Monday, May 31, 2010

VĂN HỌC TỰ SƯỚNG là VĂN HỌC VIỄN TƯỞNG VIỆT NAM

Thì ra, “văn học tự sướng” là... “văn học viễn tưởng Việt Nam”!
Nguyễn Tôn Hiệt

31.05.2010

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=BCC93DE2094B2279BF31B38D9C2EC2F6?action=viewArtwork&artworkId=10668

Đọc xong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” trên báo Công An Nhân Dân ngày 17-05-2010, tại hạ giựt mình. Té ra ông Hồ Chí Minh là “cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”! Ai khẳng định vậy cà? Một ông nghè tên là Ngô Tự Lập đã khẳng định như vậy đó.

Tại hạ thấy ông nghè Lập trước kia đã khăn gói sang du học ở Mỹ, nay trở về nước, tưởng sẽ đem cái kiến văn bác dật mà soi sáng chốn văn học ao làng, ngờ đâu ông nghè lại cũng nhập vô phường văn công hát xẩm. Tưởng ông nghè Lập phát hiện cái gì mới mẻ lắm, té ra ông cũng chỉ nhai lại cái bã mía. Chán thiệt!

.

Đây, đầu đuôi cái bã mía như vầy:

.

Cách đây hai năm, vào ngày 07-05-2008, trên báo Hậu Giang, trong bài “Bác Hồ tiên đoán trận chiến Điện Biên Phủ” của Quỳnh Nga đã có đoạn:

{... tháng 6-1949, “Trận cuối cùng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán khi Người viết tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” với bút danh Trần Lực, Tổng bộ Việt Minh xuất bản. Với sự nhạy cảm tuyệt vời, Người đã hình dung trận đánh cuối cùng mà “Theo kế hoạch của giặc thì trận ấy phải là một trận khủng khiếp nhất, nhưng là khủng khiếp cho giặc”, Người dự đoán trận ấy “Hơn một vạn giặc chết và bị thương” chưa kể các chiến trường khác.}

.

Ngày 22-10-2008, trên báo Văn Nghệ Quân Đội, trong bài “Giấc ngủ mười năm”, Nguyễn Cao Sinh đã viết:

{Câu chuyện được viết theo bút pháp, mà các nhà phê bình văn học gọi là “bút pháp huyền thoại”, “bút pháp giả tưởng”... đã thể hiện một niềm tin chắc chắn, một niềm lạc quan phơi phới về sự tất thắng của cuộc kháng chiến, về một tiền đồ tươi sáng của đất nước ta sẽ “tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới”. Đứng trên quan điểm lịch sử, đặt câu chuyện vào thời điểm năm 1949 chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo thiên tài của tác phẩm.}

.

Ngày 22-01-2009, trên báo Nhân Dân, trong bài “'Giấc ngủ mười năm' nhân sáu” [Xin lưu ý: link này của báo Nhân Dân có cài virus!] của Hà Đăng đã có câu:

{Thập niên 50 của thế kỷ trước ứng nghiệm với những lời tiên đoán diệu kỳ của Bác Hồ trong “Giấc ngủ mười năm”.}

.

Ngày 26-03-2009, Báo Điện tử ĐCSVN, trong mục “Tư liệu về Đảng”, có câu:

{Với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Giấc ngủ mười năm”, một truyện ngắn mang tính chất viễn tưởng.}

.

Ngày 29-05-2009, bài “Lửa tháng năm” của Trường An trên tạp chí Sông Hương có câu:

{Đến tháng 6.1949, trong bài viết “Giấc ngủ mười năm”, ký tên Trần Lực, do Tổng Bộ Việt Minh xuất bản, Người đã dự đoán sẽ có trận cuối cùng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp}

.

Vậy mà cho tới ngày 17-05-2010, trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” trên báo Công An Nhân Dân, ông nghè Lập mới phát hiện và khẳng định rằng:

{“Con người biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam. Nhưng điều còn kỳ lạ hơn cả tính viễn tưởng là tính tiên tri của nó.}

{Cũng giống như “Con người biết mùi hun khói”, truyện “Giấc ngủ mười năm” có tính tiên tri lạ lùng.}

Thế mới biết cái học quảng bác Âu Mĩ của ông nghè đã được đem về ứng dụng ở quê nhà “sáng tạo” biết chừng nào. Thiệt là đáng nể!

.

Đọc bài của ông nghè Lập, tại hạ tá hoả tam tinh, vì trước nay tại hạ cứ tưởng sấm Trạng Trình là loại văn học viễn tưởng, mà té ra không phải! Chán thiệt! Theo như ông nghè Lập khẳng định thì Hồ Chí Minh mới là “cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”! Vậy là sấm Trạng Trình đi đoong!

.

Trong bài “Sấm Trạng Trình” trên Wikipedia, có người đã viết:

{Sấm Trạng Trình được người đời xem như là một lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về tương lai. Có rất nhiều điểm trùng khớp với lịch sử mà nổi nhất là tên nước Việt Nam, vì thời điểm của ông thì Việt Nam không có quốc hiệu này (mà là Đại Việt và trước đó là Đại Ngu). Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng vận dụng Thái Ất thần kinh (hiện đã thất truyền), để đưa ra các tiên đoán của mình về thời cuộc để mong biết được vận mệnh, nhân tình thế thái nhằm ứng xử sao cho ích lợi cả đôi đường. Hơn nữa, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại còn được học từ Lương Đắc Bằng, một người tinh thông lý số.}

Về những điều mà Sấm Trạng Trình đã ứng nghiệm với tương lai, người ta nhận xét:

{Việt nam khởi tổ gây nên: 300 năm sau, tên nước ta là Nam Việt, sau đó trở thành Việt Nam.}

{Bao giờ trúc mọc qua sông, Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây: Vào thời Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị đem quân Thanh sang cướp nước Nam. Khi đến Thăng Long thành, Tôn Sĩ Nghị cho quân sĩ bắc một chiếc cầu nổi bằng tre ngang sông Hồng Hà. Sau khi dẹp được giặc nhà Thanh một cách oai hùng ở trận Ðống Ða, Nguyễn Huệ xưng là Quang Trung Hoàng Ðế (nhiều người cho rằng non Tây là chỉ nhà Tây Sơn).}

Ai viết những điều này trên Wikipedia thì nên xoá đi, vì cớ sao mà lại dám đề cao Trạng Trình như vậy! Ông nghè Lập đã khẳng định: Hồ Chí Minh mới là “cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”! Trạng Trình đi chỗ khác chơi là vừa!

*

Hồi nãy giờ tại hạ viết ào ào một hơi, quên béng là từ năm 1990 trong cuốn Thiên đàng treo đứt dây xuất bản ở Mỹ, nhà văn Xuân Vũ đã viết:

{Do đó tác giả đặt tên quyển truyện là “Giấc Ngủ Mười Năm”. Tác giả hàm ý rằng cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta sẽ kết thúc trong vòng mười năm và từ đó toàn dân sẽ sống cảnh thiên đàng. Nhà văn Trần Lực đã tiên tri trúng phóc. 1945-1955 không mười năm là gì? Phải chăng ông ta là Khổng Minh tái thế?} (trích truyện ngắn “Giấc Ngủ 30 Năm” của Xuân Vũ).

.

Trần Lực / Hồ Chí Minh viết truyện “Giấc ngủ mười năm” vào tháng 6-1949, tính tới 1955 thì chỉ mới 6 năm, nhưng nhà văn Xuân Vũ muốn châm biếm nên đã tính ngược lại từ 1945 cho đủ 10 năm! Tiên tri trúng chóc!

.

Rồi năm 2002, trong cuốn Tôm Hùm Huýt Sáo (tập 1), chương 5, nhà văn Xuân Vũ cũng đã viết:

{Bác Hồ ơi, thức dậy đi, giấc ngủ bác tiên đoán xưa kia là “Mười Năm” (“Giấc ngủ mười năm” xuất bản trong kháng chiến của Trần Lực, chính là của Bác Hồ). Bác đã tiên tri đúng boong!}

.

Nhìn lại đầu đuôi, thì ra nhà văn Xuân Vũ có lẽ mới là người đầu tiên phát hiện cái “tính tiên tri” trong truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm” của Trần Lực / Hồ Chí Minh. Nhưng Xuân Vũ đã phát hiện một cách châm biếm. Vì sao lại châm biếm? Vì ngay trong truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm”, chính tác giả Trần Lực / Hồ Chí Minh đã viết sẵn cái khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” {Xin mời quí vị giở lại truyện “Giấc ngủ mười năm” của Trần Lực mà đọc. Trong đó, Trần Lực có “viễn tưởng” cái khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”}[*]

.

Vậy thì té ra cái truyện “viễn tưởng” đầy tính “tiên tri” này chẳng qua chỉ là cái truyện do Hồ Chí Minh (đứng đằng sau cái tên Trần Lực) viết ra để mơ đến ngày kháng chiến thành công, và (sẵn tiện!) tuyên truyền cái khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!” (cho nó “khách quan”!)

.

Tháng 6-1949, Hồ Chí Minh đã dùng bút danh Trần Lực viết truyện “Giấc ngủ mười năm” để “tiên tri” cái khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!” Sau này, ông lại dùng bút danh Trần Dân Tiên để thần thánh hoá cá nhân “Bác”. Tại hạ tưởng nên gọi cái loại “văn học” này là loại “văn học tự sướng”. Nhưng ông nghè Ngô Tự Lập lại cùng với ban hợp xướng văn công ca ngợi đó là “văn học viễn tưởng Việt Nam” và tôn vinh ông Hồ là “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, thì tại hạ đành bái phục vậy!

.

-------------------------------------

.

[*]Ở chú thích số 33, trong cuốn Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh (chương 5) của Lữ Phương có ghi rõ:

Trần Lực: “Giấc ngủ mười năm”, Tổng bộ Việt Minh xuất bản, Việt Bắc, 1949. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, tr. 605-623). Trong truyện ngắn này, có khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”

.

.

.

No comments:

Post a Comment