Saturday, June 26, 2010

Nhà Giáo NGUYỄN THƯỢNG LONG Bị Bắt THẨM VẤN TRONG 9 NGÀY

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long bị bắt thẩm vấn 9 ngày

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2010-06-26

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Dissident-temporarily-released-after-days-interrogated-by-police-ttruc-06262010141000.html

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, phó tổng biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc là báo ngoài luồng ở trong nước, bị bắt quả tang hôm 15 tháng Sáu khi đang photocopy ấn bản số 89.

Tiếp đó tư gia của ông bị lục soát, ông phải liên tục đi làm việc chín ngày tại đồn công an quận Hà Đông. Đến ngày 23 tháng Sáu thì ông được tạm ngưng thẩm vấn. Trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, ông Nguyễn Thượng Long kể lại nội dung những buổi đối chất với công an và cảm nghĩ của ông sau chín ngày căng thẳng đó:

Nguyễn Thượng Long: Buổi làm việc sau cùng là ngày 23, tức ngày thứ chín, tôi làm việc đến buổi trưa, tranh luận về những tài liệu của tôi mà cơ quan an ninh đã thu giữ. Tôi có trình bày với họ rằng hiện nay sức khỏe của tôi đã suy kiệt, tôi cần phải được chăm sóc về y tế.

Cũng lúc đó họ tuyên bố rằng trưa hôm nay chúng ta đình tra, tôi tạm được về nhà và sau này nếu có làm việc tiếp thì sẽ báo sau. Hai ngày hôm nay tôi về dọn dẹp lại nhà cửa và đi khám bệnh. Đó là tình hình gần đây nhất là như vậy.

.

Tham gia tờ báo không có giấy phép

Thanh Trúc: Thưa ông có thể trình bày nội dung của những buổi làm việc liên tiếp cho đến ngày hôm kia tức là ngày thứ chín?

Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ thông tư 232 mà tôi không hề được biết đóng dấu mật đã đặt tôi vào tình trạng bị bắt quả tang vi phạm thì nó đã tạo cơ sở pháp lý để họ bắt giữ tôi. Tức là tôi vi phạm điều mà đến lúc đấy thì tôi mới được biết.

Sau đó họ cũng không khai thông gì lắm về chuyện đó. Họ chỉ có khai thác tôi về tư cách phó tổng biên tập của tạp chí Tổ Quốc. Họ cũng đã chứng minh rằng Tổ Quốc là tạp chí không được cấp giấy phép của nhà nước.

Tôi cũng đưa ra những cơ sở của tôi. Tôi dựa vào điều 69 của Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã khẳng định quyền tự do ngôn luận tự do báo chí cho người Việt Nam. Tôi dựa vào Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà chính phủ Việt Nam đã long trọng công nhận, tôi cũng dựa vào Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính phủ Việt Nam đã tôn trọng... Thế nhưng tôi cũng không tranh luận nổi với họ. Họ nói rằng đó là những luật có tính chất cơ bản, còn người công dân Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam thì phải tôn trọng tất cả các thông tư, chỉ thị, chính sách trên luật dưới luật.

Cuối cùng tôi vẫn rơi vào tình trạng gọi là đã tham gia vào một tờ báo không có giấy phép. Tôi đã bằng mọi cách nhưng không thể tranh luận nổi được với các nhân viên an ninh. Người ta tìm cách chứng minh tôi vi phạm quả tang khi thu giữ trong máy của tôi rất nhiều tài liệu thì tôi thấy lấp ló tội danh là đã lưu trữ những tài liệu nhạy cảm phương hại đến an ninh quốc gia, đấy là những vấn đề lớn.

Phần thứ hai trong chín ngày làm việc đó là các buổi tranh luận về những bài báo cụ thể của một số tác giả từng có bài trong tờ Tổ Quốc, một số bài có tính cách nhạy cảm mà nhiều người quan tâm. Mặc dầu tôi hết sức thanh minh về tính chất hợp pháp hợp lý của những tác giả đó nhưng cuối cùng thì sự khép buộc mà tôi là biên tập viên thì cũng không thể thoái thác nổi trước họ.

.

Chín ngày trăn trở

Thanh Trúc: Thưa nhà giáo Nguyễn Thượng Long, với tất cả những chứng từ và chín ngày làm việc như thế, đến ngày cuối cùng họ ngưng những buổi làm việc lại. Theo ông thì tại sao họ không bắt giữ ông ngay mà lại để cho ông đi về nhà?

Nguyễn Thượng Long: Quyết định của họ sau chín ngày làm việc với tôi cũng phản ánh được rằng sự liên quan và những hoạt động của tôi trong thời gian qua trong mắt họ thì có thể tôi có những sai phạm, thế nhưng tôi cũng không phải là đối tượng thực sự nguy hiểm.

Tôi là một nhà giáo đã hoàn thành nghĩa vụ lao động với đất nước, khi dấn thân trên con đường làm báo tôi chỉ có khát vọng cháy bỏng là qua ngòi bút của mình nói với dân tộc, với mọi người rằng chúng ta đang sống trong một giai đoạn như thế nào. Còn thực sự những khuyết điểm của tôi mà họ phân tích trong chín ngày đó về công tác biên tập thì tôi chỉ là một người đồng trách nhiệm với những tác giả.

Những bài báo đó tôi nghĩ nếu được đưa ra công luận, đưa ra cho mọi người cùng thẩm định, thì sẽ có những cuộc tranh luận rất sâu rộng chứ không phải chỉ có tranh luận giữa tôi và một số nhân viên an ninh mà có thể đưa ra phán quyết chân lý được.

Tôi nghĩ họ cũng thấy rằng những cái mà gọi là tôi vướng phải tội lỗi cũng khó lắm, vì những vấn đề nhạy cảm đó liên quan đến vận mệnh quốc gia, liên quan đến thực trạng của xã hội Việt Nam đương đại. Có lẽ tôi cũng không hiểu được họ đâu, nhưng mà qua cung cách làm việc thì tôi thấy họ cũng là những người rất thận trọng.

Thanh Trúc: Thưa nhà giáo Nguyễn Thượng Long, đây là những điều mà ông đã trình bày hay tranh luận với các điều tra viên của Bộ Công An. Ông nghĩ họ có lắng nghe những điều này hay không?

Nguyễn Thượng Long: Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều nhân viên thẩm vấn tôi thì tôi có nhận xét chung họ là những người rất chuyên nghiệp,, họ là những người được đào tạo, trừ một vài người có thể kinh nghiệm sống hoặc là vốn sống hạn chế vì hầu hết đều rất trẻ. Có thể có những ngôn ngữ đằng sau họ không nói ra, nhưng tôi nghĩ rằng họ có những sự cân nhắc.

Nhân viên an ninh thẩm vấn tôi là rất đông, người già có, người trẻ có, có nam, có nữ. Có những người rất lịch sự và có văn hóa, nhưng mà cũng có những người rất quyết liệt. Đối với tôi thì tôi không có điều gì phải loanh quanh không có điều gì phải dối trá, che đậy, tôi tranh luận rất thẳng thừng. Cũng có người thông cảm, cũng có người có định kiến về tôi. Chín ngày cũng phản ánh những trăn trở, những tính toán và những thẩm định của họ. Tôi chỉ biết thế thôi.

Thanh Trúc: Ông có dự kiến sẽ còn chuyện gì xảy đến cho ông trong những ngày tới?

Nguyễn Thượng Long: Năm nay tôi cũng đã sáu mươi tư tuổi rồi, thì tôi sống trong một môi trường xã hội chính trị rất hà khắc, rất khắc nghiệt cả một đời tôi. Những gì của ngày hôm nay chỉ mới biết ngày hôm nay thôi. Còn ngày mai, ngày kia, ngày mốt thì tôi không thể biết được.

Tôi nghĩ có thể có những bạn đọc đã hiểu, đã thông cảm, đã giải mã được Nguyễn Thượng Long và những người làm báo Tổ Quốc là thế nào. Tôi là người chủ trương phê phán những sai trái, những tiêu cực, những bất cập của chế độ mà tôi lại đối thoại với những trong cơ quan an ninh cơ quan công an.

Nhiệm vụ của họ rõ ràng là phải bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ mà tôi lại là người đi phê phán những sai trái của chế độ qua những bài báo phản biện của mình thì tôi nghĩ cuộc nói chuyện khó có một tiếng nói chung. Cái đối kháng quan trọng nhất là đối kháng với lương tâm của mình. Chín ngày đó không phải là chín ngày bình thường, những cuộc nói chuyện đó không thể gọi là bình thường được.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn nhà giáo Nguyễn Thượng Long.

.

Theo dòng thời sự:

Phó tổng biên tập tờ Tổ Quốc bị công an thẩm vấn

Báo chí Việt Nam dưới mắt nhà báo tự do

Quyền tự do báo chí ở Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam nhắc nhở báo chí trong nước

Nhà nước răn đe báo chí vượt rào

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment