Thursday, June 24, 2010

BÓNG ĐÁ GẦN TRĂM NĂM TRƯỚC và WORLD CUP BÂY GIỜ

Bóng đá gần trăm năm trước và World Cup bây giờ

Trần Tuấn Kiệt

Wednesday, June 23, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114943&z=255

Hai tuần nay, Cúp Túc Cầu Thế Giới 2010 làm cả hành tinh điên đảo, tôi chợt nhớ các trận cầu nho nhỏ ở quê hương, trước và sau 75.

Thời trẻ ở Sa Ðéc, khi cậu tôi ra sân banh tập thể dục thể thao hay xà đơn, xà kép thì tôi chạy ra sân banh gần đường đi Tân Tây trong thành phố để đá banh hoặc bắt mấy con sáo, cưỡng bông thường nhảy nhót mổ trùng, dế quanh đó.

Bóng đá có ở Việt Nam từ khá lâu. Chị em ở xứ Cái Vồn, Cần Thơ đá bóng gần cả trăm năm rồi. Riêng Sa Ðéc thời trước có một đội banh hạng A và một đội hạng B.

Ðội A thường đá giao lưu tranh cúp với các đội ở tỉnh khác, nhất là với đội Ngôi Sao Gia Ðịnh lừng danh một thời. Ðội A có những danh tài đá banh thượng thặng thời đó như Cung, Cọp, Kiếm, nhất là Cao Hoài Cúi đá trong đội tuyển. Những danh tài này phải được ghi tên trong lịch sử đá bóng vì họ nổi tiếng khắp nước.

Ðội B có Bình và Vàng tức cậu Năm có khi cũng được mời đá mặc dầu cậu đã bỏ đá banh để chơi thể dục và nhất là quay sang gây nên phong trào âm nhạc ở tỉnh rất rầm rộ thời đó.

Thời trước VN hay đá với đội Hong Kong có cầu thủ lừng danh Lý Huê Ðường được người Hoa xưng tụng là Túc Cầu Ðại Vương. Ta có trung phong Phan Văn Tốt. Ngoài ra còn một người trấn giữ khung thành huyền thoại mà khi đám sinh viên học sinh giữ khung thành bắt bóng hay thì người ta thường ví “bắt hay như Tịnh”!

VN thường đá giao hữu với các nước, với các đội banh ở Ðông Dương vì thời này còn thuộc Pháp. Khi nào có Cao Hoài Cúi ở Sa Ðéc là anh em trong toàn đội đều vững lòng tin chiến thắng.

Ðầu tiên đội Hong Kong của Lý Huê Ðường qua VN được người Hoa ủng hộ hết mình. Tất cả cá cựa đều bắt theo đội Hong Kong bởi họ luôn thắng đội tuyển VN. Lý Huê Ðường có tài biến ảo, vẽ vời từng nét đi, đưa banh như vào chỗ không người khiến đội VN luôn thua rất đậm.

Sau này Cao Hoài Cúi xuất hiện thì bao nhiêu đường bóng kỳ ảo của họ Lý đều bị Cao Hoài Cúi chặn lại cả. Sân cỏ nổi lên những làn sóng reo hò vang dội. Dân cá cược theo đội VN coi Cao Hoài Cúi là vua sân cỏ đương thời. Tiếc rằng nhiều nhân tài như thế trong mọi lãnh vực: văn chương, triết học, chính trị, nghệ thuật cũng thế đến nay người ta lãng quên hay cố tình như không biết. Những dấu vết lừng lẫy một thời bị xóa đi. Như các lò võ Huỳnh Tiền, Tây Sơn Nhạn, Tám Kiển, Lam Sơn... có còn ai nhớ.

.

Tôi vốn mê đá banh từ thời còn để chỏm. Trái banh làm bằng trái dừa, trái bưởi hay bẹ chuối cuộn tròn cột to bằng trái bóng mà đá với nhau rộn rã ở sân trường, ở sân vận động hay ngoài bờ ruộng, bờ mương. Từng làng này đá với làng kia. Ðôi khi đá xong khát nước lại hái trộm dưa leo, dưa hấu hay bẻ mấy chùm xoài sống la đà ngoài bến Sa Giang mà ăn chơi tụ hội với nhau.

Bỏ quê lên tỉnh, tôi đã nhập vào đoàn người đi trẩy hội đá banh, chữ nghĩa gọi là túc cầu. Lúc mười bốn, mười lăm tuổi, tôi có dịp theo thằng bạn khá giả coi đá banh ở sân Cộng Hòa. Lúc đó đội Saigon đá với đội Nam Dương. Tôi nghĩ người Nam Dương cao khều, dài ngoằng thì làm sao cầu thủ nước ta chạy mau hơn hơn để giành banh cho được. Rồi đến đội xứ Chùa Tháp chẳng khác nào mấy anh võ sĩ. Ðụng trận với họ là gãy chân lọi giò, xể trán, u đầu như thường. Cao Hoài Cúi lên Chùa Tháp đá quá hay bị dân Cao Miên đổ xuống sân đánh bất tỉnh trọng thương phải chở ngay về nước.

Lớn lên một chút tôi nghe đội Ðiểu Hà (Peru?) sang đấu với VN, được báo chí giới thiệu đá thắng đội vô địch thế giới năm đó. Thế mà những cơ thể to lớn, mạnh mẽ, đen ngòm đó đá suốt cả chín mươi phút mà không vô được quả banh nào lọt lưới VN.

Lúc đó tôi nghe có người nhắc tới thủ môn Rạng, một tài danh thời đó, và cả Tam Lang. Anh ta đứng “a de” (hậu vệ) bao nhiêu đường banh xả xuống ào ạt đều bị Tam Lang đá cầu âu trở lại hết. Thật là siêu quần. Tôi kính nể Tam Lang từ đó.

Sau 30 tháng 4, đội Tổng Cục Ðường Sắt vào thành phố đá theo kiểu chém đinh chặt sắt làm đội Tuyển Saigon gãy tay, gãy chân, tét đầu đổ máu thua trận. Sau đó, Ðường Sắt còn lên Tây Ninh đá chết thêm một anh thủ môn nữa mới chịu quay về Bắc.

.

Lúc này ngày ngày, dân chúng phải xếp hàng mua từng lon gạo bán theo hợp tác xã. Anh em văn nghệ đọi quá, tôi thường được các bạn đưa quần áo veston cũ, mới ra chợ trời bán giùm họ. Vũ Hạnh lập ra đoàn hát rong và đội banh của Hội Văn Nghệ Sĩ thành phố. Lúc này số văn nghệ sĩ vượt biên chưa được còn ở lại, bèn tụ tập với Phong Sơn và Vũ Hạnh để tránh tai bay vạ gió và kiếm chút cháo cho vợ con đỡ cơn ngặt nghèo.

Ðầu tiên đoàn banh tập hợp với một số ca sĩ xuống Mộc Hóa đá banh và hát. Ca sĩ làm thủ môn đi bắt dế nhậu với dân Mộc Hóa có cả vợ chồng Từ Công Phụng... Xong trận kéo nhau ra quán ăn ở chợ Mộc Hóa gần con sông Trăng.

Hát hò đấu đá nhau xong, đoàn bóng thành phố chở đầy một xe nếp gạo mắm muối quay về Saigon. Hết đá Mộc Hóa lại xuống Vĩnh Long, hết xuôi Vĩnh Long lại lên Dầu Tiếng. Có khi mang về một con heo xẻ thịt chia cho anh em nhà văn đọi.

Ðó là những trận cầu bất đắc dĩ mà có lần cụ Sinh, tức Mặc Thu, nói: “Có những việc không muốn mà vẫn phải làm.”

Sau đó vài năm, các văn nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ kẻ chết, người ra đi dần không còn ai. Những trận cầu bất đắc dĩ đó cũng dẹp mất!

.

Hiện tại, người ta ăn ngủ cũng đều bàn tán về các trận đá banh World Cup đang nóng bỏng ở Nam Phi.

Tôi nghe tiếng rao của hàng bánh mì rong. Bước ra ngoài mua một ổ để vào quán cà phê vừa ăn vừa coi đá banh. Quán đặt màn ảnh rộng thu hút người coi đá banh đông vui hơn ở nhà coi một mình. Bánh mì bán rất chạy, ngoài ra còn xe hủ tíu gõ đậu ngoài đường gần đó sẵn sàng cung cấp thức ăn cho người coi khuya đói không muốn đứng lên.

World Cup khiến không khí xóm bình dân ồn ào hẳn lên. Cô gánh hàng rong hằng buổi trưa thường bán trước quán cà phê cho dân đá gà tụ tập, đám công nhân và học sinh cũng thường bu lại mua quà bánh của cô. Trong đó không thiếu các thứ bánh trái: chuối nấu, khoai luộc, bánh cốm... cả trái cây đầy hai đầu quang gánh. Gánh hàng rong vì World Cup mà bán ế. Dân ghiền đá banh đến 6 giờ rưỡi bỏ ăn uống, ngồi trước ly cà phê chỉ gặm bánh mì thôi. Bánh mì baguette của cậu nhỏ đạp xe dài như cái đòn gánh bán đắt hàng vô cùng. Mấy tờ báo Thể Thao, Ðá Bóng bán chạy như tôm tươi. Báo hàng ngày hốt bạc nhờ xuất bản thêm loại Tin Nhanh Thể Thao tường thuật và bình luận các trận cầu khuya. Người ta bớt mua sắm, chỉ để dành tiền mua báo và... cá độ.

Ban đầu tôi định coi trận đầu lúc 6 giờ chiều, sau đó tiếp theo trận 9 giờ tối, rồi ngồi quen coi luôn trận 3 giờ khuya khiến lắm lúc nhức cả đầu mà không bỏ được.

Các quán cà phê trong xóm đều cờ bạc. Bây giờ họ hết tụ nhau để đánh phé, cờ tướng hay đá gà ăn thua một xị (một trăm ngàn đồng VN), một chai (một triệu) nữa mà quay ra cá độ đá banh.

Trước đây tôi hay chơi kèo dưới, đá gà, đá cá hay đá banh cũng vậy, tôi luôn bắt cửa dưới. Sau mới khám phá ra là tính tôi như thế, không ưa theo phe mạnh mà cứ theo kẻ yếu thôi.

Rất nhiều kẻ mê đá banh chỉ ngồi trong nhà mà cũng đổ mồ hôi, xót con mắt với các cầu thủ chạy quần ngoài sân World Cup, đau đớn thắt tim theo các đường banh của đối phương trên sân cỏ Nam Phi 2010 kia. Thí dụ nhiều anh cá Cameroon thì Hàn Quốc lại thắng, tức khí ành ạch. Cái hiện tượng thiên biến vạn hóa của văn hóa banh tròn độc đáo vô số kể khiến bao nhiêu người quên ăn, mất ngủ, cà gật suốt ngày như gà nuốt dây thun vậy.

Lâu quá không được reo hò nên gặp dịp là la hét cho xả xú bắp, hòa nhập với quả banh để điên cuồng cho hả cái chèn ép, bó buộc của đời sống hàng ngày.

.

Từ khai mạc đến nay, tự dưng tôi có cảm tình với người dân Phi Châu da đen nghèo nàn mà rất dũng mãnh. Tôi thích nhìn nước Châu Phi bần cùng lạc hậu và thiên tai dịch bệnh triền miên đang vùng lên qua túc cầu. Châu Phi hoang dã mà Hemingway đã viết về giấc mơ thấy sư tử hiện ra. Tôi có viết mấy câu thơ:

Những con sư tử trong hồn

Giấc ngàn năm để dấu son trong hồn

Nhiều trận quyết đấu tôi theo kèo dưới và luôn mong cho họ quật cường chiến thắng các đội bóng tên tuổi lừng danh khác.

Ðó là quan điểm của tôi khi xem World Cup kỳ 2010 này vậy.

.

Còn nhớ năm 1986 đi tù về gặp trận cầu Cúp Thế Giới. Lúc đó tôi tê chân phải và liệt tay phải, luôn ngồi nghiêng trên ghế dựa mà ngủ. Khi coi trận Cameroon đá với Ðức, tôi thích quá, chợt la một tiếng rồi đứng bật lên, tay khua ngang một vòng, nhờ thế mà hết bệnh luôn.

Ðó cũng là cái hay của bóng đá. Nhưng đến lúc Brazil tranh vô địch với Pháp ở sân Pháp. Ðội Brazil đá như gà mở cửa mả, nhất là Ronaldo người ngoài hành tinh lờ đờ vừa chạy vừa ngủ gục. Sau đó thì Brazil đã chiếm ngôi vô địch trở lại ở một kỳ World Cup khác. Ngoài ra cá độ, hành hung cầu thủ, cổ động viên đánh nhau là chuyện cơm bữa.

Trước đây khi đội bóng của Sadam Hussein của Iraq thua trận, khi trở về các cầu thủ đều bị đánh đập như những anh nài đua ngựa của Bảy Viễn lúc bị thua, bị trấn nước ăn đòn. Có lẽ đội Bắc Triều Tiên nếu không chiến thắng được thì cũng tha hồ bị “kiểm điểm” cho nên các cầu thủ có tài tìm đường sang các nước tự do dễ tạo sự nghiệp hơn.

.

Những chấm đen của bóng đá còn trùng trùng điệp điệp khó mà kể hết ra được nhất là trong một thế giới hư hư thực thực. Người ta chờ đợi vào những trận đấu trung thực và nhiều tinh thần thượng võ. Ðó là cái đẹp của thể thao và dĩ nhiên của cả bóng tròn.

Trong cúp thế giới này, bóng đá là môn thể thao tập thể lôi cuốn, ngoài tinh thần thượng võ còn thể hiện tinh thần quốc gia. Ở đó nó loại mọi thứ CS hay tư sản. Chân lý bất diệt là tinh thần quốc gia, danh dự quốc gia được đưa lên trên hết.

Trần Tuấn Kiệt

.

.

.

No comments:

Post a Comment