Thursday, June 24, 2010

TỪ VIỆC NƯỚC NGA ĐI TÌM CÔNG NGHỆ MỚI, NGHĨ TỚI VIỆT NAM

Từ việc nước Nga đi tìm công nghệ mới nghĩ tới Việt Nam

Lê Diễn Đức

Tháng Sáu 24, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/06/24/t%e1%bb%ab-vi%e1%bb%87c-n%c6%b0%e1%bb%9bc-nga-di-tim-cong-ngh%e1%bb%87-m%e1%bb%9bi-nghi-t%e1%bb%9bi-vi%e1%bb%87t-nam/

Trong các bài viết của mình, tôi thường lấy nhiều nhất hình ảnh Ba Lan, sau đó là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ để so sánh, rút ra những bài học bổ ích cho Việt Nam.

---------------------------

Theo tôi, trên góc độ quan sát này bạn đọc sẽ có những liên hệ gần gũi. Cho dù hoàn cảnh, địa thế của mỗi nước khác nhau, nhưng muốn hay không, tất cả các nước cộng sản còn rơi rớt lại như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba đều có chung một mẫu số độc tài, đảng trị và duy trì quyền lực bằng đàn áp bạo lực giống như các nước cựu cộng sản “anh em” ở Đông Âu đã từng có.

Hiện nay, các nước cựu cộng sản Đông Âu và Cộng hoà Baltic (thuộc khối Xô Viết cũ) đều đi theo kinh tế thị trường tự do và thể chế chính trị dân chủ đa nguyên. Sự lột xác thực sự đã thúc đẩy nhanh chóng phát triển kinh tế. Và điều không thể phủ nhận là quyền tự do của công dân trong mọi lĩnh vực tại những quốc gia này hơn hẳn bốn nước Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba.

Dù đang hướng tới hội nhập vào trào lưu dân chủ, nước Nga vẫn còn lúng túng trong lựa chọn. Vì những lý do lịch sử và tham vọng phục hồi đế chế, nước Nga đang trong tình trạng của xã hội dân chủ nửa vời, đôi khi hoang dã, nếu không nói là đang bị chế độ chuyên chế lấn lướt.

Tuy nhiên, những người có tư tưởng cải cách của nước Nga đang là những nhà trí thức, kỹ trị (technocrat) tiên phong của thế hệ mới. Họ có cái nhìn thực tế và khai phóng hơn. Một trong số đó là đương kim Tổng thống Nga Dmytry Medvedev, 46 tuổi.

.

TT Nga Medvedev và Thống đốc Schwarzenegger ngày 23/06/10 - Ảnh: Guardian.co.uk

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/06/dmitry-medvedev-arnold.jpg?w=455

.

Nga tìm sáng chế và công nghệ mới

Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev không khởi đầu từ Washington, mà là từ tiểu bang California. Chính trị gia Hoa Kỳ mà Medvedev đưa tay ra bắt đầu tiên là Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger. Chính Arnold Schwarzenegger là người ủng hộ Tổng thống Nga trong kế hoạch xây dựng gần Moscow của Nga một Thung lũng Điện tử – Trung tâm sáng chế và đầu tư.

- Mục tiêu của tôi là không phải chỉ để xem nó như thế nào, đây không phải là một chuyến đi du lịch – Medvedev nói với Thống đốc California như vậy và thêm rằng, ông muốn thiết lập một sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Nga không che giấu rằng, ông tin vào sự tăng cường trao đổi và hợp tác kinh tế – kỹ thuật với Hoa Kỳ nhằm mục đích hiện đại hóa nền kinh tế Nga. Nền kinh tế Nga hiện đang đòi hỏi khẩn cấp không chỉ các công nghệ mới mà còn vốn đầu tư.

Cuộc khủng hoảng đang tiếp tục gây khó khăn cho cả thế giới, không bỏ qua nước Nga. Nền kinh tế Nga đã quá lỗi thời, cần phải hiện đại hóa toàn diện, sự chậm trễ về công nghệ lớn đến mức nước Nga sẽ không có khả năng đuổi kịp các nước phát triển.

Do đó chuyến công du của Medvedev tại Thung lũng Điện Tử (Silicon Valley) nơi có các công ty nổi tiếng của ngành công nghệ cao như Cisco và Apple. Cùng đi với Tổng thống Nga là nhóm các chuyên gia, những người sẽ thảo luận về các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có Phòng Thương mại Nga – Hoa Kỳ.

.

TT Medvedev thăm Twitter tại Silicon Valley hôm 23/06

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/06/silicon.jpg?w=305&h=230

.

Truyền thông của Nga xác định cao điểm hiện tại của Nga là sáng chế và công nghệ, vì thế Medvedev đã bắt đầu từ California. Medvedev, người đang cố gắng hiện đại hoá một nền kinh tế lạc hậu, đã nhìn thấy trực tiếp qua mắt mình cách thức mà Hoa Kỳ đã làm, để xây dựng một mẫu “Silicon Valley” thử nghiệm tại Skolkov, gần Moscow. Nơi đây trong tương lai sẽ là chiếc bánh xe chủ lực kéo tiến trình hiện đại hóa. Tuy nhiên, để có cái này, không chỉ cần quyết tâm, mà còn cả tiền bạc và công nghệ hiện đại. Cả hai thứ sau cùng đều có tại Hoa Kỳ.

Do đó mà có cuộc họp với đại diện giới doanh nghiệp, bao gồm cả với Cisco Systems, Google và Microsoft. Medvedev cũng đã đến thăm trụ sở chính của Twitter tại Silicon Valley. Trong chuyến thăm này, hợp đồng hàng tỷ đô la sẽ được Nga ký kết với tập đoàn sản xuất máy bay khổng lồ Boeing.

Và chỉ sau phần làm kinh tế Tổng thống Nga mới bay tới Washington vào ngày thứ Năm (24/06) để gặp Tổng thống Barack Obama.

Với Tổng thống Hoa Kỳ Obama – như những người tháp tùng Medvedev nói – Tổng thống Nga từ một năm nay đang xây dựng “sự cởi mở mới” giữa hai quốc gia.

.

Kinh tế Việt Nam nhiều khuyết tật

Nhìn thấy nước Nga hiểu rõ thực chất của sự phát triển kinh tế tương lai là con đường sáng chế và công nghệ mới, tôi lại có những liên tưởng đến Việt Nam.

Việt Nam, như trong bài “Bi hài tàu cao tốc của nước Nga và của Việt Nam (nếu có)” tôi đã phân tích tầm vóc của Việt Nam bên cạnh Nga. Về mọi phương diện Việt Nam so với Nga chỉ là con kiến bên cạnh con voi. Và cho dù có phép mầu để tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay đảm bảo liên tục, thì sau 20 năm nữa tổng thu nhập quốc dân của Viêt Nam cũng chỉ nhích hơn phân nửa Nga hiện thời, chưa nói về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Từ năm 1986, sau khi mở cửa với thế giới và thực hiện một phần kinh tế thị trường, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy nhiên, rõ ràng kinh tế Việt Nam đang phát triển thiếu đồng bộ, không dựa trên bền vững lâu dài.

Ngoại trừ đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Việt Nam coi nhẹ đầu tư vào các ngành công nghiệp. Các dự án đầu tư tập trung quá nhiều vào sản xuất hàng gia công hàng xuất khẩu, khai thác tài nguyên triệt để, các công trình phục vụ ăn chơi giải trí mọc lên ào ạt. Một đất nước đang nghèo, có thu nhập thấp và hơn 70% dân số sống ở nông thôn, liệu việc lấy đất nông nghiệp xây dựng hàng chục sân gôn hoành tráng, sang trọng là hợp lý?

Trong khi ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí và chế tạo máy của Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất trọn một chiếc xe gắn máy, đừng nói tới ô tô, những siêu dự án như đường sắt cao tốc buộc Việt Nam không những phải nhập công nghệ mới, chịu lệ thuộc vào sự bảo hành vô cùng tốn kém sau đó, mà còn phải nhập khẩu hầu hết trang thiết bị, phụ kiện thay thế từ nước ngoài. Điều này càng vỗ béo thêm cho các ông chủ tư bản. Ngay cả đi sau các nước phát triển Tây Âu, khi thực hiện đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã sản xuất được gần như toàn bộ các nhu cầu cần thiết.

.

Trong ngày 23/6 vừa rồi, tại cuộc hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020” do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, với khoảng 150 chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ các ủy ban của Quốc hội, từ các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam có nhiều “khuyết tật”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói “tăng trưởng GDP của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút, năng suất lao động không thu hẹp so với một số nước trong khu vực, chi phí đầu vào sản xuất đang tăng lên đẩy lợi nhuận giảm, hiệu quả đầu tư thấp”, “đồng thời, thâm hụt cán cân thanh toán cao, lạm phát ở mức lớn hơn nhiều nước trong khu vực và kéo dài trong nhiều năm là những điểm yếu của nền kinh tế, chỉ có thể lý giải là do mô hình phát triển”.

Theo tính toán của ông Cung, “quãng thời gian để Việt Nam vượt lên thành nước phát triển có thể phải mất tới 30 – 40 năm với tốc độ tăng GDP từ 8-10%/năm, đó là một nỗ lực rất lớn, khó có thể thành hiện thực nếu không rốt ráo thực hiện ngay các giải pháp mang tính căn bản, đồng bộ”.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu bằng đổi mới tư duy. “Đổi mới năm 1986 cũng bằng cái đó, giờ chắc cũng phải thế. Cái chính là phải quyết tâm, phải vượt qua được chính mình”. Về điểm này, giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh thêm rằng, sự đổi mới tư duy của những cán bộ lãnh đạo cấp cao là rất quan trọng, để đưa ra được tín hiệu rõ ràng cho cả hệ thống vận hành cùng theo một hướng”.

Với tầm nhìn xa, đất nước phải có mô hình phát triển kinh tế đồng bộ, bền vững, chú trọng củng cố một số ngành công nghiệp với công nghệ mới hầu giảm thiểu cao nhất lệ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài cho các dự án lớn.

Để có mô hình kinh tế như cuộc hội thảo xác định, Việt Nam phải có một môi trường xã hội lành mạnh, không có chế độ đặc quyền, đặc lợi và thế hệ các nhà chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật hậu chiến tranh của Việt Nam có tầm nhận thức đúng đắn, có cơ hội vào cuộc bình đẳng. Nếu không, kế hoạch đào tạo vài chục ngàn tiến sĩ với chất lượng của Việt Nam hiện tại, chưa nói tới tiến sĩ dỏm, chỉ là cho vui, để tự khoe mẽ với nhau là chính!

.

Bài sử dụng nguồn thông tin của: Polska The TimesVneconomy 24/06/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment