Saturday, June 26, 2010

THÊM TIN TỨC về vụ "TIẾN SĨ 17.000 USD"

Vụ “tiến sĩ 17.000 USD”

“Nếu là bằng giả phải thu hồi, kỷ luật”

Ngày 26.06.2010, 09:54 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124765/“Neu-la-bang-gia-phai-thu-hoi-ky-luat”.html

Việc thẩm định bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân là giả hay thật không khó, hoàn toàn làm được. Nếu bằng tiến sĩ này là giả, trước mắt phải thu hồi và chịu kỷ luật. Đồng thời, nhà nước nên chấm dứt hình thức đào tạo “kiểu ông Ân”.

-------------------

Sài Gòn Tiếp Thị online đăng tải một loạt bài viết như “Làm tiến sĩ tại Mỹ nhưng không biết tiếng Anh”, “Tôi làm tiến sĩ tốn 17.000 USD!”, “Yêu cầu báo cáo việc làm tiến sĩ ở Mỹ nói về trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở Văn hóa - thể thao - du lịch tỉnh Phú Thọ. Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ với bạn đọc về trường hợp của ông Ân; sự hiểu nhầm hai từ “tiến sĩ” hiện nay cũng như những bất cập trong việc đào tạo, đãi ngộ tri thức.

.

Thu hồi bằng, chấm dứt đào tạo

Được biết ông Ân là cử nhân tại chức kinh tế quốc dân trước khi làm tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh. Ông có thể cho biết rõ hơn việc công nhận bằng cấp tiến sĩ ở nước ngoài? Và với trường hợp của ông Ân, ông có nhận xét gì ?

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: Theo tiêu chuẩn quốc tế, một luận án tiến sĩ đạt chuẩn, phải có ít nhất là hai công trình đăng ở tạp chí chuyên ngành được quốc tế thừa nhận. Hiện nay tiêu chuẩn này đã được thiết lập cho khoảng 55 ngành khoa học khác nhau, bao gồm các ngành tự nhiên, xã hội và kể cả lĩnh vực tôn giáo.

Xin nói thêm, ở nhiều nước, nếu anh học cử nhân tại chức sẽ không được làm nghiên cứu sinh!

Về trường hợp ông Ân, theo điều 14 của Luật giáo dục năm 2005, ông Ân phải trình bộ Giáo dục - đào tạo (GD &ĐT) văn bằng, luận án, danh sách công trình, quá trình đào tạo… để chứng thực bằng tiến sĩ này là thật để sử dụng. Xin lưu ý, khoa kinh tế (ngành bán thực nghiệm) ở một số nước còn đòi hỏi phải vận dụng vào thực tiễn và có hiệu quả kinh tế mới được cấp bằng.

Một luận án mà không có công trình được đăng, thì văn bằng không đạt chuẩn. Nói một cách hình ảnh, một nhà văn mà không có tác phẩm được công nhận thì không được gọi là nhà văn.

Việc xác nhận lại văn bằng của ông Ân không quá khó, bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể trả lời được. Nếu cần có thể lập một hội đồng các nhà khoa học để kiểm chứng, tuy nhiên theo tôi cũng không cần thiết. Nếu bằng tiến sĩ của ông Ân là bằng giả thì chúng ta thu hồi và đề nghị Nhà nước nên chấm dứt việc đào tạo kiểu như thế này (kiểu ông Ân, PV). Nếu chi 17.000 USD tiền của dân mà có tấm bảng thật thì đáng khen, còn bằng giả thì thật rất tiếc, vì dân ta còn nghèo.

.

Việc để có một tấm bằng “không được công nhận” treo trong nhà cho oai là điều không thể cấm. Nhưng, được biết tấm bằng giá 17.000USD của ông Ân - một quan chức cấp cao của tỉnh Phú Thọ - được chi từ tiền “hỗ trợ”, chương trình học do Viện kinh tế của bộ Tài chính giới thiệu. Nghiêm trọng hơn, theo thông tin mà chúng tôi có được, không chỉ ông Ân mà còn có hàng chục người khác cũng học “chương trình tiến sĩ”như vậy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: Theo kinh nghiệm của tôi và qua trao đổi, học hỏi với các nhà giáo, nhà khoa học trong ngoài nước, thì như Trung Quốc chẳng hạn, người có chức vụ sử dụng bằng giả thì bằng cấp bị thu hồi và cho thôi việc!

Trong trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ân, nếu thẩm định bằng tiến sĩ là bằng thật, được Nhà nước trọng dụng. Còn bằng tiến sĩ là giả, trước mắt phải thu hồi và chịu kỷ luật theo pháp luật. Đơn vị nào tài trợ tiền “hỗ trợ” thì phải bồi hoàn số tiền lại cho Nhà nước.

Ngoài ra, là người làm khoa học, tôi cũng xin khẳng định những tấm bằng tiến sĩ thật với tất cả các tiêu chí đã nói ở trên không ai có thể mua. Còn việc mua bằng giả về làm cảnh, không ai cấm, nhưng việc công nhận bằng cấp và tuyển dụng vào cơ quan lại là chuyện khác.

Ở nước ngoài, danh sách sinh viên được cấp bằng bao giờ cũng được công bố trên các website. Và tại các trường được công nhận về chất lượng, khi anh mang bằng đi xin việc bao giờ cũng được cơ quan sử dụng truy ngược lại nơi cấp bằng.

Qua sự việc này, câu chuyện không hoàn toàn là chuyện riêng của ông Ân, nếu xác nhận bằng của ông Ân là bằng giả thì những hình thức đào tạo như thế này nên chấm dứt.

.

Không nước nào đào tạo tiến sĩ để làm quan

Thưa ông, tiến sĩ thường gắn với công việc nghiên cứu sáng tạo, còn những người làm quan thường gắn với việc chỉ đạo công việc thực tiễn. Thế nhưng, dường như chúng ta lại đào tạo tiến sĩ để làm quan, nghĩa là chúng ta đang làm ngược thế giới?

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: Đúng là chúng ta đang đi ngược với thế giới! Theo tôi, ngoại trừ một số ngành liên quan đến chuyên môn cao như giáo dục, khoa học – công nghệ và y tế, người quản lý có học vị cao là tốt, còn lại những vị trí quản lý khác của Nhà nước không nhất thiết đòi hỏi bằng tiến sĩ mới bổ nhiệm.

Sự lầm lẫn trong công tác đào tạo để lại nhiều hệ lụy. Ở nước ta, theo nghiên cứu cho thấy 70% số người có bằng tiến sĩ chuyển sang làm quản lý, do thiếu thời gian, sau là bỏ khoa học. Vế hiện tượng này trong văn hóa Á Đông, nhà văn Lỗ Tấn đã ví tấm bằng như “hòn gạch gõ vào chốn quan trường, gõ xong, cửa mở rồi bằng vứt đi”.

Xin lưu ý, tiến sĩ ở nước ta được hưởng thụ cả đời, còn ở các nước tiên tiến, tấm bằng tiến sĩ có giá trị 2 năm. Cụ thể là với người có bằng tiến sĩ, năm nào cũng phải công bố công trình khoa học, nếu sau 2 năm không có công trình khoa học nào được công bố, tấm bằng tiến sĩ của anh không bị thu hồi, nhưng không còn giá trị với giới học thuật.

.

Ý ông muốn nói tới việc sử dụng tri thức của chúng ta còn chưa đúng chỗ, chưa hợp lý và chưa tốt?

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: So với thế giới, chúng ta sử dụng tri thức của mình không tốt! Ở các nước như Nga, Mỹ, Đức, Trung Quốc… các giáo sư đầu ngành vẫn được sử dụng hầu như cả đời, còn ta thì cho về hưu.

Ví dụ, giáo sư Võ Tòng Xuân – về hưu nhưng được 5 nước châu Phi mời về làm “thuê” cho mình. Giáo sư Phạm Duy Hiển – chuyên gia hàng đầu về hạt nhân, người được Hội đồng khoa học liên ngành vật lý – điện tử - viễn thông Đại học quốc gia Hà Nội thống nhất, nếu mời được giáo sư Hiển về trường cùng với cán bộ hiện có, việc đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân không phải là vấn đề đáng lo. Hay như giáo sư Nguyễn Văn Hiệu - nhà khoa học nổi tiếng, cũng về hưu!

Trong khi đó, chúng ta đang thiếu thầy giáo trầm trọng. Chẳng hạn, kể từ 1987 đến nay số sinh viên tăng 13 lần, nhưng số lượng thầy tăng chưa đến 3 lần. Thế nhưng những người rất cần cho đất nước thì chúng ta lại không sử dụng.

.

Cân nhắc kỹ đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ

Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Ông có bình luận gì về kế hoạch đầy tham vọng này?

Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn: Mọi chính sách đều phải xuất phát từ thực tiễn. Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ, theo tôi nếu có triển khai phải cân nhắc thật kỹ.

Tại sao? Trong 65 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước bè bạn và nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong nước, đến nay ta mới có khoảng 15.000 tiến sĩ (trong đó có khoảng 5.000 tiến sĩ từ nước ngoài về). Vậy trong vòng 10 năm nữa làm sao có thể đào tạo 20.000 tiến sĩ? Nếu làm không khéo, chúng ta có thể sẽ đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ "kiểu ông Ân".

Mặt khác, theo số liệu nghiên cứu hàng năm trên thế giới, có khoảng 80.000 bài báo khoa học được ghi nhận và 100.000 phát minh sáng chế được cấp bằng. Về dân số, Việt Nam xếp hàng thứ 13, nhưng số lương công bố khoa học của nước ta khoảng 700 bài (khoảng 1/1000 ) và số lượng bằng phát minh sáng chế còn đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng sản phẩm khoa học như vậy, nếu ta có kế hoạch đào tạo khoảng 200 tiến sĩ /năm là khả thi, còn đào tạo với số lượng nhiều hơn, e rằng sẽ có tiến sĩ không đạt chuẩn.

Cũng cần phải lưu ý, việc sử dụng trí thức ở nhiều nước được coi trọng hơn việc đào tạo. Những giáo sư như Võ Tòng Xuân, Phạm Duy Hiển… nếu được sử dụng tốt, theo thiển nghĩ của tôi, mỗi người có khi bằng chục ông tiến sĩ được đào tạo không bài bản!

.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Tuyền thực hiện

.

.

14.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ ĐÀO TẠO 20.000 TIẾN SĨ ?

.

.

.

Chủ nhân vụ "bằng cấp dỏm": "Tôi không may!"

Tác giả: Kim Dung

Bài đã được xuất bản.: 26/06/2010 06:00 GMT+7

http://www.tuanvietnam.net/2010-06-25-chu-nhan-vu-bang-cap-dom-toi-khong-may-

Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi.

.

Sau khi Tuần Việt Nam đăng một loạt các bài viết xung quanh vụ "Làm tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh", sáng qua, 24-6, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch Phú Thọ, nhân vật chính của vụ việc này tìm đến Tuần Việt Nam chúng tôi.

.

Trong câu chuyện trình bày, ông cho biết một vài nét về nhân thân. Sinh năm 1958, đã đi bộ đội 8 năm, học Trung cấp Thương mại, rồi làm việc tại Công ty Du lịch Phú Thọ. Tiếp đó, ông học lớp ĐH tại chức Kinh tế quốc dân (đặt tại địa phương). Năm 2002, ông làm Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu, lên Phó GĐ Công ty, rồi GĐ Sở Thương mại Du lịch Phú Thọ. Năm 2008, trở thành GĐ Sở VH - TT - DL đến hôm nay.

Ông Ân cho biết, bản thân ông đã học và bảo vệ luận án Thạc sĩ quản trị kinh doanh về du lịch tại ĐHQGHN (Khoa Quản trị kinh doanh, năm 2007)

Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Ân xung quanh vụ việc bằng TS của ông, do Trường ĐH Nam Thái Bình Dương (Mỹ) cấp.

- Trước tiên, xin được hỏi, mục đích của ông tìm đến VietNamNet là gì?

- Vì VietNamNet là một tờ báo điện tử có uy tín, nên tôi muốn được trao đổi thêm thông tin cho dư luận hiểu rõ hơn về cá nhân tôi!

- Những bài viết của VietNamNet xung quanh vụ việc của ông có gì sai trái không, thưa ông?

-Tôi không có ý kiến gì về những bài báo của VietNamNet. Các bài báo không nói quá. Chỉ có hai điểm báo chí nói không đúng: Tôi đã có bằng Thạc sĩ, chứ không phải không có. Và số tiền 17.000 USD là tiền riêng tôi bỏ ra!

- Tuy nhiên, nếu so với quy chế Bộ GD và ĐT ông vẫn vi phạm, vì quy định của Bộ là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế và chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài luận án?

- Về quy chế, nói thật là sau khi được cấp bằng Thạc sĩ ở ĐHQGHN, tôi cũng có nhu cầu học tiếp lên. Thấy anh em bạn bè nói về trường ĐH này, (ĐH Nam Thái Bình Dương) không cần có ngoại ngữ, mà ngoại ngữ mình thì kém. Thế là học tiếp. Hình thức học là đào tạo từ xa. Vì không cần tiếng Anh nên mình mới đăng ký. Nếu không thì làm sao tôi đủ điều kiện?

- Ông hay ai là người tìm ra trường ĐH này?

- Trên mạng có cả. Bạn bè nói và họ cũng tìm giúp.

- Nhưng bây giờ, thông tin về trường ĐH "dỏm" cũng rất nhiều. Ở tuổi ông đã là tuổi khá trải nghiệm. Yêu cầu của Bộ GD và ĐT là phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, trong khi đó, một trường ĐH tận bên Mỹ thông báo không cần biết tiếng Anh cũng có thể làm TS được. Ông không có linh cảm gì về điều này. Và ông vẫn tin tưởng?

- Tôi vẫn tin chứ. Vì tôi có thông tin của trường này, tôi tin tư cách pháp nhân của nó là có. Vì bản thân họ (Trường ĐH Nam Thái Bình Dương) gửi thư cho tôi (!). Và cũng có một số anh đã học theo kiểu này rồi!

- Nhưng chắc ông đọc báo cũng biết, GS Nguyễn Văn Tuấn(Úc) đã tìm kiếm thông tin về trường ĐH đó, và cho hay, trường đó có cơ sở tại Malaysia, và đã bị giải thể từ năm... 2003? Còn GS Trần Hữu Dũng (Mỹ) trong bài trả lời phỏng vấn cũng cho biết, ở Mỹ, không bao giờ có trường thuộc nhóm đã được kiểm định giáo dục mà tiếp nhận những sinh viên nước ngoài, rồi trao học vị TS cho họ mà người học không có kỹ năng nghe- nói - đọc- viết tiếng Anh... Người ta phân biệt rất rõ hai loại trường. Loại trường đã bị gọi là "dỏm", thì nếu chìa bằng cấp đó ra sẽ bị không công nhận, và người ta cũng rất coi thường.

- Vừa rồi, tôi có hỏi một số anh em bạn bè, họ giải thích, ở bên đó, trường ĐH nào, nếu không nộp thuế, thì bị đóng cửa, còn nếu nộp thuế xong thì lại được mở cửa. GS Nguyễn Văn Tuấn nói trường bị giải thể từ năm 2003, bản thân tôi cũng rất suy nghĩ. Dư luận nào đúng hay sai, tôi không dám khẳng định. Vì năm 2008, thư của trường ĐH này, họ viết gửi cho tôi, vẫn khẳng định trường là cơ sở đào tạo rất có uy tín (!)

- Thế nhưng nếu bây giờ, trước thông tin từ các GS có tên tuổi ở nước ngoài họ cung cấp và nếu trong thực tế, đó là trường ĐH "dỏm" thì ông có suy nghĩ gì không?

- Tôi xác định không đầy đủ thông tin nên phải chịu thiệt thòi cho cá nhân tôi thôi!

- Khi có thông tin trên báo chí về vụ việc của ông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ có kết luận gì không?

- Họ chưa có kết luận gì. Vì đây thực tế chỉ là nhu cầu học để nâng cao kiến thức của cá nhân mình thôi. Cái quan trọng là mình học được cái gì, áp dụng được gì cho công việc. Tôi học để cho tôi. Còn bằng cấp đó có được công nhận ở VN hay không lại là chuyện khác.

- Xin được hỏi thật ông, chắc ông cũng là một trong những người thuộc nguồn quy hoạch cán bộ cốt cán của tỉnh? (Ông Ân gật đầu, và nói thêm):

- Cũng có mấy trường hợp nữa, nhưng mà là bên doanh nghiệp. Vì đa số là cán bộ quản trị kinh doanh!

- Đến giờ, tỉnh Phú Thọ đã có hỗ trợ gì về kinh phí cho ông chưa?

- Chưa, chưa có hỗ trợ gì!

- Xin lỗi ông, tôi thấy trong thực tế, cơ chế quản lý của chúng ta còn có nhiều điều phải bàn. Như việc định ra tiêu chuẩn cán bộ. Về hình thức, có vẻ đúng. Nhưng quy định đó, nếu khi tuyển chọn, hoặc sử dụng cán bộ, chỉ căn cứ vào cái bằng cũng làm khổ không ít người.

- Đúng vậy. Tôi thấy quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc, chứ cái gì cũng bằng cấp giơ ra thì... Ở ngay cơ quan tôi, có anh TS hẳn hoi, làm việc chuyên môn rất tốt. Nhưng nếu làm quản lý lại không ổn.

- Nếu nói vậy, việc gì ông phải đi học tiếp?

- Nhưng nó vẫn ảnh hưởng chứ. Nên vẫn phải đi học. Việc báo chí thông tin như vừa qua, rất bất lợi cho tôi, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng tỉnh nay mai sẽ diễn ra. Nhưng tôi vẫn tin ở đề tài (chuyên môn) tôi đang triển khai thực hiện

- Ông tự nhận xét gì về mình, với vụ việc vừa qua?

- Tôi thấy mình không may thôi!

Nhân vụ việc này, Tuần Việt Nam chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự tham góp của quý bạn đọc gần xa, trong nước và nước ngoài với những kiến giải để trả lời một câu hỏi nhức nhối: Làm thế nào để các cơ quan công quyền nhà nước tuyển chọn và sử dụng được một đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ năng lực và phẩm chất tương xứng với vị trí và vai trò?

Bài vở xin các quý vị gửi về địa chỉ: Tuanvietnam@vietnamnet.vn

.

.

.

No comments:

Post a Comment