Saturday, June 5, 2010

CÔNG LÝ KIỂU VIỆT NAM : BỎ TÙ NGƯỜI TỐ THAM NHŨNG

Công lý kiểu Việt Nam: Tòa án đền ơn Liệt sĩ bằng bỏ tù người con tố cáo tham nhũng

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Đăng bởi bvnpost on 05/06/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/06/05/cng-l-ki%e1%bb%83u-vi%e1%bb%87t-nam-ta-n-d%e1%bb%81n-%c6%a1n-li%e1%bb%87t-si-b%e1%ba%b1ng-b%e1%bb%8f-t-ng%c6%b0%e1%bb%9di-con-t%e1%bb%91-co-tham-nhung-2/

Khoảng tháng 5/2006, theo mệnh lệnh của ông Nguyễn Đăng An, Chi cục trưởng Hợp tác xã và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ông Lê Duy Sơn và bà Nguyễn Thị Ba, phó Phòng kế hoạch – tài vụ, phụ trách kế toán của Chi cục đã thực hiện việc nâng khống giá các bộ máy vi tính mua cho Chi cục để rút tổng cộng 28 triệu đồng đưa cho ông An và được ông An cho 3.000.000 đ (ba triệu đồng) mỗi người. Sau đó, ông Sơn đã nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên đã quyết định tự thú dưới hai hình thức:

- Kể rõ sự việc và cung cấp chứng cứ cho ông Lê Thanh Định, cán bộ của Chi cục để ông Định làm Đơn tố cáo gửi các cơ quan lãnh đạo Đảng và Chính quyền tỉnh Hải Dương vào ngày 29/9/2006.

- Chủ động khai báo và giao nộp tài sản tham ô cũng như chứng cứ về hành vi phạm tội của mình và của đồng phạm cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Công an tỉnh Hải Dương.

Như vậy, căn cứ vào Khoản 2 Điều 25 BLHS (Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự) và Điều 4 Mục 4 Chương I Luật phòng chống tham nhũng (Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện. Tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật) thì ông Lê Duy Sơn phải được miễn trách nhiệm hình sự do đã có hành vi tự thú, bên cạnh các tình tiết giảm nhẹ khác trong đó ông Sơn là con duy nhất của Liệt sĩ Lê Duy Điệt, cháu nội của Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Đèo có hai con đều là Liệt sĩ.

Thế nhưng chính Công an tỉnh Hải Dương nơi ông Sơn tự thú lại ra quyết định khởi tố ông này về “Tội tham ô tài sản” và tiếp đó sau một loạt phiên tòa và kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án tỉnh Hải Dương Nguyễn Kim Sơn, ngày 19/12/2008, Hội đồng xét xử phúc thẩm do Thẩm phán Nguyễn Quang Bắc làm chủ tọa đã tuyên phạt ông Sơn 26 tháng tù giam!

Nếu như tính chất trái pháp luật của bản án phúc thẩm đối với ông Lê Duy Sơn là quá rõ như trên đã chứng minh thì lối lập luận của Hội đồng xét xử phúc thẩm cho thấy bản án trái pháp luật này là sản phẩm của hành vi cố ý. Cụ thể như sau:

1. Bản án ghi: “Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận không có hành vi phạm tội của bị cáo thì bị cáo Nguyễn Văn An không thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước”. Thế nhưng ai cũng rõ hành vi “thừa nhận” tội chỉ áp dụng cho đương sự nào trước đó có hành vi chối tội trong khi Lê Duy Sơn chưa bao giờ phủ nhận hành vi phạm tội của mình tại Cơ quan điều tra cũng như tại hai phiên tòa sơ thẩm, vả lại chỉ riêng hành vi thú tội của Lê Duy Sơn cũng đã đủ chứng minh điều này. Vì vậy, việc HĐXX phúc thẩm gán cho Lê Duy Sơn hành vi “thừa nhận” tội rõ ràng nhằm xuyên tạc bản chất sự việc, đổi trắng thay đen, biến Lê Duy Sơn – chủ thể của hành vi tự thú, tức chủ động khai báo về hành vi phạm tội của mình thành Lê Duy Sơn – chủ thể của hành vi ngoan cố, chỉ nhận tội khi không còn khả năng chối tội!

2. Bản án ghi: “Hành vi phạm tội của bị cáo Sơn cùng các bị cáo khác chiếm đoạt 28 triệu đ nếu không được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo phân tích ở trên thì bị cáo có thể bị phạt với mức án từ 4 đến 5 năm tù mới tương xứng với tổng giá trị tài sản mà các bị cáo đã chiếm đoạt”. Lập luận này của Hội đồng xét xử phúc thẩm rõ ràng đi ngược lại nguyên tắc của pháp luật là bị cáo chỉ có thể chịu hình phạt tương xứng với thiệt hại mà bị cáo gây ra chứ không phải chịu hình phạt tương xứng với thiệt hại do nhiều người gây ra.

Lối lập luận bất chấp pháp luật này càng lộ rõ khi không có bất cứ cơ quan tiến hành tố tụng nào, kể cả Hội đồng xét xử phúc thẩm, buộc Lê Duy Sơn chịu trách nhiệm về 28 triệu đồng mà ba bị cáo Nguyễn Đăng An, Nguyễn Thị Ba và Lê Duy Sơn chiếm đoạt, cụ thể là buộc Lê Duy Sơn trả lại toàn bộ số tiền này cho Nhà nước mà ở đây là Chi Cục Hợp tác xã và Phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương. Nói cách khác, Tòa án tỉnh Hải Dương đã đẩy Nhà nước vào tình thế “ăn gian” vì với lập luận kiểu này thì số tiền mà ba bị cáo buộc phải trả lại cho Nhà nước là 3 x 28 triệu đ = 84 triệu đ thay vì 28 triệu đồng (“ăn gian” 56 triệu đ)!

Hành vi xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp của Chánh án Nguyễn Kim Sơn và của Hội đồng xét xử phúc thẩm – Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương còn thể hiện trắng trợn ở chỗ phiên tòa chưa bắt đầu nhưng cảnh sát dẫn giải đã có trong tay Lệnh bắt giam ông Lê Duy Sơn để thi hành án, tức xử theo “án bỏ túi”!!!

Kiên quyết chống lại sự bất công đối với ông Lê Duy Sơn, bà Nguyễn Thị Xa – người suốt đời ở vậy để chăm lo giọt máu duy nhất của Liệt sĩ Lê Duy Điệt – đã làm Đơn đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Trần Quốc Vượng và Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án của Tòa án tỉnh Hải Dương.

Kết cục là Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án nhưng một lần nữa, Liệt sĩ Lê Duy Điệt đã được cơ quan nhân danh Công lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà ở đây là Tòa hình sự – Tòa án nhân dân tối cao “trả ơn” bằng Quyết định giám đôc thẩm ngày 06/5/2010 bằng giữ nguyên án 26 tháng tù đối với ông Lê Duy Sơn!

Vậy là bằng việc trả thù một cách hèn hạ và tàn bạo ông Lê Duy Sơn, người đã vì lương tâm và trách nhiệm của một công dân đứng lên vạch mặt tham nhũng, Tòa án Việt Nam đã không ngần ngại tự lột trần bộ mặt phản pháp luật mà còn công khai phản lại cuộc chiến của toàn xã hội chống lại lũ cướp ngày.

“Mọi cái đều có cái giá của nó – Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Duy Sơn, khẳng định trong nước mắt tại phiên tòa phúc thẩm – Để có được cuộc sống ngày hôm nay trong Độc lập, có biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống nơi mũi tên hòn đạn trong đó có Liệt Sĩ Lê Duy Điệt, người cha thân yêu của Lê Duy Sơn. Như chúng ta vừa nghe ông trình bày, Lê Duy Sơn đã không có được cái hạnh phúc bình dị nhất, nhỏ nhoi nhất của một người con là được nhìn mặt, được ấp nóng trong vòng tay của cha dẫu trong khoảnh khắc. Và đến đây tôi không thể không nghiêng mình trước bà Vũ Thị Xa, người Mẹ của Lê Duy Sơn đã cả đời thờ chồng nuôi con, trước bà nội Anh hùng của Lê Duy Sơn, hai lần tiễn con đi, cả hai lần “khóc thầm lặng lẽ” như lời một bài hát ngợi ca Tổ quốc. Tôi cũng tin rằng trong số những người có mặt tại phiên Tòa hôm nay, có vị, có những vị đã có người bà, người mẹ anh hùng như thế vì đó là lịch sử bi tráng của cả một dân tộc, nỗi đau này không của riêng ai. Và tôi có linh cảm rằng người Liệt Sĩ ấy cũng đang hiện diện ở đâu đây, trong phòng xét xử này, để nghe lời phán quyết đó!”

Công lý phải được lập lại! Không chỉ vì sự nghiệp chống tham nhũng giờ đã thành cốt tử cho hiện tại và tương lai của nước Việt, không chỉ vì giọt máu duy nhất của Liệt sĩ Lê Duy Điệt mà còn vì tất cả những ai sẵn sàng bỏ lại đằng sau mẹ già, vợ trẻ, con thơ, để xông thẳng ra chiến tuyến vì sự tồn vong của Tổ quốc!

CHHV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

.

.

.

No comments:

Post a Comment