Monday, June 21, 2010

TÒA ÁN MALAYSIA BÃI NẠI CHO 8 CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Tòa án Malaysia đã bãi nại cho tám công nhân Việt bị cáo buộc cư trú quá hạn

Thanh trúc, phóng viên RFA

2010-06-21

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Malaysian-Court-Discharges-Eight-Vietnamese-Workers-In-First-Overstay-Trial%20-06212010070507.html

Hôm thứ Sáu ngày 18, toà án thành phố Banting của Malaysia đã bãi nại cho tám công nhân lao động Việt Nam trước đó bị cáo buộc tội cư trú quá hạn tại đất nước này.

.

Công nhân không giữ giấy tờ làm sao gia hạn

Đó là tám trong số ba mươi mốt công nhân Việt, phần lớn là người dân tộc, đến Malaysia từ năm 2007 , bị cảnh sát Malaysia bắt giữ hồi tháng Hai vì tội cư trú quá hạn kỳ.
Cả tám nam công nhân này làm việc trong hãng điện Spektra Alucast nhưng chỉ được trả lương sáu tháng đầu mà thôi. Khi đi Malaysia, số tiền phí tổn mà họ phải trả cho công ty môi giới ở trong nước là hai cho đến ba ngàn đô la trở lên.

Từ Đức Quốc, ông Vũ Quốc Dụng, làm việc cho Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, cũng là một thành viên sáng lập CAMSA, chữ tắt của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, có văn phòng ở Hoa kỳ và hai văn phòng thường trực tại Kuala Lumpur cũng như Penang, để giúp đỡ công nhân Việt gặp khó khăn ở Malaysia, cho biết:
Đây là những người đến từ vùng sâu vùng xa , thí dụ anh Cà Văn Vinh, anh Lò Văn Diêm, anh Quản Văn Đoan , anh Lò Văn Hồng, anh Vì Đức Xương vân vân...Tức là tổng cộng có ba mươi mốt công nhân, đa số là người thiểu số. Khi sang đến Malaysia thì công ty môi giới giao họ cho công ty Spektra Alucast và công ty này lập tức tịch thu hộ chiếu của họ.
Nhưng mà hãng này chỉ trả tiền trong sáu tháng đầu tiên và sau đó quịt lương của họ khiến họ phải sống lầm than. Trong số ba mươi mốt người đó thì tám người bị cảnh sát Malaysia bắt cuối tháng Hai vừa rồi vì tội cư trú quá thời hạn.
Họ đã qua rất nhiều phiên toà . Đến phiên toà cuối cùng ngày thứ Sáu 18 thì toà án thành phố Banting đã bãi nại và trả tự do cho tám công nhân này.

Được biết khi bị bắt thì cả tám công nhân Việt Nam này không có giấy tờ . Hộ chiếu của họ vẫn bị chủ nhân Spektra Alucast nắm giữ. Nếu không có hộ chiếu và giấy tờ tuỳ thân để trình cho cảnh sát thì chưa thể kết tội cư trú quá hạn đối với họ được.

Đó là lý do mà luật sư người Malaysia, ông Daniel Lo , được CAMSA mướn để giúp công nhân Việt gặp khó khăn tại Malaysia, dựa vào để bào chữa trước toà:
Công nhân ngoại quốc khi đến Malaysia lao động thì phải gia hạn giấy phép làm việc mỗi năm. Tuy nhiên trường hợp tám nam công nhân Việt Nam này mà giấy phép làm việc không được gia hạn là vì hộ chiếu của họ bị chủ giữ hết. Chính vì thế mà đã 12 qua tháng giấy phép làm việc của họ không được tái chứng dù họ vẫn làm việc cho Spektra Alucast.
Khi tham gia bào chữa cho họ tại Toà, chúng tôi đã nhân danh luật sư biện hộ để trình bày và thỉnh cầu công tố viên rút lại lời buộc tội cư trú quá hạn đối với tám công nhân này, đồng thời xin toà bãi nại cho họ.
Cuối cùng thì vị chánh án đồng ý rút lại tội danh ở lì hay còn gọi là cư trú quá hạn của họ.

.

Quyền giữ hộ chiếu công nhân?

Theo luật sư Daniel Lo, phiên toà hôm thứ Sáu ngày 18 mà tám công nhân lao động Việt , bị bắt vì không có giấy tờ tuỳ thân và bị nghi ngờ tội cư trú quá thời hạn, rồi sau đó được toà miễn án với lý do hộ chiếu của họ bị chủ giữ từ những ngày đầu, là trường hợp điển hình đầu tiên lôi kéo sự chú ý của nhà chức trách Malaysia về tình trạng công nhân Việt trên đất nước của họ.
Sau khi phiên toà hôm thứ Sáu chấm dứt, thay vì trở lại trại giam những người cư trú bất hợp pháp , tám công nhân Việt được cảnh sát Malaysia đưa về một trung tâm tạm trú để bắt đầu một cuộc điều tra theo hướng khác. Luật sư Daniel Lo cho biết nhà chức trách Malaysia muốn biết tại sao chủ nhân hãng Spektra Alucast tìm cách giữ hộ chiếu của những người này ngay khi họ đến Malaysia và cũng không đi tái chứng hay gia hạn giấy phép làm việc cho họ. Một vấn đề khác cần tìm hiểu là những công nhân này có bị bóc lột sức lao động và sự việc của họ có liên quan gì đến tình trạng buôn người không :

Việc chủ hãng xưởng ở Malaysia thu hộ chiếu của công nhân ngoại quốc để cất giữ là chuyện thường thấy ở đây lâu nay. Nguyên nhân đầu tiên là giới chủ muốn bảo đảm có thể xin chứng giấy phép làm việc cho họ ở Malaysia qua hộ chiếu đó. Cần rõ là có rất nhiều công nhân nước ngoài được đưa sang Malaysia làm việc nhưng chưa được cấp phép.
Thực tế là sau khi xin được giấy phép lao động cho công nhân rồi thì chủ không còn lý do nào để giữ riết lấy hộ chiếu của họ nữa. Vậy mà thường thì họ vẫn cứ giữ bởi vì sợ công nhân bỏ trốn ra ngoài để kiếm việc khác.

.

Nhiệm vụ của CAMSA
Hiện văn phòng CAMSA và luật sư Daniel vẫn tiếp tục theo sát trường hợp của tám công nhân Việt Nam này. Vì cả nhóm đang ở trong trung tâm tạm trú của cảnh sát và nội vụ còn trong vòng điều tra nên mọi liên lạc bằng điện thoại với bên ngoài đều không thực hiện được.
Với câu hỏi là văn phòng CAMSA sẽ giúp gì được cho các công nhân này. luật sư Daniel Lo trả lời:
Chúng tôi đang cố gắng tranh đấu để họ được chủ nhân trả hết tiền lương đã thiếu trong ngần ấy thời gian làm việc, chủ phải bồi thường thiệt hại trong thời gian họ bị bắt oan vì tội cư trú quá hạn. Nếu bị gởi trả về Việt Nam, mà khả năng có thể xảy ra theo như tôi tìm hiểu, họ phải được chủ bồi thường vì công việc chấm dứt trước hợp đồng.

Đây là lần đầu tiên một vụ việc liên quan đến công nhân Việt NamMalaysia rơi vào tầm ngắm của chính quyền địa phương. Trước nay Malaysia là điểm đến của nhiều công nhân nam nữ Việt Nam. Nhiều người đã bị bóc lột sức lao động, bị chủ giữ hết giấy tờ để cầm chân và bị chủ quịt lương như trường hợp công ty Polar Twin cách đây hai năm chẳng hạn.
Đã có lần, khi con số công nhân Việt Nam qua Malaysia lao động mà bỏ trốn ra ngoài quá nhiều, chính phủ Malaysia đã lưu ý chính phủ Việt Nam là nếu không giải quyết thì họ sẽ không nhận lao động đến từ Việt Nam nữa.
Số công nhân lao động Việt Nam xuất khẩu qua Malaysia và làm việc trong các hãng xưởng hoặc những cơ sở xây dựng ở Malaysia lên tới trên trăm ngàn .
Trong phúc trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới năm 2010, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố hôm 14 vừa qua, Malaysia từ hạng ba tức hạng chót trong danh sách các nước có vấn đề buôn người tệ hại, được cất nhắc lên bậc hai và cần được theo dõi, gọi là Tier 2 Watchlist
Trong khi đó, Việt Nam, tuy giữ bậc hai nhưng được cất khỏi danh sách cần theo dõi đã bốn năm, được xếp hạng Tier 2 Watchlist , nghĩa là vẫn bậc 2 nhưng rơi trở lại danh sách cần theo dõi vì đã không tích cực phòng chống nạn buôn người vào đường lao động cưỡng bách.
.

Theo dòng thời sự:

Cảnh giác xuất khẩu lao động sang Canada

ASEAN bàn về công ước bảo vệ người lao động

Ký sự Mã Lai: Đau xót những mảnh đời công nhân VN

Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam

Ả Rập: năm trăm công nhân VN bị trục xuất về nước

AI cáo buộc Malaysia đã đối xử tàn tệ với di dân đến làm việc

Malaysia tham gia chương trình chống nạn buôn người

Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài

17 ngàn lao động đã được xuất cảnh trong quý 1

Singapore hạn chế thuê công nhân nước ngoài

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment