Thursday, June 3, 2010

HỎI CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO THÁNG 5/2010

HỎI CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO THÁNG 5/2010

Tâm Đan
29-5-2010

http://ptdcvn.wordpress.com/2010/05/29/h%e1%bb%8fi-ch%e1%bb%a7-t%e1%bb%8bch-n%c6%b0%e1%bb%9bc-v%e1%bb%81-nh%e1%bb%afng-v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-ngo%e1%ba%a1i-giao-thang-52010/

Chính nghĩa và phi nghĩa ở đâu?

Ngày 9-5, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn Việt Nam có mặt ở Moscow dự lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng phát xít. Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch nhận định nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài có mặt tại lễ năm nay “cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến 2”. Xin hỏi: cụ thể cộng đồng quốc tế nào đánh giá? Chủ tịch còn chưa thấy rằng nước Nga mời lãnh đạo và quân đội các nước duyệt binh nhằm hàn gắn cách biệt quá khứ, mở ra trang sử hòa hợp và hội nhập? Chủ tịch ca ngợi: “Chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít và vai trò quyết định của Liên Xô mãi mãi là một sự thật không thể thay đổi, là một trang sáng ngời trong lịch sử nhân loại”. Nhưng còn có sự thật khác khi Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng nước Nga xem Stalin “là nhà độc tài đã phạm các tội ác chống nhân dân” và vụ thảm sát các sĩ quan, binh lính Ba Lan tại rừng Katyn năm 1940 bởi Liên Xô là một “trang đen tối của lịch sử”. Báo chí trong nước đã cắt bỏ công bố trên, tiếp tục khẳng định Việt Nam đã góp sức người sức của cùng Liên Xô (chứ không phải quân Đồng minh) giải phóng châu Âu như mít tinh, ra sách báo ủng hộ, có cả chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu được truy tặng huân chương. Xin hỏi Chủ tịch: việc tham gia và ủng hộ đó có làm theo lệnh của Stalin, a hùa theo cái ác không?

Ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít vừa cách không xa kỷ niệm 30-4 trong nước. Soi rọi lại, có thể thấy một số sự kiện là bản sao tương tự: cộng sản Liên Xô giải phóng hay chiếm đóng châu Âu – cộng sản Việt Nam giải phóng hay chiếm đóng miền Nam? Hàng chục ngàn ngàn sĩ quan Ba Lan bị thảm sát – hàng trăm ngàn cán binh Việt Nam Cộng hòa cũng bị giam cầm và thảm sát? Stalin bị phán xét công và tội – còn Lê Duẩn ai phán xét, phán xét như thế nào? Việt Nam ca ngợi chiến thắng vĩ đại 30-4 là giải phóng dân tộc, nhưng hố ngăn cách dân tộc vẫn duy trì đến nay. Bộ đội và những mẹ Việt Nam anh hùng ủng hộ cộng sản được tôn vinh chính nghĩa ngút trời; trong khi hàng triệu “ngụy quân”, những người dân đã chết và bị thương tật, những bà mẹ không tìm được hài cốt con mình, những người chết trong trại cải tạo và trên biển trên rừng sau khi “giải phóng miền Nam”… nay Chủ tịch gọi là gì? Đó là chính sách hòa hợp dân tộc hay cục bộ phân biệt vì quyền lợi? Vì sao Chủ tịch nước tiếp tục đề cao “trang sáng ngời trong lịch sử” Liên Xô, nếu không phải nhằm tránh giải thích một sự thật ở Việt Nam? Vì sao nước Nga đã giải mã tư liệu và công bố sai lầm để hòa hợp với các dân tộc châu Âu, Chủ tịch nước đến Nga và báo chí trong nước vẫn còn che giấu sai lầm tương tự với chính dân tộc mình?

Ngày 24-5, Chủ tịch nước mời ngài Mahmoud Abbas, Tổng thống Nhà nước, Chủ tịch Chính quyền dân tộc, Chủ tịch Ban chấp hành Tổ chức giải phóng Palestin thăm hữu nghị Việt Nam. Trong cuộc hội kiến, phía Việt Nam công bố ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Palestin. Vậy ai là phi nghĩa? Chỉ có thể là Ixaren. Phải chăng công bố đó một phần cho thấy Chủ tịch nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố; bởi vậy mà Việt Nam đang hình thành nhà nước khủng bố, thuê xã hội đen giải tán tu viện Làng Mai, biểu tình dân oan và giáo dân, ngụy tạo chứng cứ bắt người, xông vào hành hung tại nhà riêng những người dám nói lên sự thật, bắt tay với tin tặc phá cả mạng internet? Trước đó, Việt Nam đàm phán với Israel để mua hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mang đầu đạn 125 kg tầm bắn khoảng 150 km nhằm hiện đại hoá quân sự; vũ khí ấy của phía phi nghĩa? Giữa nói và làm của ngoại giao, Chủ tịch nước xác định chính nghĩa ở đâu?

.

Có tự do dân chủ không?

Ngày 5-5, tại hội nghị công tác tuyên truyền và an ninh tư tưởng toàn quốc, một tướng công an báo cáo: “Cơ quan an ninh đã huy động bộ máy kỹ thuật trong mấy tháng qua phá sập được 300 trang mạng và blogger nội dung xấu”. Theo thống kê của báo mạng tự do thì từ năm 2009 đến nay hơn 20 web và blog tiếng Việt bị tấn công. Hai tháng nay, nhà nước Việt Nam gia tăng bắt thẩm vấn 7 blogger, đường internet và điện thoại của ông Hà Sĩ Phu bị cắt, các trang web tôn giáo, bauxite hay trang web Đảng Dân Chủ… đều bị “đóng cổng”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá quốc tế phê phán Chính phủ Việt Nam hạn chế tự do ngôn luận và chính kiến, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời: “Từ trước tới nay, hai tổ chức này thường có những nhận xét sai trái, không khách quan về Việt Nam, không phản ánh đúng chính sách và việc thực hiện quyền con người của Nhà nước Việt Nam”. Xin hỏi Chủ tịch: quyền được tự do thông tin có phải một quyền con người mà Việt Nam cam kết thực hiện không, ai là thủ phạm ngăn chặn thông tin? Những trang web trên xấu đối với ai, xấu ở nội dung nào? Vì sao người dân trong nước vẫn tham gia truy cập để tìm hiểu sự thật nhiều phía, trong khi báo Nhân dân và các trang mạng nhà nước vắng bóng bạn đọc?

Ngày 11-5, phiên tòa xử phúc thẩm Lê Công Định, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức… diễn ra trên danh nghĩa công khai nhưng thực chất bị bưng bít, quyền cơ bản của bị cáo và quyền có luật sư bào chữa đúng nghĩa bị loại bỏ bởi hội đồng xét xử định đoạt trước, bằng chứng và nhân chứng liên quan kết tội là công an với kết quả điều tra xét hỏi và thậm chí ép cung không cần có mặt tại tòa. Hội đồng xét xử vẫn xem đây là “vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” xâm phạm an ninh quốc gia, tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, câu kết với các thế lực thù địch, tập hợp lực lượng lật đổ “chính quyền nhân dân”, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”… Trong khi Đảng Dân Chủ khẳng định việc xét xử và giam giữ trái với Điều 3 Hiến pháp 1992 sửa đổi, ngược lại các cam kết trước Liên hiệp quốc, các phiên sơ thẩm và phúc thẩm không chứng minh vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự, tòa án không có khái niệm thế nào là “chính quyền nhân dân”, hành vi nào là “tham gia”, “tổ chức”, “lật đổ”, nghị án chỉ là thủ tục. Đảng Dân Chủ dẫn câu nói của một triết gia cổ đại cho rằng: “Con người, khi hoàn thiện, là loài động vật tiến bộ nhất, nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý thì lại là loài động vật xấu xa nhất”. Chủ tịch nước có ý kiến như thế nào về hai luồng quan điểm trên?

Ngày 12-5, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt nước ngoài đã chuyển cho ông Cao Quang Ánh, Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ một văn bản đề nghị làm trung gian xóa những điều “ngộ nhận” do “thiếu thông tin đúng đắn” giữa cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ với Chính phủ Việt Nam. Đề nghị bị khước từ vì không xuất phát từ khởi điểm mang tính xây dựng. Phía nhận văn bản tuyên bố: “Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam”. Để đối thoại, Chính phủ Việt Nam cần đáp ứng quan tâm của cộng đồng người Việt về tình hình trong nước: vấn đề tù nhân lương tâm; sách nhiễu người vận động dân chủ; tôn giáo bị tịch thu, phá hoại biểu tượng và tài sản, tín đồ bị lạm dụng về thể xác và tinh thần, các nhà lãnh đạo tôn giáo sắc tộc vẫn bị giam giữ; Việt Nam chưa tuân thủ các nguyên tắc pháp trị theo chuẩn mực chung… Một khi chính phủ tiếp nhận suy nghĩ, chứng tỏ thiện chí giải quyết vấn đề trên thì tiến trình hàn gắn vết thương chia cắt và đối thoại sẽ cởi mở chân thành, người Việt nước ngoài sẽ hăng hái đóng góp cho đất nước. Nhưng Bộ Ngoại giao đã không trả lời, vì sao vậy? Phải chăng người Việt nêu đòi hỏi trên chính là bộ phận câu kết các tổ chức nước ngoài “ra sức chống phá đất nước” như Chủ tịch công bố tại hội nghị Việt Kiều?

.

Biển Đông có đang bình yên?

Ngày 7-5, Hải quân Việt Nam kỷ niệm ngày thành lập binh chủng thì UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp gỡ bỏ lệnh cấm từ Trung Quốc không cho ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam. Đến 16-5, Trung Quốc chính thức ban hành lệnh. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho lệnh này hoàn toàn vô giá trị, bởi Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Xin hỏi Chủ tịch nước về việc viện dẫn Luật Biển năm 1982 để phản đối, nếu Trung Quốc căn cứ Công hàm 1958 rằng Việt Nam trước đó khá lâu đã “chia lại” vùng biển này cho họ thì Bộ Ngoại giao tiếp tục đấu lý ra sao? Vì sao Trung Quốc vẫn lấn tới mà ngày 21-5 tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 20 khai mạc ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc Trần Chí Lập gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nêu quan điểm Trung Quốc đã cùng làm việc với Việt Nam để tiến tới thịnh vượng, bình đẳng và tiếp tục phát huy hợp tác toàn diện? Chủ tịch nước nghĩ gì về sự im lặng của Phó Chủ tịch nước trong chuyến công cán này?

Ngày 25-5, Trung Quốc chính thức khai thông mạng điện thoại di động ở đảo đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam lại phản đối và đề nghị trong khi các tranh chấp chưa được giải quyết, các bên liên quan không nên có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Xin hỏi Chủ tịch nước, ai giải quyết tranh chấp và giải quyết như thế nào, hai bên hay nhiều bên và cùng Liên hiệp quốc? Vì sao từ trước đến nay dân không được biết? Vì sao đang giải quyết tranh chấp thì ngày 28-5, tiếp đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc đến Việt Nam, Tổng Bí thư nêu quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ và hứa sẽ luôn là láng giềng tốt của Trung Quốc, tăng cường hợp tác, thắt chặt hữu nghị? Vì sao trong khi giải quyết tranh chấp, biển bị cấm đánh bắt cá, ngư dân bị bắt giam, bị tịch thu tàu thuyền và bị đóng tiền chuộc… thì bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một tướng quân đội cho biết hải quân Việt Nam đã và đang tuần tra chung với một số nước để “giữ hòa bình trong khu vực”. Hòa bình cho ngư dân, ngư trường, hơn nữa là vùng biển thiêng thủy táng các chiến sĩ giữ đảo và bao người bị xua đuổi ra đi, hải quân Việt Nam đã không gìn giữ, sao giữ cho cả khu vực? Việt Nam phối hợp các bên tuần tra, sao có “tàu lạ” lọt vào vẫn không hay? Đó là quân đội bảo vệ đảng hay bảo vệ dân, thưa Chủ tịch?

Tháng 5 này, đại biểu Quốc hội phải nghe chất vấn của cử tri các cấp và trả lời công khai qua truyền hình trực tiếp. Không có cớ gì công dân Việt Nam trong nước, khi nêu câu hỏi về hoạt động ngoại giao, trong đó Chủ tịch nước trực tiếp tiến hành hay tham gia quyết định, mà lại không nhận được trả lời thật lòng?!

Tâm Đan
29-5-2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment