Friday, June 25, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)

Những câu chuyện về dạy và học (1)

Liêu Thái

14/06/2010 7:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21295

Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.

.

Chuyện 1 – Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ

.

Trời nắng, cái nắng của miền Trung, mùa hè như một cái lưỡi lửa non từ từ liếm vào thịt da, vân ve tình tứ… làm toát mồ hôi, nổi da gà da ốc da khỉ nhiệt đới. Tôi ghé vào quán cà phê ven đường. Ly trà đá mới được mang ra thì tôi phải bắt đầu cảnh khó chịu với những lời mời của ba bốn người có trẻ, có già bán vé số. Ở xứ này, dường như người ta chẳng biết làm gì nếu lỡ thất nghiệp, ngoài chuyện đi bán vé số và trộm cắp, ăn xin. May lắm thì còn sức đi phụ hồ, bốc vác. Nhưng rồi cái nghề ăn xin bị khủng hoảng, thành phố Đà Nẵng xây dựng một trại tập trung khá lớn cho những ai lang thang ngoài đường xin ăn được/bị bắt đưa về đây. Ở đây họ được/bị đi lao động công ích, đến bữa có người dọn cho một bàn ăn tập thể, đến giờ ngủ thì được ngủ và sáng ra lại lao động. Đó là chính sách, là ơn nhà nước mà họ được nhận. Nhưng không hiểu sao vẫn có người trốn ra ngoài ăn xin trở lại, làm tốn công và tốn của nhà nước lần nữa vì phải trả tiền cho người đưa họ trở về… Chính cái trại tập trung này làm phát sinh một số công việc nhưng cũng làm một số người khác thất nghiệp. Nghĩa là trong số những người ăn xin, có kẻ khôn lanh hơn, biết đọc báo, đọc được thông tin số tiền thưởng 250.000 đồng cho những ai bắt được người lang thang xin ăn mang vào trại. Vậy là kẻ khôn lanh kia bỏ ngay nghề ăn xin chuyển sang truy lùng đồng nghiệp. Thời gian đầu, có người kiếm được cả bốn năm triệu đồng mỗi ngày nhờ biết cách chiêu dụ đồng nghiệp vào trại để lãnh thưởng. Về sau, khi các đồng nghiệp của kẻ khôn lanh kia vắng bóng trên đường phố, anh ta lúc này đã có tiền túi rủng rẻng, liền nghĩ ra cách giải thoát cho các đồng nghiệp ra khỏi trại và làm “quả thứ hai”, lịch sử lặp lại bởi sự khôn lanh và cái đói, miếng ăn! Dần dần, địa bàn hoạt động của kẻ khôn khéo kia chuyển sang các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi để chiêu dụ đồng nghiệp về Đà Nẵng… đưa vào trại..

.

Nhưng quán cà phê tôi đang ngồi không phải ở Đà Nẵng mà đang ở Đại Lộc – Quảng Nam và câu chuyện tôi muốn biết tường tận không phải là câu chuyện về cái trại cũng như những người hành nghề ăn xin, phụ hồ, trộm cắp hay bán vé số, mặc dầu người đàn bà ngồi xe lăn mời tôi mua vé số với nụ cười hiền và buồn thăm thẳm khiến tôi phải lưỡng tự một chút rồi mua năm tấm vé, hỏi han vài câu vừa đùa cợt vừa chia sẻ. Sau đó tôi mời chị ngồi uống nước và bị từ chối vì lý do phải về nhà nấu cơm cho bốn đứa con nhỏ để chúng kịp ăn còn đi học. Tôi hỏi: anh đi làm gì vậy chị? Anh không giúp chị à? Chị lắc đầu, mắt rơm rớm, người đàn bà bán cà phê nháy mắt với tôi, lắc đầu, sau đó bà ta giải thích là tôi đừng hỏi chuyện ấy vì đó là nỗi buồn của chị vé số, chồng chị ta đi phụ hồ, sống khổ quá đổ bẩn, rượu chè be bét, chị khuyên, anh chồng nổi khùng lấy xà beng đánh chị gãy đôi chân rồi bỏ nhà theo một cô khác có đôi chân lành lặn. Vậy là chị đi xe lăn bán vé để sống và nuôi con… qua ngày đoạn tháng. Lúc này tôi thấy câu hỏi của mình vô duyên, nông nổi và tàn nhẫn. Tôi hỏi bà chủ cà phê nhà của ông Thành khi người đàn bà và chiếc xe lăn đã khuất bóng.

.

Bà chủ hàng cà phê chỉ tay về phía đám ruộng nói rằng người đang lom khom lầm lụi cuốc cuốc khỏa khỏa kia là ông Thành. Tôi chạy đến chỗ đám ruộng. Ông Thành gầy gò, mắt sâu và nước da xanh xao, chào tôi một cách miễn cưỡng, nghi ngại. Tôi đợi ông khỏa nốt đám ruộng sạ bước lên bờ, mời ông vào quán nước. Ông bảo ông không thích uống nước vì bụng ông từ sáng đến giờ không có gì bỏ vào trong ấy, ông cần một ổ bánh mì hơn là một ly cà phê, vậy là tôi mời ông vào quán cơm. Ông ăn một cách yếu ớt, buồn bã, không có sinh khí. Đợi ông ăn cơm xong, tôi hỏi thăm về chuyện con trai ông, ông buồn bã lắc đầu rồi khóc. Tôi đợi ông khóc xong, uống nước cho tỉnh táo để hỏi tiếp. Để chia sẻ.

.

“Bất công, quá bất công, nếu tôi có súng tôi sẽ nổ súng để trả thù cho thằng Khánh tội nghiệp của tôi…!” – Ông Thành lại khóc và kể chuyện về cái chết của con trai ông. Ông nói rằng hôm đó (ngày 05 tháng 5 năm 2010) Khánh vừa nhận được tháng lương thứ ba, mượn thêm chị gái được hai triệu đồng, bèn ra tiệm cầm đồ mua lại chiếc xe máy bán thanh lý. Cả nhà mừng vui vì từ nay gia đình hết phải cuốc bộ, suốt ba mươi mấy năm dài nhà ông Thành chẳng biết xe máy là gì, chỉ có con trâu của hợp tác xã giao cày lấy công điểm, ông bà suốt ngày cày sâu cuốc bẫm, mày tắt mặt tối để kiếm tí gạo để mà nuôi bốn đứa con ăn học “cho nó thoát cái cảnh bần nông như cha mẹ nó… Nó học hết trung cấp nghề ở Đà Nẵng, về đi làm việc chưa được bao lâu, chuẩn bị hỏi vợ, mua chiếc xe… thì bị bắt, rồi chết…” – lời ông Thành. Có được chiếc xe, căn nhà trống trải bốn bề gió lộng mái tôn cũ rách của ông trở nên ấm áp hơn, vui hẳn ra. Nhưng cả nhà không hay rằng đó cũng là cái họa của gia đình.

.

Buổi chiều hôm ấy, ông đi làm đồng về, nghe tin Khánh bị bắt xe, ông buồn bã nghĩ đến chuyện bán mấy bao đậu phộng cho nó nộp phạt. Hôm sau, Khánh mượn tiền chị xuống công an huyện bên, nơi đã bắt xe của Khánh, để nộp phạt và nhận xe về. Nhưng rồi ngày hôm đó, đêm hôm đó, rồi lại ngày hôm sau vẫn chưa thấy con trai mình về, ông Thành bắt đầu lo lắng. Đến khi chị của Khánh – Võ Thị Phương nhận điện thoại của em trai mình: Chị ơi, mang thêm tiền xuống nộp phạt cho em, em đang ở trong đồn công an, em bị đánh chết mất!… rồi máy mất tín hiệu thì hốt hoảng chạy vạy kiếm tiền để sáng mai đến đồn công an. Nhưng ngay trong đêm hôm đó (ngày 07 tháng 5 năm 2010), vài kẻ lạ mặt vào nhà ông Võ Văn Thành, bảo ông hãy cùng đi với họ. Ông định không đi vì không tin tưởng, không biết họ là ai, nhưng em vợ ông, cậu của Khánh, vốn là một sĩ quan công an khuyên ông nên cùng đi với họ. Đến cơ quan công an, ông nhận được vài lời an ủi, chia buồn của họ, sau đó họ dắt ông đến nhà xác bệnh viện gần đó để nhận xác con trai mình về với lý do là Khánh đã dùng dây giày treo cổ trong lúc bị bắt tạm giam để xét hỏi, điều tra nguồn gốc chiếc xe máy của anh. Vì đây là chiếc xe bị mất cắp của một chủ sở hữu khác.

.

Ông Thành bất tỉnh, khi tỉnh dậy, ông suy nghĩ thấy vô lý nhiều chỗ, vì lẽ theo ông biết thì Khánh mang đôi giày có sợi dây rất ngắn, khoảng 30 cm, làm sao có thể dùng nó để buộc vào cây xà của trại giam có bề dày cũng xấp xỉ 30 cm. Hơn nữa, nếu treo cổ chết thì không có lý do gì lại có những vết bầm ngang bằng dấu giày trên ngực con trai ông. Ông quyết định mời pháp y của tỉnh khác đến giám định, người em vợ của ông bảo để anh ta gọi giùm và chừng mười phút sau thì pháp y tỉnh khác có mặt. Ông lại thêm hoài nghi vì đoạn đường giữa hai tỉnh cách nhau đến hơn ba mươi cây số, đường xấu, có đi nhanh gì cũng phải mất nửa giờ… Biết mình bị cô thế, chẳng biết kêu ai, ông đành im lặng và chờ đợi. Và kết quả giám y cho biết trên cơ thể con ông có mấy vết bầm do va chạm. Ông kêu oan, người đại diện cho cơ quan công an nơi Khánh đã chết giải thích rằng những vết bầm trên ngực xác chết là vì lúc di chuyển đến bệnh viện, do sơ suất khiêng đi bị rơi xuống đường khiến cho xác của người chết bị bầm mấy vết trên ngực… Vậy là ông Thành chỉ còn biết ngậm riêng một khối oan mà im lặng.

.

Bàn thờ em Võ Văn Khánh

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/06/Em-Vo-Van-Khanh-225x300.jpg

.

“Tôi nghĩ vô lý quá, vì sao con tôi chỉ mới mua chiếc xe ăn cắp mà lại bị bắt nhốt cho đến chết, mà giả sử con tôi có làm chuyện đó thật thì tội ăn cắp cũng đâu đến mức như vậy chứ? Nếu người ta chỉ điều tra xét hỏi thì con tôi cũng là đứa thông minh, có ăn học, nó thừa biết là tội trộm cắp không ai bị xử tử hình, việc gì phải chết nếu không bị xúc phạm, sỉ nhục hoặc hành hung chứ? Tôi thấy có chuyện mờ ám… Công lý như vậy sao? Sao lại có chuyện con tôi được đưa đi cấp cứu mà rơi xuống đất cho đến bầm mình bầm mẩy vậy chứ? Khi chết rồi người ta còn có khả năng bị bầm cục bộ do va chạm không hả anh? Tôi thấy vô lý quá, tội cho con tôi quá! Tôi là người sống tử tế, tôi yêu nước, không làm hại ai, đến con gà tôi cũng thương vậy mà sao con tôi lại chết một cách oan ức, mờ ám vậy chứ… Con tôi chết, họ mang đến cái phong bì mười triệu đồng nói là chia sẻ với gia đình và khi tôi nộp đơn yêu cầu làm rõ sự việc về chiếc xe và cái chết để minh oan cho con tôi thì không thấy họ nhắc đến nữa… Tôi đẻ con, nuôi ba mươi năm, cho ăn học để bây giờ như vậy đó…” – Ông Thành than thở.

.

Tôi cũng không muốn hỏi thêm gì ông vì thực ra tôi đến tìm ông – qua cầu nối của người bạn thân, là anh em kết nghĩa với ông Thành – không phải để hỏi chuyện về cái chết của con trai ông mà để chia buồn với ông và chia sẻ với ông một khoản dù rất nhỏ để ông có cái mà xoay xở vài ngày vì tôi được biết ông chẳng còn gì để sống qua ngày nữa. Vợ ông nằm bán thân bất toại đã năm năm nay, mỗi mình ông lo liệu, sau này có thêm Khánh. Giờ Khánh mất, hôm chôn Khánh, kẻ trộm cũng đã lén vào nhà lấy mất bốn bao đậu phộng của ông. Căn nhà bốn bề gió lộng và quạnh quẽ lạ thường vì khói hương, vì ông cũng mang gửi người con gái ở nơi khác và nói dối vợ rằng Khánh nó đi lao động nước ngoài, vài năm nữa nó về… sợ bà nghe tin sốc sẽ chết, mà bây giờ bà chết thì ông biết lấy gì để chôn…!

.

Tôi tạm biệt ông. Trên đường về nhà, tôi mang mang nhớ câu chuyện ông kể, một câu chuyện giống như lời nguyền, vào những năm trước 1975, tại huyện Đại Lộc, tại xã Đại An ông ở bây giờ, chỉ khác là ông ở thôn 5 còn câu chuyện kia xảy ra ở thôn 4. “… Tôi nhớ người đàn ông ấy mang lon trung úy cảnh sát, đi xe gắn máy về thăm gia đình, bạn bè, chiều đó anh ta uống rượu cùng với mấy người bạn thời niên thiếu, sáng mai anh mất tích. Vài ngày sau, gia đình đi tìm anh nhưng không thấy, anh về báo mộng cho vợ đúng sáu giờ sáng ngày hôm sau, nghĩa là ngày thứ 7 sau khi anh mất tích, hãy đến ngã ba Ái Nghĩa đứng đó và chiếc xe nào tông chị sẽ là chiếc xe của anh bị cướp và kẻ ngồi trên xe là kẻ đã giết anh… Sáng hôm sau sự việc diễn ra đúng như vậy… Kẻ giết người – vốn là bạn học cũ của người sĩ quan mất tích, lúc này đã khác anh về tư tưởng chính trị – bị bắt… Hắn chỉ ra chỗ chôn người bị hại dưới gốc mít sau gò… Nhưng rồi sau 30 tháng 4 năm 1975, hắn được xếp vào diện có công cách mạng, được làm lãnh đạo. Bây giờ hắn bị điên, đi lang thang đầu đường xó chợ… Cái ác thì chẳng bao giờ bình an được đâu chú ơi! Tôi tin rằng con tôi linh thiêng sẽ làm rõ được cái ác cái thiện…” – Lời của ông Thành.

.

Ông Võ Văn Thành, thôn 5, xã Đại An huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam chỉ còn biết bám víu vào thần linh hay thứ gì từa tựa như vậy. Mặc dù ông đang sống giữa một đất nước mang màu duy vật! Tự dưng tôi thấy ông yếu đuối và mong manh đến lạ thường! Và câu chuyện vợ chồng ông trong những ngày đói kém vẫn cố gắng dành dụm cho con mình mỗi đứa một nắm cơm trắng bằng quả trứng vịt để chúng ấm bụng mà đi học, suốt gần mười năm liền, vợ chồng ông chỉ ăn khoai mì xắt lát phơi khô, vài hạt cơm dính lát khoai mì lấy lệ qua ngày cho đỡ thèm nhớ… Với một niềm tin, hy vọng rằng con mình lớn lên sẽ có cái chữ để mà đỡ vất vả hơn cha mẹ chúng. Nhưng niềm tin ấy đã vỡ òa theo những giọt nước mắt pha mồ hôi mặn chát của ông Thành trong buổi trưa nắng dưới đám ruộng cày, những gốc rạ cũ loi ngoi mặt nước như những con chữ lõng bõng trôi…

(Còn tiếp)

.

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

.

No comments:

Post a Comment