Friday, June 18, 2010

87 TRIỆU NGƯỜI TRÊN CON TÀU CAO TỐC

87 triệu người trên con tàu cao tốc

FreeLeCongDinh

Tháng Sáu 18, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/06/18/87-tri%e1%bb%87u-ng%c6%b0%e1%bb%9di-tren-con-tau-cao-t%e1%bb%91c/

FreeLeCongDinh – Sau những ngày sôi nổi tranh luận tại phòng họp quốc hội, trên những trang báo lề phải, ở những phương tiện truyền thông lề trái hoặc ngay ở quán cóc, vỉa hè, con tàu cao tốc đã được bật đèn xanh lao đầu về phía trước. Người ta có thể tiếp tục tranh cãi về dự án ngốn hết 2/3 tổng sản lượng quốc gia này để tìm kết luận lợi, hại về quyết định này. Tuy nhiên, quyết định đúng sai có thực sự là điều quan trọng nhất? Bất kỳ chính phủ tài giỏi hay tiến bộ nào cũng đã từng có những quyết định sai lầm và cả quốc gia phải gánh vác hệ quả của sự sai lầm đó. Vậy đâu mới là thực chất của vấn đề, đâu là vấn nạn của quốc gia ?

Theo dõi những tranh luận của các đại biểu quốc hội, có người trong chúng ta… vui vẻ trước những phát biểu đầy “ấn tượng” đến khôi hài của các quan chức lãnh đạo. Có người trong chúng ta buồn phiền sao lãnh đạo chính phủ lại tồi như thế. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người nghĩ rằng ông/bà đại biểu này là do chính mình bỏ phiếu bầu ra. Có bao nhiêu người tin rằng những phát biểu của ông/bà này phản ảnh nguyện vọng của những người đã bầu cho họ? Và mình có quyền năng của một công dân để ảnh hưởng đến vị trí của ông/bà ta trong nhiệm kỳ kế? Thực tế là không.

Những người tham gia vào tiến trình quyết định không phải là đại diện thực sự của người dân trong cái thể chế đảng-cử-dân-phải-bầu hiện nay của nước ta. Họ không bị một áp lực nào trong việc phải thể hiện nguyện vọng của người dân để được người dân ủng hộ trong các cuộc vận động tranh cử và bầu cử. Quyết định đúng sai của họ ngày hôm nay không ảnh hưởng lên quyết định lá phiếu tương lai của người dân đối với sự nghiệp chính trị của họ. Những cá nhân quyết định dự án khổng lồ này không có những lo lắng hay trách nhiệm gì với nguời dân.

Các ĐBQH trước khi là đại biểu, trong khi là đại biểu, sau khi là đại biểu vẫn luôn là đảng viên CSVN. Họ được trở thành ĐBQH cũng là nhờ cái thẻ đảng viên CSVN chứ không phải nhờ vào khả năng cá nhân và sự ủng hộ của quần chúng. Vai trò ĐBQH chỉ là một sự phân công, chia việc giữa những người đảng viên CSVN với nhau trong chuyện thâu tóm tất cả quyền hành. Mọi quyết định đi theo hàng dọc từ Bộ Chính Trị đến Trung Ương Đảng đến cán bộ các cấp. Mỗi đảng viên theo đúng vai trò trong chính phủ mà thi hành sau khi đã nhận chỉ thị, học tập trong nội bộ đảng. Đó là tính nhất quán đương nhiên của một độc đảng lãnh đạo. Đặc tính này cũng tìm thấy được trong các đảng phái khác của một thể chế chính trị đa đảng. Điểm khác biệt là trong môi trường sinh hoạt đa đảng, mỗi đảng phải nghiên cứu, suy nghĩ, thảo luận rốt ráo để nhất quán đi đến quyết định tốt nhất nhằm sau đó có thể có được sự ủng hộ của người dân trong lần chọn lựa những lãnh đạo kế tới. Đảng CSVN trong vai trò độc quyền lãnh đạo không có nhu cầu đó và những đảng viên ĐBQH vì thế cũng không có nhu cầu đó.

Nhưng những ĐBQH này đang nắm giữ vai trò chính danh của một chính phủ. Sự chính danh đó được bảo kê bởi những lá phiếu của chúng ta. Dù là đảng cử dân bầu, dù tổ trưởng dân phố đôn đốc phải đi, dù có những ép buộc, đe dọa… nhưng cuối cùng khi chính chúng ta đóng dấu và hợp pháp hóa vai trò của những đảng viên CSVN này, chúng ta phải gánh lấy phần nào trách nhiệm. Ngày nào chuyện này còn xảy ra, ngày đó chúng ta vẫn còn ủy quyền cho những con người này quyết định vận mạng của quốc gia.

Và vì thế hơn 87 triệu người Việt Nam vẫn phải tiếp tục leo lên những con tàu cao tốc lao về phía trước vực thẳm.

FreeLeCongDinh

.

.

.

No comments:

Post a Comment