Tuesday, June 29, 2010

THIẾU PHẢN BIỆN SẼ DẪN ĐẾN SUY ĐỒI

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân :

Thiếu phản biện sẽ dẫn đến suy đồi

Ngày 25.06.2010, 12:01 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Loi-song/124677/Thieu-phan-bien-se-dan-den-suy-doi.html

SGTT - Nhân vật trang Giá trị sống kỳ này không xa lạ với những ai quan tâm đến nghiên cứu, phê bình văn học và văn bản học báo chí nửa đầu thế kỷ 20. Cuộc trao đổi này diễn ra đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 2010, và, câu chuyện mà nhân vật bài viết tỏ ra hứng thú để hàn huyên cũng là báo chí với học thuật, tiếng nói trí thức…

.

Trong gần chục năm qua, ông đã bỏ công sức “khai quật quá khứ”, sưu tầm, giới thiệu một cách có hệ thống, giúp người đọc dần dần nhận diện một số tác giả quan trọng, tiêu biểu là Phan Khôi… Với ông, công việc trên xuất phát từ cảm phục cá nhân hay là nhận lãnh một uỷ thác – được hiểu là trách nhiệm lịch sử – của nhà nghiên cứu hậu sinh?

Từ những năm đầu 1990, sau một số trở ngại vấp phải trong phê bình tranh luận, tôi chuyển trọng tâm công việc của mình từ phê bình sang nghiên cứu; đối tượng tôi quan tâm là toàn bộ văn học sử Việt Nam thế kỷ 20, nhất là những “vệt trắng”, những “khoảng trống”. Phan Khôi (1887 – 1959) với tư cách một tác gia, được tôi đề cập bên cạnh một loạt tác gia khác: Vũ Trọng Phụng, Lê Thanh, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh, Nguyễn Minh Châu, Vũ Bằng v.v.

Tôi đã làm cái việc “trục vớt” tác phẩm của các tác giả trên đây hoàn toàn với tư cách một người nghiên cứu độc lập. Khi bắt tay đi tìm các “tác phẩm đăng báo” của Phan Khôi, tôi mới biết quá ít về ông. Có một vài bạn bè khuyến khích, nhưng hầu như không ai uỷ thác cho tôi công việc ấy.

Còn về sự cảm phục, thì phải nói ngược lại: việc nhiều tên tuổi lớn bị dư luận chính thống bôi nhọ suốt mấy chục năm ròng khiến thế hệ tôi thường bị lạc hướng, thậm chí phụ hoạ với giọng điệu phủ định; là người của thế hệ mình, trong tôi không có sẵn sự hiểu biết nào để có thể “cảm phục” một cách tiên thiên. Công việc tôi tự đặt cho mình là tìm lại, hiểu lại một tác gia đã bị lên án nhiều đến thế, từ phía chính thống.

Phan Khôi bắt đầu viết báo từ 1918, nhưng tôi chọn công bố sưu tập những “tác phẩm đăng báo” của ông bắt đầu từ 1928, với những bài viết trên Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn. Cho đến nay tôi đã tái công bố được sáu cuốn (gồm năm tập Tác phẩm đăng báo các năm 1928, 1929, 1930, 1931, 1932, và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn), tính ra đã tái công bố được trên 5.000 trang tác phẩm của Phan Khôi. Công việc tất nhiên chưa thể kết thúc, vì còn khá nhiều tác phẩm của Phan Khôi chưa được công bố, thậm chí chưa tìm được.

.

Sau bước thứ nhất, đi tìm lại, dường như mọi thứ dừng lại ở bước thứ hai của hành trình – giới thiệu (tái công bố) tác phẩm, chưa có những công trình đánh giá, phê bình báo chí xứng tầm về nhân vật Phan Khôi và một thời đại báo chí – trí thức rực rỡ nửa đầu thế kỷ 20?

Có nhiều cách để người nghiên cứu tiếp cận một tác gia. Tôi thấy Phan Khôi là tác gia lớn, nên đã không chọn lối mà nhiều người nghiên cứu thường làm, là chọn ra một ít bài tạm coi là tiêu biểu của tác gia ấy, cạnh đó viết một bài nghiên cứu, làm thành một cuốn sách gọi là “tuyển tập” dăm ba trăm trang, cốt là in dấu tay “nhà nghiên cứu” của mình vào tác gia này, rồi bỏ đó, chuyển đi làm việc khác.

Với trường hợp Phan Khôi, tôi muốn thực hiện lối làm kỹ về di sản của một tác gia. Có thể nỗ lực của tôi rốt cuộc cũng chưa “trình chánh” được hết toàn bộ tác phẩm của ông, nhưng việc trước tiên là “trục vớt” để trình bày lại hầu hết tác phẩm, cho thấy hoạt động thực sự của ngòi bút ông. Tôi chuyên chú vào công việc ấy đã. Còn việc nghiên cứu, phê bình, đánh giá sự nghiệp của tác gia Phan Khôi, thật ra, cho đến nay còn vấp nhiều trở ngại lắm. Vận động các nguồn tài trợ đã không dễ, xin phép để được tổ chức việc này việc kia còn khó khăn hơn.

Sau một buổi toạ đàm hiếm hoi nhân 120 năm ngày sinh của Phan Khôi (tháng 10.2007), một số nỗ lực tiếp theo để tổ chức hội thảo đã bất thành. Cá nhân tôi, cùng với việc làm kỹ các tập sách Tác phẩm đăng báo, tôi đã và sẽ viết những bài nghiên cứu về từng mặt, từng khía cạnh trong sự nghiệp Phan Khôi; một số người nghiên cứu khác, khi đọc lại Phan Khôi qua các sưu tập của tôi, cũng đã viết được những bài nghiên cứu hay, ví dụ nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, với bài viết về đóng góp của Phan Khôi cho sự phát triển văn nghị luận ở Việt Nam (đã đăng tạp chí Nghiên cứu văn học năm 2009).

Tôi tin rằng đề tài về giá trị của sự nghiệp Phan Khôi sẽ còn thu hút nhiều thế hệ nhà nghiên cứu sử học, văn học, trong và ngoài nước, tuy rằng cho đến nay nhiều người vẫn còn dè chừng…

.

Nếu tính từ thời điểm xuất hiện tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo (1865) đến nay, lịch sử báo chí Việt Nam đã trải qua gần một thế kỷ rưỡi, nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu vắng (hay chưa có) nền phê bình báo chí đúng nghĩa – theo ông là vì sao? Và hệ luỵ của sự thiếu vắng phê bình báo chí đối với một nền báo chí?

Trước năm 1945, ở ta đã có báo chí và phê bình báo chí, nhưng cách sống đó bị từ bỏ. Từ 1990 tuy trở lại bình thường, nhưng nhịp độ chuyển đổi quá chậm! Thành thử sau hai chục năm ở ta vẫn còn nhiều thứ chưa giống với nhân loại hiện đại, trong đó sự thiếu phê bình báo chí, như bạn nói, chỉ là một trong nhiều cái thiếu lẽ ra không thể thiếu. Mọi hoạt động có quy mô xã hội mà lại thiếu phản hồi, thiếu phản biện, thiếu phê bình, như kinh nghiệm nhân loại đã dự báo, thì đều dễ lâm vào các dạng thức suy đồi, biến dạng.

.

Trên các mặt báo như Nam Phong tạp chí, An Nam tạp chí, Tri Tân, Thần Chung, Phụ nữ Tân văn… Phan Khôi cùng với Tản Đà, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim… đã tạo ra một môi trường khá sôi động trong đời sống học thuật, báo chí trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20. Điều đó cho thấy, nếu sinh quyển báo chí gắn với những ưu tư học thuật, với tiếng nói trí thức trước thời cuộc thì chắc hẳn ngoài đóng góp ngôn luận mang tính bối cảnh hoá (mà ta vẫn gọi là tính thời sự, nhất thời) thì còn đủ sức tạo ra sức sống “không nhất thời” cho học thuật và văn hoá?

Chắc chắn là như vậy. Và đây chính là tầm rộng và chiều cao của một nền báo chí. Một nền báo chí có tên, được đánh dấu bằng những cái tên, không phải thứ báo chí vô danh, đầy chữ với chữ mà không rõ bóng dáng con người!

Ta nhớ rằng trong thời của mình, các cây bút viết báo hầu như chẳng có quyền uy gì đáng kể trước cộng đồng xã hội hết. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh có đôi chút “vai vế” (do vai trò đứng đầu các tờ báo được chính quyền bảo trợ ít nhiều – đây là nói Phạm Quỳnh ở thời làm báo, chưa đi làm quan), Trần Trọng Kim là viên chức ngành giáo dục, chứ Tản Đà hay Phan Khôi thì chỉ là thường dân. Họ chỉ có thể có uy tín nếu có đóng góp cho cộng đồng. Họ viết cho báo hàng ngày, báo hàng tuần, hàng tháng, không chỉ để đọc cho vui mà là để tác động vào xã hội. Phan Khôi đã dùng báo hàng ngày để làm công việc tư tưởng, tác động vào nhận thức xã hội. Năm 1928, trên Đông Pháp thời báo ông mở tranh luận để làm rõ rằng nước Pháp trên thực tế đã không giúp chúa Nguyễn Ánh trong công cuộc thu phục lại đất nước – một nhận thức lịch sử mà không ít trí thức Việt Nam, kể cả Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu cũng lầm lẫn! Năm 1929 trên tuần báo Phụ nữ Tân văn, ông viết một loạt bài đồng thời mời một loạt trí thức hàng đầu phát biểu ý kiến về vấn đề phụ nữ trong xã hội hiện đại. Phan Khôi là nhà ngôn luận Việt Nam đầu tiên nêu vấn đề nữ quyền một cách bức thiết, triệt để, nhất quán hơn cả. Ông cũng tham gia, nhiều khi chính ông là ngòi nổ, cho hàng loạt những tranh luận, về Nho giáo, về quốc học, về việc dùng chữ quốc ngữ…

Ông là người phát động phong trào Thơ mới, cải cách thơ tiếng Việt. Đấy là chỉ kể những việc lớn. Hồi những năm 1932 – 1933, các nhà văn Tự Lực văn đoàn, trong các tiểu thuyết của họ, tập trung mô tả xung đột mới cũ trong gia đình người Việt; nhưng trước đó, chính Phan Khôi, qua tin tức về nạn dịch tự tử của nam nữ thanh niên miền Bắc, đã chỉ ra nguyên nhân là ở mô hình đại gia đình “tam đại đồng đường” đã trở nên lạc hậu trước thời cuộc. Nhà tư tưởng đã đi trước nhà văn là như thế. Trí thức vốn không có quyền lực. Chính nỗ lực phân tích, thảo luận để nêu ra vấn đề, đề xuất các hướng xử lý các vấn đề của đất nước, của xã hội, của đời sống con người… đã tạo ra uy tín cho từng tên tuổi cụ thể, cho giới trí thức nói chung.

.

Nhưng phải chăng sức sống từ phẩm chất trí thức ấy chỉ còn yếu ớt trong bối cảnh báo chí hiện nay?

Theo tôi, một số báo của ta hiện nay vẫn chưa qua khỏi thời “hậu bao cấp”, thậm chí còn in dấu “bao cấp” khá nặng. Một trong những thói tật của báo chí bao cấp là lạm dụng quyền lực, ở đây là quyền lực phát ngôn. Thói tật ấy còn tồn tại đến tận hôm nay. Có những nỗ lực tiếp tục kiểu diễn ngôn bao cấp, ban phát những “chân lý”, “lẽ phải” duy nhất, nhưng là những “chân lý”, “lẽ phải” đã hết “đát”, quá thời hạn sử dụng, trở nên ấp úng như những lời nói mớ (mê sảng), lại là diễn ngôn vô bản sắc, phi cá tính hơn cả những mẫu mực cũ. Bên cạnh đó, những nỗ lực tạo dựng diễn ngôn mới, quả là đã có, nhưng chưa đủ mạnh mẽ, lại chưa đủ kết tinh vào những tên tuổi cụ thể.

.

Là một nhà nghiên cứu, có bao giờ ông thử nhắm mắt hình dung đến viễn cảnh nửa thế kỷ sau, hậu duệ chúng ta sẽ tìm thấy gì trong những kho chữ nghĩa báo chí thời mà chúng ta đang sống?

Trong tâm thế đọc báo cũ để hiểu lại một thời đã qua, thì tờ báo cũ nào cũng thú vị, do nó là chứng tích không thể thay thế về những cái đã diễn ra. Vì thế, hậu duệ chúng ta sau đây khoảng nửa thế kỷ hẳn sẽ lật giở những trang báo hôm nay với sự tò mò. Chẳng hạn, tò mò với những lời lẽ to tát mà lại trống rỗng, vô nghĩa. Lời nạt nộ bao giờ cũng chỉ có hiệu lực hiện tại, trên trang báo in cũ nó sẽ chỉ còn lại với hậu thế như những lời thần chú quê kệch, ấu trĩ. Những ngôn luận tán dương sùng kính các đối tượng riêng biệt, không được phần đông nhân loại chia sẻ, sẽ gây ra sự ngạc nhiên tương tự sự ngạc nhiên trước những tập quán mà chỉ những xã hội lạc hậu mới cam chịu duy trì…

Ồ nhưng mà thôi, ai cũng là người của hôm nay. Vậy thì không thể tránh sống chung với những gì cùng thời, dù thích hay không. Phải sống với những thứ đó và tìm cách thay đổi nó!

thực hiện: Nguyễn Vĩnh Nguyên
chân dung hội hoạ: Hoàng TườNG

.

.

.

No comments:

Post a Comment