có được một đảng cầm quyền đúng nghĩa thì lịch sử cận đại Việt Nam đã rất khác. Nhưng thực tế là Lê Đức Thọ đã cầm quyền trong suốt thời gian từ cuối thập niên 1950 trở đi cho đến khi ông chết. Ở một khía cạnh nào đó, quyền lực của ông còn kéo dài sau khi ông đã chết. Trước khi chết Lê Đức Thọ đưa Nguyễn Văn Linh ra làm tổng bí thư sau đại hội 6 (tháng 12-1986) để thực hiện những biện pháp đổi mới bắt buộc. Khi Nguyễn Văn Linh đã làm xong nhiệm vụ, ông trao quyền cho những người kế thừa mà ông đã chọn: Đỗ Mười và Lê Đức Anh.


Cũng nhờ có đảng Lê Đức Thọ, lần này do hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh cùng lãnh đạo, mà đảng CSVN đã trụ được sau những sai lầm khủng khiếp – chính sách hạ nhục tập thể và bỏ tù cả nước đối với miền Nam sau 1975, cuộc chiếm đóng Campuchia, chính sách đánh tư sản – và sau khi chủ nghĩa cộng sản và khối cộng sản sụp đổ. Liên minh Mười – Anh, mà nhiều người có ác cảm gọi là "đảng MA", vẫn còn cầm quyền cho tới nay. Hai ông thái thượng hoàng Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn trị vì sau hậu trường; Nông Đức Mạnh chỉ là một con cờ. Cả hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đều là những người có bản lãnh nhưng thời cuộc đã biến chuyển quá nhanh chóng và mãnh liệt đối với họ. Sự phát triển dồn dập của các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại, phong trào toàn cầu hóa, sự sụp đổ của ý thức hệ Mác – Lênin và sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, v.v., đều là những vấn đề vượt tầm hiểu biết của họ. Họ đã chỉ biết lúng túng chống đỡ và noi theo Bắc Kinh. Vì không làm chủ được tình huống mới, họ đã không tìm ra được những con người phù hợp để bàn giao quyền hành như ông Lê Đức Thọ đã bàn giao cho họ. Kết quả là cả hai đã ngoài 90 tuổi mà vẫn không có người kế thừa; cái "đảng cầm quyền trong đảng" dần dần mất thực chất đồng nhịp với sức khỏe mỗi ngày suy yếu thêm của hai ông. Trong tình huống đó, Nguyễn Tấn Dũng đã được chọn như một người kế thừa tự nhiên dù không phải là người kế thừa hợp lý. Vả lại đảng cộng sản cũng không có một nhân vật nào đủ tầm vóc để lãnh đạo đất nước trong bối cảnh mới.


Ông Dũng là con đỡ đầu – có dư luận còn cho rằng là con ruột không chính thức – của ông Lê Đức Anh và cũng được ông Đỗ Mười chấp nhận vì ông Mười không có người con nào khá cả. Trong tình trạng đã suy kiệt hoàn toàn cả thể xác lẫn trí tuệ, sau cùng họ dồn sự ủng hộ cho ông Dũng, mà họ đã nâng đỡ từ lâu bằng cách cho thăng tiến nhanh chóng từ một y tá không có một học lực nào lên đến thủ tướng, qua các chức vụ Bí thư huyện ủy, tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Thủ tướng, kể cả Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước. Nhưng ông Dũng vừa thiếu bản lãnh lại vừa chỉ được vai trò kế thừa quá trễ, vào lúc "đảng cầm quyền trong đảng" của hai ông Mười – Anh đã rã rượi. Vì vậy ưu thế ban đầu của ông đã sút giảm nhanh chóng. Trong ít nhất hai năm qua hầu như tất cả mọi biến cố lớn đều bất lợi cho ông: Vụ bauxite Tây Nguyên trong đó ông xuất hiện như một con cờ của Trung Quốc; Đợt đàn áp thô bạo những người dân chủ do ông chủ xướng khiến ông mất cảm tình của thế giới và của những thành phần cởi mở trong đảng. Rồi vụ Đường Sắt Cao Tốc, các vụ Vinashin, than Quảng Ninh và dâm ô ở Hà Giang. Tất cả đều chứng tỏ sự hiểu biết rất hạn chế và sự bao che tham nhũng của ông. Càng bối rối ông Dũng lại càng phải mua chuộc sự ủng hộ của cấp lãnh đạo tham ô và càng dính líu hơn với họ. Phe đảng của ông vì thế ngày càng giống một phe đảng mafia. Cái bản tính vơ vét và chia chác ngoài vòng pháp luật này ông Dũng đã tiêm nhiễm ngay từ thời thơ ấu khi ông đi du kích lúc mới 11 tuổi, đặc biệt là trong giai doạn làm bí thư huyện ủy kiêm trưởng công an huyện Hà Tiên (1980-1986) và được trao một trách nhiệm rất quan trọng là chỉ huy hoạt động buôn lậu để làm kinh tài cho đảng tại cửa biển Hà Tiên. Gần đây, ông gây ngạc nhiên khi khoe rằng từ ngày lên làm thủ tướng ông chưa kỷ luật một ai cả, trái hẳn với lời tuyên bố đanh thép khi ông nhận chức thủ tướng là quyết tâm chống tham nhũng, nếu không chống được tham nhũng thì từ chức.

Đối thủ lợi hại nhất của ông Dũng trong cuộc tranh đua giành quyền lực là ông Trương Tấn Sang, cũng sinh năm 1949 như ông Dũng. Trương Tấn Sang là một nhân vật rất mưu lược, dù bê bối về mặt đạo đức. Ông Sang là đệ tử ruột và cánh tay mặt của ông Võ Văn Kiệt từ hồi ông Kiệt còn nắm toàn quyền trong Miền Nam. Khi ông Kiệt làm Thủ tướng, ông thay ông Kiệt làm Bí thư Thành ủy Sài gòn, thực tế là nhân vật quyền lực nhất Miền Nam, rồi được triệu ra Hà Nội giữ một chức vụ cực kỳ quan trọng: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và vào Bộ Chính Trị. Bản lĩnh của ông Sang là ở chỗ ngay cả khi ông Kiệt mâu thuẫn với hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh rồi bị cô lập, ông vẫn giữ được quan hệ tốt với hai ông này và tiếp tục được nâng đỡ để leo dần tới chức vụ Thường trực Ban bí thư, nhân vật thứ hai trong đảng. Cho đến năm 2009 hình như hai ông Mười và Anh hãy còn một lưỡng lự nào đó giữa ông Dũng và ông Sang. Rất có thể họ muốn hai ông này liên kết với nhau như chính họ đã liên kết với nhau để giữ quyền lực. Chỉ từ 2009 trở đi, sự chọn lựa của họ mới lệch hẳn về ông Nguyễn Tấn Dũng.


Trong sự cạnh tranh với ông Dũng, theo một thông tin rất chính xác, ông Sang đã làm một sai lầm lớn là vụ Đảng Dân Chủ. Qua Nguyễn Sỹ Bình, ông muốn mượn tay Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, làm dụng cụ để đánh phá ông Dũng trong danh nghĩa đối lập dân chủ. Trần Huỳnh Duy Thức được trao những tài liệu để tố giác Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng trên các blog của mình. Nhưng ông Sang đã dùng những người quá kém. Phe ông Dũng phát giác được và bắt cả bọn. Trước những chứng cớ không thể chối cãi, tất cả đã nhanh chóng nhận tội và xin khoan hồng. Trước đó họ tỏ ra mạnh bạo bao nhiêu vì cậy có ô dù của ông Sang thì sau đó họ khiếp nhược bấy nhiêu vì thấy ông Dũng đã thắng. Biên bản nhận tội của họ trong đó có sự liên hệ với phe Trương Tấn Sang được gửi lên Bộ Chính Trị, khiến ông Sang phải "nhận khuyết điểm là đã thiếu cảnh giác". Sau vụ này, vấn đề ông Sang làm Tổng bí thư hầu như không còn đặt ra nữa; ông Dũng chắc chắn sẽ là Tổng bí thư; vấn đề chỉ là ngoài chức tổng bí thư, ông sẽ kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch nước hay thủ tướng. Nhưng như thế là quá chủ quan, coi thường mưu lược của ông Sang và vây cánh mà ông đã tạo ra trong hơn mười năm giữ vai trò ban phát ơn huệ trong chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Ban bí thư. Ông Sang chuyển sang liên kết với các ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Đức Việt, và dần dần tranh thủ được khối đảng viên lo ngại bản tính anh chị và dung túng tham nhũng của ông Dũng.

Cũng phải nói rằng trước mặt các đảng viên trẻ và cởi mở, ông Dũng là người rất khó chấp nhận: ông không có kiến thức cũng chưa hề có một công trạng nào, nhưng lại rất quyết đoán và hống hách. Ông Dũng chỉ là một hoàng tử, con thái thượng hoàng Lê Đức Anh, cháu thái thượng hoàng Đỗ Mười. Không thể kể hết những sai lầm lố bịch của ông Dũng. Một vài thí dụ: vụ ông tung tiền ra mua 12 tỉ USD để "tránh cho đồng đô-la bị mất giá" làm lạm phát tăng vọt và nhân dân khốn đốn hồi cuối năm 2007; vụ bauxite Tây Nguyên; cao điểm là dự án Đường Sắt Cao Tốc.

Vụ Đường Sắt Cao Tốc tiêu biểu cho cách làm việc của ông Dũng; nó đồng thời cũng là thất bại thê thảm và công khai, đánh dấu sự sụp đổ của triều đại Lê Đức Thọ, kế thừa bởi hai ông Mười – Anh và dự định chuyển giao cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một dự án rất lớn, kéo dài 25 năm, với tổng số chi phí dự trù gần 60 tỉ USD, nghĩa là hai phần ba tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam, nhưng đã được đưa ra để yêu cầu quốc hội biểu quyết thông qua mà không hề có được một ước lượng nào về tính khả thi, tiến trình thi công, các hậu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tất cả chỉ tóm gọn trong một tài liệu 30 trang gồm toàn những biện luận chung chung và hấp tấp. Một quốc hội bình thường phải coi sự kiện chính phủ yêu cầu biểu quyết một dự án như vậy như một sự xúc phạm. Trái với những lần trước (ngay cả như vụ bauxite Tây Nguyên), dự án này chưa hề có ý kiến của bộ chính trị và ban bí thư. Đây là một sự kiện rất không bình thường trong chế độ cộng sản Việt Nam cũng như trong mọi chế độ cộng sản đã có từ trước tới nay. Theo qui luật của các chế độ cộng sản – mà đảng CSVN thực hiện một cách triệt để – thì bộ chính trị quyết định, ban bí thư thi hành thông qua chính phủ. Nói cách khác, chính phủ chỉ là dụng cụ của ban bí thư để thi hành những quyết định của bộ chính trị. Như vậy không thể có việc chính phủ đưa ra quốc hội – một cơ quan bù nhìn chỉ có vai trò đóng dấu chính thức hóa các quyết định của đảng – một dự án chưa được ban bí thư chấp nhận. Nhưng đó là điều đã xảy ra.

Cần nhấn mạnh rằng không phải chỉ trong các chế độ cộng sản mà ngay cả trong các chế độ dân chủ, thủ tướng hoặc tổng thống cũng chỉ đưa ra quốc hội biểu quyết những dự luật đã có đồng thuận trong đảng cầm quyền; vì thế chưa bao giờ có trường hợp chính phủ đưa ra quốc hội biểu quyết một dự án mà đảng cầm quyền chưa thông qua. Và ngược lại, khi một đại biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền biểu quyết chống lại một dự án do chính phủ của đảng mình đưa ra thì ông ta, hay bà ta, phải hoặc từ chức dân biểu hoặc bị khai trừ ngay lập tức. Mỹ là trường hợp đặc biệt duy nhất trong đó một dân biểu có thể biểu quyết trái với lập trường của đảng mình nhưng trên thực tế số lượng dân biểu xé rào này cũng chỉ là một vài người mà thôi, chứ không thể nửa chống nửa thuận như vụ biểu quyết Đường Sắt Cao Tốc vừa rồi. Việt Nam vừa chứng kiến một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới!

Nhưng tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại đưa ra quốc hội biểu quyết một dự án mà ban lãnh đạo đảng chưa nhất trí? Chắc chắn không phải là vì ban lãnh đạo đảng muốn nhường quyền cho quốc hội. Dự án này quá quan trọng, vả lại họ chẳng coi quốc hội ra gì cả.

Cũng không thể là vì bộ chính trị không nhất trí được trên một dự án quá phức tạp đã nhường quyền trọng tài cho một cơ quan đông đảo hơn. Nếu quả như vậy thì họ đã chọn ban chấp hành trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất trong đảng sau đại hội đảng, thay vì một định chế giả tạo như quốc hội, trong đó có nhiều người không hề có một thẩm quyền nào và cũng không có một trình độ nào; điển hình là chuyện ông "đại biểu" tỉnh Hà Nam lên diễn đàn quốc hội nói một cách ngớ ngẩn rằng có một liên hệ giữa chỉ số thông minh (IQ) và đường sắt cao tốc.

Vậy thì chỉ còn lại hai trường hợp. Một là ông Dũng sau khi bị thiểu số trong ban lãnh đạo đã bất chấp đảng đem ra cho quốc hội biểu quyết và bị phe chống đối phản công đánh bại. Nếu quả như vậy thì nội bộ đảng đã hỗn loạn lớn. Và hoặc ông Dũng phải bị kỷ luật, hoặc sự kiện này chứng tỏ là đảng cộng sản đã bất lực. Trước đây, năm 1990, ông Trần Xuân Bách, người được dự trù làm Tổng bí thư sau đại hội 7, đã bị kỷ luật, cách chức khỏi cả Bộ Chính Trị lẫn Ban bí thư lẫn Trung ương đảng chỉ vì một bài nói tán thành đa nguyên đa đảng.


Hai là (có nhiều khả năng hơn) ông Dũng đã có được một đa số tương đối trong ban lãnh đạo đảng, nhưng không đủ đa số để thông qua (thí dụ 30% thuận, 20% chống, 50% không có ý kiến), nên đã có thể đưa dự án ra quốc hội biểu quyết.

Diễn tiến cuộc biểu quyết cần được đặc biệt lưu ý. Mới đầu, ông Dũng đưa ra biểu quyết toàn bộ dự án và được 42% phiếu thuận, 38% phiếu chống; dự án không được thông qua. Sau đó, ông Dũng triệt thoái, xin biểu quyết một dự án B khiêm nhường hơn và dễ chấp nhận hơn: thực hiện một khúc đường sắt cao tốc hoặc từ Hà Nội tới Vinh hoặc từ Sài gòn tới Nha Trang để thử nghiệm sau đó sẽ tùy theo kết quả mà quyết định có nên thực hiện toàn bộ dự án hay không. Chắc chắn ông Dũng hy vọng rằng đây là một thỏa hiệp chấp nhận được. Nhưng kết quả đã ngược lại với sự chờ đợi của ông. Lần này số phiếu thuận chỉ là 38% trong khi phía chống tăng lên 42%. Phải hiểu rằng một số đại biểu quốc hội (trên 90% cũng là đảng viên cộng sản) tưởng rằng ông Dũng ở thế mạnh nên đã bỏ phiếu thuận ở vòng đầu, nhưng sau đó thấy ông không có ưu thế nên đã quay lưng lại với ông. Đó là dấu hiệu rõ nét về sự rã hàng của "đảng Lê Đức Thọ" mà ông là người kế thừa cuối cùng. Thất bại này đã mở cửa cho những đợt tấn công khác: vụ VINASHIN; vụ mua dâm thiếu nhi tại Hà Giang; vụ Than Quảng Ninh. Uy tín của ông Dũng lúc này hầu như không còn gì.

Cũng nên nhìn lại phe đảng của ông Dũng. Trong cương vị Thủ tướng, ông đã dung túng tham nhũng và chia chác quyền lợi cho nhiều người để có vây cánh. Cuối cùng phe phái của ông chủ yếu là giai cấp tư sản đỏ. Hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh chắc cũng phải chua sót trước sự biến chất này của "đảng cầm quyền trong đảng" mà họ ít nhiều vẫn còn là những người đứng đầu. Hai ông, dù kiến thức không đủ để thích nghi với bối cảnh mới, cũng là những người có khí phách.

Đến đây, cũng nên tự hỏi tại sao ông Dũng lại liều lĩnh đem biểu quyết một dự án phiêu lưu như vậy? Lý do có thể là vì số tiền khổng lồ, gần một tỉ rưỡi USD, dành cho việc nghiên cứu. Các chuyên viên về Đường Sắt Cao Tốc đều cho rằng chi phí nghiên cứu này quá cao cho một dự án chỉ dùng những kỹ thuật sẵn có. Và vì là chi phí nghiên cứu, khoản này có thể được sử dụng và chia chác ngay. Lý do cơ bản, như vậy, là tham nhũng. Ông Dũng đã trở thành con tin của giai cấp tư sản đỏ. Điều này dễ hiểu; trong một xã hội mà cái gì cũng mua được thì kẻ có tiền cũng là kẻ có thực quyền. "Đảng cầm quyền trong đảng" mà ông Lê Đức Thọ xây dựng ra đang tan rã, và tan rã trong sự bê bối.

Trước hết, trong những ứng cử viên vào chức tổng bí thư có thể loại bỏ ông Tô Huy Rứa. Ông Rứa chưa bao giờ là một ứng cử viên nặng ký. Ban tuyên giáo của ông cũng chẳng tuyên truyền và giáo dục được gì, nó chỉ có vai trò một ban kiểm duyệt báo chí. Vụ mua dâm trẻ em ở Hà Giang coi như đã đánh một dấu chấm hết vào khả năng trở thành tổng bí thư của ông.

Trừ một đảo ngược tình thế khó tưởng tượng, ông Nguyễn Tấn Dũng coi như tuyệt vọng. Uy tín của ông đã xuống thấp và còn tiếp tục xuống. Nếu giả thử hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh dốc toàn bộ uy tín để ủng hộ ông đồng thời giới tư sản đỏ cũng dốc hết tài lực để hỗ trợ, giúp ông đạt được chức tổng bí thư thì đó sẽ là một thảm họa cho cả đảng và đất nước. Ông Dũng hoàn toàn không phải là mẫu người mà đất nước chấp nhận được. Ông không học hành gì, đi du kích từ lúc 11 tuổi vào lúc đảng cộng sản còn là một đảng khủng bố, nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Rạch Giá, cái nôi chính trị của ông, nơi hoạt động của lực lượng cộng sản chủ yếu là ám sát, bắt cóc, thủ tiêu, đặt mìn. Ông lớn lên và được đào tạo ngoài vòng pháp luật, và được thăng thưởng nhanh chóng cũng nhờ hoạt động buôn lậu qui mô tại cửa biển Hà Tiên khi ông là trưởng công an và bí thư huyện ủy Hà Tiên. Bản thân ông là một người rất tham nhũng và đang là đại diện của giai cấp tư sản đỏ. Đó là một mẫu người cần phải loại khỏi sinh hoạt chính trị. Tuy vậy phe đảng của ông còn khá mạnh.

Ba ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Hồ Đức Việt rất có thể sẽ liên kết với nhau chống ông Dũng để giành thắng lợi trong đại hội 11 và chia quyền. Họ có thể ít nhiều được sự yểm trợ của ông Nguyễn Minh Triết vốn cũng không ưa ông Dũng. Họ cũng có thể liên kết với những người có thế lực như ông Phùng Quang Thanh, ông Phạm Quang Nghị.

Nhưng một liên minh như vậy không phải là giải đáp cho đảng cộng sản, và cũng không phải là giải đáp cho đất nước. Ông Trương Tấn Sang rất mưu lược, nhưng bê bối về mặt đạo đức. Cái khôn của ông chủ yếu là cái khôn luồn lách chứ không phải là cái khôn để lãnh đạo một đất nước. Ông cũng không chứng tỏ một viễn kiến nào, ngoại trừ cóp nhặt mô hình Trung Quốc. Nên biết ông Trương Tấn Sang là cấp lãnh đạo cộng sản đầu tiên cổ võ cho công thức "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc. Ngay từ năm 1980, ông đã viết một loạt bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng ca tụng mô hình này mà ông gọi là "chủ nghĩa tư bản nhà nước".


Ông Nguyễn Phú Trọng, trái với một dư luận dai dẳng đánh giá ông là một người tối dạ, là một người có tài tổng hợp và thỏa hiệp. Một cấp lãnh đạo cũ của ông thuật lại rằng thời gian còn làm thư ký trong bộ chính trị ông có thể lập biên bản những buổi họp trong đó các ủy viên nói dài dòng chẳng ra đầu đuôi gì cả một cách khéo léo khiến mọi người đều thỏa mãn vì thấy có ý kiến của mình. Nhưng sự hiểu biết của ông quá hạn chế, ông chỉ biết có một chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa sai. Nếu có quyền lực, ông sẽ sử dụng quyền lực để duy trì ý thức hệ sai đó. Ông hoàn toàn không phải là con người của đổi mới.

Còn ông Hồ Đức Việt? Ông là người của bộ máy đảng, chưa hề giữ một chức vụ nào trong chính phủ, ít ai biết tới ông. Nếu cầm quyền, ông sẽ là người lo cho đảng, đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của đất nước và sẽ cố duy trì độc quyền lãnh đạo của một đảng tham nhũng và thoái hóa. Vả lại ông không phải là người có viễn kiến. Cho tới nay ông chưa hề phát biểu một ý kiến quan trọng nào cả. Một người đã ngoài 60 mà vẫn chưa đưa ra được một ý kiến gì thì phải hiểu là một người không có ý kiến. Ông không phải là mẫu người lãnh đạo quốc gia trong một thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng trí thức, trong đó ý kiến và sáng kiến là những yếu tố quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc.

Một giải pháp khác được nghĩ tới là ông Phùng Quang Thanh; trọng lượng của ông sẽ tăng lên nếu chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc được nhìn như là mối nguy lớn nhất. Tuy vậy, ông Phùng Quang Thanh cũng không phải là người có viễn kiến, như ông Hồ Đức Việt và có thể còn kém cả ông Việt. Một mối nguy khác: nếu ông Phùng Quang Thanh cầm quyền là ông sẽ phải dựa vào quân đội và do đó sẽ phải duy trì, không chừng còn tăng cường, một tình trạng phải chấm dứt: đó là để quân đội kinh doanh. Hiện nay quân đội không chuyên lo bảo vệ đất nước mà còn làm kinh tế. Tình trạng này phải chấm dứt vì một quân đội kinh doanh chỉ có thể kinh doanh dở trong khi mất khả năng chiến đấu.


Nhưng dù ai hay liên minh nào nắm được bộ máy đảng, thì cũng chỉ nắm được phần trên và bề ngoài chứ không còn thực sự kiểm soát và điều động được đảng nữa. Tại sao? Đó là vì một chính đảng chỉ có thể đoàn kết được nội bộ nếu có được đồng thuận trong một lý tưởng chung và một dự án chính trị đứng đắn. Đảng cộng sản chỉ còn một lý tưởng chính thức giả tạo là chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa không còn ai, kể cả tổng bí thư đảng cộng sản, tin là đúng. Sự phân hóa và chia rẽ là chắc chắn. Trên thực tế, đảng cộng sản đã biến chất thành một giai cấp bóc lột. Nó đã mất đồng thuận và sức sống. Để có thể tồn tại, đảng cộng sản cần một lãnh tụ đủ tài đức và bản lãnh để đoàn kết mọi người và áp đặt những thay đổi bắt buộc, nhưng thực tế là nó không có được một con người như thế. Ban lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ chỉ gồm những con người sàn sàn như nhau, tất cả đều không có thành tích gì dù trong thời chiến hay trong thời bình, ở những mức độ khác nhau tất cả đều tham nhũng và đều chỉ có một trình độ hiểu biết thấp hơn một số đông đảo đảng viên trẻ. Những cấp lãnh đạo như thế vừa không thể gắn bó với nhau vừa chắc chắn bị đa số đảng viên phản đối. Tai họa không đến từ bên ngoài mà từ chính nội bộ đảng.

Trong thế dùng dằng bế tắc này, đại hội 11 sẽ chỉ là một đại hội dậm chân tại chỗ, nhàm chán, nhắc lại những điều cũ rích và nhạt nhẽo mà không ai, kể cả người nói, muốn nghe. Mối nguy lớn nhất và chắc chắn sẽ đến, đối với đảng cộng sản là sẽ không có thay đổi định hướng nào cả.

Nhưng muốn dậm chân tại chỗ cũng không được. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hai năm nay và vẫn chưa chấm dứt đang đòi hỏi mỗi quốc gia khẩn cấp xét lại hầu như mọi chính sách. Như thế, ban lãnh đạo mới của đảng cộng sản sau đại hội 11, dù gồm những ai, cũng sẽ bắt buộc phải làm ngược lại những nghị quyết của đại hội vì một lý do giản dị là đó chỉ là những nghị quyết lỗi thời và rỗng nghĩa, khi không nghịch lý. Sẽ có tranh cãi và xung đột lớn trong khi không ai thực sự kiểm soát được đảng cả.

Trong bối cảnh phân hóa đó, yếu tố từ trước đến nay vẫn giúp cho đảng cộng sản duy trì được kỷ luật, và tồn tại, là "đảng cầm quyền trong đảng" mà ông Lê Đức Thọ tạo dựng ra lại tan rã.

Đảng cộng sản sẽ không thể tồn tại như hiện nay sau đại hội 11. Sự suy sụp, thậm chí tan rã, là chắc chắn. Một đảng cầm quyền chỉ có thể áp đặt được chuyên chính trong xã hội nếu trước đó nó áp đặt được chuyên chính trong nội bộ. Đảng cộng sản không độc tài được trong nội bộ nên sẽ không thể duy trì chế độ độc tài. Chế độ độc tài sẽ cáo chung, có mọi triển vọng trước khi khóa 11 của ban chấp hành trung ương chấm dứt, nghĩa là trước năm 2016.

Tất cả vấn đề là sự cáo chung của chế độ độc tài sẽ nhường chỗ cho cái gì? Một chế độ dân chủ pháp trị lành mạnh, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc và bắt đầu ngay cuộc chạy đua rút ngắn sự tụt hậu đã quá bi đát của nước ta so với thế giới, hay một tình trạng hỗn loạn?

Đó cũng là câu hỏi: liệu những người dân chủ trong và ngoài nước, trong và ngoài bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, có đủ sáng suốt và khôn ngoan để hình thành với nhau một kết hợp dân chủ mới đủ mạnh để đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới hay không?

Nghiêm Văn Thạch
Chủ tịch Phân bộ Paris – Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
(Bài viết được đúc kết từ những thông tin và thảo luận trong Phân bộ)

© Thông Luận 2010.

.

.

.

No comments:

Post a Comment