Tự do báo chí ở Đông Nam Á: thách thức và hy vọng
Thứ ba 04 Tháng Năm 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100504-tu-do-bao-chi-o-dong-nam-a-thach-thuc-va-hy-vong
Kể từ năm 1993 đến nay, ngày 3/5 được chọn là ngày tự do báo chí thế giới. Đây không chỉ là dịp để dư luận nhìn nhận tầm quan trọng của tự do báo chí, mà còn để nhắc nhở mọi người về những mối nguy hiểm của nhà báo khi họ đem thông tin đến cho công chúng. Trang báo mạng Asia Sentinel dịp này có bài viết đề cập đến tình hình tự do báo chí ở Đông Nam Á.
.
Tác giả bài báo nhận thấy Ngày tự do báo chí năm nay là một dịp cực kỳ quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, trong lúc mà Hiệp hội các nước trong khu vực này vừa mới có được một cơ quan nhân quyền. Điều này đang mở ra những hy vọng và cả những thách thức đối với các chính phủ cũng như cộng đồng công chúng trong khu vực về các vấn đề liên quan đến quyền tự do và tính độc lập của truyền thông.
.
Với các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong khu vực, như cuộc bầu cử ở Miến Điện, Philippines, những tranh luận về bài bác tôn giáo ở Mailaisia và Indonesia, hay cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan rồi đến vấn đề chủ quyền quốc gia của Việt Nam v.v.. Tất cả những sự kiện đó là dịp để trắc nghiệm thêm giá trị căn bản tự do báo chí.
.
Theo bài báo, trong khắp khu vực Đông Nam Á, rất nhiều các nhà báo và những người làm truyền thông đang phải chịu những đe dọa về thân thể, bị đày đọa bắt giam hay hãm hại bởi chính công cụ luật pháp ngay trong đất nước của họ. Không chỉ có các nhà báo mà còn cả những người bảo vệ họ là các luật sư hay những nhà hoạt động nhân quyền cũng bị ở trong hoàn cảnh tương tự.
.
Ở những nước như Việt Nam, Lào, Miến Điện, Malaisia, Singapore các nhà báo luôn bị răn đe, ức chế bởi những đạo luật an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, chống khủng bố, rồi các vấn đề nhạy cảm chính trị hay tôn giáo.
Tất cả các điều luật đó đang được các quốc gia nói trên áp dụng với mục đích ngăn chặn làn sóng thông tin đang rất phong phú và dễ tiếp cận hơn, bởi sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mới ra đời. Theo tác giả bài báo, kỷ nguyên kỹ thuật số đã giúp cho báo chí, truyền thông và tiếp cận thông tin phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời nó lại khiến cho các chính phủ ngày càng cố gắng kiểm soát thông tin một cách dữ dội hơn.
.
Những tiếng nói tự do bị đe dọa, uy hiếp. Trong khi đó chính phủ, hay những nhóm chính trị lại sử dụng báo chí làm công cụ để tuyên truyền một chiều hay để hạ gục đối thủ của mình. Tác giả dẫn ra trường hợp ở Thái Lan trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thay vì khuyến khích, động viên tính độc lập đa dạng, các lực lượng đối lập ở Thái lan lại dùng truyền thông như là một thứ vũ khí để triệt hạ đối thủ.
.
Tác giả bài báo nhắc lại rằng, việc có "Ngày tự do báo chí" không phải để cho giới làm truyền thông trên thế giới kêu ca kể khổ. Đây phải là dịp để những người làm báo ở Đông Nam Á khẳng định vai trò của mình trong xã hội, với hy vọng bảo vệ, thúc đẩy tự do ngôn luận và quyền được tiếp cận thông tin ở tất cả mọi nước.
.
Cuối cùng, bài báo đưa ra kết luận rằng, nhân ngày tự do báo chí này, lãnh đạo của Asean nên để thời gian một chút để nhìn nhận lại những điều đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ lâu nay một cách chính thức đó là : Không có tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin thì tất các nỗ lực để phát triển và điều hành sẽ bị cản trở và dẫn đến thất bại. Không có minh bạch hóa, đa chiều và độc lập của truyền thông, thì sẽ dẫn đến kết cục lãnh đạo thì tha hóa tham nhũng, còn người dân thì sẽ bị ngăn cản tham gia vào việc xây dựng chính cuộc sống của họ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment