Wednesday, June 2, 2010

Nhà Thơ LÊ MINH NGỌC và QUán HÒA MÃ

Người của Sài Gòn một thời : Nhà thơ Lê Minh Ngọc và quán Hòa Mã

Bài và hình: Nguyễn Thị Hàm Anh/Người Việt
Tuesday, June 01, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113727&z=1

.

Mỗi khi đi ngang qua đường Cao Thắng, nếu thấy ông ngồi đó, tôi đều ghé vào thăm, trò chuyện với ông một lúc. Ông chính là nhà thơ Lê Minh Ngọc.

Ông ngồi dựa lưng trên ghế, sau này ngồi xe lăn, trước bàn cà phê, có lúc vào hẻm bên hông quán vào hẻm, có khi ngay mặt tiền, dưới tàn cây mát nhìn ra đường Cao Thắng xe cộ đông đúc, bao giờ cũng tờ báo trong tay. Ði từ xa rất dễ nhận liền ra ông lúc nào cũng nổi bật trong bộ quần áo lụa màu cam sáng.

.

Quán Hòa Mã của Sài Gòn một thời, nay bảng hiệu đã nhạt nhòa theo năm tháng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113727-big_VN-HoaMa-01aa.jpg

.

Mấy lần đi ngang Hòa Mã đều quá sớm hoặc quá muộn không thấy ông, tôi lại nghĩ ông ở nhà chưa ra quán hoặc ngồi lâu mỏi nên đã về nghỉ. Không ngờ lần này hỏi thăm mới hay ông đã qua đời từ giữa Tháng Chạp Tết Canh Dần vừa qua, thọ 93 tuổi, sau hơn một tháng nằm một chỗ do té gẫy xương. Người nhà cho biết ông vẫn tỉnh táo đến lúc mất. Theo lời dặn của ông, tang lễ được cử hành giản dị, không cáo phó, không thông báo đến bằng hữu. Té ra từ trước đến giờ mọi người đều giống nhau, cứ thấy ông ngồi đó thì tạt vào, không thì thôi. Vì thế ông mất không ai biết ngay. Hiện cốt của ông được đặt ở chùa Pháp Vân, Bình Thạnh.

.

Nhà thơ Lê Minh Ngọc sinh năm 1917, thua nhà thơ Vũ Hoàng Chương một tuổi, là bạn rất thân với Vũ Hoàng Chương tới mức hai ông từng mong muốn gả con cho nhau để được làm thông gia.

Lê Minh Ngọc xuất hiện trong buổi giao thời. Ông làm thơ từ miền Bắc những năm 1941. Thơ của ông đầu tiên đăng trên báo Tin Mới, Nước Nam, Tiểu thuyết Thứ Bảy... Thời kháng chiến chống Pháp, ông viết trên các nhật báo Cứu Quốc của Liên Khu 3 và 4. Cuối năm 1951, ông về Hà Nội, đăng thơ ở báo Tia Sáng và Tiếng Việt. Sau này vào Nam, 1958, ông hòa vào dòng thi ca hậu chiến ở các nhật báo và tạp chí: Diễn Ðàn, Tự Do, Ngày Nay, Sáng Dội Miền Nam, Bách Khoa, Văn... Thơ ông cũng thường xuyên được ngâm trên chương trình Tao Ðàn của Ðinh Hùng trên đài truyền thanh qua giọng ngâm truyền cảm của Hồ Ðiệp...

.

Tập thơ Hoa Thề của ông xuất bản năm 1962 do Vũ Hoàng Chương đề tựa, Tạ Tỵ vẽ bìa, Phạm Duy phổ nhạc một bài trong đó: bài Tâm Sự Gửi Về Ðâu. Sau này Lê Trọng Nguyễn cũng phổ nhạc một bài khác: Buồn Về Ðâu. Hoa Thề ngay khi ra đời đã được giới yêu thơ đón nhận nồng nhiệt. Một buổi gặp gỡ thân hữu đã được tổ chức tại quán Hòa Mã năm 1963 để giới thiệu thi phẩm này.

Vào cuối năm 1969, cùng Ðại Tá Cao Tiêu, ông đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1967-1969 với bản thảo tập thơ Nước Mắt Cho Quê Hương.

.

Nhà thơ Lê Minh Ngọc lúc sinh thời.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113727-big_VN-HoaMa-02aa.jpg

.

Ngoài các bài thơ lẻ đăng rải rác trên các báo, năm 1970, ông đã viết xong Tuổi Trẻ Nào Cho Chiến Tranh và phần đầu Tình Yêu Tuổi Học Trò. Thi phẩm sau là một truyện dài bằng thơ được đăng hằng kỳ trên tuần báo Gia Ðình Trẻ năm 1971.

Nội dung kể lại một chuyện tình xảy ra thời Pháp thuộc giữa một chàng học trò từ Nam ra Bắc học, đem lòng yêu cô gái chủ nhà trọ mà chàng vẫn gọi là chị.

Câu chuyện giữa hai người được tác giả kể lại qua đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ đó tái hiện lên bối cảnh xã hội rối loạn lúc bấy giờ, một giai đoạn lịch sử ly loạn qua giọng thơ cổ điển nhưng vẫn chuyên chở được tình cảm của thi ca hiện đại với những hình ảnh sống động và thi tứ dồi dào...

Thi ca từ xưa hiếm song hành với thực tế khiến đa số thi sĩ cuộc sống thường khó khăn. Riêng Lê Minh Ngọc lại được tự do ngao du cùng thơ giữa cuộc đời. Nhờ quán Hòa Mã nên ông không phải chen chân viết lách nhiều, tha hồ rong chơi trong thế giới thơ vốn là cõi nước mây bay bổng.

Từ lúc còn ở Hà Nội, ông học được nghề làm thịt nguội từ một người Pháp. Vợ ông, bà Tịnh giao thịt cho hãng Tây học thêm nghề nên khi vào Nam, ông bà mở quán chuyên bán bánh mì thịt nguội. Quán Hòa Mã mang tên làng quê của ông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hòa Mã từ khi mở cửa đã nổi tiếng, từ trí thức đến bình dân đều kéo đến ăn. Hàng mấy chục năm, quán không sửa sang, không quảng cáo, bàn ghế lủng củng... nhưng do bánh mì, thịt nguội và cà phê rất ngon khiến lúc nào cũng đông. Mãi đến gần đây mới thấy vài cải cách là bàn ghế inox mới thay loạt ghế sắt và dãy giá móc trên tường đựng muỗng nĩa... Còn tường vôi không biết màu gì, bảng hiệu phai mờ bong cả sơn, bày biện y như cũ. Người đi xa lâu năm quay về vẫn gặp lại hình ảnh quán nhỏ cũ kỹ, giản dị, quen thuộc như thời gian riêng ngưng đọng, đóng khung, giữ nguyên ký ức một thời quá khứ nơi đây.

.

Lê Minh Ngọc do Tạ Tỵ vẽ.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113727-big_VN-HoaMa-03aa.jpg

.

Hình thức không thay đổi đó xem chừng tạo nên đặc điểm khó quên cho quán. Người thành phố chỉ cần món ăn ngon, ngồi thì thế nào cũng được. Sang hay bình dân đều có thú riêng. Một thời gian sau 75, cà phê của quán do Hoàng Hương Trang cung cấp. Bà biết cách rang cà phê vừa tới, không non không cháy, thêm bơ Bretagne vừa béo vừa thơm nên cà phê Hòa Mã bán rất chạy. Ngay cả bây giờ khi bà chủ- bà Tịnh- đã lớn tuổi và các cô con gái lắm khi cũng mệt mỏi, chẳng hề muốn khuếch trương, bận việc nhà đóng cửa nghỉ cả tháng mà mở lại vẫn đông khách.

.

Saigon có mấy tiệm bánh mì nổi tiếng: Như Lan, Nguyễn Thiện Thuật, Hòa Mã, Ba Lẹ... Mỗi tiệm có khẩu vị riêng, khách riêng của mình. Riêng Hòa Mã bền bỉ tới nay vẫn dọn bánh mì thịt nguội đúng gu Tây ăn tại chỗ trong khi các tiệm kia chỉ gói cho khách mang về. Quán nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng khách ngồi, khách đứng ra vào luôn... Nhiều người cho là sữa ca cao đắng của Hòa Mã từng ngon nhất Saigon. Bây giờ chỉ có cà phê, trà... ca cao đắng không còn nữa.

Giới văn nghệ hồi đó vào Hòa Mã ăn sáng, cà phê trước. Sau đó, thường lại đi sang Gió Bấc ở Phan Ðình Phùng hay Năm Dưỡng ở Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục ngồi uống nước. Hòa Mã buổi trưa nghỉ, cửa khép nhưng khi bạn bè đến, nhà thơ lại mở cửa, bày chiếc bàn nhỏ ra uống trà khào. Gần đấy có một nhà in nằm trong trường học nên khi anh em đến nhà in thì đương nhiên vào quán. Vì thế hầu như ngày nào cũng có các gương mặt văn nghệ lui tới, tụ tập ở đó. Chủ nhân là nhà thơ hiếu khách, quán Hòa Mã lại ở khu trung tâm đông đúc nên trở thành điểm hẹn của anh em văn nghệ.

Vì thế bảo Hòa Mã là quán văn nghệ cũng đúng.

Ghé quán có Uyên Thao, Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh, Mặc Tưởng... cả giới họa sĩ Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Nghiêu Ðề... nhà thơ hải quân làm báo Lướt Sóng là Phan Minh Hồng và Tô Giang...

Nhưng thật ra nhà thơ đâu có chôn chân ở quán hoài, ông thường la cà phía Trần Quốc Toản cùng bạn bè ăn phở Tàu Bay và nhậu thịt chó. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt uống với ông ở đó luôn tới nỗi chủ quán được dặn hễ ông Kiệt đến uống thì cứ ghi sổ để đó ông Ngọc trả sau. Ông Trần Tuấn Kiệt khi nhắc lại, bùi ngùi nhớ người bạn vong niên.

.

Sau 75, giới văn nghệ tan tác. Mỗi người một phương, không còn bạn bè sum họp, không khí sinh hoạt văn nghệ cũ mất đi.

Cách một thời gian, quán Hòa Mã cũ kỹ lại mở cửa. Ðầu hẻm bên kia mọc lên một tiệm sắt. Tiếng máy hàn xì ồn ào điếc tai nên khó thể nói chuyện. Khách đến chỉ ăn nhanh cho xong rồi đứng lên. Nếu muốn ngồi lâu phải chọn một quán khác.

Vẫn nhiều khách đến quán trong một thời gian dài mà không hề biết ông cụ mặc bộ đồ lụa ngồi đó mỗi ngày như một người khách quen thuộc, chính là nhà thơ chủ quán.

Ðiều hành việc buôn bán do vợ và hai cô con gái đảm đương. Ông chỉ từ nhà gần đó đi bộ ra quán ngồi chơi thôi. Ông ngồi đọc báo, khi có hứng bất chợt thì nguệch ngoạc viết mấy câu thơ trên mảnh giấy xé, trang báo, bao thuốc lá... vất đâu đó trong góc nhà không quan tâm sắp xếp, cũng chẳng buồn đọc lại. Có người đến ăn điểm tâm thường, biết ông là nhà thơ, ngỏ ý trả tiền nhờ ông làm thơ giùm để họ ký tên. Khi thuật lại, ông cứ bật cười mãi câu chuyện thật hài hước và chua chát.

Lòng trĩu nặng, lại thêm tuổi tác cao dần và bệnh cột sống khiến ông hiếm đi đâu, hầu như chỉ đóng đô tại quán của mình. Bạn bè văn hữu muốn gặp ông đều ghé đấy, chẳng ai vào nhà mặc dù nhà trong hẻm chỉ cách đó độ trăm mét.

Phổ Ðức, Hồ Hữu Thủ... Nhà văn Phạm Cao Củng mỗi lần từ Mỹ về, dù nhà tận Gò Vấp đều đón xe ôm đến quán thăm bạn cũ. Sinh thời, tạt vào quán thường là nhà văn Thượng Sỹ vốn quen nhau từ xưa. Ðôi bạn già cùng nhắc lại những kỷ niệm thời kháng Pháp ở khu chợ Kẹo bên bờ sông Ðáy, chợ Ðại, Cống Thần, quán Biên Thùy và Châu Ký hay ngồi đấy, căn lều mái rạ của Thượng Sỹ với các hình vẽ của Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ... trên vách tường nan, nơi bao nhiêu tri kỷ và oanh yến từng trú chân trong đó. Ở thời điểm ôn cố ấy, cũng đã một nửa thế kỷ trôi qua... Về sau, ông Thượng Sỹ yếu, khó đi lại, ông Lê Minh Ngọc thường nhờ anh cyclo mang thịt nguội đến tặng bạn, thơ làm xong dán tem gửi bưu điện. Saigon thật gần mà rồi dần trở nên thật xa...

.

Tôi thắp ba nén hương trên bàn thờ ông, một trong số những người bạn thân của cha tôi mà tôi rất yêu quý.

Vũ Hoàng Chương, Tam Lang, Tạ Tỵ, Thượng Sỹ... và bây giờ Lê Minh Ngọc. Những người bạn thân đã rũ khỏi mọi khắc khoải, ưu phiền của cuộc sống, giờ gặp nhau nơi thế giới bên kia của sự giải thoát.

.

.

.

No comments:

Post a Comment