Wednesday, June 2, 2010

FACE-2-GO

Face-2-Go

Mắt Việt

cập nhật ngày 23.05.2010, lúc 05:47:36

http://matviet.com/?Pserv=Docs&Src=Shwdoc&mid=256

Và cuối cùng thì điều phải đến đã đến - Việt Nam đã chính thức xây dựng cho mình một mạng xã hội dưới sự yểm trợ của chính phủ nhằm cạnh tranh với các mạng xã hội của tư nhân như Google, Yahoo!...

Một cách cá nhân, tôi cho rằng việc cộng đồng mạng có thêm một sân chơi là điều tốt; bởi ít nhất, khi người ta có cái gì đó để làm, để chơi vẫn tốt hơn là ngồi không rồi lại thấy những điều không nên thấy, biết những điều không nên biết hoặc làm nhiều chuyện không nên làm. Thế nhưng sau khi dạo một vòng quanh mạng xã hội mới này, dù không muốn, những điều sau đây vẫn cứ buộc tôi phải viết ra.

1. Một mạng xã hội có sự chống lưng từ chính phủ cạnh tranh trực tiếp với các mạng xã hội tư nhân liệu có thể xem là bảo hộ thương mại không? Câu hỏi này xuất hiện khi tôi liên tưởng tới những vụ kiện chống phá giá thời gian qua như vụ kiện cá basa, vụ kiện giày da... VTC là một đơn vị kinh doanh, không phải một cơ quan nhà nước. Thế mà nó lại được một Bộ trưởng khuyến khích mọi người tham gia thì phải chăng chính phủ đã và đang bảo lãnh cho doanh nghiệp này? Nếu chính phủ bảo lãnh, khi đơn vị này có sai phạm, chính phủ sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường? Phát biểu trong buổi lễ ra mắt mạng xã hội mới, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Lê Doãn Hợp, khẳng định: "Nhiều người nói rằng tôi chỉ đạo Mạng Việt Nam ra đời để "dẹp" các mạng khác như Google, Yahoo!. Nói như vậy là không đúng. Chúng ta sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh. Và nơi nào có văn hóa, nơi nào có giá trị, nơi nào có ích thì con người sẽ tìm đến". Trong phát biểu ấy, ông Bộ trưởng không nhắc gì đến Facebook, trang mạng cho đến hôm nay người Việt Nam vẫn không thể truy cập được nếu không biết cách vượt tường lửa.

2. Cũng trong phát biểu của mình, ông Bộ trưởng kỳ vọng trang mạng xã hội mới sẽ trở thành một "trường đại học tổng hợp của mọi người". Cái trường đại học tổng hợp này đang dạy cư dân mạng quên tiếng Việt để nói tiếng Anh dị dạng. Thay vì là "tin tức", "hình ảnh", "giáo dục", "mua sắm"... trang mạng xã hội của chính phủ (được chính phủ chống lưng) lại dùng từ "news", "photos", "edu", "shop"... Trên chuyên trang âm nhạc, đơn vị này còn hiên ngang dùng từ "muzik" (và cũng chẳng buồn đóng cái dấu ngoặc kép đã mở) bất chấp những cố gắng kiên trì của báo Tuổi Trẻ
(chuyên mục "Tiếng nước tôi") trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chống lại những từ ngữ lai căng, dị dạng.

3. Cũng trên chuyên trang âm nhạc của mạng xã hội mới, tôi tình cờ phát hiện một điều thú vị - album "Bác Hồ - Một tình yêu bao la" đang dẫn đầu danh sách các album được nghe nhiều nhất và đồng thời chiếm luôn vị trí album được yêu thích nhất. Thế nhưng khi bấm vào phần "Album nghe nhiều" thì lại không hề thấy có tên đĩa nhạc này. Thay vào đó là album Nỗi nhớ, Hoa dại, Dance
lần lượt xếp thứ I, II, III. Điều cũng không kém phần ngạc nhiên là trong top10 album được nghe nhiều nhất theo mạng này có tới 2 album của Mai Khôi, còn cỡ như Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng, Khổng Tú Quỳnh, Vĩnh Thuyên Kim chi chi đó thì phải lục ra tuốt mấy trang sau mới thấy, thậm chí không hề tồn tại.

4. Tuy là mạng xã hội, nhưng các nội dung chính trên trang này không phải ai muốn đăng là đăng mà phải là người trong bộ phận nội dung. Kết quả là cả mớ bài viết từ các báo đã được mạng xã hội của chính phủ (do chính phủ chỉ đạo thực hiện và hỗ trợ) chôm lại mà chẳng buồn dẫn tên tác giả, vẫn chỉ "Theo XYZ
" là xong. Phải chăng khi có Bộ 4T phía sau thì người ta có thể ngồi trên cổ các quy định của pháp luật? Điều này chắc chắn là không phải. Vậy thì sao?

***** Cập nhật lúc 10:23, 23/5/2010


Vì những điểm nêu trên, tôi không định cho bạn biết địa chỉ của nó. Song để bạn có dịp kiểm chứng và tự mình tìm hiểu thêm, địa chỉ của trang này là www.goonline.vn.

.

.

.

No comments:

Post a Comment