Saturday, June 26, 2010

14.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ ĐÀO TẠO 20.000 TIẾN SĨ ?

14.000 tỉ đồng để đào tạo 20.000 tiến sĩ: lãng mạn?

TS Nguyễn Văn Tuấn

Thứ bảy, 26 Tháng 6 2010 15:03

http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/952-14000-ti-dong-de-dao-tao-20000-tien-si-lang-man

Thế là dự án 2 vạn tiến sĩ của ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã thành … văn bản chính thức. Bản tin dưới đây cho biết Thủ tướng đã phê duyệt dự án này với một ngân sách 14,000 tỉ đồng. Đây là dự án gây ra nhiều tranh cãi (và đàm tiếu) trong thời gian qua, nhưng nay thì sắp thành hiện thực. Nhưng đọc kĩ thì tôi thấy tính khả thi, ít ra là trên khía cạnh kinh tế, khó khả thi.

.

Chúng ta thử làm vài tính toán để xem tính khả thi ra sao. Theo dự án thì 10 ngàn tiến sĩ sẽ được đào tạo ở nước ngoài, và 10 ngàn ở trong nước. Ngân sách đào tạo là 14,000 tỉ đồng (tức ~778 triệu USD); trong số này, 64% cho đào tạo ở nước ngoài. Theo kinh nghiệm của trường tôi, chi phí đào tạo một nghiên cứu sinh tiến sĩ mỗi năm là khoảng 30,000 USD (có ngành như y khoa và sinh học thì 50,000 USD, nhưng có ngành rẻ hơn như luật hay kinh tế chỉ khoảng 20,000 USD), hay 90,000 USD trong 3 năm (tính “ngắn” trung bình 3 năm đào tạo tiến sĩ, nhưng thực tế thì 4-5 năm). Do đó, nếu 10 ngàn người phải đào tạo từ nước ngoài, thì chi phí phải là 90,000 x 10,000 = 900 triệu USD. Như vậy, với tổng ngân sách ~778 triệu USD, rất khó mà đào tạo được 10,000 tiến sĩ ở các đại học nước ngoài.

.

Ở trong nước, tôi không biết bao nhiêu đại học và viện nghiên cứu có khả năng đào tạo tiến sĩ. Hãy tạm giả định con số đại học và viện có khả năng đào tạo tiến sĩ là 30 (hơi lãng mạn, như có thể lấy làm điểm khởi đầu). Như vậy mỗi trường phải đào tạo 330 tiến sĩ trong vòng 10 năm, hay phải cho “ra lò” 33 tiến sĩ mỗi năm. Nếu đội ngũ giáo sư đầy đủ thì con số này là hoàn toàn khả dĩ. Nhưng với con số bài báo khoa học như hiện nay, đây là một mục tiêu rất cao. Cố nhiên, ở đây, chưa bàn đến chất lượng đào tạo. Đào tạo ra tiến sĩ, nhưng có ai trên thế giới công nhận bằng cấp đó hay không là một vấn đề khác, mà hiện nay chúng ta chưa có những chuẩn mực tốt để đánh giá.

.

Nói tóm lại, dự án đào tạo này khá lãng mạn. Đứng trên phương diện ngân sách, tôi nghĩ 14 ngàn tỉ đồng không thể đủ để đào tạo 10 ngàn tiến sĩ ở nước ngoài được (chứ chưa nói đến chi phí đào tạo ở trong nước).

Xin trích bình luận của Gs Nguyễn Xuân Hãn mà cũng là nhận định của nhiều người quan tâm: “Trong 65 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước bè bạn và nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong nước, đến nay ta mới có khoảng 15.000 tiến sĩ (trong đó có khoảng 5.000 tiến sĩ từ nước ngoài về). Vậy trong vòng 10 năm nữa làm sao có thể đào tạo 20.000 tiến sĩ?”

NVT

====

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Khoa-giao/124754/14000-ti-dong-de-dao-tao-20000-tien-si.html

14.000 tỉ đồng để đào tạo 20.000 tiến sĩ

Đó là một trong những nội dung của đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đề án, sẽ đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Cụ thể, từ năm 2010 đến 2013 mỗi năm tuyển chọn từ 800 -1.200 nghiên cứu sinh; từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1.300-1.500 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2010 đến năm 2013 mỗi năm tuyển chọn 300-350 người; từ năm 2014 trở đi bình quân mỗi năm tuyển chọn 450 người.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước. Cụ thể, từ 2010 đến 2015 mỗi năm tuyển chọn 1.200-1.500 nghiên cứu sinh; từ năm 2016 bình quân mỗi năm tuyển chọn 1.500 nghiên cứu sinh.

Đối tượng tuyển chọn đào tạo tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên; những người có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sau khi được đào tạo, độ tuổi không quá 45.

Theo quyết định, sẽ thực hiện ba phương thức đào tạo gồm: đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo theo hình thức phối hợp, một phần thời gian ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài; đào tạo toàn thời gian ở trong nước, trong đó có thời gian thực tập nghiên cứu ở nước ngoài.

Vế ngành đào tạo, ưu tiên các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng. Trong đó đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%, đào tạo phối hợp khoảng 14%; đào tạo trong nước khoảng 20%; đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước 2%.

.

.

.

No comments:

Post a Comment