Friday, May 21, 2010

XÃ HỘI CỦA NHỮNG THI SĨ CHẾT ?

Xã Hội Của Những Thi Sĩ Chết ?

Đặng Thị Thanh Chi

Tháng Năm 21, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/05/21/xa-hoi-cu-nhung-thi-si-chet/

… Có những thời khoản ta cần cẩn thận, nhưng cũng có thời khoản cần ta dám cùng nhau thẳng người thách đố, làm chứng nhân của sự thật bất hạnh đang diễn ra trên đất nước của chính mình…

*

Tôi thường khó ngủ trên phi cơ. Trên màn ảnh nhỏ, một cuốn phim cũ. “Dead Poets’ Society“, tài tử Robin Williams. Tôi vẫn thích phim anh này. Truyện phim: một thầy giáo, thuở nhỏ từng theo học ở một trường nội trú của nam sinh, đa số con nhà khá giả và học giỏi. Khi tốt nghiệp ngành sư phạm, anh trở lại dạy môn văn chương tại trường cũ của mình. Anh này dạy không theo quy cách cổ điển, không chủ trương dạy học trò học từ chương, nô lệ chữ nghĩa, “rập khuôn” theo những gì “sách nói”. Dùng nhiều cách mới lạ, ông thầy thách đố khả năng phân tích, phán xét của học trò, khuyến khích trí tuệ của những thanh niên trẻ tự do phát triển và sáng tạo. Tỉ như một buổi sáng, ông thầy bắt học trò ra sân đi bách bộ, và ông bảo 1 người, 2 người, rồi 3 người học trò ra giữa sân đi tới lui cho các bạn khác đứng vòng quanh xem. Khi mới bắt đầu, ai cũng ngượng ngập nhưng mỗi người đều có dáng đi riêng của mình nhưng sau một ít lâu, cả ba không hẹn mà chợt đi cùng nhịp bước như nhau, lại có dáng điệu phe phẩy tay, chân bắt chươc nhau. Cả ba lúc bấy giờ bước rất ngang nhiên, chẳng còn e dè, mất tự nhiên của lúc ban đầu, nhưng đồng thời cũng không còn hình tướng đi cá biệt của mỗi người như trước nữa. Các bạn đồng lớp hòa nhau vỗ tay, nhịp bước cho cả 3 đang đi nhịp nhàng theo cùng một điệu bộ. Đáng gẫm thay cái tính con người ta, dễ có khuynh hướng làm theo cái mà có nhiều người chung quanh mình làm, nhất là những gì được mọi người khác chấp nhận thì mình càng yên tâm mà làm, chẳng cần đắn đo tìm hiểu. Cái khó là làm thế nào để giữ vững những gì mình tin tưởng, những gì cá biệt đặc thù của mình. Nguy hiểm thay sự hay làm theo kẻ khác, theo những tư tưởng của kẻ khác, theo khuôn mẫu định sẵn của xã hội, thành những thói quen không hề cần phải hiểu vì đâu … miễn sao hợp với “thủ tục”, để có được sự bằng lòng, chấp nhận của những người quanh mình. Trong một xã hội cộng sản, người ta chủ trương nhào nặn những con người không cần có bản sắc đặc thù của cá nhân, chỉ cần rập khuôn theo, làm theo y hệt những gì được tuyên truyền, được cho phép; một thế giới đại đồng, không còn biên giới phân biệt, không còn đặc thù dân tộc, quê hương…. Tất cả vì một chủ nghĩa: vì quốc tế cộng sản. Và người ta áp đặt cái chung vào cái riêng: “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” … Việc giữ vững những gì mình tin tưởng khi quanh mình người ta nghĩ khác, làm khác là một sự khó khăn, đầy tính thách đố. Làm thế nào giữ được những tư tưởng của chính mình khi quanh mình người ta luôn dạy mình phải nghĩ, phải làm, phải theo, phải đồng ý theo cùng một hệ tư tưởng như người ta ?. Con người thuận lẽ thiên nhiên của tạo hoá sinh ra đều có sắc thái riêng, phân định mỗi người là một cá thể khác biệt. Liệu những phương sách đàn áp, khống chế, lối giáo dục nhồi sọ của chủ nghĩa cộng sản có thành công trong việc tẩy não quyền tự do tư duy, hành xử độc lập của con người không nhỉ ? Liệu ta sống trong một môi trường mà bấy lâu ai cũng chỉ biết nghĩ cùng một chiều, hiểu cùng một cách, học cùng một sách, làm theo cùng những chỉ thị … thì có đánh mất hẳn những cái đặc thù gọi là “ta” không nhỉ ? Có lẽ không hẳn. Nếu có một lúc nào đó, người ta ngừng những điều người ta đang làm theo một cách vô thức, để thử suy nghĩ vì sao ta lại thay đổi dáng đi, lối đứng, cách nói, thói nghĩ … chỉ để giống đa số những kẻ vô ý thức quanh mình ? Tại sao ta cùng đi như người khác, làm theo như người khác ? và tại sao những người đứng bàng quang ở quanh ta lại cùng vỗ tay, hòa nhịp điệu cổ võ khi ta không còn là ta ở giữa đám đông ? Có lẽ khi chủ động suy gẫm, người ta sẽ ý thức hơn trong hành xử của mình, và sẽ tự chọn cho mình một lối đi, một phong thái riêng biệt, không bị ảnh hưởng bởi người khác. Hãy ngừng lại để ý thức và chủ động trong hành động của mình. Hãy tự định lấy lối đi riêng của chính mình!

Cái “ta” tiềm ẩn sẽ phải có lúc bừng tỉnh, để vượt thoát lên trên cái khuôn mẫu đồng dạng rẫy đầy ở quanh ta, để tìm lại cái “ta” chủ thể. Nền giáo dục trong nước hiện nay chủ trương huỷ diệt khả năng tư duy. Với phương thức giáo dục tuỳ tiện và áp đặt, sinh viên học sinh không có điều kiện thông tin, tìm hiểu để đối chiếu, và không được đào tạo để có khả năng tự suy nghĩ, tự phân tích mà phải rập khuôn giáo điều do sự nhồi nhét nhiều năm. Gẫm lại, tôi nhớ trong phim có đoạn ông thầy bảo một học trò đọc lên cho cả lớp nghe phần định nghĩa thế nào là một bài thơ hay, trích từ một quyển sách giáo khoa nổi tiếng. Tôi nhớ thoáng cái định nghĩa đó cho rằng một bài thơ hay là vì nội dung có hai yếu tố: sự quan trọng của vật / việc được miêu tả, và cách thức miêu tả. Đó là hai yếu tố định đoạt tầm quan trọng và giá trị của một bài thơ. Khi học trò đọc xong phần định nghĩa ấy, thì thầy bảo học trò hãy xé trang sách với những giòng định nghĩa đó đi. Cả lớp còn ngơ ngác, ái ngại, tiếc sách, nhưng thấy thầy dục mãi, để cuối cùng, mỗi học trò đều dang tay xé toạc những giòng chữ “vàng ngọc” mẫu mực thời bấy giờ của quyển sách giáo khoa nổi tiếng đương thời. Lúc bấy giờ, thầy mới dạy học trò rằng khi học thơ, đọc thơ phải biết cảm nhận những rung động của chính mình, và những suy tư, cảm xúc dấy lên tự lòng mình, trong lòng người đọc, qua các giòng chữ, qua cách dùng từ, lối diễn đạt của tác giả … và sự rung động đó là thước đo đúng đắn nhất cái hay của mỗi bài thơ. Không thể thấy thơ hay vì nó là bài ai cũng thấy hay, hoặc vì nó được viết bởi tác giả nổi tiếng, (mà mọi người đều chấp nhận và được cho phép in vì nó ca tụng đúng theo “quan điểm”, “chính sách”) và cũng không thể thấy nó hay vì nó hợp đúng với cái định nghĩa ở trên. Ngày nay, còn bao nhiêu thầy cô trong nước mang thiên chức của những kẻ khai tâm chân chính, bao nhiêu nhà giáo dục có cái đởm lược như ông thầy giáo trong truyện phim kia, để dám đặt nghi vấn những điều họ đang giảng dạy, để dám đào tạo thế hệ rường cột của nước nhà có được sự tự do trong suy nghĩ, để biết tự thẩm định lấy giá trị của những tư tưởng đang được truyền bá, để dám gạt bỏ thói học từ chương, học rập khuôn mà không thật hiểu những điều mình đang nhai lại … ? Sự cảnh tỉnh học trò của ông thầy giáo về định nghĩa thế nào là một bài thơ hay còn nhắc nhở tôi một điều quan trọng khác. Đó là giá trị của những cảm xúc. Chúng ta đọc thơ văn, và biết thưởng thức nghệ thuật, vì chúng ta là loài người, có tình cảm, biết xúc động, biết cảm nhận những cái hay, cái đẹp, cái khốn khó, cái đáng thương, cái vui, cái khổ của mọi vật, mọi việc quanh mình. Hãy dám sống thật với những cảm xúc của mình, với những suy nghĩ thực của mình, vì đó là một sự cần thiết. Nhất là trong một xã hội đầy dẫy bất công như ở Việt Nam nước ta.

Những tác phẩm nghệ thuật để đời đều là những sáng tạo hoàn toàn khởi sự và hoàn tất dựa trên quyền tự do cảm nhận và tự do sáng tạo của con người. Những sáng tác nghệ thuật, vì thế, không thể thiếu ánh sáng của tự do. Những kẻ cầm quyền trong nước muốn tước đoạt cái quyền tự do thiêng liêng ấy của những nhà thơ, nhà văn, những nghệ sĩ chân chính thì kết quả vẫn còn đó: Nhân Văn, Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu … những tiếng nói qua bao nhiêu thăng trầm của Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Phùng Cung; của những Văn Cao, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ; của những Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, Dương Thu Hương … muôn đời là những minh chứng cho cái quyền bất khả xâm phạm ấy của loài người có và còn cảm xúc. Những ai tự nhận mình là những nghệ sĩ thì phải thực sự dám sống và hành xử như những”free-thinkers”; có nghĩa là họ phải có quyền tự do cảm nhận, tự do tư duy, tự do diễn đạt, để từ đó mới có thể nói đến việc có hay không một nền văn học nghệ thuật tự do thực sự. Ngày nay trên đất nước ta, có bao nhiêu người “free thinkers” như thế ? và có được bao người được sống và được nói, được viết, được sáng tạo mà không bị trù dập, quản chế, hà hiếp, hay xúc phạm bằng hình thức này hay hình thức khác ? Cái thời của “Những Thằng Nịnh Hót”, tác phẩm của Maiakovski có thể nào hiện hữu trên nước ta sau gần 50 năm sự thật của chủ nghĩa đã phơi bày ? Đã đến lúc ta cần nhớ đến những Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương … để tự nhắc nhở mình.

Trở lại truyện phim, một hôm, thầy giáo chợt trèo lên bàn đứng nhìn xuống những cậu học trò của mình. Học trò không hiểu thầy muốn làm gì, và nhao nhao lên hỏi. Thầy bảo: “phải luôn luôn khai phá, nhìn mọi sự bằng cặp mắt mới, từ góc cạnh mới. Không bao giờ suy xét một vật gì, một việc gì dưới cái nhìn chung của thói quen, của mọi người khác, mà tự mình phải dám nhìn vào sự vật từ mọi góc độ, bằng cách mới lạ luôn luôn, bằng chính mắt của mình“. Thật là một lời khuyến dạy hữu ích. Thầy tự tách mình ra khỏi mọi người, trèo đứng trên bàn, thay vì trên sàn, để nhìn từ tọa độ trên cao xem học trò và mọi vật trong lớp có điều gì khác chăng ? Ngày nay, người ta dễ mấy ai đã dám chọn cho mình một thế đứng, để suy xét sự việc bằng chính lý trí và lương tâm của mình để có những hành xử cần thiết. Ta phải luôn luôn tự tìm lấy và tìm lại tiếng nói của chính mình. Như lời thơ nhắc nhở của Hữu Loan “ngay giữa thời nô lệ, là người, chúng ta không ai biết cúi đầu“. Dĩ nhiên, hệ qủa của sự lựa chọn sống đúng với nhân vị của mỗi người đều có những cái giá phải trả, khi có cả một hệ thống luôn cấm đoán, trù dập đàn áp những ai dám nói trái với điều được phép nói, dám nhìn vào sự việc bị cấm nhìn, và dám nghĩ những điều không được nghĩ. Khi làm rập khuôn theo “đường lối, chính sách” thì :

“quân nịnh tha hồ lên cấp
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm thằng gian khổ

Những ai không nịnh hót
Đi, mang cao liêm sỉ con người
Chúng gieo họa, gieo tai
kiểm thảo,
hạ tầng…
Còn quy là phản động…”

Trong truyện phim cũng không ngoại lệ, nhưng rất may, kết cục lại mở ra cho ta một tia hy vọng, một chút ánh sáng soi rọi từ lương tâm con người: vì được cả trường biết đến như một nhà giáo luôn khuyến khích học trò tìm tòi, suy nghĩ tự do, không theo lề thói cổ điển, mà luôn khai phá, sáng tạo, sống thật với suy nghĩ của mình, hành động đúng với khát vọng của mình, nên khi có một học trò của ông tự tử chết vì có ông bố nghiêm khắc, bắt anh theo học ngành y trong khi năng khiếu của anh thiên về nghệ thuật, kịch ảnh, thì nhà trường đã quy trách nhiệm cho ông giáo, và dùng ông như một loại dê tế thần để giữ lại thanh danh của nhà trường với phụ huynh, và tạo áp suất để những học trò thân cận nhất với ông phải ký tên vào thư xác nhận ông là người có trách nhiệm trước sự tự vẫn của người học trò vắn số. Dư luận nhà trường, phụ huynh, thầy cô, học trò lên án xôn xao. Và nhà trường có đủ lý cớ đuổi ông. Khi ông trở vào lớp lần cuối để thu dọn vật dụng cá nhân, vị hiệu trưởng đang đích thân dạy học trò lớp ông; và khi ông sắp bước ra khỏi lớp, một cậu học trò thường khi rất nhút nhát, rất e ngại nói lên sự suy nghĩ của mình trước đám bạn bè, bỗng đứng dậy vừa nói vừa rơi nước mắt hối hận: “người ta làm thế là sai với sự thật. Thầy chẳng có lỗi gì, em xin lỗi thầy vì em đã không dám nói lên sự thật“. (Thật là một sự hối lỗi cần thiết và quý thay). Vị hiệu trưởng quát tháo bắt anh im và ngồi ngay xuống. Anh nghẹn ngào im lặng, một lúc anh chợt trèo lên bàn đứng nhìn xuống ông thầy cũ và các bạn mình. Bỗng lần lượt, các học trò khác, từng người, từng người, trèo đứng lên bàn của mình, nhìn xuống sự vật đang diễn ra, và như một hình thức đưa tiễn thầy lần cuối, mặc cho ông hiệu trưởng ngạc nhiên vì không hiểu ý nghĩa của hành động đứng trên bàn nhìn xuống lớp của đám học trò. Ông quát tháo hỏi “các anh làm gì thế, ngồi ngay xuống“. Vẫn có một số học trò sợ hãi nên đã ngồi yên không dám đứng lên bàn như các bạn của mình, chỉ biết cúi gầm đầu không dám nhìn thầy mình. Vị thầy cũ, nhìn lên đám học trò đang đứng thẳng người trên bàn, mỉm cười bảo họ, “bây giờ thì tôi tin tưởng và kỳ vọng vào các anh. Xin cảm ơn tất cả“. Và ông ung dung bước ra khỏi lớp. Phim chấm dứt ở đây. Cảm động ? Cảm động thật ! Hy vọng ? Hy vọng chứ ! Ngày nay, trên quê hương chúng ta có biết bao việc trái với sự thật, biết bao sự vu cáo, bắt bớ oan trái, sử xự tồi tàn mà kẻ cầm quyền giáng xuống đầu những người lương thiện. Và có được bao nhiêu người dám tách ra khỏi đám đông bình thường để vượt lên trên và can đảm nhìn ra tương lai thật sự của đất nước bằng cặp mắt của lương tâm ? Bao nhiêu người dám vất những hèn nhát, ích kỷ lo riêng cho thân mình ở dưới chân, để làm chứng nhân cho sự thật ? để nói lên tiếng nói của công lý loài người ? Những án tù và lệnh quản chế và hằng trăm oan trái bất công khác đang diễn ra ngày đêm nơi quê nhà, ai là người dám bứt rời ra khỏi cuộc đời làm nô lệ, để can đảm đứng lên làm chủ lấy cuộc sống của chính mình, để nói lên tiếng nói công tâm ?. Như lời Hoàng Cầm thúc giục, ta không thể không chủ động suy nghĩ, đối chiếu. Phải thức tỉnh sau bao nhiêu năm ngủ kỹ đã quen:

Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời,
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim …

Có những thời khoản ta cần cẩn thận, nhưng cũng có thời khoản cần ta dám cùng nhau thẳng người thách đố, làm chứng nhân của sự thật bất hạnh đang diễn ra trên đất nước của chính mình.

Tôi bước xuống phi cơ mà trong đầu vẫn nghĩ đến đoạn kết của truyện phim “Dead Poets’ Society”, tạm dịch là “Xã Hội của Những Thi Sĩ Đã Chết”, hay “Hội của Những Thi Sĩ Chết” . Ông thầy dạy học trò về thơ văn, nhưng thực chất ông muốn đào tạo một thế hệ thanh niên trở thành những “free thinkers”, những “người tự do suy nghĩ “. Ông từng khẳng định với một đồng nghiệp “tôi không dạy ai trở thành nghệ sĩ (artists), tôi đang muốn nhằm đào tạo những kẻ có khả năng tư duy“. Và với đoạn kết “có hậu” ấy, người đang “xem phim” như chúng ta bừng tỉnh. Bừng tỉnh để nhìn về tương lai đất nước mà hy vọng sẽ có một thế hệ trẻ đầy hy vọng, sẽ ngạo nghễ đứng lên, thoát ra khuôn mẫu người ta muốn áp đặt cho mình, để thẳng người bước vào cuộc hành trình như những con người sống chân chính, có khả năng cảm xúc, có khả năng tư duy, khả năng phơi bày những sự thể như là, và khả năng tạo dựng mầm hy vọng. Trên thế giới yêu chuộng tự do dân chủ ngày nay và trên đất nước chúng ta, vẫn và sẽ phải còn rất nhiều những con người sống mang tâm hồn của những nghệ sĩ, những người tự do suy nghĩ, những “free thinkers”, để không uốn lưỡi cong, để không quỵ gối, khòm lưng, để không theo khuôn thói tầm thường, để dám nhìn thẳng và nói lời thành thật. Xã hội đất nước chúng ta chỉ còn những con người đang chết dần mòn hay những con người sống chân chính, dám suy nghĩ chủ động và tích cực để có những quyết định tự quyết về cuộc sống của chính mình ???

Hãy dám cảm nhận bằng xúc cảm của một con người, để từ đó dám nhìn vào sự thật, và dám chọn cho mình một lối đi riêng ! Hay thay, thông điệp của một cuốn phim.

Đặng Thị Thanh Chi

.

.

.

No comments:

Post a Comment