Friday, June 4, 2010

CHUYỆN TỪ NHIỆM của BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

Chuyện từ nhiệm của một ông bộ trưởng

Phạm Việt Vinh

04/06/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=20988

Tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đã thôi chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vẫn còn giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các khối giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể thao và hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghệ thông tin, nhưng về thực chất, ông Nhân đã rời bỏ vai trò lèo lái con tàu giáo dục và đào tạo Việt Nam. Việc lên chức, xuống chức, bãi chức hay từ nhiệm của một chính trị gia là bình thường, nhưng việc thôi chức của ông Nhân lại cho thấy nhiều điều đặc biệt.

.

Trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay, ông Nhân, sinh năm 1953, thuộc lớp người trẻ và có thực học. Lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật tại Đông Đức trước đây, sau một thời gian giảng dạy đại học và làm cán bộ quản lý tại thành phố Hồ Chí Minh, ông du học nâng cao trình độ tại Hoa Kỳ. Trước khi đảm lãnh chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đã là Giám đốc Sở Công nghệ và Môi trường và sau đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Người ta có lý do để tin vào khả năng chuyên môn và trình độ quản lý của ông. Đồng thời, cũng có khá nhiều người đánh giá cao đầu óc cởi mở về chính trị của ông. Trong thời gian ông làm công tác quản lý Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Đông Đức trước đây, sinh hoạt của Đoàn Thanh niên đã có nhiều chỉ dấu cởi mở và thông thoáng hơn trước rất nhiều. Trong thời gian đó, có nhiều tin đồn rằng ông đã hoàn tất một luận án nhan đề “Sự lỗi thời của chủ nghĩa Mác-Lênin” nhưng không được cả chính quyền Đông Đức lẫn Việt Nam chấp nhận cho bảo vệ. Người ta có thể cho rằng ông Nhân không thuộc lớp giáo điều.

.

Những yếu tố tuổi trẻ, học rộng, có khuynh hướng cách tân đã làm cho ông Nhân trở thành một trong những niềm hy vọng cho một số người Việt mong muốn đất nước phát triển. Khi ông đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2006, không ít người, đặc biệt là trong giới học sinh và sinh viên, đã chờ đón những cải tổ và tiến bộ ít nhất là trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, một trong những vấn đề then chốt nhất và cũng là nhức nhối nhất của quốc gia hiện nay. Có lẽ, trong thâm tâm vị Bộ trưởng trẻ cũng tồn tại những ước nguyện như vậy.

.

Rồi cuối cùng, sau hơn 4 năm, tất cả đã bị thất vọng bẽ bàng. Là một người được giao phụ trách và lãnh đạo tối cao chương trình cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, nhưng ngày nay, nói tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, người ta chỉ có thể liên tưởng tới những khẩu hiệu “Chống bệnh thành tích trong học tập”, “Chống tiêu cực trong thi cử”, “Chống nạn bằng cấp giả”, hay là “Nói không” với cái này, cái kia… đuợc tung hô rầm rộ nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Thiện ý (nếu có) của ông Nhân hoàn toàn không được đi đôi với những chính sách và biện pháp cụ thể. Những khẩu hiệu “Chống” của ông tuyệt đối vô tác dụng trong một xã hội hành pháp, tư pháp thấp kém và bị tham nhũng thống trị. Kết cục là những căn bệnh của hệ thống đào tạo và giáo dục vẫn còn nguyên, thậm chí càng ngày càng nghiêm trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn ở trong tình trạng thê thảm và càng ngày tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực.

.

Có nhều lý do đã làm cho ông Nhân thất bại, nhưng về mặt chính sách, có hai hiện tượng khá hiển nhiên:

.

Thứ nhất, nhà nước Việt Nam nói chung và ông Nguyễn Thiện Nhân nói riêng hình như chỉ nhìn ra những cái để “chống” mà không biết những cái phải “xây”. Khi bắt cả quốc gia nghĩ theo một chủ thuyết (Mác-Lê) lỗi thời, học theo một tư tưởng (Hồ Chí Minh) bị gán ghép một cách khiên cưỡng và đi theo một lề đường (bên phải) kẻ sẵn thì không ai có khả năng đưa ra những chính sách và biện pháp để giáo dục và đào tạo ra những công dân có tư tưởng thực sự tự do, có đầu óc thực sự sáng tạo. Khuyến khích và tạo dựng ra những con người có tư duy độc lập và đột phá là những cái mà nhà nước Việt Nam không hề nghĩ tới và ông Nhân vẫn không dám đề xuất. Với chủ trương và hệ thống giáo dục, đào tạo hiện nay, học sinh, sinh viên Việt Nam sau khi ra trường chỉ có khả năng làm những công dân ngoan ngoãn, những nhà chuyên môn giỏi thực thi, chứ không thể trở thành những con người tiên tiến. Tiếp đó, một bộ phận trong số những con người ngoan ngoãn và chỉ giỏi thực thi đó sẽ quay trở lại làm công tác thầy giáo, giảng viên. Đó là vòng tròn ma quái khép kín của sự lạc hậu.

.

Thứ hai, điều dễ thấy là ông Nhân đã chỉ lớn tiếng về “cải tiến và nâng cao chất lượng học tập”. Người ta hầu như không thấy những chính sách dứt khoát để cải tiến, nâng cấp hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo viên. Nếu như coi hệ thống giáo dục, đào tạo như một cái cây thì ở đây, nhà nước Việt Nam và ông Nhân đã chỉ quan tâm tới phần ngọn, phần lá mà không chú mục vào phần gốc, phần rễ. Đương nhiên, cách tân một hệ thống giáo dục không phải là một việc dễ dàng, nhưng khi mục đích đào tạo vẫn là “vừa hồng vừa chuyên” để xây dựng “chủ nghĩa xã hội” dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một đảng, khi nội dung giáo dục vẫn nằm trong tay Ban Tuyên giáo Trung ương thì khó có ai nghĩ tới thay đổi tận gốc rễ tư duy và cấu trúc bộ máy giáo dục, đào tạo lại giáo viên, thay đổi phần lớn nội dung hệ thống sách giáo khoa. Là người hình như đã nhận ra “Sự lỗi thời của Chủ nghĩa Mác-Lênin”, nhưng mặc dù đã là Bộ trưởng, ônh Nhân vẫn không dám động chạm đến một thực tế là học sinh và sinh viên Việt Nam vẫn phải dùng khá nhiều thời gian để nhồi nhét vào đầu một ý thức hệ mà cả thầy lẫn trò đều chẳng ai tin. Thêm vào đó, khi sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội và chế độ lương bổng phi lý đã bắt hầu hết đội ngũ giáo viên phải kiếm tiền bằng tay trái thì ý nguyện nâng cao chất lượng đào tạo chỉ là chuyện hão huyền.

.

Kết quả là sau bao nhiêu năm trống rong cờ mở, sau hàng ngàn các đoàn lãnh đạo, chuyên gia giáo dục đi thăm quan, học hỏi ở những nước tiên tiến nhất, Việt Nam vẫn hoàn toàn không có khả năng sản sinh ra những con người đáp ứng những nhu cầu phát triển cần thiết của xã hội. Song song với tiếng kêu cứu về sự tha hoá đạo đức, những báo động về sự thiếu vắng một đội ngũ công nhân tay nghề cao là thực trạng mà một báo cáo mới đây tại hội thảo khoa học tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Không một trường đại học nào của Việt Nam đuợc xếp vào hàng 200 trường đại học hàng đầu của Châu Á! Theo những kết quả thăm dò dư luận trong nước vừa qua, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên đã chuyển những hào hứng, hy vọng khi ông Nhân mới nhậm chức Bộ trưởng thành những thất vọng não nề.

.

Có nhiều lý do để kết luận rằng việc rời khỏi ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của ông Nguyễn Thiện Nhân là một sự chạy trốn, một sự đầu hàng. Đối với quốc gia, những tố chất học rộng, tài cao, đầu óc thông thoáng và ngay cả vị trí Bộ trưởng của ông đã hoàn toàn vô tác dụng trong một hệ thống tư duy trì trệ và bị kiểm soát bởi những thế lực mờ ám. Có thể, trong một cơ chế chính trị khác, với khả năng của mình, ông Nhân sẽ có những đóng góp to lớn cho đất nước. Nhưng hiện tại thì không như vậy. Từ trước tới nay, một cơ chế xã hội thông minh hoàn toàn có khả năng tạo ra những vị trí xứng đáng ngay cả cho những con người bình thường. Ngược lại, một thể chế chính trị phi lý luôn đe doạ bóp méo và đè nát ngay cả những bộ não hết sức xuất sắc. Một ví dụ điển hình là Bắc Triều Tiên. Quốc gia này không thiếu vắng những bộ óc cao siêu, nhiều nhà khoa học Bắc Triều Tiên có khả năng chế ra bom nguyên tử và hoả tiễn tầm xa và họ có thể được xếp vào đội ngũ chuyên gia tầm thế giới. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên vẫn đắm chìm trong ngu muội và có hàng triệu người đang đói lả. Một hệ thống u mê có khả năng sử dụng những bộ óc cao siêu để dìm chính quốc gia của mình trong nghèo đói.

.

Từ vài năm gần đây, một bộ phận không nhỏ trí thức Việt Nam tin rằng chỉ với kết quả học tập cao hay với khả năng chuyên môn sâu, họ có thể trở thành một tầng lớp kỹ trị mới đưa đất nước vào hàng giàu mạnh. Sự thất bại của ông Nhân tại Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là một minh chứng phá tan ảo tưởng của họ. Bước tiến về phía trước của một quốc gia bao giờ cũng được dẫn dắt bởi những triết lý và tư tưởng đúng đắn. Không thể có một thể chế chính trị thông minh được cấu thành 100% từ những nhà kỹ trị không biết hay không dám động chạm tới chính trị và tư tưởng.

.

Nhưng, đối với sự phá sản những dự án lương thiện của mình, ông Nhân và những chuyên gia có vị thế khác trong xã hội không thể chỉ đóng vai trò là những nạn nhân. Khi góp sức xây dựng và củng cố chế độ hiện hành, họ cũng chính là thủ phạm. Với vai trò Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, ông Nhân cũng là một thành tố trụ cột trong việc kìm hãm, tàn phá những bộ óc và bước đi tích cực cho quốc gia, trong đó có thể có trí tuệ và hành động của chính ông. Sau khi từ nhiệm chức Bộ trưởng, ông vẫn còn giữ chức Phó Thủ tướng, và có thể tới đây, ông không những sẽ không rời khỏi vũ đài chính trị mà còn được trao thêm một trọng trách nào đó. Nhưng với thể chế chính trị hiện nay, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng sẽ lại tiếp tục hoàn toàn không có cơ hội mang lại những tiến bộ đáng kể, và những nhận định khá u ám trên đây sẽ vẫn còn nguyên giá trị không chỉ riêng đối với cá nhân ông.

Berlin, 01.06.2010

© 2010 Phạm Việt Vinh

© 2010 talawas

.

.

.

No comments:

Post a Comment